Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẢO TÀNG VIỆN HERMITAGE VÀ VỤ TRỘM GÂY NHIỀU CHÚ Ý

(NCTG) Nhắc đến thành phố St. Petersburg của Liên bang Nga, thành phố có hơn 300 năm tuổi, được coi là "Venise của biển Bắc", du khách quốc tế không thể quên những lâu dài, cung điện tráng lệ, nguy nga và đồ sộ của dòng họ Romanov, mà tiêu biểu là Cung điện Mùa Đông và trong khuôn viên của nó, bảo tàng viện Hermitage, một trong những bảo tàng lớn nhất và chứa nhiều cổ vật quý báu nhất của thế giới, "niềm tự hào của người Nga", đúng như ý nguyện của kiến trúc sư Bartolomeo Rastrelli, người đã thiết kế và xây dựng lên Hermitage.

Được xây dựng cách đây gần 250 năm, bảo tàng viện Hermitage gom chứa những bộ sưu tập vô cùng quý giá mà các đời Nga hoàng trước đây, cũng như chính quyền Nga sau này, đã mua lại của các tay chơi đồ cổ Pháp, Ý, Áo và Đức. Một thống kê sơ bộ cho biết Hermitage có 380 ngàn bức tranh cổ và 2,5 triệu cổ vật, ấy là chưa kể một lượng đồ sộ những bản vẽ và tranh khắc, cũng như vàng bạc và đá quý. Hàng năm, nhiều triệu khách du lịch, trong đó, đa số là du khách ngoại quốc, đã tới thăm bảo tàng viện nổi tiếng này; vào mùa hạ năm nay, khi các đoàn tour ngoại quốc đặt chân tới St. Petersburg, hẳn du khách đã phải ngạc nhiên vì họ phải xếp hàng nhiều giờ để vào được bảo tàng viện và sau đó, ở mỗi phòng của Hermitage, họ cũng chỉ được "lưu trú" vài ba phút, vừa kịp định thần xem mình đang ở đâu, rồi phải rời sang phòng khác, nhường chỗ cho các đoàn khác.

Chính vì là nơi bày giữ nhiều cổ vật quý giá như vậy, nên an ninh ở Hermitage được giữ khá nghiêm ngặt. Khách vào bảo tàng viện phải gửi tất cả túi xách và nhũng vật dụng tùy thân, và phải qua cửa kiểm tra điện tử. Ấy vậy mà vẫn không tránh được những vụ đánh cắp: gần đây nhất, vào đầu tháng Tám, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, người ta phát hiện ra có hơn 200 đồ vật bày biện đã không cánh mà bay! Câu chuyện khá ly kỳ: tại phòng triển lãm nghệ thuật kim hoàn Nga, khi cuộc kiểm tra được báo trước bắt đầu, một người trông phòng đột nhiên bất tỉnh và qua đời! Sau đó, dẫn lời một nhân viên thuộc Phòng Báo chí của Hermitage, hãng thông tấn Nga TASS cho biết 221 đồ vật đã bị đánh cắp, tổng trị giá chừng 5 triệu USD. Tuy nhiên, báo chí Nga còn đăng tải tuyên bố của một số chuyên gia cổ vật, theo đó, trị giá "chợ đen" của những cổ vật bị mất cắp phải lên tới 100 triệu Mỹ kim!

Lần lại lịch sự những vụ mất cắp ở Hermitage, chúng ta còn nhớ vào tháng 3-2001, bảo tàng viện này từng bị mất bức họa "Tắm trong hậu cung" của danh họa Pháp thế kỷ XIX Jean Léon Gérome: một tên trộm nào đó đơn thuần đã cắt bức tranh trị giá khoảng 1 triệu USD này khỏi khung! Đáng chú ý là phòng trưng bày bức họa đó không có hệ thống báo động.

Trở lại vụ trộm hiện tại đang khiến dư luận Nga và giới sưu tầm cổ vật thế giới xôn xao: chưa đầy 2 ngày sau khi danh sách nhữntg đồ vật bị mất ở Hermitage được đưa lên trang chủ của bảo tàng viện, một cú điện thoại của một kẻ ẩn danh đã khiến người ta tìm thấy một cổ vật trị giá 200 ngàn Mỹ kim trong một thùng rác đặt ngay cạnh cơ quan cảnh sát St. Petersburg đang điều tra vụ án. Ngày hôm sau, thêm một cổ vật được hoàn trả Hermitage bởi một người buôn cổ vật ở Moscow, ông này đã chứng tỏ được rằng vào năm 2004, ông ta mua cổ vật trên mà không hề biết nó là bị đồ đánh cắp. Dần dà, cảnh sát Nga đã tìm ra manh mối của chừng 70 đồ vật khác.

Trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh nhận ra rằng đa phần những cổ vật bị mất cắp đã được trưng bày tại phòng mà người giữ phòng vừa qua đời. Một kết luận đã được rút ra: trong vòng 6 năm trời, người giữ phòng nọ đã tiếp tay cho kẻ trộm đánh cắp các vật quý của Hermitage. Chỉ ít ngày sau khi vụ trộm được công bố, cảnh sát Nga đã bắt giữ 2 nghi phạm, với những bằng chứng được coi là xác đáng cho thấy họ đã nhúng tay vào "phi vụ" này.

Sự kiện trên cũng cho thấy khâu bảo quản và lưu giữ của bảo tàng viện Hermitage còn những yếu kém. Các chuyên gia trong ngành bảo tàng học Nga cho biết: chỉ có phân nửa số đồ vật trong Hermitage được đưa vào hệ thống lưu trữ trong máy điện toán. Trong số 221 cổ vật bị mất kỳ này, đa phần không được chụp ảnh, chỉ còn lại sự mô tả trên giấy tờ. Đáng nói là chúng còn không hề được bảo hiểm!

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo báo Hung