Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BA LAN, HAI LẦN TÔI ĐÃ ĐẾN (2)

(NCTG) Lần này tôi cùng một anh bạn cùng lớp đại học ngày xưa, quen biết nhau đã gần bốn chục năm, sang Warszawa dự cưới con gái một đồng nghiệp cũ.

Nhà ga Trung Tâm

Cái hiệp ước phi thị thực khối Schengen chưa biết sẽ mang lại cho các quốc gia EU những lợi ích gì, nhưng với chúng ta thì trước hết nó là hiện thân của một khả năng, một cảm giác tự do có thật. Tám giờ tối lên tàu ở ga Keleti, ngồi chưa ấm chỗ trên cabin giường nằm, uống với nhau vài lon bia lạnh, dăm ba câu chuyện vãn, ngủ một giấc dài. Khi thức dậy đã thấy những đồng cỏ, làng mạc, những rừng bạch dương Ba Lan lướt nhanh ngoài cửa toa, cảnh sắc đã mang nhiều nét phương Bắc. Bảy giờ sáng người coi toa xe đã nhắc tàu đang vào ga Trung Tâm, cái ga hơn ba mươi năm trước mình đã ngủ vạ vật một đêm trên ghế gỗ, có cũ kỹ, mòn tróc đi nhiều, nhưng hình như tấp nập hơn xưa.

Ông „bô vơ” tương lai đã chờ sẵn, tay bắt mặt mừng: „Quý hóa quá! Các bác sang tận đây dự ngày vui của cháu”. Ông mời chúng tôi lên một chiếc Toyota còn mới, chứ không phải ba-lô cuốc bộ như thời sinh viên, chỉ chừng mươi phút sau chúng tôi đã ngồi trong phòng khách nhà ông. Một anh bạn đồng nghiệp khác - tiến sĩ toán học -, cũng đã mấy chục năm chưa gặp, nhà đâu ở gần đó cũng đã kịp sang. Bà chủ nhà trẻ nhiều so với tuổi và mau mắn, xởi lởi như mọi người phụ nữ Việt xa xứ lâu ngày, nhoáng cái đã bưng lên những bát phở nóng bốc hơi thơm lừng rất gợi cảm. Ăn sáng xong chúng tôi được „chuyển” sang cho nhà toán học, vì gia chủ hôm nay còn ối việc phải làm cho đến tối: „Mời các bác qua nhà tôi cho biết cái nhà Đôm ở bên đây nó ra sao, cũng gọn ghẽ khang trang lắm, mà lại ở ngay gần trung tâm thành phố, có chút vườn đủ để trồng hoa và rau gia vị quê nhà”. Sau một tuần trà, nhà toán học phân công cho vợ và con trai đưa chúng tôi đi thăm thành phố, vì thày còn phải „trả nợ” học trò luyện thi.

Cung Lazienki

Chúng tôi đến lâu đài Wilanóv, công viên Lazienki, lên Thành cổ, dạo một vòng quanh Chợ Sân vận động rồi quá trưa được mời tới Nhà hàng Quê Hương, nghe cái tên đã thấy rất thân thương, tưởng chỉ là một hàng ăn nhỏ, tới nơi mới hay đó là một nhà hàng sang trọng chiếm cả một góc của một quảng trường lớn. Quê Hương có tầng hầm, tầng trệt và tầng trên, đủ sức tổ chức đám cưới cho vài trăm thực khách, nấu cả món ăn Tây, cả cơm ta, lại có một phòng riêng phục vụ món sushi. Mà nghe đâu chủ quán còn rất trẻ, thế mới giỏi! Bữa trưa có cơm gạo tám thơm, cá sốt cà chua, rau muống xào, thịt ba chỉ rang rất khéo, một bữa cơm thuần Việt thân mật và ngon miệng. „Ăn xong các bác về nhận phòng trong khách sạn rồi nghỉ ngơi, chiều tối sẽ có người đến đón đưa thẳng tới nơi tổ chức đám cưới ở trường Đại học bách Khoa”. Gớm, cứ như là thượng khách! Ừ mà sướng thật, chẳng hiểu bằng cách nào, từ bao giờ, người Việt ta đã có mặt ở khắp bốn phương trời, đa phần từ hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp. Chỉ ngó quanh quanh, đi từ Budapest qua Bratislava, sang Praha, Wien, Münich, nay đến Warszawa, đâu đâu cũng gặp bè bạn, bà con mình, thân quen cứ như thể người nhà.

Sau hơn ba mươi năm, thấy Warszawa có nhiều thay đổi. Khu trung tâm nhà cao tầng mọc lên như nấm, khách sạn, trung tâm thương mại, ngân hàng nằm kề san sát hai bên đại lộ. Thành phố với những khu nhà hộp, nhà lắp ghép đơn điệu, tẻ nhạt, xám ngoét ngày nào nay đã mang dáng dấp một thành phố hiện đại Châu Âu.

Ông bạn chúng tôi chơi sang, thuê hẳn một phòng trong khách sạn năm sao Westin, mặc dù trước khi sang tôi đã điện thoại bảo chỉ cần ở tạm nhà bạn bè hay thuê cho một phòng trong pansion là xong. Từ thưở cha sinh mẹ đẻ đã bao giờ được ngả lưng trong một căn phòng sang trọng như thế, mọi thứ đều thơm tho, bóng loáng như mơ. Điều hòa tự động chạy êm ru, mini bar đầy ắp đồ uống, TV màn hình phẳng, internet tới tận chân giường, thật chẳng thiếu thứ gì. Nhiều khi cái sang, cái sướng quá mức cũng làm ta ái ngại. Có lẽ ông bạn quá mừng vì sắp lên ngôi bố vợ, gả xong con gái, được rể hiền mà phóng tay thế này? Hay hắn ta nghĩ chúng tôi đi xuyên quốc gia, ngót ngàn cây số sang đây dự cưới con mình nên phải cho nó đàng hoàng. Dân Việt mình hay thật, khi chắt bóp có khi tính từng xu, khi ăn chơi thì mấy cũng không nề. Thôi hãy quăng mình lên cái giường đệm thơm tho kia làm một giấc đã, sau hẵng hay. Nói như Chu Văn Quyềnh: „Các bác không nên hoãn cái sự sung sướng lại!

Đám cưới tổ chức trong một không gian hoành tráng, gần năm trăm khách mời, ở Hungary chắc ít có đám nào đông đến thế, đấy mới chủ yếu là khách khứa bạn bè bên nhà gái thôi, chứ gia đình chú rể ở TP HCM, xa xôi cách trở, chắc rồi chỉ coi đám cưới qua băng đĩa. Khách đến khá đúng giờ, dù tối nay có trận tứ kết túc cầu Euro Hà Lan - Nga hứa hẹn nhiều kịch tính. Chúng tôi đến từ xa mà không lạ, vừa bước lên cầu thang đã thật sự ngạc nhiên được gặp lại gần chục đồng nghiệp cũ cùng cả vợ con và gia đình, với đa số đã trên hai chục năm có lẻ chưa hề gặp lại. Nom ai cũng già đi nhiều, trên đầu đã thêm bao sợi bạc, nhưng ai cũng hồ hởi tay bắt mặt mừng. Cả hội ngồi kín một dãy bàn. Cô dâu rất xinh, những cháu bé dẫn lối cả trai lẫn gái nom như những thiên sứ của hạnh phúc. Những gương mặt bà con mình có lẽ thường ngày trong cuộc mưu sinh đầy âu lo vất vả, tối nay trong đám hỷ như cũng vui lây niềm vui của đôi trẻ, phụ nữ thì tha thướt áo dài đủ sắc, nam nhi thì trông ông nào cũng trang trọng hẳn trong những bộ complett đắt tiền, rất thân thiện, hồn nhiên và rất đáng yêu. Một thực đơn chỉ nghe đã thấy rất Việt, đánh thức mọi thứ giác quan, thấm vào tỳ vị thực khách, xin phép gia chủ được chép ra đây cho bàn dân thiên hạ cùng thưởng thức. Xúp cua, xôi gấc, nộm xu hào, dê tái chanh, gà hấp lá chanh, tôm chiên xù, nem Hoàng Gia, viên nai cắm dứa, lợn sữa quay, bóng xào thập cẩm, canh cua mùng tơi, cơm tám, bánh ga tô, trái cây... Phần tổ chức, điều hành của chủ hôn và MC chính rất văn hóa, rất nhuyễn và gọn gàng, những cây văn nghệ, những giọng hát cộng đồng nhiệt tình và điêu luyện chẳng kém gì chuyên nghiệp. Đặc biệt lượng khách đông như thế, nhưng không quá ồn ào, không có những đợt hò reo „Một hai, dô, dô...!!!” ầm ĩ như bên Hung mình.

Biết chúng tôi từ Hung sang, nhiều người ghé lại hỏi thăm, chuyện trò rất thân mật. Nhiều anh em là trí thức từng cán bộ khoa học của các vụ viện ở nhà, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học lớn như Tổng hợp, Bách khoa, Mỏ địa chất, Xây dựng... Nhiều chuyên gia từng làm việc giảng dạy ở các nước Châu Phi như Angeria, Angola... trong những năm 70, 80 sau khi hết hạn cũng dạt về đây - có lẽ bởi đất lành chim đậu - làm ăn rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp. Người ta bảo có thể họp khoa Toán Đại học Tổng hợp ở Ba Lan, tuy là nói đùa vui nhưng nó cũng nói lên một thực trạng về mật độ trí thức, cán bộ khoa học, văn nghệ sĩ Việt Nam rất cao trên xứ sở Ba Lan. Và có ở đâu có sự lãng phí chất xám ghê gớm như đất nước chúng ta: tiến sĩ, giáo sư, chuyên gia đi đâu cũng gặp, cái sự oái oăm đau lòng ấy đâu lỗi của riêng ai?

*

Hôm sau, sáng Chủ nhật, theo yêu cầu của chúng tôi, ông bạn sau một đêm chính thức thành bố vợ, vui vẻ đưa chúng tôi tới làng Żelazowa Wola thăm quê hương của nhạc sĩ thiên tài Fryderyk Franciszek Chopin, cách Warszawa chừng sáu chục cây số.

Nhà Chopin tại làng Zelazowa Wola

Nhà Chopin, một ngôi nhà kiểu nông thôn, mái lợp bởi những tấm gỗ nhỏ, tường quyét vôi màu trắng nằm khiêm nhường dưới bóng những cây lớn trong một khuôn viên rộng ríu ran chim hót. Khu vườn có một dòng suối nhỏ chảy qua, đủ các loài thảo mộc chẳng khác gì một arborétum. Du khách từ khắp mọi miền về đây như hành hương về một miền quê chung, bởi Chopin là của Ba Lan, nhưng những di sản của ông cũng là tài sản của chung của nhân loại. Mười hai giờ trưa có buổi concert, gọi là buổi hòa nhạc nhưng thực ra chỉ có một nữ nghệ sĩ dương cầm vận đồ đen bước ra khung cửa hẹp chào thính giả, rồi lùi vào bên cây đàn piano đặt trong ngôi nhà, và tiếng đàn bắt đầu thánh thót vang lên qua những khung cửa sổ. Khách hành hương ngồi trên những hàng ghế quanh ngôi nhà, ngồi rải rác dưới những lùm cây, trên những bậc thềm dọc theo các lối đi, lim dim mắt nghe như nuốt từng tiếng nhạc. Thời gian như lắng đọng, như ngừng trôi, có lẽ gần hai trăm năm trước cả không gian này, ngôi nhà này vẫn thế, và tiếng đàn Chopin - như suối nguồn trong vắt của tâm hồn Ba Lan kiêu hãnh - chưa một phút ngừng lan tỏa. Một buổi trưa có trong sự thật, một ấn tượng không thể nào quên.

Khách hành hương ngồi nghe nhạc quanh ngôi nhà Chopin

Buổi chiều, như đã hẹn chúng tôi cùng quay về gặp gỡ những đồng nghiệp cũ tại gia đình một cặp vợ chồng trước ở cùng khu tập thể. Gần chục người cùng trường, quen biết nhau từ thời bao cấp nhọc nhằn, quây quần quanh một chiếc bàn dài ôn nghèo nhớ khổ, nhắc lại đủ chuyện ngày ấy bây giờ, vui cứ như họp cơ quan. Mấy chai vang chát từ vùng nho Villányi nổi danh chúng tôi mang theo từ Budapest được mở ra, cùng bia lạnh của chủ nhà làm cho không khí buổi gặp mặt thêm hứng khởi. Tôi nhìn lại anh em bạn bè, những gương mặt vừa quen vừa lạ, có lẽ sau mấy chục năm tất cả đều đã qua giai đoạn bươn chải mưu sinh cơ cực nhất, nay đều đã có của ăn của để, đã có cơ ngơi ổn định, con cái học hành thành đạt cả. Những day dứt băn khoăn chắc hẳn đều từng có ở mỗi người trong những năm đầu khi quyết định ở lại xứ người đã qua đi, những tiếc nuối nghề nghiệp, chuyên môn đến hôm nay đã lắng xuống. Tất cả đã tìm thấy những niềm vui mới, sự lý giải mới cho cuộc sống hôm nay. Thật mừng cho tất cả.

Loáng cái đã ngồi với nhau năm sáu tiếng đồng hồ, nồi lẩu thơm lừng và những món nấu khéo tay của bà chủ nhà đã vợi. Tám rưỡi rồi, mà chín giờ tàu đã chạy, thôi nhà chúng em xin chào các bác! Cám ơn nhiều, rất nhiều!

Tạm biệt Ba Lan và hẹn ngày tái ngộ.

Xem Phần 1 của bài viết.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung - Balaton, 6-7-2008