DU LỊCH STON VÀ ĐẢO KORCULA
- Chủ nhật - 24/05/2015 02:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Điểm kỳ thú trong những cuộc du ngoạn tại Cộng hòa Croatia là không chỉ những thành phố lớn và nổi tiếng thế giới như Dubrovnik, Split hay Zagreb, mà gần như bất cứ đô thị nào - đặc biệt là ở vùng duyên hải - đều hàm chứa nhiều nét rất đặc sắc đối với du khách từ xa đến. Đó là trường hợp của Ston và đảo Korčula, gần đây đã được đưa vào nhiều hành trình qua Croatia.
Có thể đến cả hai nơi này một cách dễ dàng nếu chúng ta xuất phát từ Dubrovnik, “viên ngọc bích của biển Adriatic”. Đi về phía Bắc chừng một tiếng, qua những con đường dọc bờ biển với cảnh quan tuyệt vời, du khách đặt chân tới Ston, một thị trấn nhỏ chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai ngàn rưởi cư dân nằm tại “cửa vào” của một bán đảo.
Đã có cư dân sinh sống từ thời Cổ đại, Ston được nhắc đến từ thời La Mã với một cái tên khác. Cho đến thế kỷ thứ 9, thị trấn này đã là nơi đặt trụ sở của Giáo hội Chính thống giáo trong khu vực (đây là giáo phận cổ xưa nhất của cả Croatia), và sau đó, trong vài thế kỷ, chịu sự cai trị của Bosnia, Bulgaria và Serbia.
Thế kỷ 14-15, đồng thời với sự thịnh vượng của Cộng hòa Ragusa mà Dubrovnik là một thủ phủ, những chiếc thuyền đóng tại Ston đã vươn mình khắp biển Adriatic, tới tận thế kỷ 19, khi việc giao thương, đi lại bằng thuyền buồm trên các đại dương dần dần chấm dứt.
Đã có cư dân sinh sống từ thời Cổ đại, Ston được nhắc đến từ thời La Mã với một cái tên khác. Cho đến thế kỷ thứ 9, thị trấn này đã là nơi đặt trụ sở của Giáo hội Chính thống giáo trong khu vực (đây là giáo phận cổ xưa nhất của cả Croatia), và sau đó, trong vài thế kỷ, chịu sự cai trị của Bosnia, Bulgaria và Serbia.
Thế kỷ 14-15, đồng thời với sự thịnh vượng của Cộng hòa Ragusa mà Dubrovnik là một thủ phủ, những chiếc thuyền đóng tại Ston đã vươn mình khắp biển Adriatic, tới tận thế kỷ 19, khi việc giao thương, đi lại bằng thuyền buồm trên các đại dương dần dần chấm dứt.
Trong lịch sử của thị trấn, năm 1333 đóng một vai trò quan trọng, khi cả hai phần của đô thị - Tiểu Ston và Đại Ston - đều rơi vào tay Cộng hòa Ragusa, và do đó, có tầm quan trọng chiến lược lớn về mặt quân sự. Ston được biến thành một pháo đài bất khả xâm phạm với hệ thống tường thành và tháp canh, trở thành điểm đến nổi tiếng trong mắt du khách.
Ngày nay, khi đặt chân tới Ston, nhiều khả năng là người lữ khách sẽ dừng chân đầu tiên tại khu Tiểu Ston, được cư dân Dubrovnik thành lập từ năm 1334. Vỏn vẹn chỉ có ba con phố và nhiều ngõ hẻm chạy từ sườn núi tạo thành một vẻ đẹp nguyên sơ, nơi đây còn giữ được rất nguyên vẹn bức tường thành chạy ngoằn ngoèo trên những con đường núi hiểm trở.
Dài tổng cộng gần 6 cây số, được xem như bức tường thành kỳ vĩ dài thứ hai trên thế giới và còn gìn giữ được cho tới nay - sau Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc -, tường thành ở Tiểu Ston được xây dựng và gia cố từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 16, bởi bàn tay của những người thợ có chuyên môn bậc thầy đến từ Ý, đảm bảo an ninh cho Cộng hòa Ragusa đương thời.
Cách Tiểu Ston chừng 1,5km là Đại Ston có hình một ngũ giác, cũng được bao bọc bởi một hệ thống tường thành. Đây là nơi mà tại quảng trường chính với những cây cọ um tùm, còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc từ thời Trung Cổ như Văn phòng Cộng hòa một thuở xây theo phong cách Gothic, hay cung điện của vị giám mục phụ trách giáo phận trước đây...
