Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẠO

(NCTG) “Tôi không còn nhớ gì về tổ quốc của tôi nữa. Tổ quốc của tôi là trái đất này. Bà, tôi, và tất cả mọi người chúng ta đều làm một cái gì đó, thì chúng ta sẽ có một trái đất hòa bình”.

Đạo là thứ có tự trong sâu thẳm của mỗi người?

Sáng Chủ nhật, còn đang ngủ thì chuông réo. Mắt nhắm mắt mở mình cầm ống nghe. Chắc lại là cậu bạn nào đó của ngài con trai sáng sớm đến tụ tập chơi Nintendo.

- Ngài có thể làm ơn mở của cho tôi được không?

- Bà là ai?

- Tôi chỉ muốn nói chuyện với ngài. Một chút về...

- Giờ này ư? Quảng cáo ư? Tôi không mua hàng, không mua bảo hiểm và cũng không có thời gian đọc các tờ rơi. Xin lỗi. Bà làm ơn...

- Hãy cho tôi một phút. Tôi chỉ xin một phút...

Giọng nói của đương sự hơi run nhưng khá cương quyết. Rõ ra một người già nhưng bằng cảm nhận, mình đoán, đó không phải là một người xấu. Vốn rất khó nói “không” khi bị chèo kéo, mình đành nhấn chuông cửa cho xong chuyện. Bụng bảo dạ, thôi, đành cho người ta vào. Rồi lát nữa thùng thư lại đầy nhóc những thứ giời ơi đất hỡi cả đời không bao giờ đọc. Như mọi khi.

Nhưng lúc xuống đến cửa độ nửa tiếng sau đó, mình thấy bà già vẫn đứng đó, loay hoay với cánh cửa còn đang đóng, trên tay là tập gì trông như tập quảng cáo nặng trĩu.

- Chào bà, sao bà không vào? Chả phải là tôi đã mở cửa rồi ư?

- Bà là người đã bấm chuông và đã nói chuyện với tôi đấy ạ?

- Vâng! Tôi đây.

Mình ái ngại nhìn gương mặt già nua của bà lão vẫn nhẫn nhịn và tươi cười dù đã đứng dưới trời mùa thu ẩm ướt cả nửa tiếng đồng hồ.

- Tôi đợi bà vì tôi biết thế nào bà cũng xuống. Tôi muốn nói với bà về thế giới của chúng ta.

Mình nhìn những cuốn sách mỏng trên tay bà cụ và chợt hiểu. Ra bà là một nhà truyền đạo.

Mình liền mở máy:

- Vâng, tôi xin một cuốn. Tôi sẽ đọc. Chào bà. Tôi phải đi làm. Rất tiếc.

Rồi miễn cưỡng đón một tập mỏng. Mắt chạm vào một thằng bé con mặc đồ đen và cái mũ đen trông rất ấn tượng đứng vơ vẩn trong mưa bụi. Chân nó đá đá những quả dẻ gai vun vào một góc với vẻ hết sức kiên nhẫn. Con nhà ai mà đi chơi sớm thế. Mình đi ngang qua nó, tò mò nhìn gương mặt trong trắng như thiên thần. Một thoáng do dự, nhưng không còn thời gian. Mình phải đi làm.

Mưa bắt đầu nặng hạt. Hàng dẻ gai trong sân oằn xuống. Lộp bộp từng quả văng ra, tung tóe trên những vũng nước đọng. Vài cái xe ôtô lò dò tìm bãi đỗ, chẹt qua hạt dẻ làm chúng vỡ vụn. Lá thu và nước mưa vẽ một bức tranh ẩm mục đẫm hơi mùa. Qua vườn hoa hồng đang tàn, ngoái lại, thấy thằng bé vẫn đứng trong mưa. Bà cụ đã chuyển sang số nhà bên cạnh, lom khom tìm gì, có lẽ là tìm tên người để bấm chuông.

Tự nhiên, hình ảnh ấy có gì ám ảnh. Khiến mình không thể không quay lại.

- Cháu tên là gì?

Thằng bé nói một cái tên. Giọng nó trong trẻo và tràn đầy vui vẻ.

- Cháu bao nhiêu tuổi?

- Mười hai ạ - thằng bé tươi cười.

- Cháu là cháu của cụ đây à?

- Không ạ. Cháu chỉ đi cùng thôi ạ.


Những con người mang trong mình sức mạnh của Đức tin

Mình định hỏi gì nữa nhưng lại thôi. Khó khăn lắm, mình mới ngăn được không lấy tiền ra cho nó. Hành động thương cảm trong trường hợp này có lẽ là một sự xúc phạm.

- Tôi biết ngài là nhà truyền đạo. Tôi cũng có đạo của tôi rồi, đạo Phật. Nhưng tôi cảm động với sự cần mẫn của hai bà cháu. Tôi quay lại chỉ để chào thôi.

Mình nhớ lại, những lần gặp gỡ với rất nhiều nhà truyền đạo khác. Họ là những sinh viên, nói tiếng Việt rất sõi, kiên nhẫn đến ái ngại, kể cả khi bị ghẻ lạnh, bị xua đuổi hay bị xúc phạm. Mình cũng từng gặp các mục sư Tin Lành, hay cha cố bên Thiên Chúa giáo. Câu hỏi bao giờ cũng đặt ra là: sao họ có được đức tin vào những đấng siêu hình và nuôi dưỡng được niềm tin ấy bền lâu, mãnh liệt đến thế?

Câu chuyện hóa ra kéo dài nhiều hơn là một lời chào. Bà cụ nguyên là một người Đức gốc Nga. “Tôi không còn nhớ gì về tổ quốc của tôi nữa. Tổ quốc của tôi là trái đất này. Bà, tôi, và tất cả mọi người chúng ta đều làm một cái gì đó, thì chúng ta sẽ có một trái đất hòa bình”. Bà cụ nói, bằng một giọng của người suốt đời phụng sự Đức tin.

Mình xin phép được chụp ảnh. Bà cụ bối rối nhìn thằng bé. Có lẽ cụ không quen với những đề nghị “hiện đại” này. Nhưng thằng bé gật đầu đánh rụp. Gương mặt trẻ thơ của nó ngời sáng.

Giờ này, con trai mình vẫn còn đang cuộn tròn trong chăn. Thằng bé vẫn ghi danh học môn Tôn giáo ở trường. Một cách tự nguyện. “Con thích học môn ấy. Còn hơn là chơi”. Nó bảo.

Nhà mình thờ một bức tượng Phật Bà Quan âm, ngoài bát hương thờ Gia tiên như hầu hết gia đình người Việt khác ở đây. Và các con mình, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Đức, đều theo học Thiên Chúa giáo.

Đạo.

Phải chăng là thứ cần dậy dỗ. Hay nó có tự trong sâu thẳm của mỗi người? (*)

Ghi chú:

(*) Đức mới đưa môn Tôn giáo trở thành môn học bắt buộc trong các trường phổ thông, so với trước đây hoàn toàn tự nguyện. Một trường học có thể có một hoặc nhiều tôn giáo khác nhau trong chương trình giảng dạy. Rất tiếc, đạo Phật và đạo Hồi chưa được đưa vào trong giáo trình.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 20-9-2014