Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CZECHTOCHOWA VÀ JASNA GÓRA, THÁNH ÐỊA TÂM LINH CỦA NGƯỜI BA LAN

(NCTG) Là một thành phố nhỏ Ba Lan, nằm giữa đường từ thủ đô Warsaw đến cố đô Kraków, dân số chỉ vọn vẹn chưa đầy 250 ngàn người, nhưng Częstochowa lại là chỗ hành hương của rất đông du khách từ mọi nơi trên thế giới.

Częstochowa, thủ đô tâm linh của dân tộc Ba Lan

Đây là thủ đô tâm linh của Ba Lan mà người bản địa sùng kính vào bậc nhất, với tòa tu viện cổ Jasna Góra và bức tranh Đức Mẹ Madonna Đen được coi là có sức mạnh nhiệm màu.

Thành lập từ thế kỷ XI, Częstochowa đã trải qua nhiều thăng trầm của không ít cuộc chiến ác liệt, như chiến tranh với Thụy Điển, với nước Pháp của hoàng đế Napoleon và hai cuộc Thế chiến. Là nơi có cộng đồng Do Thái đông đảo, trong Đệ nhị Thế chiến, 45 ngàn người Do Thái ở Częstochowa đã bị quân Đức giết hại và mảnh đất này thì bị sát nhập vào đế chế Đức.

Tuy nhiên, du khách ngày nay đến Częstochowa sẽ không còn thấy những dấu vết hãi hùng của chiến tranh. Bù lại, có thể gặp ở đây nhiều hàng quán, di tích cổ, những cửa hiệu bán đồ lưu niệm có liên quan đến Kitô giáo tại thành phố nhỏ xinh xắn này. Trong số đó, quan trọng nhất là tu viện Jasna Góra với bức tranh Đức Mẹ Madonna Đen, biểu tượng của nền độc lập và của Giáo hội Công giáo Ba Lan.

Nằm trên một ngọn đồi cao gần 300 mét bên bờ sông Warta, tu viện Jasna Góra được nhà vua Lajos Đại đế của Hungary xây dựng cuối thế kỷ XIV, và được trao tặng cho vị hoàng thân đại diện cho vua tại Ba Lan. Về sau, Jasna Góra được trao lại cho dòng tu Pálos của Hung; tên của tu viện - nghĩa là “Núi Sáng” (Minh Sơn) - cũng là do dòng tu này đặt.

Từ khi được xây dựng, Jasna Góra đã nổi tiếng là một tu viện, một tòa thành cổ đẹp, trang nghiêm; tuy nhiên, nếu thiếu bức tranh thánh Đức Mẹ Madonna Đen thì Jasna Góra đã không thể có được vị thế như ngày hôm nay trong lòng người mộ đạo Ba Lan và thế giới.
 

Bức tranh Đức Mẹ Madonna Đen, biểu tượng của nền độc lập và của Giáo hội Công giáo Ba Lan

Bức tranh ấy, được đánh giá là “tạo nên sự huyền bí, cũng như bầu không khí mộ đạo trong Thánh đường Jasna Góra”, có một xuất xứ rất lâu đời. Được vẽ trên một bảng gỗ, tranh phác họa hình ảnh Đức Mẹ bồng bế Chúa Jesus khi còn ngài là con trẻ; ánh mắt của Đức Mẹ và Đức Chúa vừa nhìn thẳng vào phía đoàn người hành hương, lại vừa hướng đi đâu xa thẳm, vừa trầm tư suy tưởng, vừa toát lên sự chế ngự tôn nghiêm.

Tương truyền, Đức Mẹ Madonna Đen là tác phẩm của chính Thánh Luke, môn đệ của Đức Chúa Jesus, tác giả bản “Phúc âm” mang tên ông và chương “Công vụ các sứ đồ” trong “Thánh Kinh Tân Ước”: dường như Thánh Luke đã vẽ lên mặt bàn mà Gia đình Thần thánh thường dùng bữa và tụng niệm.

Kể từ khi bức tranh được cho là có sức mạnh màu nhiệm này được đặt tại Jasna Góra, danh tiếng tu viện vang xa và nơi đây trở thành một trung tâm hành hương có tiếng ở Châu Âu. Báu vật còn hấp dẫn cả... các băng đảng cướp, nhưng may là tranh vẫn được giữ đến ngày nay, dù chúng ta có thấy cả những vết gươm chém trên đó.