Tuy nhiên, nhiều khi, tới một vùng quê, cái để lại dấu ấn lớn hơn cả, lại là một lời ca tiếng nhạc, một phong tục, hoặc một món ẩm thực của dân bản địa. Thăm Ston, nếu có thời gian, nhiều du khách đã ghé qua những khu nuôi hải sản - đặc biệt là sò huyết, vốn là một ngành nghề truyền thống và nổi tiếng của vùng đất này, bên cạnh nghề làm muối rất lâu đời, đã có từ 8-9 thế kỷ.
Còn nếu chỉ là khách vãng lai qua Ston, chúng ta cũng không nên, không thể bỏ qua một bữa trưa tại một nhà hàng địa phương, nơi có thể nếm món sò huyết cùng rượu vang và những món hải sản đặc biệt khác của khu vực này, mà dư vị của chúng, đảm bảo là sẽ còn đọng lại hồi lâu trong mỗi người...
Cách Ston chừng 60 cây số, chỉ có thể đến được đảo Korčula bằng phà. Được gọi bằng cái tên “Tiểu Dubrovnik”, hòn đảo nằm ở vùng cực Nam Cộng hòa Croatia này nổi tiếng vì được coi là nơi chào đời của nhà thám hiểm Marco Polo, một trong những người Châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc trong thế kỷ 13 bằng Con đường tơ lụa, và đã ghi chép lại trong cuốn sách du ký của mình.
Dài 47km, rộng 8km, với 16 ngàn cư dân, Korčula là hòn đảo đông dân thứ nhì trong số 66 đảo có người sinh sống của Cộng hòa Croatia. Tại đây, những cư dân đầu tiên đã xuất hiện vào thời kỳ Đồ đá. Hòn đảo này bị người Hy Lạp đến từ Korfu chiếm làm thuộc địa, và thành lập tại đây một vùng cư dân, mà họ đặt cho cái tên Korčula, nghĩa là “Kurfu Đen”, khi thấy những rặng thông mọc dày đặc ở đây.
Bảo tàng viện Korčula cho đến nay còn giữ được những cổ vật từ thời Hy Lạp trước Công nguyên, trong số đó có những bia mộ bằng đá cẩm thạch, và một tảng đá có khắc chữ tìm thấy tại làng Lumbarda trong vùng - đây là di tích bằng đá có khắc chữ cổ nhất của Cộng hòa Croatia và toàn Liên bang Nam Tư thời xưa, cho thấy lịch xử xa xưa của hòn đảo này.
Trải qua hai ngàn năm lịch sử, Korčula có lúc thuộc Đế chế Đông La Mã (Bizantine), rồi bị đặt dưới quyền cai trị của các công quốc Ý như Cộng hòa Venice, Cộng hòa Genova, trước khi trở thành một phần của Vương quốc Hungary và Đế chế Habsburg, cho đến đầu thế kỷ 20, khi Nhà nước Slovenia - Croatia - Serbia được thành lập.
Sau Đệ nhị Thế chiến, Korčula được Đồng minh giải phóng khỏi ách phát-xít Đức và trao trả cho Liên bang Nam Tư. Mùa hạ năm 1991, hòn đảo này là một phần của nước Cộng hòa Croatia vừa tuyên bố độc lập, và được thế giới công nhận vào trung tuần tháng Giêng 1992.
Được coi là hòn đảo có nhiều cây xanh nhất của biển Adriatic, Korčula rời hẳn với đất liền, ngay việc cung cấp nước cho hòn đảo này cũng hạn chế. Nhưng đây lại là một điểm đến du lịch có truyền thống lâu đời, từ đầu xuân cho tới giữa đông, và du lịch là ngành kinh tế rất đáng kể của Korčula, bên cạnh ngành trồng trọt (cây trái), cũng như đánh cá và chế biến cá.
Bởi lẽ, đặt chân tới Korčula, nhất là phần đô thị cổ chỉ vỏn vẹn vài ngàn cư dân của hòn đảo này, du khách có cảm tưởng như đang đi về những năm tháng thời Trung Cổ. Qua những quảng trường nhỏ, phố nhỏ và ngõ nhỏ lát đá gập ghềnh mang đậm dấu ấn và bầu không khí Địa Trung Hải, bước chân người lữ khách chợt thấy mình đang đứng trước cửa ô chính phía Đông của thành phố.
Được xây từ năm 1650, trên đó vươn cao tòa tháp cổ Veliki Revelin có từ thế kỷ 13, đây là cửa ô dẫn vào Cổ thành Korčula, Di sản Quốc gia Croatia. chúng ta sẽ thấy ở đây nhiều con phố nhỏ và hẹp cùng chạy vào phố chính, đan xen nhau như một bộ xương cá. Cách xây dựng ấy của những người thợ thời Trung Cổ là hữu ý, tránh cho cư dân khỏi nắng và gió của một đô thị ven biển.
