Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HALLSTATT - NGÔI LÀNG BÊN HỒ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI

(NCTG) “Hòn ngọc của nước Áo”, “ngôi làng đẹp nhất thế giới” là những mỹ từ mà người yêu chuộng du lịch đặt cho Hallstatt, một trong những thị trấn cổ kính và lâu đời nhất Châu Âu, nơi sở hữu cảnh quan phong thủy hữu tình như một thế giới cổ tích chỉ có trong mơ, xứng đáng với danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới do tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc “tấn phong” vào năm 1997.
Hallstatt đẹp cả trong tiết trời u ám
Nghe bản audio tại đây.

Với chưa đầy một ngàn cư dân sinh sống, có thể tản bộ trong vòng nửa tiếng nếu muốn “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng để chiêm ngưỡng và ghi lại những tấm hình kỷ niệm lãng mạn và đáng nhớ nhất, có những du khách đã bỏ ra nhiều ngày ở thị trấn này, nhất là để chớp lấy vô vàn khoảnh khắc đẹp nhất lúc bình minh và chiều tà, khi tất cả trở thành một bức tranh thủy mạc kiều diễm.

Nằm ở tiểu bang Thượng Áo, tọa lạc ở độ cao 511m so với mực nước biển, Hallstatt thuộc vùng du lịch nổi tiếng của nước Áo mang tên Salzkammergut và cách không xa thành phố Salzburg, quê hương của thần đồng, thiên tài âm nhạc Mozart. Cái tên Hallstatt có nguồn gốc từ nền văn hóa Hallstatt lâu đời, một trung tâm của văn hóa Châu Âu từ thời gian đầu của thời kỳ đồ sắt.

Như thế, muốn hình dung được lịch sử của đô thị này, cần đi ngược thời gian về thế kỷ thứ tám trước Công nguyên. Tuy nhiên, truyền thống làm muối, cái khiến Hallstatt nổi tiếng thời xưa, thì đã có ở đây từ hơn bảy ngàn năm trước: từ Hall trong cái tên Hallstatt có nghĩa là muối, vùng muối, và Hallstatt là nơi có mỏ muối lâu đời nhất thế giới, từ năm 2002 đã được kiến tạo thành một bảo tàng viện.

Thời Trung cổ, có những thời kỳ muối quý hơn vàng và không ít nơi ở Đông Âu, một mỏ muối lớn - như ở Wieliczka ven cố đô Krakow, Ba Lan - đủ khiến một đô thị trở nên giàu có và thị vượng. Đó cũng là trường hợp Hallstatt, ngôi làng rất sung túc vào thế kỷ 14, và tới giờ, muối tinh sản xuất ở Hallstatt là món đồ kỷ niệm, cũng như Bảo tàng muối rất ngoạn mục vẫn để lại ấn tượng cho du khách.
 
Cửa vào mỏ muối lâu đời nhất thế giới
Cửa vào mỏ muối lâu đời nhất thế giới

Tuy nhiên, Hallstatt được biết đến rộng rãi trên thế giới, trước hết không phải vì muối, mà chính bởi cảnh quan thần tiên, nhiều người cho là “độc nhất vô nhị” ở đây. Hàng loạt những ngôi nhà đủ màu sắc, dựa lưng vào núi, mặt kia hướng ra bờ hồ, tạo nên một khung cảnh nên thơ khó tả, và khiến ngôi làng trở nên một địa chỉ du lịch nhất nhì của nước Áo, xứ sở vốn không thiếu những thắng cảnh tuyệt đẹp.

Làng chỉ có một con đường, hẹp để hai chiếc xe tránh nhau cũng khó khăn, nhưng điều này cũng không quá thành vấn đề bởi từ tháng 5 tới tháng 10, xe hơi không được vào làng từ 10h sáng tới 5h chiều, để nhường đường cho khách du lịch lũ lượt đến từ thập phương. Và cho dù có thể đi từ đầu tới cuối làng trong vòng trên dưới nửa tiếng, khó có ai có thể đi quá mươi bước mà không dừng chân chụp hình.

