Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CỐ ĐÔ ESZTERGOM VÀ TÒA BAZILIKA

(NCTG) Ngược dòng Duna (Danube) chừng một giờ đồng hồ, rời thủ đô Budapest khoảng 60 km về phía Bắc, chúng ta đặt chân lên một vùng đồi núi với phong cảnh hữu tình vào bậc nhất của Hungary.

Esztergom, cố đô nước Hung triều đại Árpád, nơi chôn nhau cắt rốn của vua István Đệ nhất

Nằm bên bờ sông Duna, chỉ cách Cộng hòa Skovakia bởi một cây cầu (Mária Valéria híd), thành phố với cái tên Esztergom ấy, từ hơn chục thế kỷ nay, là thủ phủ của Giáo hội Công giáo Hungary và cũng là cố đô của nước Hung.

Esztergom là một trong những thành phố lịch sử có truyền thống lâu đời nhất của nước Hung và như người Hung thường nói, lịch sử nước Hung tập trung dày đặc trong lịch sử của thành phố nhỏ này: trong 1.100 năm tồn tại của Hungary, hiếm có thập niên nào mà cái tên Esztergom không được nhắc đến.

Cố đô của vương triều Hung này đã chứng kiến những nhân vật kiệt xuất, những sự kiện trọng đại của lịch sử Hung, những bước thăng trầm và điều đáng nói nhất là cho đến nay, nó vẫn là một điểm đến không thể thiếu trong lịch trình của bất cứ du khách nào muốn tìm hiểu về nước Hung Công giáo, bởi tại đây, chúng ta có thể chiêm ngưỡng đại giáo đường lớn nhất của nước Hung (và thứ năm của Châu Âu), tòa Bazilika.

Có lịch sử hơn một ngàn năm, Esztergom là nơi cư ngụ của các vị vua đầu tiên của nước Hung. Tại đây, vào một ngày cuối năm 1.000, vua István Đệ nhất - người sáng lập nước Hung Công giáo - đã đăng quang (sau đó, thời điểm khi vua István được Giáo hội Công giáo La Mã phong Thánh được coi là ngày Quốc khánh Hung). Cũng tại Esztergom, trong vòng hơn 200 năm đầu của lịch sử Hung, xưởng đúc tiền duy nhất của Hungary đã được xây dựng và hoạt động.

Tượng đài khắc họa khoảnh khắc vua István Đại đế nhận tấm vương miện khi đăng quang

Từ đầu thế kỷ XIII trở đi, Esztergom chẳng những là nơi ngự trị của vương triều Hung, là trung tâm văn hóa và khoa học của nước Hung, mà còn là trụ sở của Giáo hội Hung: vị tổng giám mục Esztergom cũng đồng thời là nhân vật Công giáo quan trọng nhất của đất nước, và ông là người có quyền tối thượng trong lễ đăng quang của các vị vua Hung.

Theo tháng năm, Esztergom cũng phải chịu những thăng trầm của lịch sử Hung. Thành phố này từng bị phá hoại tàn khốc bởi các đạo quân Mông Cổ, khi ấy tung hoành khắp châu Âu, rồi sau đó, bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm. Cuối thế kỷ XVI, nó đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến Hung - Thổ và cho dù được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XVIII, đáng tiếc, nhiều nét hào hoa của thành phố hoàng gia xưa kia đã vĩnh viễn đi vào quá khứ.

*

Du khách đến Esztergom, từ xa xa, đã có thể chiêm ngưỡng tòa Bazilika, được coi là kiệt tác hoành tráng nhất và vĩ đại của trường phái kiến trúc cổ điển Hung. Vươn cao trên đỉnh núi Várhegy, nơi chứa đựng những di tích lịch sử, văn hóa và tôn giáo của nước Hung 1.100 năm, Bazilika in bóng xuống dòng sông Danube và có dáng dấp một vị thần ngự trị mảnh đất Hungary.

