Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chuyện nước Mỹ (2): THÀNH PHỐ VƯỜN

(NCTG) Bữa trước được nghỉ, đi cà phê vỉa hè Garden City (Thành phố Vườn), tự nhiên thấy đám lá vàng rộm bên góc đường. Giật mình, thu rồi!

Hè phố tại khu dân cư với hai hàng cây mỗi bên đường tại Thành phố Vườn


Thu rồi đấy, có muốn luyến tiếc mùa hè thì cũng đã muộn. Có sợ hãi mùa đông băng giá thì nó cũng sầm sập sau lưng thu. Có cứng đầu cứng cổ thì số phận cũng đã an bài, chấp nhận đời đi mà hưởng tí thu vàng, chứ đừng để khi lá thu rụng hết, tan hoang thu muộn thì lại hùi hụi tiếc.

Thôi mai nhớ quàng cái khăn nhè nhẹ ấm cổ làm duyên, rồi dạo phố nốt những vòng cuối cùng chờ đông tới. Mùa đông xứ này, cắt lòng giá buốt. Nhưng thu, nhất là Thu thành phố Vườn, là tràn ngập sắc vàng. Vàng tơi bời, vàng thần thoại, vàng mê đồng. Vàng chen với nếp mái xiên khoai, chan hòa. Không biết Levitan có muốn sống lại, thêm một cuộc đời, vẽ thu vàng New York…

Nhiều người yêu kiến trúc có thể sẽ chọn Garden City làm nơi ở lý tưởng. Dù cho giá bất động sản và thuế má khá cao, thì được sống trong một ngôi nhà đẹp, chan hòa với cây xanh mùa xuân hè, cây vàng mùa thu, cũng vẫn là niềm mơ ước. Thành phố bằng phẳng, nằm giữa Long Island, nên không sát biển, cũng chẳng có núi đồi. Tự hiểu trời chẳng cho không cái gì, tất cả là tay người tạo dựng.

Dân Garden City thuộc hạng “trung lưu cao cấp”, cho dù không chóp bu giàu có như Bờ biển Vàng tháng ngày thưởng ngoạn thế đồi núi biển trời, phóng ngựa xuyên qua những khu đất hàng trăm hec-ta. Những ngôi ngôi nhà ở Garden city có khuôn viên vừa phải, không quá lớn, không quá riêng tư, đường phố bằng phẳng ngập tràn cây xanh như tên gọi Thành phố Vườn, vẫn phố, vẫn chan hòa sự sống.

Là dân nghèo An Nam tha phương sang đây, cuộc sống Bờ biển Vàng đôi khi thấy xa lạ, nên mình hay mò sang Garden City chơi.

Nằm phía Bắc của Bờ biển Vàng, cách trung tâm New York City gần 30 km về phía Đông, Garden City được dân cổ trắng chọn làm nơi sinh sống. Bốn chục phút tàu điện là vào đến trung tâm, vừa đủ uống hết một ly cà phê nhà mang theo và đọc xong tờ buổi sáng, trừ phi đêm trước mất ngủ, có thể nhắm mắt mấy phút.


Kiểu Colonal (thuộc địa) với “những đôi mắt trần gian” nhìn ngắm người qua phố từ trên cao


Garden City có cuộc sống thanh bình không dễ gì những trung tâm kiểu Manhattan có được. Với lịch sử vỏn vẹn chưa tới 150 năm, Thành phố Vườn không quá trầm mặc cổ kính kiểu những đô thị cổ Châu Âu. Những kiến trúc sư đầu tiên thiết kế thành phố đã vẽ lên những con đường thẳng, rộng và thoáng, thoáng cho đến cả thế kỷ 21.

Thành phố có vô vàn những hàng cây cao tỏa bóng xuống những ngôi nhà mái xiên. Những khung cửa sổ be bé trổ ra từ tầng áp mái bên đường như “những đôi mắt trần gian” âm thầm nhìn ngắm đời đi qua bên dưới. Từng ngôi nhà, từng kiểu kiến trúc khác nhau, kết hợp hài hòa một cách có chủ ý mà mình đoán, những nhà quản lý quy hoạch phải tất bật lắm mới giữ được.

