Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ẤN TƯỢNG TRUNG QUỐC

(NCTG) Trung Quốc, xứ sở của hơn một phần năm dân số trên địa cầu, xưa và nay vốn dĩ rất gần gũi với mọi người Việt qua từng vần thơ câu chữ, từng điển cố lịch sử. Là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, đất nước bao la và vĩ đại ấy, cho đến nay còn hàm chứa những huyền bí đầy hấp dẫn, khiến phương Tây và thế giới khi muốn tìm hiểu những kỳ diệu (tâm linh) của phương Đông, đều không thể bỏ qua.

Vỉa hè đại lộ Vương Phủ Tỉnh, phố mua bán nổi tiếng nhất tại Bắc Kinh - nơi cái mới và cũ giao hòa - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Đối với riêng tôi, cái tên Trung Quốc đã ngấm sâu vào tâm thức với những kỷ niệm từ thuở ấu thơ. Cái thuở lũ nhóc trong nhà, nghịch như quỷ sứ, chuyên bắt ông ngoại hàng ngày dịch từng hồi trong "Tây Du Ký" bản tiếng Trung để rồi, đứa nhập vai Tôn Ngộ Không, đứa làm điệu bộ Trư Bát Giới và giễu thày Đường Tăng sao mà khờ khạo thế? Lớn lên chút nữa, cả thế hệ chúng tôi đã hồi hộp theo chân ba anh em Lưu, Quan, Trương trên những nẻo đường chiến chinh của "Tam Quốc Diễn Nghĩa", hoặc nín thở trước những chiến tích phiêu lưu đậm màu hảo hán của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc thời "Thủy Hử". Và, Trung Quốc đối với những ai đã trưởng thành, còn là thơ Đường, thơ Tống với những tên tuổi lừng danh như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Tô Đông Pha..., với "Sử Ký Tư Mã Thiên" bao hàm cả một thế giới với bao triết lý thâm trầm. Hay, gần đây nhất, với với những "Bá Vương Biệt Cơ", "Thu Cúc Đi Kiện", "Anh Hùng"... của Trương Nghệ Mưu khiến những bậc thầy quốc tế của môn "Nghẹ thuật thứ bảy" cũng phải kinh ngạc ngả mũ về tính đa dạng và nội dung tiềm ẩn nhiều khi không dễ lý giải.

Và cuối cùng, Trung Quốc còn đọng lại trong tôi và không ít người, với "Mùa Xuân Bắc Kinh" 1989, khi giới thanh niên và sinh viên thủ đô can đảm đối mặt trước chiến xa đòi tự do, tạo nên một tiền lệ tại xứ này: kể từ đó, khái niệm dân chủ không chỉ đơn thuần là nhu cầu của phương Tây xa xôi, mà đã mang tính phổ phát ngay tại mảnh đất Á Châu vốn quen với truyền thống gia trưởng độc đoán này.

*

Mang trong lòng mình tâm tư và hoài niệm như thế, khỏi phải nói là dịp đặt chân đầu tiên tại Trung Quốc đã đem lại cho tôi nhiều ấn tượng như thế nào. Vả chăng, Tử Cấm Thành, Thiên Đàn uy nghi, Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, Thiếu Lâm Tự với những huyền sử võ lâm hào hùng, Tây Hồ đẹp tựa nàng Tây Thi, hay Hàn Sơn Tự cổ kính và minh triết, hơn ngàn năm vẫn vang vọng "Phong Kiều Dạ Bạc"... - chỉ nội ngần ấy địa danh, hẳn khiến bất cứ người Việt nào có dịp mục kích, phải rung động trong tâm cảm.

Tuy nhiên, riêng tôi, lạ chăng, lại tìm thấy ở Trung Quốc, ít ra là tại đường phố Bắc Kinh, những dấu ấn xa xưa của một Hà Nội mà tôi đã sinh ra và trưởng thành thời ấu thơ. Một Hà Nội thời lao khổ, chìm trong hoài niệm của thuở "áo chăn chưa ấm thân mình".

Muốn có cảm giác ấy, tôi đã bỏ qua một Bắc Kinh hoa lệ, thay đổi đến chóng mặt, đang ráo riết chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2008 và đã trở thành một đô thị tầm cỡ thế giới. Tôi cũng không mấy để tâm tới một Bắc Kinh hùng vĩ với bao dấu ấn xa xăm của những vương triều phong kiến xa hoa, hùng mạnh, điều mà Hà Nội của tôi không có và không thể sánh.

Nhưng Bắc Kinh lại rất giống Hà Nội một thuở khi vào đêm, lúc tôi một mình thả bước trên con đường rợp bóng cây, thoang thoảng mùi hoa là lạ. Khi những cặp nhân tình trong tay nhau chậm rãi thả bộ, hoặc đèo nhau trên chiếc xe đạp - nhiều khi cà khổ - đến hàng quán bình dân dân bên đường, nhiều khi mở thâu đêm. Những gương mặt, những nụ cười thân thiện, những lời nói mà tôi không hiểu, những cử chỉ lạ mà thân quen của một quá khứ...

Bắc Kinh cũng có nét của đất Hà thành vào lúc rạng sáng, khi đường phố bắt đầu có những âm thanh đặc thù đầu tiên của loa phóng thanh hô hào mọi người tập thể dục, của những người quét đường gắng làm xong công việc của mình trước khi trời rạng sáng, và của những hàng quán mở từ rất sớm, với mùi khói và thức ăn đặc thù Á Đông. Và, cho dù đã có rất nhiều xe hơi hiện đại, xe đạp Bắc Kinh vẫn gợi nhớ trong tôi về một Hà Nội vài chục năm thuở trước. Hè phố Bắc Kinh vẫn có những chỗ dựng xe đạp la liệt, cả nhiều chiếc xe cũ kỹ có lẽ khó tìm được ở bất cứ đâu khác thời buổi này. Rồi, hình ảnh người tình nguyện viên không lương, vận đồng phục màu vàng cầm loa hăm hở điều khiển và chỉ dẫn giao thông ở những bến xe buýt hoặc các ngã tư Bắc Kinh, cũng hao hao gợi nhớ Hà Nội ngộ nghĩnh và có cái gì ấu trĩ từ dạo nào...

Nhưng, phải chăng, Bắc Kinh hấp dẫn tôi chính bởi, cắt ngang mình con đường, đại lộ lớn, vẫn là những "ngõ nhỏ, phố nhỏ" với những ngôi nhà cũ kỹ, nhiều khi rêu phong như Hà Nội. Biết bao thế hệ, bao gia đình đã sống qua năm tháng ở những "ngõ vắng xôn xao" ấy. Và, nằm gọn trong lòng ngõ hẹp, là những quán cóc, tiệm ăn nhỏ, lắm khi lấn ra hè đường  chút, nhưng không làm ai phiền lòng. Nhịp sống bình dân của Bắc Kinh thực sự diễn ra ở đây. Và cũng ở những con hẻm nhỏ bé này, tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ và trẻ trung của một dân tộc đang trên đà vươn lên, sau những năm tháng đen tối của việc áp dụng mù quáng và ngu xuẩn những giáo điều độc đoán, lỗi thời...

*

Ấn tượng Trung Quốc kể sao cho xiết vì đặt chân đến bất cứ mảnh đất nào trên xứ sở này, bạn cũng sẽ cảm nhận được những năm tháng lịch sử trên từng viên đá lát đường, từng gốc cây cổ thụ um tùm tỏa bóng. Một dân tộc lớn và có nền văn hóa vĩ đại như Trung Quốc đã và sẽ còn khiến thế giới phải kinh ngạc về sức bật của họ. Và, cả về những gì tưởng chừng lạ lẫm ở nơi họ...

"Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau" - nhận xét ấy của một văn hào thuở xưa, phải chăng sẽ bị chính xứ sở Trung Quốc bác bỏ vì tôi có cảm nhận mảnh đất này, trong một thời gian không thật xa, sẽ trở thành nơi giao hòa giữa Đông và Tây...

Tác giả bài viết: Trần Lê - Thu 2006