Trường phái kiến trúc ngự trị tại Korčula là trường phái Phục hưng kiểu Venice, mà một điển hình là Nhà thờ chánh tòa mang tên Thánh Mark, tọa lạc ngay tại quảng trường chính. Được bắt đầu xây từ năm 1301, và kéo dài tới thế kỷ 15 mới hoàn tất, ngôi thánh đường này còn mang trong mình những nét đặc thù của trường phái Gothic.
Là biểu tượng, đồng thời là tòa nhà lớn nhất tại Korčula, Nhà thờ Thánh Mark gây bất ngờ cho du khách ngay sau khi họ bước qua cửa ô phía Đông bởi vẻ trầm mặc và có phần hoang dã, dãi dầu với sương gió. Cửa vào nhà thờ tọa lạc hai chú sư tử đá, và trong ngôi giáo đường, có thể chiêm ngưỡng nhiều pho tượng, cùng những bức tranh Thánh của một danh họa Ý đương thời.
Những người yêu cổ vật và mỹ thuật còn có thể tim thấy rất nhiều tác phẩm của các bậc thầy người Ý thế kỷ 15-16 tại một bảo tàng bên cạnh Nhà thờ Thánh Mark, vốn là nơi cất giữ những báu vật của giáo phận. Phải nhắc tới ở đây một số phác họa của Leonardo Da Vinci, cùng một bộ sưu tập tiền cổ rất thú vị thuộc nhiều thời kỳ khác nhau.
Quảng trường chính, và con phố chính của Korčula không hề lớn, nhưng ngoài Nhà thờ Thánh Mark, đây còn là nơi tập trung nhiều những cung điện và nhà thờ từ thời Trung Cổ mà không phải nơi nào cũng có được. Trong số đó, cần nhắc tới Nhà thờ Thánh Peter theo trường phái Gothic, xây từ thế kỷ 14, mà trên mái có thể thấy tượng 13 Thánh tông đồ của Chúa Jesus.
Tuy nhiên, Korčula sẽ không thu hút được nhiều du khách đến thế, nếu nó không có một người con quá nổi tiếng, được coi là du hành gia vĩ đại nhất thế giới: Marco Polo. Cho dù nơi sinh của ông tới nay vẫn là đề tài tranh cãi, nhưng cư dân hòn đảo này tin chắc rằng, một ngôi nhà ba tầng cách Nhà thờ Thánh Peter chỉ chừng hai chục mét, chính là nơi ông chào đời và sinh sống những năm tháng ấu thơ.
Ngày nay, ngôi nhà ấy vẫn còn giữ được một số phần, trong trạng thái rất hoang tàn, ghi dấu ấn những ngày xưa tháng cũ. Trở thành một bảo tàng viện về Marco Polo, nơi này lưu giữ nhiều kỷ vật của ông và gia đình, cũng như những thông tin về chuyến đi của ông sang Trung Quốc cùng nhiều hình ảnh, bản đồ... về những “phát kiến” của vị thương gia kiêm thám hiểm gia này.
Từ ngôi nhà được cho là của gia đình Marco Polo, chỉ vài chục mét là ra tới biển. Đi dạo trên con đường nhìn ra Adriatic, rợp bóng những hàng cây ngả nghiêng trước gió biển, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một bên là cảnh tượng tuyệt vời của sóng nước, một bên là bức tường thành bao bọc thị trấn Korčula, cùng nhiều pháo đài còn giữ được nguyên trạng.
Cảnh tượng ở đây gợi nhớ Dubrovnik, thành phố được coi là đẹp nhất của biển Adriatic, và không phải ngẫu nhiên mà Korčula được gọi bằng cái tên “Tiểu Dubrovnik”. Cũng không ít du khách đã hào phóng tặng hòn đảo này - cùng khu phố cổ, thành cổ tại đây - danh hiệu “hòn đảo đẹp nhất của Croatia”, bởi vẻ đẹp thiên nhiên hài hòa, cùng bề dày lịch sử và văn hóa của nó.
Một huyền thoại cho rằng Poseidon, một trong mười hai vị thần ngự trị trên đỉnh Olympia trong Thần thoại Hy Lạp, vị Hải Vương có quyền năng có thể làm rung chuyển Trái Đất, đã tặng Korčula cho cư dân ở đảo Korfu. Korčula quả thực đã được thành lập bởi những cư dân đến từ Korfu, nhưng như huyền thoại trên cũng cho thấy, vẻ đẹp lung linh của nó là có sẵn, và luôn hấp dẫn bước chân người lữ khách, tự ngàn xưa cho đến ngàn sau...