DƯƠNG TỬ GIANG
- Thứ sáu - 28/09/2007 22:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bâng khuâng... trăng rải qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam
(NCTG) Ấy là những lời của cố thi sĩ Hồ Dzếnh trong thi phẩm "Khúc linh cầu" khi nhớ về quê nội của ông, mảnh đất Trung Hoa. Trong số những địa danh mà ông nêu ra trong nỗi nhung nhớ, có Dương Tử Giang, con sông "mẹ" của tất cả sông hồ trên xứ sở Trung Quốc, đồng thời, cũng là con sông dài nhất ở Châu Á. Đến mức, người ta đã dùng một tên chung là Trường Giang (con sông dài) để chỉ về nó.
Dương Tử Giang, đoạn chảy qua tỉnh Vân Nam
Dương Tử Giang dài chừng 6.300 cây số, là con sông dài thứ tư trên thế giới sau sông Nile (châu Phi), sông Amazon (Nam Mỹ) và sông Mississippi - Missouri ở (Bắc Mỹ), có cội nguồn ở tỉnh Thanh Hải phía Tây Trung Quốc và chảy về phía Đông đổ ra Đông Hải. Thực ra, thoạt đầu, Dương Tử là tên gọi của người dân sống tại hạ lưu sông này để chỉ khúc sông chảy qua đó; tuy nhiên, thông qua những nhà nhà truyền giáo châu Âu, tên "Dương Tử" đã được dùng trong tiếng Anh để chỉ toàn bộ con sông (Yangtze).
Là con sông lớn nhất Trung Quốc xét cả về chiều dài, lượng nước chảy, diện tích, lưu vực và ảnh hưởng kinh tế, Dương Tử Giang là đầu mối giao thông quan trọng của đất nước này, nối liền Trung Hoa lục địa với bờ biển. Càng ngày, các chuyến tàu thủy du ngoạn trên sông trong vài ngày - hay thậm chí vài tuần - đưa du khách qua các khu vực có phong cảnh đẹp, càng trở nên phổ thông hơn, khiến du lịch Trung Quốc thêm thu hút và ngày một phát triển.
Đập Tam Hiệp, phía thượng lưu có mức nước cao (ảnh chụp ngày 26-7-2004)
Tuy nhiên, trong lịch sử, con sông hùng vĩ Dương Tử Giang cũng gây nên nhiều trận ngập lụt hãi hùng cho cư dân sống hai bên bờ, khiến chính quyền Trung Quốc phải đau đầu ngẫm nghĩ về phương thức giải quyết. Để rồi, dự án thủy lợi Tam Hiệp - giúp người dân khỏi cảnh ngập lụt, đồng thời, cung cấp cho họ điện năng và vận tải đường thủy - đã được thông qua và khởi đầu từ mùa hạ 1994, sẽ khánh thành năm 2009 và trở thành hệ thống đê điều và thủy lợi kỳ vĩ nhất hành tinh. Được gọi bằng cái tên "Vạn Lý Trường Thành" trên Dương Tử Giang, công trình đập Tam Hiệp cũng là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách thăm dòng sông này; cho dù, để được nó, Trung Quốc phải chấp nhận một giá rất đắt là hy sinh vĩnh viễn một số thành phố, một số vùng dân cư, nhiều kỳ quan thiên nhiên vô giá và không ít công trình khảo cổ quan trọng. Dương Tử Giang cũng phải chịu một sự thay đổi lớn trong hệ sinh thái, khiến một số động vật trong danh sách báo động nguy hiểm - như cá heo sông Trung Quốc hay cá kiếm Trung Quốc - nay đã coi như tuyệt diệt.
*
Du ngoạn dọc Dương Tử Giang, người lữ khách có dịp "mục sở thị" vô vàn những địa danh nổi tiếng dọc bờ sông, đã đi vào lịch sử, văn hóa và tâm thức người dân Trung Hoa từ ngàn đời nay. Đơn cử như:
Nơi diễn ra trận Xích Bích giữa Ngụy và liên minh Ngô - Thục
- Những sự tích thời Tam Quốc của Ngụy - Thục - Ngô thế chân vạc, của những điển tích hào hùng không mấy ai không biết như ba anh em Lưu - Quan - Trương kết nghĩa vườn đào, Ngô và Thục (Chu Du và Khổng Minh) hợp lực kháng Tào trong trận Xích Bích nổi danh trên dòng Dương Tử Giang, Lưu Bị sau khi thu trận trước quân Ngô, trước khi mất phó thác con trai là Lưu Hậu Chủ cho thừa tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng tại Bạch Ðế Thành, v.v...