Khác với Manhattan, Long Island hạn chế xây những ngôi nhà quá cao. Nhà ở Thành phố Vườn phần đông chỉ khoảng 2-3 tầng. Con phố chính Franklin Avenue nhã nhặn và khiêm tốn với những quán ăn bài trí công phu cố ý khiêm nhường. Đại lộ số 7 với những quán cà phê vỉa hè lý tưởng của mùa hè. Mình thích ngồi ngoài này nhâm nhi ly cà phê, ngắm người qua phố, chơi với đám chim se sẻ nhảy nhót quanh chân. Hình như ai đi qua đây cũng cố tình chậm lại, như một chút luyến tiếc. Thành phố Vườn thanh bình và thanh lịch, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Quản lý quy hoạch xem ra là một công việc không dễ dàng gì. Chỉ bên cạnh thôi, những lộn xộn Hempstead hay Westbury thòi ra thụt vào, xoay ngang xoay ngược làm minh chứng. Cả Garden City là những hàng cây thẳng như kẻ chỉ, những hàng rào xanh mướt hòa đồng với những ngôi nhà nhiều dáng vẻ, xây cách nhau nhiều đời, hài hòa một cách đáng khâm phục… Bạn cứ tưởng tượng như đang ngồi nghe pianist Nguyễn Việt Anh chơi Chopin trên những phím Steinway. Âm nhạc đã kết nối Đông và Tây, với thời gian hàng trăm năm một cách hài hòa.


Kiểu Tudor thừa hưởng những kết cấu bắt nguồn từ thời Tudor, thế kỷ 15 của nước Anh. Trải qua nhiều thăng trầm vật đổi sao dời, đặt chân lên New York còn nguyên kết cấu đá và gạch, ống khói nặng nề


Mình thích lối kiến trúc Tudor, với những kết cấu đá cũ kỹ và những họa tiết đan chéo bắt mắt. Nhưng kiểu này không còn được chuộng nữa, vì không lấy được nhiều ánh sáng. Tudor cần một khoảng không gian đủ rộng, nếu không, sẽ là cảm giác bức bí chật chội. Chỉ cần người đầu tư tham một tí, ăn gian một tí khoảng sân vườn, là công lao của các nhà kiến trúc đi tong.

Kiểu “thuộc địa” cũng gặp nhiều ở Thành phố Vườn. Những khung cửa sổ “mắt trần gian” từ trên cao luôn luôn gây cảm giác tò mò. Các loại “thuộc địa” đều có cả, thuộc địa Pháp, thuộc địa Anh, thuộc địa Tây Ban Nha, thậm chí cả Hà Lan... Kiểu Ranch (đồng quê) và Cape thường gặp ở những ngôi nhà xây muộn hơn vào thập niên 50-60 thế kỷ trước, hay thậm chí những vòm mái cong… không cái nào giống cái nào.

Thế mà khi đặt chúng cạnh nhau, chúng nắm tay nhau như bạn bè thân thiết, chẳng đứa nào thèm ghen tị đứa nào. Có lẽ tại đám cây xanh kết nối, gắn bó những ngôi nhà với nhau. Không um tùm kín mít như Bờ biển Vàng , cũng không trần trụi khô khốc như Heamstead. Giống đám con gái, kín mít chả thấy gì cũng chán, mà lột trần ra thì rồi cũng chán. Cứ để nửa kín nửa hở, cho thiên hạ thèm muốn thêm tí nữa, tưởng tượng thêm tí nữa…


Ngôi nhà này mới xây vào năm ngoái, nhưng để hài hòa với phố, kiến trúc thuộc địa được áp dụng. Duy những ô cửa sổ được mở rộng hơn để có thêm nhiều ánh sáng


Cái ít gặp ở Garden City có lẽ là phong cách kiến trúc đương đại (Contemporary). Bờ biển Vàng thỉnh thoảng vẫn có những ngôi nhà loại này, nhưng thường đan xen giữa rừng cây nên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Có lẽ mái phẳng khó thích hợp với xứ tuyết, nhưng dân New York dị ứng nhiều với những ngôi nhà hiện đại kiểu “đóng hộp”. Những ngôi nhà mới xây gần đây, người ta lại quay lại với kiến trúc truyền thống, tuy các cửa sổ được mở rộng và cộng thêm để lấy thêm nhiều ánh sáng. Cửa sổ kính bây giờ cách nhiệt cách âm tốt không kém gì tường đá, nên không sợ mất nhiệt sưởi, mà tạo dáng dấp thanh thoát hơn nhiều.

Nhớ hồi những năm 90, thiên hạ ném lên nóc phố đê Yên Phụ mấy cái chóp nhọn Ali Baba mở đầu cho cả một rừng chen chúc các kiểu chắp nối. Mình đứng trên tầng gần chóp của khách sạn bây giờ là Sofitel Plaza, nhìn xuống đường Thanh Niên đẹp như giấc mơ xanh nối ra đê Yên Phụ mà nhức nhối lòng. Chẳng biết bao giờ con cháu mình mới sửa chữa được tất cả cái đám hổ lốn ấy?!

Nhưng thôi, so sánh là khập khiễng. Việc quái gì phải nghĩ lan man. Kiến trúc, đôi khi cũng như thời trang, chỉ có điều nó tồn tại lâu hơn, khó thay thế hơn. Cái kiểu áo nhố nhăng chán thì quăng đi mua cái mới. Nhưng đập nát một tòa nhà để xây dựng lại khó hơn nhiều, mà đập cả một thành phố có lẽ là không tưởng.

Ngày kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn vẽ cái nhà sát hồ Gươm, ông đã mơ tới một con tàu thanh thoát rẽ sóng vào phố. Tầng dưới cùng làm gara để xe như cái mạn tầu, lầu quan sát đón gió trên mái khẽ chạm vào mây. Nhưng người ta cần thêm diện tích, nên khi xây dựng, bề ngang mỗi tầng được phình to ra, biến dạng khum khum. Cái gara biến mất thay thế bằng siêu thị và lầu quan sát trên cao bị hóa phép bé như lòng bàn tay, chả thấy đâu. Bây giờ, thiên hạ gọi đấy là Hàm Cá Mập. Mình thương người bạn đồng học của mẹ.


Trường học cũ ở Garden City


Giá mình đưa được mẹ sang đây, chắc chắn mẹ sẽ thích thành phố nhỏ xíu này. Mẹ sẽ nhìn thấy giấc mơ của một người bạn đồng nghiệp khao khát tạo dựng một không gian sống đáng sống hơn cho xứ sở mình, rồi cuối cùng bị đập nát tơi bời. Ngày ấy KTS Nguyễn Thị Thanh Thủy bị lôi ra trước vành móng ngựa, bất chấp những lời bào chữa, bênh vực. Với khoản tiền lẽ ra thừa để mua một ngôi nhà mặt phố 3-4 tầng, họ - những người mong ước có một không gian đáng để sống hơn, thay vì những lộn xộn Hà Nội thời đổi mới - đã chấp nhận một ngôi nhà nhỏ hơn, thấp hơn nhiều, để chừa không gian cho cây xanh, để trẻ có chỗ chơi, cùng nhau tạo lập làng Kiến trúc cây cảnh Võng Thị.

Chẳng ai bào chữa nổi. Bản án đã được soạn từ trước phiên xử. Người ta cần phải hạ uy tín của một người. “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. KTS Nguyễn Thị Thanh Thủy rốt cuộc cũng chỉ là con muỗi. Ngày nào mẹ cũng đi xe buýt ra tòa rồi thất vọng về nhà. Ngày cuối cùng, báo chí đăng “tên Nguyễn Thị Thanh Thủy và đồng bọn…”. Vỏn vẹn hai dòng…

Mình mơ tới một ngày, ba mẹ con bà cháu đi dạo dưới tán cây, ngắm những ngôi nhà và tơi bời thu vàng New York…

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Phan Ngọc Linh, từ Long Island, New York