Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẠI HÀN KÝ SỰ (1) – “ĐẢO QUÍT” JEJU VÀ ĐOẠN ĐƯỜNG CỦA 18.000 VỊ THÁNH

(NCTG) Nói tới Hàn Quốc, báo chí ta hay dùng ngôn từ thật nghèo nàn về trí tưởng tượng và không hề mang tính thời sự: “xứ sở kim chi”. Tất nhiên, kim chi là đặc sản của Đại Hàn Dân Quốc nhưng nếu nhắc đến những thứ “của nhà trông được” ở xứ sở này thì có lẽ tốt hơn ta nên đề cập tới cầu đường, xe hơi, màn hình phẳng và điện thoại di động.

Cảnh chùa chiền tại “Đảo quít” Jeju

* “Welcome to Korea!”

Vừa mắt nhắm mắt mở chui ra khỏi máy bay thì chị giám đốc người Hàn Quốc của công ty bà xã nhà tôi, cũng đang ngái ngủ sau chuyến bay đêm, thều thào nói. Lần này, chị đóng vai hướng dẫn viên du lịch, còn nhà tôi là các thượng đế ung dung vãn cảnh Đại Hàn nên chị cố gắng như vậy là phải. Bay đêm từ Nội Bài qua Incheon tuy chỉ mất 3-4 tiếng đồng hồ nhưng mệt hơn rất nhiều so với bay đường dài 11-12 tiếng đi châu Âu bởi đúng lúc bạn bắt đầu chợp mắt thì… máy bay chuẩn bị hạ cánh. Theo kế hoạch mà bác tour-guide của chúng tôi vạch sẵn, cả đoàn lên xe buýt tốc hành chuyển sang sân bay nội địa Gimpo để tiếp tục bay tới đảo Jeju, bắt đầu cuộc khám phá xứ sở kim chi.

* Lý do của những nét mặt bình thản

Trước khi lên đường, mặc dù biết Hàn Quốc là xứ lạnh nhưng bà xã nhà tôi vẫn không mặc ấm (lắm) cho cháu bé. Tới sân bay Gimpo, xe buýt tốc hành vừa đỗ, hai mẹ con đã nhảy vội lên một chiếc xe buýt khác, loại chạy lòng vòng miễn phí trong khu sân bay, để sà vào cái hypermarket gần đó và đến lúc này tôi mới chợt hiểu ra nguyên nhân của việc ăn mặc phong phanh giữa mùa thu xứ Hàn của con gái tôi. Cuộc du lịch shopping kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ khiến chúng tôi lỡ mất chuyến bay đã định.

- Thế thì làm thế nào? Mỗi tuần có mấy chuyến bay đi Jeju? – tôi lo lắng.

- 30 phút một chuyến. Có 3 hãng hàng không, muốn chọn hãng nào? – chị giám đốc Hàn Quốc thong thả trả lời và không để cho chúng tôi kịp suy nghĩ, chị ra luôn quyết định. – Đi Asiana Airline nhé, vé đắt gấp đôi Jeju Airline nhưng máy bay to hơn.

Tới đây, tôi đã lờ mờ hiểu vì sao trên nét mặt người dân xứ này không hề có dấu hiệu của sự lo lắng, căng thẳng mỗi khi phải ra sân ga hay bến tàu cho dù họ rất khẩn trương và luôn nhanh nhẹn với một tác phong công nghiệp.

* “Nghịch cảnh” ở sân bay

Thế là chúng tôi cũng bình thản chọn Asiana Airline. Vé khứ hồi từ Gimpo đi Jeju của Jeju Airline là 100 USD, của Asiana Airline là 200 USD nhưng đổi lại, không phải bay với những chiếc máy bay cánh quạt. Điều ngạc nhiên đầu tiên là tính tiết kiệm và thực dụng của người Hàn. Sân bay sạch sẽ và hào nhoáng, bảng quảng cáo sáng trưng, tiêu tốn không biết bao nhiêu năng lượng điện, phong cách phục vụ tuyệt vời (không nói tới bên trong mà ngay tại mỗi chỗ sang đường bên ngoài sảnh đợi, nhà ga cắt cử hẳn một cô gái mặc áo dạ đỏ để vừa hướng dẫn, vừa giúp đỡ hành khách, hệt như trước cổng các khách sạn hạng sang châu Âu) thế nhưng tấm vé máy bay lại không được in trên loại giấy cứng đắt tiền mà in thẳng lên loại giấy cuộn mỏng tang, không khác gì phiếu thu tiền của các quầy tính tiền trong siêu thị.

* Jeju: Đà Lạt, Nha Trang và một chút Áo hay Thụy Sĩ

Sau 40 phút lơ lửng trên trời, máy bay đáp xuống Jeju-do (đảo Jeju). Đó là hòn đảo nằm ở cực nam Hàn Quốc, giữa Hàn Quốc và Trung Quốc (trên vĩ độ gần ngang Thượng Hải). Nếu không được nói trước là đi đảo hẳn không thể nghĩ mình đang… không ở trên đắt liền vì sân bay và đường xá của Jeju đều thuộc vào hạng… quốc tế. Cũng đúng thôi bởi Jeju là điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Nói về cấu tạo địa lý của hòn đảo này thì phải nhắc tới ngọn núi Halla cao gần 2.000 mét. Cách đây không biết bao nhiêu năm, chắc là từ lâu lắm, Halla là một ngọn núi lửa hoạt động giữa biển và nham thạch của nó đã tạo ra 300 hòn núi nhỏ xung quanh. Đảo Jeju được cấu thành từ những hòn núi đó. Nói vậy bạn đọc chắc đã hình dung ra khí hậu ở đây. Vâng, khí hậu của Jeju là khí hậu cao nguyên của Đà Lạt và khí hậu biển của Nha Trang gộp lại. Cũng giống như hai địa danh du lịch của Việt Nam, Jeju là địa chỉ quen thuộc mà các đôi uyên ương Hàn Quốc chọn làm nơi nghỉ tuần trăng mật. Ngoài các hotel lớn, khách du lịch còn có thể chọn các khu nhà nghỉ nhỏ, xây trên những quả đồi thơ mộng với mức giá phải chăng (nhà nghỉ 3 buồng, có cả bếp, cả Internet để nếu muốn vẫn có thể làm việc, vẫn có thể viết bài cho báo chí, có giá thuê là 120 USD/ ngày).

Một đám cưới tại Jeju

Đảo Jeju rộng gần 2.000 ki-lô-mét vuông và có rất nhiều điểm du lịch nên chắc phải ở lại hàng tuần mới có thể đi hết. Một trong những tua du lịch hấp dẫn nhất tại đây có lẽ là leo núi Halla vào mùa đông, khi đỉnh núi đầy tuyết phủ. Không ai có thể vô cảm với những tập ca-ta-lô giới thiệu tua trượt tuyết hệt như ở châu Âu này. Còn đối với người làm báo ôtô, điểm đáng chú ý nhất trên đảo Jeju chính là hệ thống đường xá rộng rãi tới mức đáng kinh ngạc. Cả bên trong lẫn bên ngoài khu dân cư, đâu đâu cũng là những con đường rộng tới 6 làn, 3 làn mỗi bên. Chật hẹp lắm thì cũng hai làn và ở những chỗ lên núi cực kỳ hẻo lánh thì mới là một làn đường mỗi bên. Dọc hai bên đường cao tốc nối liền các khu dân cư là hai hàng đèn cao áp chạy dài. Thoạt tiên đã nghĩ rằng người dân nơi đây “cậy” địa thế du lịch nên sài sang nhưng nhìn kỹ hóa ra cạnh mỗi cột đèn đều có một tấm pin mặt trời.

* Ông Ha-ru-bang và những cây tre cài cổng

Đến Hàn Quốc, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều pho tượng bằng đá đứng trước cổng nhà hay đầu cầu, đó là tượng ông Ha-ru-bang. Trên đảo Jeju, mật độ ông Ha-ru-bang còn dày hơn ở các nơi khác. Thoạt nhìn, thấy ông nào cũng giống ông nào nên cũng chẳng để ý tìm chi tiết khác biệt, đến khi chị tour-guide hỏi mới giật mình.

- Hai ông Ha-ru-bang này khác nhau ở chỗ nào?

- ???!!!

- Một ông tay trái để trên tay phải và ông kia tay phải để trên tay trái. Nếu tay trái để trên thì là ông quan võ còn nếu tay phải để trên thì lại là ông quan văn.

- Ối giời ơi, kìa đúng thật. Bác không nói thì chẳng ai nhận ra.

Một ông Ha-ru-bang tại Jeju

Sau cuộc bổ túc văn hóa về ông Ha-ru-bang, chúng tôi rẽ vào thăm một ngôi làng cổ trên đảo Jeju. Ngôi làng này vẫn còn chừng 320 nóc nhà, được xây dựng theo đúng lối cổ của người dân Jeju thời trước. Những ngôi nhà được lợp bằng mái rạ rất dày và được chằng mái bằng các đoạn rơm bện theo hình ô vuông, vừa chắc chắn, vừa phảng phất một chút… design độc đáo. Ngôi nhà mà chúng tôi vào thăm là của một ông cụ già 85 tuổi. Chỉ vì sống trong nhà mình, theo đúng nếp cũ từ thời xưa, ông cụ cũng được chính quyền địa phương trả cho một mức lương kha khá bởi họ muốn giữ lại, muốn bảo tồn nét văn hóa thật của địa phương. Bước chân tới cổng, cô gái làng dừng lại giải thích:

- Hôm nay ông cụ đi vắng, chắc phải lâu lâu mới về.

- Sao cô biết?

- Đây, hãy nhìn 3 cây tre ngáng cổng, đó là dấu hiệu riêng để chủ nhà nói với khách là mình có nhà hay không hoặc nếu không có nhà thì bao giờ mới quay lại.

Trước cổng mỗi ngôi nhà ở Jeju đều có hai cột đá, mỗi cột đục 3 lỗ theo hàng dọc để chủ nhà luồn 3 cây cọc tre vào đó. Nếu chiếc cọc tre dưới cùng được luồn ngang còn hai cọc kia chỉ xỏ tạm vào một đầu, còn một đầu chạm đất thì đó là dấu hiệu chủ nhà không có nhà nhưng đang loanh quanh đâu đó bên hàng xóm hay trong làng. Nếu chiếc gậy thứ hai cũng được luồn ngang thì có nghĩa là chủ nhà có việc phải đi tối mới về còn nếu chiếc gậy trên cùng cũng được xỏ ngang qua hai cột đá trước cổng thì đó là lời nhắn khách tới chơi rằng tôi bận đi đâu đó dài ngày, bác quay lại sau nhé, đừng đợi, mất công. Nhưng điều thú vị nhất được cô gái giới thiệu sau cùng, đó là nếu thấy gây tre gác ngang mà vẫn có kẻ bước qua để vào nhà thì đó chắc chắn là đứa ăn trộm và bà con xóm giềng cứ thế mà xông vào đánh rồi giải lên quan.

Không biết cái tinh vi của cư dân cổ ở Jeju thì thôi, từ lúc biết lại cứ vẩn vơ ý nghĩ cách làm thế nào để ra ám hiệu với bạn bè bằng 3 củ khóa ở cổng nhà mình tại Việt nam.

* Đặc sản quít Jeju-do - 55.000 VNĐ/kg

Vì có cấu tạo địa chất đặc biệt, đất không giữ được nước nên người dân trên đảo Jeju không thể cấy lúa. Đổi lại, họ có một khí hậu trời cho thật hoàn hảo để trồng quít. Ngày đầu tiên đã thấy một vườn quít chín vàng bao quanh khu nhà nghỉ và những hôm sau, đi tới đâu trên đảo cũng đều nhìn thấy quít, quít và quít. Quít nhiều như vậy nên rẽ vào bất cứ khu vườn nào, trả vài nghìn won cho chủ là bạn có quyền đánh chén no nê loại quả đặc trưng cho vùng này. Chủ vườn quít mà chúng tôi ghé thăm (để tráng miệng sau bữa cơm trưa) là hai vợ chồng nông dân chất phác. Tưởng là khách du lịch Trung Quốc, hai bác đã vội khoe chuyến đi du lịch Trung Quốc hè vừa rồi sau chuyến dạo chơi dài ngày tại London.

- Lấy đâu ra mà hai bác ấy lắm tiền thế? – tôi băn khoăn.

- Bán quít giàu lắm, giàu lắm. Bán nội địa và xuất khẩu đi Mỹ - chị giám đốc của bà xã tôi giải thích và chị cho biết thêm. – Không phải tự đi bán đâu mà ủy ban tỉnh đứng ra thu mua rồi đem xuất khẩu. Nông dân chỉ việc chăm sóc cây quít và ngồi nhà thu tiền. Từ cây giống, cách trồng cho tới việc tìm thị trường đều do tỉnh hỗ trợ.

- À, thảo nào bán được sang tận Mỹ mà không bị kiện phá giá, không bị chê chất lượng kém.

Và, chúng tôi hồ hởi mua một hộp quít 5 kg, định đem về làm quà.

- Rẻ lắm, rẻ lắm - chị giám đốc nhà tôi bỏ ra 15.000 Won (tương đương với 17 USD) để tậu một hộp quít con con được đóng gói rất đẹp. Quy đổi ra tiền Việt, mỗi cân quít Jeju-do có giá bán là 55.000 VNĐ. Nếm vài quả mới thấy quít 55.000 này không ngọt và không thơm như quít 5.000 của Việt Nam. Đổi lại, nó không có hạt và như đã nói ở trên, quít Jeju-do vẫn được xuất khẩu đều đều sang Mỹ, góp phần quan trọng vào tổng thu nhập 8,48 tỉ USD của tỉnh nhà, đem lại thu nhập bình quân gần 16.000 USD một năm cho mỗi cư dân trên đảo.

Trên đường về, lúc đi ngang qua sân vận động Jeju, một trong những địa điểm tổ chức World Cup 2002, bỗng thấy túm tụm một đám đông trong ánh đèn sáng tưng bừng. Tiến đến gần thì thấy một ông Ha-ru-bang cao chừng 6-7 mét được làm bằng… quít.

Thì ra ủy ban tỉnh Jeju bắt đầu tiến hành công việc marketing cho mùa quít năm nay.

* Đoạn đường kỳ lạ trên đảo Jeju

Jeju-do có nhiều điều kỳ thú cả trong tự nhiên (như bãi cột đá hình lục lăng ven biển do nham thạch cấu thành) lẫn do bàn tay con người tạo ra (như hệ thống giao thông tuyệt vời, như trường học có 5 học sinh mà chưa có dịp ghé thăm để hỏi xem có bao nhiêu thày giáo, như làng chài của những thợ lặn nữ hoặc như ngôi chùa vĩ đại xây dựng trên triền núi nhìn thẳng ra biển). Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất mà hẳn bạn đọc sẽ rất quan tâm chính là đoạn đường dài hơn 100 mét trên triền đồi gần sân bay. Đoạn đường này bà xã nhà tôi đã nhiều lần kể cho tôi nghe nhưng có lẽ do chịu ấn tượng quá mạnh của nó nên chưa bao giờ cắt nghĩa rõ ràng để tôi hiểu được ngọn ngành. Sau khi thăm quan, tôi cũng chịu ấn tượng mạnh của đoạn đường này nhưng sẽ cố gắng cắt nghĩa câu chuyện cho bạn đọc.

Đoạn đường kỳ lạ

Truyền rằng có một bác tài xế taxi, khi chở khách qua đây thì bỗng muốn… giải quyết công việc riêng tư. Bác đỗ xe vào vệ đường, xin lỗi khách rồi chạy ào vào nhà vệ sinh. Khi quay ra bác giật mình vì không thấy xe đâu nữa. Không, không phải là hai vị khách đã cướp xe bác mà chính họ cũng đang hết hồn, ngồi run lẩy bẩy ở hàng ghế sau vì chiếc xe đã tự động… leo lên dốc (!) mà không cần nổ máy. Một đồn mười, mười đồn trăm, cuối cùng tin đồn bay đến tai các nhà khoa học khiến họ phải lục tục kéo nhau tới đây rồi lại lục tục kéo nhau về vì… không giải thích nổi nguyên nhân. Trước khi ra sân bay quay về Seoul, bác taxi cũng rẽ qua đây để giới thiệu cho chúng tôi địa danh bí hiểm này. Tới chân dốc, bác dừng xe (loại Hyundai minivan 9 chỗ ngồi), tắt máy, về số 0 và buông tay lái. Không biết có lực vô hình nào, tác động từ đâu, nhưng quả thực, chiếc xe của chúng tôi cứ từ từ bò lên dốc.

Tác giả bên hòn đá “thần kỳ”

Ngồi một lúc để định thần, tôi bước ra khỏi xe vào theo bác tài tới chụp ảnh bên cạnh hòn đá “thần kỳ”, cột mốc đánh dấu đoạn đường kỳ lạ nói trên. Bên dưới tảng đá là một tấm biển viết bằng cả tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn, giải thích nguyên nhân của điều kỳ thú đó. Nguyên nhân thật đơn giản và không có gì khó hiểu.

Đó là bởi đảo Jeju là nơi cư ngụ của 18.000 vị thánh!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thái Dương, từ Hà Nội - Còn tiếp