Bazilika ở Esztergom, nhà thờ lớn nhất của Hungary

Có thể coi là biểu tượng của Esztergom, đồng thời là nhà thờ lớn nhất của nước Hung, tòa đại giáo đường này cũng là nơi hành đạo của các vị hồng y giáo chủ đứng đầu Giáo hội Công giáo Hung. Được xây dựng ròng rã trong vòng 47 năm, dưới bốn đời Tổng giám mục là các vị Hồng y Hungary, trên đống tro tàn của nhà thờ Szent Adalbert do chính vị vua đầu tiên của nước Hung (Szent István király) khởi dựng, Bazilika là tác phẩm của ba kiến trúc sư nổi tiếng của vương triều Áo - Hung. Đáng ghi nhớ nhất là vào năm 1856, chính đại nhạc sư Liszt Ferenc đã sáng tác "Bản Thánh ca Esztergom" và đích thân chỉ huy trong lễ khánh thành tòa đại giáo đường.

Bức họa "Đức Mẹ Maria thăng thiên"

Chưa cần bước chân vào nhà thờ, du khách đã bị choáng ngợp bởi kích thước hoành tráng của tòa Bazilika lớn nhất nước Hung này: với chiều dài 118m, rộng 49 m và cao 100m, Bazilika sừng sững vươn mình trên 24 cây cột mái tròn đồ sộ. Khó tả xiết những gì mà chúng ta có thể thấy trong nhà thờ này, nhưng có lẽ mọi du khách khi đặt chân đến đây, sẽ mang trong lòng một cảm giác bị chế ngự bởi hằng hà sa số những kỷ vật của quá khứ.

Đó là những bức tranh tường kỳ vĩ (trong đó có bức "Đức Mẹ Maria thăng thiên" của Michelangelo Grigoletti, một danh họa Ý thế kỷ XIX, được coi là tấm sơn dầu vẽ trên một vải bố lớn nhất thế giới với kích thước 13,5m x 6,6m); là bức tượng cao 3m mô tả vị vua đầu tiên của nước Hung trong tư thế chiến đấu trên lưng ngựa, từng được coi là biểu tượng của Hungary tại Triển lãm Thế giới tại Paris năm 1937 và được giải thưởng lớn lớn ở đây; là những hầm mộ, đồng thời cũng là những kiệt tác của kiến trúc Hung thời Phục hưng, nơi yên nghỉ của các tổng giám mục, các vị Hồng y của nước Hung từ thời Trung cổ đến nay...

Đặc biệt, Bazilika cũng là nơi yên nghỉ trần thế của Đức Hồng y Mindszenty József, nổi tiếng vì những hoạt động cho một nước Hung tự do; chính ông là người phải trú ngụ mười lăm năm liền tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hung vì đã tham gia cuộc cách mạng dân chủ 1956. Mộ phần của ông, từ năm 1991, là nơi hành hương của nhiều thế hệ tín đồ Công giáo Hung và của du khách quốc tế.

Cầu Mária Valéria nối liền Hung - Slovakia

Sau một hai tiếng chiêm ngưỡng tòa đại giáo đường, du khách có thể, và rất nên, lên đỉnh nhà thờ - bằng thang máy hoặc leo 364 bậc thang - để có cái nhìn toàn cảnh về một miền quê tuyệt đẹp, núi non sơn thủy hữu tình, nơi thượng nguồn của dòng Duna, và đường biên giới xanh phân cách Hungary và Slovakia. Từ đó, vẫn có thể nhìn thấy pho tượng "Đức Mẹ của người Hung" (Magyarok Nagyasszonya, tức Đức Mẹ Đồng trinh) nằm tại quảng trường lớn trước tòa Bazilika, như che chở và vỗ về cho con dân nước này.

Bất giác, chúng ta có thể nhớ lại những dòng đầu trong bản Quốc ca Hung với lời thơ của thi hào Kölcsey Ferenc: "Thượng đế, hãy cầu phúc cho dân Hung - Luôn tươi vui và sung túc - Và giơ cánh tay chở che - Khi họ chiến đấu với quân thù...". Bản Quốc ca của một dân tộc đã có nhiều thế kỷ chìm đắm trong chinh chiến, đã đại bại trong cả hai cuộc Thế chiến kinh hoàng của thế kỷ XX, mà mang âm hưởng một bản Thánh ca với ngôn từ hiền hòa, mang đượm tính hòa bình, nhân ái và yêu chuộng tự do, không hề có một câu chém giết - phải chăng đó cũng là một thông điệp mà thế giới có thể nhận từ nước Hung nhỏ bé này?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh