Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀNH HƯƠNG ĐẾN PHÁO ĐÀI BẢY THÁP YADIKULE

(NCTG) “Một chuyến “hành hương” đáng nhớ. Tôi định sau chuyến đi này sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của những con người đã hy sinh cho tự do của đất nước mà tôi đang sống…”.

Hành hương đến Pháo đài Bảy tháp, nơi giam giữ các nhà ái quốc Hung thế kỷ 16-17

Từ Budapest, chỉ chưa đầy hai giờ bay, chúng tôi đã tới Istanbul, thủ đô Constantinople của Đế chế La Mã phương Đông rực rỡ và cũng là kinh thành của Đế quốc Osman hùng mạnh một thời, từng đánh Đông chinh Tây suốt gần năm thế kỷ (1453-1922), nay là Istanbul, thủ đô của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Cá nhân tôi, từ lâu mong ước được đến thành phố nằm trên hai châu lục, nơi hội tụ hai dòng chảy văn hóa Đông - Tây, đa dạng và kỳ bí này. Khao khát ấy càng thôi thúc hơn sau khi tôi dịch xong tiểu thuyết “Bảo tàng ngây thơ” (The museum of Innocence) của Orhan Pamuk. Cũng như Kertész Imre, ông là nhà văn Thổ duy nhất đoạt giải Nobel Văn chương (2006), tiểu thuyết gia được Tom Holland đánh giá: “Người phương Tây chúng ta chỉ còn biết tạ ơn trời rằng trên đời có một tiếu thuyết gia như Orhan Pamuk tồn tại, để làm cầu nối giữa chúng ta với một nền văn hóa khác, thuộc một di sản cũng giàu có như của chúng ta vậy”. (“Daily Telegraph”).
 
Cả đoàn hăng hái cuốc bộ dưới trời nắng rát hành hương tới Yadikule

Tôi muốn được đặt chân trên những phố xá tấp nập người đi như nước chảy, những con hẻm dốc nhỏ quanh co, những bậc thang ẩm mốc đã mòn vẹt theo thời gian mà Kemal (nhân vật chính của tiểu thuyết này) để hiểu thêm về nước Thổ, về câu chuyện tình đầy lãng mạn và bi thương của anh.

Về những thánh đường kỳ vĩ và lộng lẫy gây choáng ngợp như Thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia khởi xây từ đầu thế kỷ thứ 6, về Thánh đường Sultan Ahmet hùng vĩ xây dựng sau Hagia Sophia một thiên niên kỷ, về những cung điện xa hoa của các Sultan Osman, về vẻ đẹp tuyệt vời của Golden Horn, vịnh Bosphorus, biển Marmara, về sự đông vui náo nhiệt của quảng trường Taksim, phố dạo ăn chơi Istiklâl, khu chợ Grand Bazar v.v… báo chí và các trang hướng dẫn du lịch đã tốn bao giấy mực và đằng nào du khách cũng phải tận thấy mới cảm nhận hết được, tôi xin không nhắc lại.
 

Tường thành dài mấy cây số dẫn đến Pháo đài Bảy tháp Yadikule

Chỉ xin kể đôi chút Pháo đài Bảy tháp Yadikule, một địa danh lịch sử liên quan nhiều đến Hungary, khi nhắc đến Yadikule người Hung nào cũng thấy nhói lên xúc cảm, vừa đau đớn xót xa, vừa kiêu hãnh tự hào.

Thực ra trong chuyến đi thăm Istanbul lần này, đến thăm pháo đài Bảy tháp không nằm trong chương trình dự định của chúng tôi. Tới Istanbul ngày thứ hai, ngay sau khi post một bức ảnh lên FB, tôi đọc được comment của TS. Nguyễn Quốc Bình, một người bạn cũ từng là nghiên cứu sinh Hungary. Tuy ở Hung chỉ chừng bốn năm, nhưng anh có nhiều gắn bó với đất nước và con người ở đây, với nguồn có kiến thức khá sâu rộng về lịch sử, về quá khứ bi thương đất nước này. Đặc biệt vị Tiến sĩ Tin học, cựu đại tá này có trí nhớ kỳ lạ và chuẩn xác, rất đáng nể.
 

Lối lên những lỗ chuột giam cầm các nhà ái quốc

Anh nhắn tôi: “Nhớ ghé qua thăm Ngục Bảy Tháp, nơi giam cầm những anh hùng người Hung Török Bálint và Bornemissza Gergely đến chết bác Chung nhé. Năm ngoái em ghé qua Istanbul quá vội, không sao kịp đến được đó để thăm”.

Đọc lời nhắn của anh tôi cảm thấy hơi ngượng, vì mình đã có thời gian ở nước Hung dài gấp gần chục lần so với anh, có biết tới những chiến tích của nhiều thế hệ Hung trong các cuộc chiến tranh ngăn chặn đế quốc Osman tràn sang châu Âu, đã say mê tiểu thuyết lịch sử “Những ngôi sao Eghe” từ khi còn chưa biết một tiếng Hung bẻ nửa. Vậy mà mình chưa nghĩ phải tới địa ngục trần gian Yadicule, nơi đã giam giữ, đày ải các nhà ái quốc Hung qua hàng thế kỷ, trong đó có Török Bálint và Bornemissza Gergely, những nhân vật anh hùng của lịch sử, cũng là nhân vật tiểu thuyết được yêu thích nhất.
 

Địa ngục trần gian Yadikule, Istanbul

Thế là, như thể muốn chuộc lại một lỗi lầm, một sự thờ ơ đáng trách, tôi quyết định sẽ một mình nhảy xe buýt tới Yadikule, dù địa điểm này cách nơi đoàn chúng tôi tá túc khá xa. Nhưng rất ngạc nhiên và vui là khi biết ý đồ đó của tôi, thì mọi người trong đoàn đều hăng hái muốn đi cùng. Ai cũng bảo mình là người sống ở Hung, chịu ơn đất nước Hung nhiều, phải đi chứ, coi như là một chuyến “hành hương” tới viếng những người anh hùng của tổ quốc thứ hai đã và đang dung dưỡng mình.

Cả hội đã quyết định nhảy taxi cho nhanh. Nhưng sau mới biết, trước khi tới pháo đài, bên cạnh đường đi là bức tường thành xây bằng gạch đá dài mấy km. Tay lái ta-xi chẳng biết vô tình hay cố ý ăn bớt một đoạn đường, đã thả chúng tôi xuống cổng chính vào thành cách xa cổng vào Pháo đài cả cây số. Thế là cả hội phải cuốc bộ giữa bãi hoang dưới trời nắng rát để tới pháo đài, vậy mà không một ai phàn nàn, ca cẩm gì.
 

Một buồng giam, chiều dài không đủ một người nằm. Török Bálint, Bornemissza và những tù nhân khác đã bị giam cầm trong những lỗ chuột như thế này

Pháo đài Yadikule nằm ở phía Tây Nam Istanbul, ngay trên bờ biển Marmara (biển Cẩm Thạch), tháp đầu tiên được xây dựng từ thời cổ đại, đến thời Hoàng đế Theodosius (37-395) cho xây dựng thêm hai tháp và xây bao quanh các tháp bằng gạch. Sau này thêm bốn tháp nữa được xây dựng, từ đó mà có tên gọi là Pháo đài Bảy tháp. Sau khi chiếm đươc Constaninople năm 1453, Sultan Mohamed Đệ nhị đã cho sửa chữa các tháp và biến thành một pháo đài kiên cố.

Ngoài chức năng là một pháo đài phòng thủ, nó còn là một ngục thất giam cầm những tù nhân quý tộc, tướng lĩnh cao cấp, các nhà ái quốc của các nước bị quân đội của Đế quốc Osman bắt được trong các trận đánh chinh phục châu Âu. Các tòa tháp khét tiếng này còn được gọi là Tháp máu, giữa lòng tháp có một giếng gọi là Giếng máu (kan-kujutu), trên thành tháp có những khoang trống (tascsukuru) chỉ có một lỗ nhỏ bịt lưới sắt thông ra ngoài để giam các tử tù.
 

Tấm bia tưởng niệm những nhà ái quốc Hungary bị giam cầm tại Pháo đài Bảy tháp

Trước cửa tòa tháp sát cửa ra vào pháo đài là tòa tháp đã giam giữ các tù nhân Hung, năm 2009 “Hội Vì ký ức Hungary trên thế giới” với sự giúp đỡ của gia đình Bornemissza đã cho dựng lên ở cửa tháp một tấm bia tưởng niệm, viết bằng ba thứ tiếng Hung, Thổ và Anh: “Tưởng nhớ Török Bálint, Bornemissza Gergely, Majlád István, Béldi Pál và những tù nhân khác đã bị giam cầm ở nơi xa Tổ quốc, trong Pháo đài Bảy tháp, thế kỷ XVI-XVII”.

Chúng tôi bước lên những bậc thang đá đã mòn vẹt theo thời gian, vào nơi những người anh hùng ái quốc Hungary đã “ngậm mối căm hờn trong cũi sắt”, lòng đầy thương cảm nhớ tới hình ảnh Török Bálint đứng nhìn ra biển ngóng về quê hương trong phim cùng tên với tiểu thuyết nói trên, nhớ tới Bornemissza Gergely tài trí và dũng cảm bị treo cổ tại đây khi mới 29 tuổi…
 

“Giếng máu” giữa lòng ngục thất Pháo đài Bảy tháp


Trò chuyện với các bạn Thổ về ngục thất Yadikule

Một chuyến “hành hương” đáng nhớ. Tôi định sau chuyến đi này sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của những con người đã hy sinh cho tự do của đất nước mà tôi đang sống. Và như vô tình, khi viết xong những dòng này, tôi với tay lên giá sách, lấy cuốn “Egri csillagok” đặt xuống đầu giường, cuốn sách mà tôi đã đọc từ cách đây mấy chục năm qua bản tiếng Việt “Những ngôi sao Eghe” của dịch giả Lê Xuân Giang. Những ngày tới sẽ đọc lại nó trong nguyên bản.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Giáp Văn Chung, từ Budapest - Ngày 27-8-2014