Bởi lẽ, Hallstatt quá đẹp và lạ lùng với những ngôi nhà - đa phần bằng gỗ - áp sát vách núi, có chỗ tầng tầng lớp lớp như ở vùng thượng du với những con đường đi bộ ngoằn ngoèo trên cao, mà vì lý do thiếu chỗ, cây xanh nhiều khi được trồng và uốn sát vào vách nhà như một bức tranh ép. Được điểm tô bởi cỏ cây hoa lá, những ngôi nhà in bóng dưới mặt hồ xanh biếc, đâu đây có bóng thiên nga, tạo nên cảnh quan hết sức thanh bình.
 
Bồng lai tiên cảnh
Bồng lai tiên cảnh

Trong ốc đảo ấy, sự hiện diện của các nhà hàng, quán ăn... xô bồ là rất hạn chế, nên Hallstatt được gìn giữ, tránh được xu thế thương mại hóa của các khu du lịch tiếng tăm. Ngược lại, chỉ trong một ngôi làng nhỏ, mà đã có tới hai nhà thờ cổ kính, một theo dòng Tin Lành - Kháng Cách nằm ngay con phố nhỏ đi bộ, một theo Công giáo cheo leo trên vách núi, khiến bức tranh tổng thể của Hallstatt càng thêm đẹp mắt.

Đặc biệt, trong khuôn viên của khu nhà thờ Công giáo, có một khu vườn nhỏ đồng thời là nghĩa trang, nơi các ngôi mộ được xếp ngay sát nhau vì không có nhiều diện tích đất. Ở đây, có một “ngôi nhà xương”, cất giữ chừng 1.200 xương sọ trang trí hoa văn và khắc ghi tên người quá cố, cũng bởi lẽ do quá thiếu đất nên thời xưa, cứ 10 năm, mộ lại được cải táng để nhường cho người khác, và chỉ giữ lại xương sọ.

Đó cũng là một nét văn hóa đặc trưng của Hallstatt, khi người sống và người đã quá cố, khi quá khứ và hiện tại thường được nhắc đến một cách tự nhiên, không có khoảng cách. Và vẻ đẹp kiều diễm của ngôi làng - khiến du khách có cảm giác như vào một ốc đảo tách biệt với bên ngoài - cũng không khiến nó tránh khỏi những khổ đau: một tượng đài bên vách núi nhắc nhớ rằng, đã có những cư dân Hallstatt ra đi trong hai cuộc Thế chiến.
 
Nhà thờ Tin Lành nhìn từ trên cao, phía nhà thờ Công giáo
Nhà thờ Tin Lành nhìn từ trên cao, phía nhà thờ Công giáo

Nếu bạn không có nhiều thời gian, thì Hallstatt có thể là một địa điểm lý tưởng để bạn có thể dừng chân ở đâyvài giờ để rồi ra đi với sự tiếc nuối và cảm giác muốn trở lại. Nhưng nhiều hơn thế, Hallstatt còn là nơi quanh năm, vào bất cứ mùa nào, cũng đều đẹp và thu hút khách với nhiều hình thức giải trí như đi bộ dã ngoại đường dài, chèo thuyền, leo núi, đạp xe, trượt tuyết..., hoặc đơn thuần là vãn cảnh và thư giãn.

Đi phà hay thuyền vòng quanh hồ, thư thái phóng tầm mắt ra những rặng núi Alps xa mờ, hùng vĩ bốn mùa tuyết trắng và chớp lấy những vị trí “hớp hồn” nhất để ghi lại được hình ảnh toàn ngôi làng in bóng xuống mặt hồ, nhất là lúc rạng sáng và chiều tà, sẽ là một kỷ niệm khó phai với người lữ khách đặt chân tới Hallstatt huyền thoại. Và sẽ hiểu được tại sao, thiên hạ đã dùng bao nhiêu mỹ từ để ca ngợi nơi đây...

Và đó cũng phần nào lý giải cho việc, mặc dầu bị một doanh nghiệp Trung Quốc vụng trộm “nhái” y hệt vào năm 2011 tại Huệ Châu, Quảng Đông, gây nên sự bất bình lớn trong cư dân ngôi làng, nhưng ngay du khách Hoa khi có dịp tới Hallstatt cũng phải thú nhận rằng, bản sao dầu thế nào đi nữa cũng không thể sánh với nguyên bản, bởi cái hồn của đất trời, sông nước và lịch sử của mảnh đất nơi xứ Áo là không thể sao chép...

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh