ẤN TƯỢNG BUDAPEST
- Thứ hai - 05/05/2008 21:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cứ nghe đến Đông Âu, không hiểu sao ký ức tôi chỉ vẩn vơ những hình ảnh xa xưa, như cái đầu hói của ông Govbachev, những người Việt đi lao động xuất khẩu một thuở, chuyên tuồn về nồi áp suất và mang… xi-líp hoa hồng “sang bển” bán, hay những chị Tây cằm núng nính. Nhiều năm trước, ông bác tôi đi Hungary về cho tôi một cái áo sơ mi trắng có họa tiết là 6 chấm đứng theo hàng dọc xanh đỏ, giờ tôi vẫn nhớ nguyên xi trong đầu. Trẻ con nhớ dai thật. Mà đúng văn hóa Hungary là vậy, áo váy thêu màu sắc sặc sỡ đúng gu của Đông Âu.
Tôi đến Budapest vào một chiều xuân nắng đẹp, nắng trải dài trên miền đồng quê Hungary như một dải lụa vàng. Qua biên giới Slovakia cảnh vật đã bắt đầu khác hẳn. Đập vào mắt tôi là những cánh đồng cỏ xanh bắt mắt thật bình yên và gần gũi, những ngôi nhà xinh xinh lợp ngói đỏ có cột ống khói xam xám. Nông dân Hungary cần cù làm việc trong những khu vườn hay bên máng nước, trẻ em tung tăng chạy nhảy phía trong hàng rào gỗ thấp lè tè. Họ làm tôi nhớ tới hình ảnh má Barbara của cậu bé Remi trong “Không gia đình” của Hector Malot. Dân Hungary to béo hơn người Ý, ăn mặc xuề xòa và mang nét mặt phúc hậu rất đặc trưng Đông Âu.
Khi tàu tiến dần vào thành phố, nhà cửa cũng thấy khang trang hơn và giao thông tấp nập hơn. Hôm ấy là Chủ nhật nên dù đang là giờ cao điểm nhưng xe cộ cũng không đến nỗi tắc nghẽn, điều thường xảy ra ở các thành phố lớn. Tôi được hai người bạn ra ga Déli đón và chở về nhà. Ngồi trong xe, tôi háo hức ngắm nhìn đường phố lướt qua trước mặt, những tòa nhà cổ kính nối tiếp nhau, những chiếc xe buýt màu xanh đi lại như mắc cửi và tàu điện màu vàng thì lừ lừ bò trong thành phố như tầu điện Hà Nội những năm 80.
Phải một tuần sau, khi kỳ thi kết thúc, tôi mới bắt đầu có dịp thăm thú loanh quanh thủ đô Budapest, nơi được ví như “Paris của Đông Âu”. Nếu Paris chỉ có vài đại lộ chính và một số di tích là thực sự có vẻ đẹp thu hút về kiến trúc thì Budapest đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì sự đa dạng phong phú trong kiến trúc và họa tiết tinh xảo cầu kỳ của mỗi công trình, từ mỗi căn nhà góc phố đến những bức phù điêu vẽ trên tường, những bức tượng lặng lẽ đứng trong góc công viên hay khu chợ màu sắc kiếu Thổ Nhĩ Kỳ, nét kiến trúc Gothic hoành tráng của tòa nhà Quốc hội soi bóng xuống dòng sông hay Quảng trường Anh Hùng rộng ngút tầm mắt. Budapest đã gắn bó với tôi cả những ngày mưa trời xám xịt đến những ngày nắng vàng rực rỡ. Budapest để lại trong tôi dấu ấn khó phai về những con đường tôi đã đi qua, nơi có những ngôi nhà cổ tường màu xám tro sứt sẹo vì dấu tích tàn phá của thời gian. Budapest với ga tàu điện ngầm thốc gió, nơi trú ngụ của người nghèo vô gia cư và những chuyến tàu điện thân thuộc đưa tôi tới ngôi trường nằm bên bờ sông Danube (tiếng Hungary viết là Duna). Và sông Danube thân yêu của tôi...!
Không biết từ khi nào, tôi bắt đầu mê mẩn bản Waltz của Johann Strauss có cái tên nhẹ nhàng “Sông Đa-nuýp xanh” (An der schönen blauen Donau). Tôi đã từng chìm đắm trong cái mênh mông vô tận của dòng sông xanh qua từng nốt nhạc. Và tôi đã đến đây, nhưng dòng sông không xanh màu xanh da trời như tôi kỳ vọng, nó có một màu sắc hơi khó tả, một màu xám xám pha xanh lá cây. Vào những ngày cuối tuần, tôi có thói quen đi bộ dọc bờ sông, khoan khoái hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn các chuyến tàu du lịch cắm cờ Hung phấp phới đi trên lòng sông cùng những cánh chim chao chao trên mặt nước. Người ta nói rằng đoạn đẹp nhất của dòng sông Danube là chảy qua phía Bắc thủ đô Budapest, dọc bên khúc quanh này là những thị trấn xinh đẹp và thành cổ Visegrád từ thế kỷ XIV.
Sông Danube chia Budapest thành hai phần tách biệt: Vùng đồi núi Buda với thành quách và cung điện của vua chúa ngày xưa. Phía Pest là bình nguyên với các tòa nhà cổ kính thời Trung cổ. Buda và Pest được nối với nhau bằng bảy cây cầu. Mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng và là chứng nhân của lịch sử, là huyết mạch nối hai bên thành phố. Trong số bảy cây cầu đó, tôi yêu nhất là hai cây cầu: cầu Xích và cầu Elisabeth. Cầu Xích (Chain Bridge hay Lánchíd trong tiếng Hungary) là chiếc cầu mang vẻ đẹp hoành tráng nhất với 4 con sư tử nghễu nghện há miệng ngự hai bên đầu cầu. Một người bạn mới quen ở bên này có kể cho tôi nghe một truyền thuyết: vị kiến trúc sư thiết kế ra 4 con sư tử đó rất tự hào về công trình mà ông coi là không hề chút khiếm khuyết nào, cho đến một ngày ai đó phát hiện ra những đứa con tinh thần của ông - bốn chú sư tử - không có lưỡi, khiến ông buồn và tự tử! Mỗi lần đi qua cầu Xích, tôi lại ngắm nhìn những con sư tử trắng với chiếc bờm oai phong hướng nhìn lên Budai Vár, nơi du khách ngày ngày đi trên buồng thang máy làm bằng gỗ lên du ngoạn thành cổ. Chiếc cầu thứ hai - cầu Elisabeth (Erzsébet hid) - đã làm tôi tốn bao nhiêu công sức loay hoay chụp hàng trăm bức ảnh từ chân tượng Thánh Gellért lưng chừng núi mà vẫn không thể diễn tả nổi vẻ đẹp giản dị mà tinh khiết của cây cầu treo màu trắng này. Cứ mỗi lần dừng chân bên bờ sông, nhìn hướng về cây cầu, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh hoàng hậu Elisabeth (Sissi) của Đế chế Áo - Hung hùng mạnh thế kỷ XIX. Cầu Elisabeth cũng là “sợi dây tình cảm” của tôi từ Pest hướng về đám bạn bè cùng lớp sống bên Buda. Cứ mỗi lần hẹn nhau đi đâu, đã thành một thói quen, chúng tôi lại gặp nhau ở chân chiếc cầu này.
Tôi thích giao thông công cộng ở Budapest, đa dạng, tiện lợi và đúng giờ. Để tránh tắc đường đến lớp muộn, tôi ít khi đi xe buýt mà hay đi tàu điện ngầm (metro) và tàu điện (tram) vì hai loại tàu này có đường riêng. Tàu điện ngầm của Budapest khá cũ kỹ, nhất là M1 là tuyến xe ngầm đầu tiên của đại lục Âu Á, vận hành lần đầu vào năm 1896 và là tuyến xe ngầm thứ hai trên thế giới sau London. Budapest có ba tuyến metro chính và tuyến thứ tư đang xây dựng. Tuyến M2 (red-line) là tuyến duy nhất chạy dưới lòng sông Danube và có nhà ga đẹp nhất nhưng chất lượng tầu thì ba tuyến đều… dở như nhau: khi chuyển động luôn gây ra tiếng lọc xọc lọc xọc. Tôi thích nhất là tầu điện nơi đây, những chiếc xe điện sơn màu vàng có tuổi đời trên 20-30 năm cứ đơn độc lùi lũi chạy theo đường dây điện chăng như mạng nhện khắp thành phố. Tôi đã từng đi tàu điện ở nhiều thành phố châu Âu, nhưng thực sự ấn tượng với hệ thống tram già nua ở Budapest, một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân, thân quen và gần gũi. Với thẻ sinh viên, tôi trả 3.250 HUF (khoảng 13 EURO) cho cả một tháng đi lại trên đủ loại phương tiện công cộng, bảo sao mà tôi không yêu giao thông nơi đây nhỉ?
Tôi yêu người dân Budapest của đất nước những người Magyar (Magyarország), giữa lòng Đông Âu hiền hậu và thân thiện. Từ khi đến đây, chưa bao giờ tôi gặp một ánh mắt sắc lạnh hay cái nhìn kỳ thị với người ngoại quốc như ở Đức hay Pháp. Ở đây người ta nói tiếng Anh khá tốt và rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi, những sinh viên ú ớ một chữ bẻ đôi tiếng Hung cũng không biết. Tiếng Hung khó, hầu như tôi không tìm nổi sự liên hệ giữa nào giữa tiếng Hung với tiếng Anh, tiếng Đức hay tiếng Ý, ba ngoại ngữ mà tôi có thể bập bẹ, và dĩ nhiên là tôi phát âm sai, nhưng họ vẫn hiểu, và cố hiểu, và cười độ lượng - nụ cười luôn nở trên môi. Mỗi chiều tôi tan học về thường đi qua một quán tạp hóa nhỏ gần nhà và hay gặp những người đàn ông Hung hết ca làm việc, vẫn mặc nguyên áo thợ màu xanh sẫm, đứng trước cửa quán uống bia, thấy tôi đi qua thì vẫy tay chào, nói vài câu gì đó mà đến bây giờ tôi cũng không biết họ đã nói những gì.
Tôi không ăn được đồ gia vị, mà lại ăn được các món Hungary. Tôi có đọc đâu đó về món xúp cá nổi tiếng Halászlé (tiếng Anh gọi là Fisherman’s soup) nên cũng tò mò ăn thử. Khi bàn ăn dọn ra thấy cái bát đựng xúp cá đỏ ngầu mà sợ quá, hỏi anh phục vụ, hóa ra xúp này phải làm từ nhiều loại cá khác nhau và đun trong nước cùng món ớt đỏ đặc trưng của Hungary nên nó có màu như vậy. Ngoài ra, còn có món xúp nấu khoai tây, cà rốt và thịt bò hầm nhừ mà cứ mỗi kỳ hội thảo lại thấy trường đặt cho chúng tôi ăn với bánh mỳ lăn vừng đen. Món xúp này dễ ăn, thanh và không có mùi mè nên tôi rất thích. Bánh mỳ và bánh ngọt ở đây thì phong phú về chủng loại và khá ngon, nhưng cà phê thì chán khủng khiếp. Nhiều lần thấy cà phê pha dở quá tôi lại bần thần nghĩ đến ly capucchino thơm phức hay expresso đậm đặc ở xứ núi thân yêu mà mỗi chiều tan học, tôi và đám bạn thường tụ tập thưởng thức. Phải nói cà phê Ý khó có nơi nào vượt qua được!
Tôi còn yêu Budapest vì có chợ trời Việt Nam. Thú vui cuối tuần của tôi là ra chợ ăn phở và uống chè mạn. Chợ Bốn Con Hổ” của Budapest nằm ở Quận VIII, cách nhà tôi chừng 15 phút đi bộ. Chợ khá rộng kéo dài gần hết một con phố nhưng rất lộn xộn, chủ yếu do người Việt với người Tàu đứng bán các mặt hàng quần áo giày dép, xen vào đó là dăm ba quầy hàng bán thực phẩm tươi sống từ mớ rau muống đến gói mỳ tôm. Người Việt ở Budapest có khoảng 5.000 người, đồ ăn châu Á chả thiếu thức gì. Tôi hay ghé qua quán phở anh Tý để ăn bát phở bò hay bát bún cá mỗi sáng Chủ nhật và thích thú nhìn cảnh tượng mua bán láo nháo xung quanh. Vợ chồng anh Tý người Nam Bộ, niềm nở và chiều khách. Phở thường đựng trong cái bát nhựa dùng một lần và ăn bằng thìa dĩa nhựa. Khách ăn đứng quanh một cái bàn cao bên cạnh thường xuyên có một đám đánh bạc cả người Việt lẫn mấy người Tàu nói tiếng Việt lơ lớ. Vào trong chợ, tôi dường như quên rằng mình đang ở Budapest, thấy như mình đang đi một chuyến tàu suốt chiều dài đất nước khi nghe thấy đủ giọng Bắc - Trung - Nam. Ở đây, tôi thấy Hà Nội gần lắm, như mới đây thôi, tôi vừa hết giờ làm việc và hối hả chạy ra chợ Châu Long mua đồ ăn cho bữa cơm chiều. Chợ trời Việt Nam, tôi hay gọi một cách thân yêu là “chợ Cộng”, mang một nét văn hóa riêng của Việt Nam giữa lòng châu Âu.
Chỉ còn ít ngày nữa thôi là tôi tạm xa Budapest… Nghĩ đến được về nhà, chao ơi sướng quá! Budapest đẹp thế nhưng Budapest vẫn không thể là Hà Nội, Hà Nội thân yêu của tôi! Mong ngày trở về đến thế, nhưng tôi cũng biết rằng, xa mảnh đất mà tôi mới có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” chưa đầy hai tháng, trong lòng tôi sẽ rộn lên những nỗi nhớ…