CHUYỆN ẨM THỰC KHẮP NƠI
- Thứ sáu - 09/02/2007 04:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhìn thoảng qua, có lẽ đơn giản nhất khi... không có một thứ đồ dùng để ăn nào. Khi đó, khả năng chúng ta phải dùng tay, một điều tưởng quá thô sơ và... lạc hậu, cho dù các số liệu thống kê cho thấy ít nhất một phần ba dân số trên thế giới đều dùng tay để ăn! Ăn bằng tay rất thông dụng ở Châu Phi và vùng Tây Á - ở đó, tại các tiệm ăn truyền thống hoặc trong bữa tối tại gia đình, thực khách đều ăn chung từ một đĩa lớn. Cần biết rằng theo phép lịch sự, chúng ta chỉ nên ăn ở phần đĩa cạnh chúng ta, chứ không nên... với sang tận bên kia (nếu là khách, thế nào chúng ta cũng được chủ nhà mời những món ngon nhất ở phần đĩa gần chúng ta - kể cả trong trường hợp, món ăn "khoái khẩu" đó, như mắt cừu chẳng hạn, không nhất thiết phù hợp với sở thích của người từ xa đến). Khi nhấc một món ăn khỏi đĩa, chúng ta cố gắng chụm ngón tay và tránh làm đĩa thức ăn bị đảo lộn quá mức. Tại các nước Hồi giáo, chỉ được dùng tay phải để bốc thức ăn vì tay trái, không rõ vì lý do gì, bị coi là không sạch sẽ. Ở Ấn Độ thì mọi thứ còn khó hơn một bậc, nhất là ở miền Nam: tại đó, ở những tiệm ăn bình dân, thức ăn được đặt trong một khay có nhiều ngăn, đủ thứ: các loại xốt, rau xanh (thịt ở đây khá hiếm và ít), cơm..., chúng ta phải tự trộn và ăn bằng tay. Dĩ nhiên, sẽ dỡ hơn nếu người phục vụ cho chúng ta món tsapati (bánh mỳ Ấn), để chúng ta có thể... gói mọi thứ trong đó và ăn như món cuốn hoặc gỏi của Việt Nam vậy. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi người hầu bàn mang nước nóng trong một ca sắt kèm một miếng chanh: đây cố nhiên không phải là... nước chanh, mà để chúng ta có thể rửa tay trong đó, loại nước này có tác dụng sạch mỡ như xà phòng. Ăn uống ở Ethiopia thì được nâng lên hàng nghệ thuật: trong tiệm ăn, thay cho khăn trải bàn là một miếng bột được cán mỏng, kích cỡ như... chiếc khăn tắm, và các loại thịt, cá, rau xanh, xốt... cho cả bàn tiệc được đặt lên đó. Ngoài ra, mỗi thực khách được nhận một chiếc khăn "cá nhân" nữa, dĩ nhiên cũng bằng bột cán mỏng, to bằng chiếc khăn mặt: thực khách sẽ cắt nhỏ tấm khăn này để cuốn các món ăn trên bàn, thay cho thìa, dĩa hoặc đũa.
Một bàn tiệc thế này, nếu chỉ được dùng tay thì cũng hơi... kẹt! - Ảnh minh họa của Hoàng Tuấn (NCTG)
Tại các tiệm ăn truyền thống ở Thái Lan hoặc Phi Luật Tân, bàn ăn không có dao, chỉ có thìa và dĩa. Khi ăn, chúng ta cầm dĩa tay trái và gạt lên thìa trong tay phải. Tuy nhiên, nên tránh đưa dĩa lên miệng: đối với người bản xứ, đây là một hành vi thiếu lịch sự nặng nề, dĩ nhiên, người ngoài quốc thì được thể tất hơn. Dao thường không cần vì các món ăn đều được thái hoặc băm nhỏ.
Phức tạp nhất đối với thực khách, có lẽ là tại Iran, ở một tiệm ăn "đặc sản". Thực khách sẽ phải ngồi xuống một chiếc chiếu cói, và người phục vụ mang ra một cốc to có quai cầm đựng đầy canh, thìa, đĩa và một chiếc bánh nướng tròn, to chừng nửa mét vuông, tiếng Irán gọi là "nan". Không có một dụng cụ ăn uống nào khác, ngoài một vật bằng sắt có hình thù giống một chiếc mộc. Trong cốc đựng canh, có thịt, cà chua, khoai tây để nguyên, và ngô. Ăn thế nào là cả một vấn đề nan giải, nếu thực khách không được sự trợ giúp của hướng viên du lịch địa phương: phải đổ canh ra đĩa, rồi dùng chiếc mộc nghiền nát những gì có trong canh. Như thế, có thể ăn bằng cách xé bánh nướng ra làm nhiều mảnh và dùng nó như một chiếc thìa!
Dĩ nhiên, du khách có thể chọn những cách "dễ chịu" hơn, ấy là, đi đến đâu, chúng ta cũng chỉ vào những nhà hàng thân thuộc, những thương hiệu nổi tiếng có mặt trên toàn thế giới, để tránh phức tạp, phiền nhiễu nảy sinh giữa chừng. Tuy nhiên, làm như thế, vô hình trung, chúng ta đã đánh mất đi một phần cái cảm giác mà vì nó, chúng ta lên đường đến một miền đất lạ: cảm giác khám phá những vẻ đẹp và đặc thù của một nền văn hóa khác, được thể hiện khá rõ rệt qua nghệ thuật ẩm thực.
Cho dù, nhiều khi, có thể để "hưởng thụ" được nó, chúng ta cần khả năng thích nghi cao và đôi chút hy sinh...