- Thành Đô (Tứ Xuyên), vùng đồng bằng màu mỡ từng được gọi là "Thiên Phủ Chi Quốc" (đất nước thiên đường), cố đô của nhà Thục Hán Lưu Bị cách đây 18 thế kỷ. Thành Đô cũng còn là vùng đất của nhiều văn nhân mạc khách nổi tiếng, như "Thi Thánh" Đỗ Phủ, thi hào Tô Đông Pha, và là quê hương của Ba Kim, nhà văn kiệt xuất Trung Quốc thế kỷ XX. Hiện nay, đây là đô thị đông dân thứ 5, đồng thời, được xem như "thủ đô thuốc Bắc của Trung Hoa". Thành Đô có tới 172 di tích lịch sử văn hóa, trong đó nổi tiếng nhất là: Võ Hậu Từ, Thảo Đường Đỗ Phủ, Lăng Vua Thục Vương Kiến, Tam Hiệp... Khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô với loại gấu Panda quý hiếm rất nổi tiếng, Di sản thế giới từ năm 2006, cũng là đích của nhiều tour du ngoạn của khách ngoại quốc.
Nga Mi Sơn, đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát
- Nga Mi Sơn, một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn (bốn núi Phật Giáo lớn nhất Trung Hoa), địa thế cao chót vót, phong cảnh hữu tình, được ví như "Nga Mi thiên hạ tú". Sách "Thủy Kinh chú" nói về Nga Mi Sơn như sau: "Cách Thành Đô trăm dặm, dưới bầu trời thu xanh trong, ở phía xa hai dãy núi đối nhau như mày ngài". Thời gian đầu, Nga Mi Sơn là vùng đất của Đạo giáo, nhưng về sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thì cả Đạo giáo và Phật giáo đồng tồn tại ở đây. Cho đến thời Tùy - Đường, Nga Mi Sơn đã trở thành nơi tụ tập của Phật giáo.
Lạc Sơn Đại Phật
Được xem như là đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát, Nga Mi Sơn cùng bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét, là tượng Phật ngồi tạc trên vách đá lớn nhất thế giới ở núi Thê Loan, bên ngã ba của các dòng sông Mân Giang, Đại Độ Giang và Thanh Y Giang, được công nhận là Di sản thế giới năm 1996. Thăm Nga Mi Sơn, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn những ngôi chùa cổ kính, nổi bật là Vạn Niên Tự có kiến trúc mang đậm dấu ấn của Đạo giáo, nhưng lại có vẻ tương tự lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Trong Vạn Niên Tự, có tượng đồng Phổ Hiền bồ tát uy nghiêm cưỡi voi, cao 7,35 m, nặng 62 tấn.
Thanh Thành Sơn, cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc
- Thanh Thành Sơn, một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2000 cùng công trình thủy lợi Đô Giang Yển. Thanh Thành Sơn và Nga Mi Sơn còn vang bóng trong các pho truyện kiếm hiệp và thư tịch cổ Trung Hoa, như những môn phái võ thuật lừng danh của xứ sở này một thuở.
Tượng khắc đá Đại Túc trên núi Bảo Đỉnh
- Quần thể tượng khắc đá Đại Túc tại Trùng Khánh, đa phần tập trung trên núi Bảo Đỉnh (một trong những vùng đất linh thiêng của Phật giáo với câu truyền tụng trong dân gian "Thượng triều Nga Mi, hạ triều Bảo Đỉnh") và vách núi Bắc Sơn, quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, hình thức vô cùng phong phú. Với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bố ở hơn 40 địa điểm, trong đó chủ yếu là các pho tượng của đạo Phật, sau đó là Đạo giáo và Nho giáo, và tượng một số ít nhân vật lịch sử, đây là quần thể tượng thể hiện rất điển hình nghệ thuật tạc tượng Phật của Trung Quốc. Tượng khắc đá Đại Túc đã được công nhận Di sản văn hóa Thế giới năm 1999.
- Thành phố Kinh Châu, tọa lạc ở trung độ của Dương Tử Giang, một nơi có tầm quan trọng chiến lược về mặt quân sự, kinh tế và phân phối hàng hóa từ thời xa xưa. Là kinh đô của 20 vị vua trong 411 năm của nước Sở trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc (thuộc nhà Chu), của Tề Hòa Đế nhà Nam Tề, Lương Nguyên Đế, và Hậu Lương; của quốc gia Nam Bình thời kỳ Ngũ đại thập quốc, nhưng cái tên Kinh Châu được người Việt biết đến nhiều nhất trong lịch sử thời Tam Quốc, là nơi trấn thủ của danh tướng Quan Vân Trường, và cũng là nơi ông từ giã cõi trần.
- Vũ Hán, thành phố đông dân nhất miền Trung Trung Quốc nằm ở ngã ba Dương Tử Giang và Hán Thủy, từ lâu được xem là trung tâm của thi họa và học thuật, nổi tiếng với tòa lầu Hoàng Hạc "hạc vàng mây trắng" được dựng trên một gò cao bên bờ Dương Tử Giang. Đứng trên lầu có thể bao quát cả một vùng sông Dương Tử - gồm bãi Hán Dương, Châu Anh Vũ, Quy Sơn, Hạc Sơn -, lầu Hoàng Hạc được nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường khắc họa "thần sầu" trong thi phẩm "Hoàng Hạc Lâu": "Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu", mà thi hào Tản Đà đã dịch một cách hết sức tài hoa, thể hiện cái buồn man mác mà có người cho là còn hơn cả nguyên bản: "Quê hương khuất bóng hoàng hôn - Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai".
