Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN CỦA BEN

(NCTG) “Ở Việt Nam, liệu có cử nhân nào có đủ đam mê và dũng khí bước qua những định kiến hãnh tiến của xã hội về nghề nghiệp để quay về với thú vui đồng ruộng, để học lại những bài học sơ khai nhất với Mẹ tự nhiên?”.

Một biểu ngữ giăng trong khu vườn nổi tiếng ở Berkeley - vốn là khu vườn của một nhà hàng nổi tiếng bậc nhất trong thành phố, được một trường tiểu học trông nom để học sinh có dịp quan sát và học hỏi về tự nhiên

Ben 27 tuổi, lớn lên trong một gia đình trí thức và có niềm đam mê âm nhạc từ bé. Cha mẹ cậu đã cho cậu học đàn piano từ khá sớm. Thời trung học, cậu từng là ngôi sao ở trường vì tài chơi piano và guitar. Vào đại học, Ben theo đuổi ngành Âm nhạc trong hai năm đầu tiên, nhưng rồi cậu bỏ ngang vì tự cảm thấy thiên hướng âm nhạc của cậu không đủ để làm nên sự nghiệp danh phận gì. Rồi Ben quyết định chuyển sang học ngành Chính trị học và ra trường với tấm bằng cử nhân.

Năm 26 tuổi, Ben lấy vợ - một cô bạn gái từ thời học phổ thông, tốt nghiệp đại học ngành Múa và quay về sống tại quê nhà – thành phố nhỏ Roscheter thuộc bang New York. Nếu câu chuyện chỉ có vậy, tôi sẽ không quá để ý đến Ben, vì dù rằng đời sống hiện đại khiến thanh niên Mỹ có xu hướng lập gia đình muộn và sống xa quê nhưng vẫn còn không ít người sống kiểu cố điển như vợ chồng Ben.

Điều đáng kể là: sau khi cưới nhau ở quê nhà, vợ chồng Ben quyết định trở thành nông dân. Họ mua đất làm trang trại, chủ yếu là trồng trọt và cũng chăn nuôi thêm ít gia súc gia cầm. Đôi vợ chồng trí thức và có hơi hướng nghệ sĩ ấy đã bắt tay vào công việc đồng áng như những người nông dân thực thụ, dù cha mẹ họ, ông bà họ chưa từng đụng đến việc nhà nông.

Điều gì đã khiến những người thanh niên trí thức trẻ tuổi ấy muốn làm nông dân, vui thú với đồng đất, cỏ cây? Đó là câu chúng tôi hỏi nhau và tự hỏi mình khi nói về Ben.

Ben trẻ quá nên bồng bột chăng? Chắc là không, bởi chỉ một người biết suy nghĩ thấu đáo về tương lai mới bỏ ngang việc học nhạc khi nhận ra tài năng không đủ làm nên sự nghiệp xuất sắc. Tìm hiểu thêm, tôi được biết vợ chồng Ben đã bắt đầu có hứng thú với việc nhà nông bởi họ quan tâm đến vấn đề thực phẩm và môi trường. Bố mẹ vợ của Ben có một nhà hàng khá nổi tiếng trong vùng và đó là nguyên cớ để họ suy nghĩ nhiều đến chuyện thực phẩm. Vợ chồng Ben muốn xây dựng một mô hình trang trại không chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho mọi người mà còn nhằm cải tạo môi trường, xây dựng một lối ứng xử lành mạnh với môi trường, góp phần bài loại những thực phẩm có chứa các hoá chất nhân tạo.

Trang trại của vợ chồng Ben mới đi vào hoạt động được hơn một năm, nhưng cặp vợ chồng nông dân - trí thức ấy đã tạo lập được một quy trình sản xuất – tiêu thụ rất hiệu quả. Họ có một nhóm khách hàng lớn trong thành phố chỉ dùng rau củ quả và các nông phẩm từ trang trại của họ. Nhóm khách hàng này thay phiên nhau đi xe ra tận trang trại của vợ chồng Ben ở vùng ngoại ô mỗi cuối tuần để lấy nông phẩm cho cả nhóm. Mùa nào, thức nấy, rau củ quả sạch không hoá chất và đảm bảo tươi ngon được mọi người ưa dùng nên họ không ngại tự đảm nhận khâu vận chuyển. Ban đầu, nhóm khách hàng này là những bạn bè thân quen của gia đình Ben, rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người biết tiếng cứ thế tham gia vào nhóm, mở rộng thị trường. Ngoài ra, trang trại của Ben cũng thường xuyên cung cấp nông sản cho một số nhà hàng lớn trong thành phố.

Đôi vợ chồng trẻ ấy đang tận hưởng cuộc đời nông dân thực thụ: ngày ngày làm việc ngoài đồng, những tối cuối tuần chơi nhạc ở một vài quán rượu trong vùng để kiếm thêm thu nhập. Họ được dân trong vùng yêu quí và nể phục vì đã chọn niềm vui sống hòa đồng với Mẹ tự nhiên, vì đã dám sống như họ muốn.

Nghe câu chuyện của Ben, tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến những mục tiêu giáo dục của nước nhà. Ở Việt Nam, liệu có cử nhân nào có đủ đam mê và dũng khí bước qua những định kiến hãnh tiến của xã hội về nghề nghiệp để quay về với thú vui đồng ruộng, để học lại những bài học sơ khai nhất với Mẹ tự nhiên?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)