Chuyện nước Mỹ (3): HEMPSTEAD
- Chủ nhật - 11/11/2012 22:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nhưng bên kia góc đường ranh giới, mình biết đa số vẫn bầu cho những viên ngọc đen. Trong cái rét mướt không sưởi tháng Mười một sau siêu bão Sandy, dân phố trùm mũ kín mít đi bầu. Obama đã thắng tiểu bang New York rồi thắng nốt chung cuộc. Bất chấp giá lạnh, những cửa tiệm xanh đỏ nhảy nhót thâu đêm ăn mừng”.
Nhà ga Hempstead - Ảnh: Jeremiah Cox
Hempstead và Garden City chỉ cách nhau một cái góc đường nhỏ.
Gần nhau như góc phố Phủ Doãn, bên này là phường Tràng Thi, bên kia là Hàng Bông. Phường này đi dẹp hàng rong, chỉ cần chạy sang bên kia đường, là lại ngồi xuống rán nốt bìa đậu phụ chấm mắm tôm.
Garden City thanh bình, dân da trắng của da trắng, những mái nhà ẩn dật dưới những hàng cây thẳng như kẻ chỉ đẹp đến từng viên đá lát đường đến bụi hoa bên cửa sổ. Góc đường bên kia, Heampstead, đen.
Góc đường Hempstead bên kia là một thế giới hoàn toàn khác. Những ngôi nhà thò ra thụt vào giống như nhà mới mở ở mấy con đường “nối dài” trong Sài Gòn. Những tấm cửa gỗ cũ kỹ tróc sơn nham nhở. Những cô gái “lồng bàn” ngồi tán dóc trên cầu thang, và những cửa hiệu lòe loẹt đèn xanh đỏ.
Chợ châu Á lớn nhất Long Island nằm ở Hempstead, nên mình hay lái xe qua đại lộ Clinton. Cứ mỗi lần vượt qua cái góc đường ranh giới là lại có cảm giác là lạ và hụt hẫng. Giống như trước mặt bạn là một cô gái xinh đẹp, mà chỉ trong nháy mắt đã biến thành bà lão nhăn nheo quần áo vá. Nói như thế không có nghĩa là không tìm ra đâu một ngôi nhà đẹp ở Hempstead. Vẫn có đấy, nhưng ít thôi, và bị lấn át một cách quá đáng bởi những lộn xộn vây quanh.
Người ta nói ở đâu có người giầu, là gần đấy có người nghèo. Người giầu tất nhiên cần người làm, nên thế nào cũng có chỗ cho người làm. Giầu nghèo ở Việt Nam đôi khi sống cạnh nhau, như ngôi nhà mặt phố hoành tráng nhìn ra hồ Gươm có thể đang che khuất những người mẹ thổi cơm chiều bằng bếp than tổ ong cay xè khói ở một góc tối trong ngõ nào đấy.
Giầu nghèo ở Mỹ cũng sống gần nhau, nhưng không phải những mái nhà cạnh nhau, mà là những thành phố cạnh nhau, hoặc thành những khu riêng biệt cạnh nhau. Quận Manhattan hoa lệ bao trọn cả khu Halem đen, quận Queens có Jamaica, còn quận Nassau Long Island là Hempstead.
Dân Mỹ gốc Phi, theo cách gọi chính thức để tránh tội phân biệt chủng tộc, có cuộc sống có vẻ ồn ào hơn nhiều so với những người láng giềng ở Garden City. Họ thích nhiều màu sắc trên những móng tay dài và cong. Mái tóc được là lượt vài lần mỗi tuần và những đôi giày gót nhọn cũng phiêu du hơn. Những chàng trai lực lưỡng khuỳnh khoàng đi trên phố, khuỳnh chân níu giữ chiếc quần Jean đang sắp sửa rơi qua mông, để lộ mảnh quần lót hoa xanh đỏ, theo kiểu thời thượng của các ca sĩ nhạc Rap. Cứ mỗi lần trót dại thấy một mảnh hoa xanh đỏ, ước mình giống như mụ đàn bà ngồi lê mách lẻo trên cầu thang cũ.
Tiệm giặt Laundry Palace
Cách không xa góc đường ranh giới với Garden City là một tiệm giặt lớn, lộng lẫy đèn đuốc sáng choang có tên là Laundry Palace (cung điện). Hàng trăm cái máy giặt và sấy hoạt động liên hồi không ngừng nghỉ, Laundry Palace dường như là niềm tự hào của dân hàng phố. Cả Garden City không có tiệm giặt máy nào, chỉ duy nhất một cửa hàng giặt khô là hơi trên đường số 7.
Có lẽ chỉ có người nghèo ở nhà thuê mới tự hào mang quần áo của họ đến giặt trong những cung điện hoành tráng. Có lẽ Laundry Palace chỉ tồn tại ở Hempstead. Dân trung lưu hơn tí, giầu có hơn tí, ở phía bên kia góc đường ranh giới, thường âm thầm mang chậu quần áo bẩn xuống dưới tầng hầm, trong ngôi nhà của chính mình, bỏ quần áo vào những cái máy giặt nhỏ hơn nhiều, chỉ dùng cho những hộ gia đình. Cái sĩ diện cỏn con mình từng lầm tưởng là văn hóa phương Đông té ra cũng đầy rẫy chốn này.
Một lần, ngồi tán dóc với chàng lùn mang khuôn mặt thiên thần, con trai một nữ thương gia có chân trong Ban quản lý thương mại, mình mắt tròn mắt dẹt khi cái miệng duyên thản nhiên nói, rằng luật bất thành văn của khu phố chàng ở là không cấp giấy phép kinh doanh cho các loại gà rán dạng như KFC “vì nó sẽ kéo theo dân da đen vào ăn, vào kinh doanh”. Có lẽ thế mà không có một tiệm Mc Donalds nào, cũng chẳng có KFC ở Garden City. Có lẽ “hội trắng” vẫn còn ngại “hội đen” lắm. Nằm sát cạnh nhau như Hempstead với Garden City, nhưng hai học khu khác nhau, bọn trẻ đến những trường học khác nhau, không liên quan gì tới nhau, và hình như cũng không chơi với nhau…
Năm 2008, sau khi dính scandal gái gọi, Thống đốc New York Eliot Spitzer buộc phải từ chức, David Paterson trở thành thống đốc thứ 55 của tiểu bang New York, và là thống đốc da đen đầu tiên. Tin này làm cả Hempstead xôn xao và tự hào. Trường PTTH Hempstead trân trọng treo ảnh chân dung học sinh cũ ở những vị trí được coi là trang trọng nhất và mời ông về thăm lại trường xưa. Khỏi phải nói, khi David Paterson chấm dứt bài diễn văn trước thầy cô và học sinh trường, nhiều nước mắt đã chảy, nhiều niềm hy vọng được thắp sáng, nhiều học sinh quay lại trường học và nhiều ước mơ đi xa hơn hình thành.
Dân Hempstead có quyền tự hào trước David Paterson, trở thành thống đốc một tiểu bang lớn như New York trong khi ông là người da đen, một mắt hoàn toàn mù, mắt còn lại chỉ có một phần mười thị lực - Ảnh: Internet
Thì ra ở Hempstead không phải chỉ có các băng đảng tội phạm, không phải chỉ có phim lậu hàng nhái, trường trung học Hempstead không chỉ có những cô học trò mang bầu đến trường. David Paterson xóa đi phần nhiều u ám của vụ nổ súng chết học sinh trong trường năm trước đấy. Công bằng mà xét, David Paterson là người khá đặc biệt. Một mắt hoàn toàn mù, mắt còn lại chỉ còn một phần mười thị lực, trở thành thống đốc tiểu bang lớn như New York là nỗ lực phi thường. Hempstead tự hào cũng đáng.
Cũng trong năm ấy, khi Obama trở thành người da đen đầu tiên giành được chiếc vé đại diện cho Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng, Học khu Hempstead quyết định lấy tên Barack Obama đặt tên cho một trường tiểu học của mình. Rồi Obama trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Hoa Kỳ, dân Hempstead và toàn thế giới Mỹ đen lên hương hân hoan. Mình đi chợ, thấy giống như năm 80, khi Đặng Thái Sơn giành giải lớn Chopin ở Ba Lan và Phạm Tuân bay vào vũ trụ. Hồi ấy có mấy ai nhìn thấy vũ trụ nó thế nào và Đặng Thái Sơn chơi đàn ra sao, cứ tự hào cái đã.
Năm nay, mùa bầu cử lại về, cam go hơn nhiều bốn năm trước.
Obama dường như đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều tỉ phú chóp bu các loại đưa tối hậu thư cho nhân viên của mình, rằng nếu Obama thắng cử, sẽ đóng cửa kinh doanh, sa thải nhân viên hàng loạt. Họ cho sản xuất clip quảng cáo rầm rộ chống Obama tái cử.
David Paterson không còn là thống đốc nữa. Nhiều người nói sự nghiệp chính trị của chàng hiệp sĩ mù bị ảnh hưởng nhiều do quyết định không chọn người con gái Caroline của cố tổng thống JFK vào ghế thượng nghị sĩ bỏ trống khi Hilary Clinton nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ khiến gia tộc Kennedy giận dữ. Nhiều lần tivi quay đi quay lại cảnh ông thống đốc mù dở ký văn bản, cúi gập người gí sát mắt vào mặt bàn chọc bút ký, cho vui.
Barack Obama tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, niềm vui của sắc dân da đen tại Mỹ - Ảnh: Internet
Mình biết phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề lắm. Người bạn của mình bị cả gia đình lớn tẩy chay vì quyết định tiếp tục bầu cho chàng ngự lâm da đen. Ngồi uống cafe trên đường số 7 Garden City thì đừng dại dột há miệng từ “Obama”, kẻo có người lườm nguýt. Nhưng bên kia góc đường ranh giới, mình biết đa số vẫn bầu cho những viên ngọc đen. Trong cái rét mướt không sưởi tháng Mười một sau siêu bão Sandy, dân phố trùm mũ kín mít đi bầu. Obama đã thắng tiểu bang New York rồi thắng nốt chung cuộc. Bất chấp giá lạnh, những cửa tiệm xanh đỏ nhảy nhót thâu đêm ăn mừng.
Và góc đường bên kia, Garden City, trầm lặng.