- Cổ Cầm Đài tại Hán Dương, với tích Bá Nha - Tử Kỳ, biểu tượng của sự hiểu biết, tâm đắc, chia sẻ nỗi niềm trong tình cảm, quan niệm, trong nhận thức thế sự cuộc đời. Đây là nơi mà, theo sách "Lã Thị Xuân Thu" của Lã Bất Vi, "Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm, khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy". Thi hào Nguyễn Du, trong "Truyện Kiều", đã có câu:
Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ
- Động Đình Hồ, hồ lớn thứ hai của Trung Quốc, có diện tịch xê dịch từ 2.820-20.000 km² phụ thuộc vào từng mùa. Có tới 9 dòng sông lịch sử đổ vào Động Đình Hồ, trong đó ngoài Dương Tử Giang, còn hai con sông Tiêu Giang, Tương Giang rất nổi tiếng trong văn thơ và hội họa sơn thủy Trung Quốc. "Ai có về bên bến sông Tương - Nhắn người duyên dáng tôi thương - Bao ngày ôm mối tơ vương…" của nhạc sĩ Thông Đạt, hay "Kiều" của Nguyễn Du, “Sông Tương một giải nông sờ - Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” cũng là nói về dòng sông Tương chảy vào Động Đình Hồ.
Động Đình Hồ, nơi được coi là cội nguồn của các tộc Bách Việt
Tuy nhiên, quan trọng nhất với dân Việt, Động Đình Hồ còn được coi như nguồn cội của tộc Việt (Bách Việt), như theo "Đại Việt sử ký toàn thư": Động Đình Hồ là ranh giới phía Bắc của nước Xích Quỷ, nơi Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với công chúa Âu Cơ, sau lên thay Kinh Dương Vương đổi tên nước là Văn Lang... Nước Việt khởi nguồn từ đó!
- Hai ngọn núi Vu Sơn, Vu Giáp, gắn liền với sự tích yêu đương cùng nữ thần núi "sớm đi làm mây - chiều đi làm mưa" của vua Sở Trang Vương thời Chiến Quốc, để rồi văn học Trung - Việt có những điển tích "mây mưa", "giấc Vu Sơn", "đỉnh Giáp non Thần" hay "Vu Giáp", "giấc mộng Dương Đài"... để chỉ cảnh yêu đương của nam nữ, chẳng hạn, trong bài "Thanh Bình điệu" nổi tiếng của thi hào Lý Bạch đời nhà Đường:
Đầu cành sương đọng ngát hương đông.
Mây mưa Vu Giáp nỗi đau lòng.
Hay trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn tả cảnh Kim Trọng đang thiu thiu ngủ thì nàng Kiều lén song thân sang thăm chàng:
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
- Thành phố Nhạc Dương, nằm ở phía Đông Bắc Hồ Nam, nơi một nửa Động Đình Hồ đổ vào Dương Tử Giang. Đó là một đô thành có lịch sử lâu đời, nổi tiếng thiên hạ với câu "Động Đình thiên hạ thủy - Nhạc Dương thiên hạ lâu". Trong hàng ngàn năm, Nhạc Dương là nơi tụ hội của các thi hào văn nhân, là đất tranh hùng của các nhà cầm quân lỗi lạc. Nhạc Dương còn có sông Mịch La, một nhánh của sông Tương, nơi đại thần nước Sở Khuất Nguyên trẫm mình.
Nhạc Dương lâu
Danh thắng lừng lẫy nhất của Nhạc Dương là Nhạc Dương lâu sừng sững ở phía Tây thành, quay mặt ra Động Đình Hồ. Là một trong "Giang Nam tam đại danh lâu" (Đằng Vương các, Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu), lầu Nhạc Dương vốn là lầu duyệt binh do danh tướng Lỗ Túc của Đông Ngô thời Tạm Quốc xây dựng và đến thời nhà Đường mới có tên Nhạc Dương lâu. Tòa lầu xây toàn bằng gỗ, lầu chính có 3 tầng, đặc biệt là không dùng đinh ốc. Các thi hào như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ... đều đã đến đây ngâm vịnh, đề thơ. Thi sĩ, nhà chính trị nổi tiếng Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống có tác phẩm "Nhạc Dương lâu ký", để đời với tư tưởng người làm chính trị phải "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cũng có bài "Đăng Nhạc Dương Lâu", tức "Lên lầu Nhạc Dương":
Lầu cao sừng sững bờ cao
Lên cao hùng tráng biết bao cảnh trời
Mây tràn Tam Sở khắp nơi
Chín sông thu đổ nước vời mênh mông
Ba lần say Lã Đồng Tân
Cố hương khuất áng mây Tần xa xa
Hắt hiu gió thổi mình ta
Chim hồng, chim nhạn bóng tà kêu thương
*
Như thế, có thể thấy rằng, du ngoạn Dương Tử Giang đồng thời cũng là một cuộc hành trình thú vị và văn hóa, ngược chiều thời gian và xuôi theo một không gian kỳ vĩ, để tìm hiểu và có thêm ý niệm về Trung Quốc, một quốc gia từng có lịch sử văn minh chói lọi và đến nay vẫn là một đại cường có ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện thế giới!