DU LỊCH ĐÓ ĐÂY
- Thứ sáu - 09/02/2007 02:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặt khác, xứ sở này cũng đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia châu Á có lượng người xuất cảnh đông nhất: chỉ trong vòng 10 tháng năm ngoái, đã có tới hơn 28,5 triệu cư dân ra nước ngoài. Một số liệu nói lên nhiều điều: trước năm 2001, người dân Trung Quốc chỉ được đến 18 nước, thì bây giờ họ đã có thể đến 132 quốc gia trên thế giới.
Sự phát triển vượt bậc này, được lý giải bởi biến cố Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2001. Nhờ đó, đã có tới 49 hệ khách sạn quốc tế và 25 hãng môi giới du lịch có đại diện ở nước này. Tổ chức Du lịch Thế giới nhìn nhận rằng cho đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành điểm đến số một của thế giới, và nước này cũng sẽ đứng vị trí thứ tư tính về lượng người xuất cảnh ra nước ngoài. Điều này hẳn có thể trở thành hiện thực tại đất nước đông dân nhất thế giới, nhất là vì từ tháng Bảy năm nay, các hãng lữ hành quốc tế cũng được phép mở văn phòng tại Trung Quốc.
*
Du khách đến Trung Quốc, ngoài những tụ điểm du lịch chính và truyền thống như thủ đô Bắc Kinh và các cố đô cổ kính của những vương triều phong kiến xa xưa, còn khá nhiều người muốn viếng thăm những "miền đất mới" như Thượng Hải, Hương Cảng và Ma Cao. Trong số đó, Ma Cao - Las Vegas của phương Đông - có một vị trí đặc biệt.
Bán đảo này từng được Phương Tây nhận xét như "một mảnh đất Nam Âu với bầu không khí xích đạo vừa phải, với những gương mặt Phương Đông và những sòng bạc trong ánh đèn nê-ông buổi đêm". Là thuộc địa của Bồ Đào Nha đến tận năm 1999, sau khi trở về với Đại lục, thành phố cảng Ma Cao với thú cờ bạc đỏ đen đặc thù và nổi tiếng vẫn được coi như một "đặc khu" mà ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc chưa muốn thay đổi. (Cờ bạc là thú bị cấm ngặt tại tất cả mọi nơi khác trên đất Trung Quốc, cho dù, đi đến đâu trên thế giới, vào các casino, chúng ta luôn được thấy những tay chơi sừng sỏ, có thần kinh thép và túi tiền không mỏng, đều là người gốc Hoa).
Casino Lisboa
Ở Ma Cao, sòng bạc khổng lồ Casino Lisboa và nhiều cơ sở cờ bạc nhỏ hơn được xây dựng cách đây 37 năm, cùng những hiệu cầm đồ và khu đèn đỏ. Hợp đồng độc quyền ký vào thời ấy với Bồ Đào Nha của ông vua casino Stanley Ho, nhà tài phiệt chiếm 80% thị phần cờ bạc ở Ma Cao, đã chấm dứt năm 2002 và sau đó, với quyết định của chính quyền, thị trường các trò chơi đen đỏ được thả lỏng. Màn dạo đầu năm 2005 được tập đoàn tầm cỡ thế giới Las Vegas Sans thực hiện với việc đầu tư một cụm casino khổng lồ bao gồm 6 khách sạn nằm trên 7 lô đất với 60.000 phòng đánh bạc, khiến dân Mỹ cũng phải lắc đầu thán phục. Và rồi sau đó, một phản ứng dây chuyền đã diễn ra, với sự xuất hiện mới đây của tập đoàn Wynn Macau với một tổ hợp gồm 600 phòng khách sạn, 7 quầy bar, hệ nhà hàng, bể tắm trong nhà và ngoài trời, một đàn phun nước kỳ vĩ và một casino 10 ngàn m2, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của dân chơi - và 11 tụ điểm như thế sẽ còn được tiếp tục xây dựng. Năm 2004, Ma Cao đã thu được 5,4 tỉ USD từ ngành "công nghiệp đỏ đen", ngang ngửa với Las Vegas của Mỹ và chỉ riêng lượng khách du lịch đổ về đây cũng lên đến trên dưới 20 triệu người. Ý tưởng của Trung Nam Hải, muốn biến Ma Cao thành trung tâm cờ bạc lớn nhất của châu Á vào năm 2009, đúng dịp kỷ niệm 10 năm Macau được trao trả về cho Đại lục, xem chừng không phải là hão huyền!
Bán đảo Ma Cao cùng hai đảo nhỏ Coloane và Taipa cạnh đó trở thành những ốc đảo bậc nhất của dân chơi đỏ đen, tuy nhiên, du khách đến đây - ngoài việc xài tiền trong các casino - cũng còn có một số tụ điểm rất ý nghĩa để thăm thú. Chẳng hạn, để gợi nhớ thời Bồ Đào Nha, có thể thả bước trên con đường lát đá đến quảng trường Senado, nơi có tòa thị chính và phần còn lại của Đại giáo đường Thánh Paul, từng là biểu tượng của Ma Cao. Hầu như, chúng ta có thể gặp sự pha trộn đặc biệt những nét Âu - Á ở mọi đường phố cũ của Ma Cao; bầu không khí ấy cũng bao trùm trong khu tượng đài Camoes, mang tên thi hào vĩ đại nhất của xứ Bồ, người đã sống những năm tháng lưu đày và có những sáng tác để đời nhất ở đây.
*
Rời Á Đông, chúng ta làm một bước nhảy sang... Liên hiệp Châu Âu, cái đích của nhiều tour du lịch hấp dẫn. Trong số quý vị ưa du ngoạn, hẳn có không ít người ghiền thuốc lá nhỉ? Đối với họ, phải xin thông báo một tin buồn: còn đâu thời hoàng kim, như một câu chuyện hài hước của Pháp, trong một tiệm ăn, người phục vụ hỏi chúng ta muốn có một bàn - hay cả mấy dãy bàn - cho người hút thuốc! Bởi lẽ trong năm 2007 này, hàng loạt các nước Châu Âu sẽ hạn chế ngặt nghèo điếu thuốc trên tay quý vị.
Kể ra, đến những xứ sở của bia hơi và có nhiều loại bia ngon như Đức, Cộng hòa Czech, Áo, Ba Lan..., chúng ta khó cầm lòng khỏi châm điếu thuốc sau một bữa nhậu túy lúy. Có lẽ cũng vì vậy mà tại các xứ này, và thêm Hy Lạp, hiện tại, luật hạn chế thuốc lá còn ở mức nhẹ nhàng nhất: tại các công sở hay tiệm ăn, nói chung vẫn được hút thuốc, chỉ cần quý vị ra góc riêng dành cho dân nghiện thuốc. Điều này cũng đang được áp dụng ở Hungary. Tuy nhiên, từ năm 2004, ở Ireland, thuốc lá bị cấm tiệt khỏi các tiệm ăn, quán rượu: ai muốn hút, xin mời ra đường! Từ đầu năm nay, tấm gương của Ireland đã được noi theo tại Na Uy, Thụy Điển, Ý, Malta và Scotland. Ở Tây Ban Nha, chủ quán có quyền quyết định cho phép hay cấm hút thuốc tại các nhà hàng; ở các tiệm ăn lớn, cần có khoang riêng rẽ cho người hút thuốc. Bồ Đào Nha cũng dự định một đạo luật tương tự từ đầu năm nay, còn Bỉ thì chỉ cho phép thực khách hút thuốc ở chỗ nào... không có đồ ăn trong quán!
Có thể thấy càng ngày, Liên hiệp Châu Âu càng đi theo hướng triệt tiêu tệ hút thuốc. "Thuốc ta, ta cứ hút", cái điều tưởng như quyền tự do căn bản của con người, hóa ra lại bị cấm đoán nặng nề ở ngay các xứ châu Âu dân chủ!
*
Đó là chuyện ở các xứ phát triển. Ở Liên bang Nga, trước mắt, người dân chưa quan tâm đến những sự xa xỉ, như cấm thuốc lá, mà đang hướng sự quan tâm đến một "sáng kiến" tưởng chừng đơn giản của ngành Đường sắt, mà thực ra rất quan trọng đối với những chuyến viễn du bằng xe hỏa tại xứ sở có diện tích lớn bằng cả một châu lục này: từ giữa tháng Giêng năm nay, tại các toa tàu liên vận giữa các thành phố lớn, sẽ có phòng riêng dành cho phụ nữ.
Thoạt tiên, sự "cải tổ" mới được thực hiện tại 8 chuyến tàu nối những thành phố lớn nằm trên Lục địa già của Liên bang Nga: mỗi đoàn tàu như thế, sẽ có các phòng riêng cho "phái đẹp" tại 4 toa tàu hạng nhất và hạng hai. Còn ở toa hạng ba, cũng như tại các tuyến đường sắt khác ở Nga, để thực hiện cái nguyên tắc "nam nữ thụ thụ bất thân" của "thân gái dặm trường", vẫn còn là điều viễn tưởng!