Dân Ba Lan cho rằng sự hiện diện của Đức Mẹ Đồng trinh và bức tranh thánh Đức Mẹ Madonna Đen đã đem lại vô số điều diệu kỳ cho Ba Lan. Trong số đó, nổi tiếng nhất là chiến thắng năm 1655 trước quân Thụy Điển ngay tại thành Jasna Góra, từng được mô tả tài tình trong “Nạn hồng thủy”, tiểu thuyết lớn của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewcz (giải Nobel Văn chương 1905), mà không ít người Việt đã từng có dịp đọc bản dịch Việt ngữ, hoặc xem bộ phim chuyển thể cùng tên.

Mùa hè năm ấy, đạo quân Thụy Điển ồ ạt xâm lược Ba Lan và chỉ trong một thời gian ngắn, những thành phố lớn như Warsaw, Poznan và Kraków đã thất thủ. Trung tuần tháng Mười một, một tướng Thụy Điển dẫn 3.000 lính tấn công thành Jasna Góra và đòi người dân ở dây phải đầu hàng ngày lập tức. Cha Augustyn Kordecki, linh hồn của tu viện, đã quyết định bảo vệ thành đến cùng chỉ với 170 người lính, 20 quý tộc và 70 nhà tu hành.

Trong cuộc chiến “trứng chọi đá” ấy, dân Ba Lan đã chiến đấu với lòng dũng cảm vô song, vì họ coi quân Thụy Điển đã xâm phạm nặng nề tâm linh và tín ngưỡng của họ. Sau 40 ngày công thành mà không đạt được kết quả, phe Thụy Điển phải lui binh và chiến thắng này đã góp phần không nhỏ trong việc Ba Lan thay đổi cục diện cuộc chiến trên toàn quốc.

Người Ba Lan cho rằng Jasna Góra đã thoát hiểm là do có sự bảo hộ của Đức Mẹ Đồng trinh, thông qua bức tranh thánh Đức Mẹ Madonna Đen trong tu viện và vì thế, nửa năm sau, vua Ba Lan Jan Kazimierz - trong một buổi lễ trang trọng tại Đại giáo đường Lvov - đã hiến dâng toàn thể đất nước ông cho Đức Mẹ Mary.
 

Tu viện Jasna Góra

Từ ngày ấy, bức tranh thánh tại Jasna Góra được coi như một bảo vật của Ba Lan, và Jasna Góra trở thành biểu tượng của dân tộc và quyền tự do tín ngưỡng tại Ba Lan. Tháng 9-1717, tranh Đức Mẹ Madonna Đen được chính thức đăng quang trước sự hiện diện của chừng 200 ngàn giáo dân, trên tư cách một vị thánh bảo hộ, một biểu tượng của tinh thần độc lập Ba Lan.

Sau đó, trong thời gian Đế chế Nga đô hộ và muốn xóa sổ Ba Lan khỏi bản đồ thế giới, Nga hoàng Nicolai đã coi tranh Đức Mẹ Madonna Đen là “tên phản loạn Ba Lan nguy hiểm nhất”, và cấm những đoàn hồi hương về Jasna Góra.

Gần một thế kỷ sau, trong cuộc đấu tranh của Nghiệp đoàn Đoàn kết do thủ lĩnh Lech Walesa lãnh đạo, Đức Mẹ Madonna Đen cũng được chọn là một biểu tượng của lòng khát khao độc lập và tự do tôn giáo của người Ba Lan.

Ngày nay, đến thăm Częstochowa trong dòng người lũ lượt vào tu viện Jasna Góra để chiêm ngưỡng Đức Mẹ Madonna Đen, du khách sẽ còn được thấy bộ “trang phục” mới của bức tranh, gồm vô số hạt đá quý và hổ phách. Đó là món quà của dân Ba Lan dâng lên Đức Mẹ trong năm 2006, nhân 350 năm ngày đất nước Ba Lan được dâng hiến cho Người.

Đồng thời, đây cũng là sự biết ơn của quốc gia Ba Lan đối với cuộc đời và sự nghiệp của cố Đức Giáo hoàng John Phaolô Đệ nhị, người đã ban phước và trao tặng những vương miện vàng cho bức tranh thánh Đức Mẹ Madonna Đen, vỏn vẹn có một ngày trước khi Ngài tạ thế!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh