Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Władysław Bartoszewski - NẠN NHÂN ĐỘC TÀI TÀN BẠO, CHIẾN SĨ DÂN CHỦ XUẤT CHÚNG

“Nếu mọi ngọn lửa bùng lên đều bị dập tắt, hãy cứ tin vào những tia sáng dù héo hắt nhất của niềm hi vọng” - Giáo sư Władysław Bartoszewski nói như vậy về nghị lực khi đối mặt với bạo quyền. Ông vừa từ trần hôm 24-4 ở tuổi 93.
Người chiến sĩ không mệt mỏi trong sự nghiệp bảo vệ những giá trị nhân bản
Là một cựu tù nhân của cả hai thể chế độc tài toàn trị phát-xít và cộng sản, Władysław Bartoszewski từng lãnh những nhiệm vụ phức tạp và mạo hiểm trong suốt năm thập niên đen tối của lịch sử Ba Lan, từ Đệ nhị Thế chiến tới khi Ba Lan giành lại được tự do.

Được phong làm ngoại trưởng trong những năm đầu của Ba Lan dân chủ, ông nhận trọng trách đối thoại với Đức và Nga, trước nhu cầu đòi hỏi công bằng cho các nạn nhân của hai chế độ phát-xít và cộng sản từng đô hộ quê hương ông.

Vốn là người đặc biệt chú trọng tiếp cận ngoại giao, với phong cách đối thoại tế nhị và khẳng khái, ông nổi danh như một đại diện sáng giá của Cộng hòa Ba Lan trên chính trường quốc tế.

Dư luận đặc biệt ấn tượng với sự hiện diện của Władysław Bartowszewski lần đầu trước Quốc hội CHLB Đức (Bundestag) với bài phát biểu đầy cảm xúc năm 1995, khi ông nói về quá khứ diệt chủng và nhu cầu giải tỏa bất công.

Władysław Bartowszewski cũng từng tới Israel khi hiềm khích chiến tranh đã chuyển sang định kiến nặng nề. Ông được phong danh hiệu Công nhân Danh dự của Israel nhờ những đóng góp phi thường trong quá khứ cứu người Do Thái, và sau này, trong hòa giải qua đối thoại thẳng thắn và gặp gỡ đa chiều.

Ông từng nói: “Nếu giữa chúng ta cái gì cũng khác biệt, thì đối thoại là vô nghĩa”, nhưng cũng theo ông: “Đối thoại thật sự khả tín khi chúng ta thể hiện đúng con người của mình, bởi người đối diện cảm nhận được chúng ta trình bày con người mình hay trình bày chiến thuật. Dĩ nhiên chiến thuật rất quan trọng, nhưng không được để chiến thuật chà đạp lên sự việc hoặc chà đạp lên thiện chí”.

Tờ “Sueddeutsche Zeitung” mới đây gọi Władysław Bartoszewski là “nhà ngoại giao điêu luyện mở đường cho hòa hợp Đức và Ba Lan”.

Từng mạo hiểm cứu giúp người Do Thái và cũng từng bị tù đày cùng cộng đồng Do Thái những năm Đức quốc xã đô hộ Ba Lan, Władysław Bartoszewski được trao huân chương “Công Chính Thế Giới” (Righteous Among the Nations). Ông dùng vị thế của mình để làm trung gian hòa giải giữa Berlin và Jerusalem qua những bài viết, bài giảng, chuyện trò với giới trẻ và chính giới.

Là nhân chứng hiếm hoi của trại tập trung phát-xít, Władysław Bartoszewski đã tình nguyện truyền tin về tội ác diệt chủng của Đức quốc xã cho Quân Đội Quốc Gia (Armia Krajowa), đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm trong Hội đồng Hỗ trợ Do Thái “Żegota” những năm quê hương ông bị chiếm đóng.

Đệ nhị Thế chiến bùng nổ khi Władysław Bartoszewski mới 17 tuổi, ông tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Warszawa nhưng bất thành. Mười tám tuổi, ông bị phát-xít Đức bắt vào trại tập trung và may mắn được Chữ Thập Đỏ giải cứu.

Sau thất bại nặng nề của cuộc Khởi nghĩa Warszawa năm 1944, ông giữ trọng trách phụ tá Ủy ban Hỗ trợ Tù nhân Quốc nội của Quốc hội Ba Lan lưu vong.

Cộng hòa Ba Lan chính thức bị đổi tên thành Cộng hòa Nhân dân Ba Lan kể từ năm 1945, nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của đàn anh cộng sản Moscow với đầu não cận kề ngay biên giới phía Đông.

Władyslaw Bartoszewski tiếp tục đấu tranh bí mật trong tổ chức với tên gọi là “NIE” (viết tắt của “Niepodległość”, nghĩa là “Độc Lập”) đồng thời hoạt động chính quy, truy lùng các cựu quân nhân phát-xít.

Kẻ thù của kẻ thù không được coi là bạn của chính quyền mới. Năm 1946, Władysław Bartoszewski bị bắt vì tội “gián điệp” và bị kết án tám năm dưới chế độ tù đày Stalinist khắc nghiệt.

Ra tù, ông không ngưng hoạt động bí mật, là một trong những cộng tác viên đắc lực của đài “Châu Âu Tự Do”, cũng như, là tác giả của nhiều đầu sách in chui.
 
“Nhà ngoại giao điêu luyện mở đường cho hòa hợp Đức và Ba Lan”
“Nhà ngoại giao điêu luyện mở đường cho hòa hợp Đức và Ba Lan”

Ông xuất hiện trong hàng ngũ trí thức “ra mắt” chính quyền cộng sản với các đòi hỏi đối lập lần đầu năm 1976 nhưng rồi bị bỏ tù trong một loạt các cuộc bắt bớ dịp Thiết quân Luật được ban hành năm 1981.

Ba Lan dân chủ vào năm 1989 với cuộc bầu cử tự do, chấm dứt chế độ cộng sản trên toàn khối Đông Âu với đóng góp trước đó của Władysław Bartoszewski trong Ủy ban Bảo vệ Lao động và Công đoàn Độc lập Tự quản “Đoàn Kết”.

Sau những thập niên Ba Lan phải vùng vẫy đòi tự do và nếm trải ê chề, ở tuổi 67, ông thôi không còn là nhân chứng sống của thất bại và đối kháng trong tuyệt vọng. Nhưng những kinh nghiệm lịch sử đau thương đó, như ông nói, lại là hành trang quý giúp ông xây dựng đất nước dân chủ cho mình.

Ông đã nói thế này: “Cũng giống như việc chúng ta ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma, tặng ông Nobel Hòa bình - đó là ủng hộ một cách tượng trưng. Nguyên do của sự khốn cùng mới là quan trọng, mà nguyên do đó vẫn còn hiện hữu tới hôm nay. Khi tôi nói “tôi là người Ba Lan” - chả có gì đặc biệt.

Thế nên tôi nói: tôi là người Ba Lan đang đặc biệt quan tâm tới người khác… Bởi kể cả tôi, một người Công giáo, cũng đã từng khốn khó và khi khốn khó, tôi chỉ mong sao được người khác quan tâm
”.

Władyslaw Bartoszewski đã từng để tâm tới hoàn cảnh éo le của một người Việt sinh sống trên đất nước của ông. Cùng vợ ông, bà Zofia và một số trí thức khác, ông đã gởi thư tới Tổng thống Ba Lan hồi năm 2011 yêu cầu trao quốc tịch Cộng hòa Ba Lan cho tôi, khi đó bị ĐSQ CHXHCN Việt Nam từ chối cấp hộ chiếu làm công dân nước Việt.
Được Giáo sư Władyslaw Bartoszewski bênh vực là sự động viên vô cùng ý nghĩa đối với những hoạt động dân chủ cho Việt Nam, khi thư ông ký có nhắc rằng “sứ quán Việt Nam làm sai luật quốc tế”.

Cho tới ngày cuối đời mình, ông còn trả lời phỏng vấn báo giới trước khi bất ngờ bị đưa đi cấp cứu và qua đời trong bệnh viện. Các ngày trước nữa ông đã làm việc nhiều giờ trong Ban cố vấn Thủ tướng Quốc hội Ba Lan.

Władysław Bartoszewski là đại diện tiêu biểu của đội ngũ trí thức Công giáo Ba Lan, được hưởng nền giáo dục của thế hệ tiền chiến. Ông đặc biệt cứng nhắc và không nhân nhượng khi cần bảo vệ những giá trị nhân bản. Cùng đó, ông luôn thiện chí và sẵn sàng đối diện với những khúc mắc nan giải trong ngoại giao.

Ông từng nói: “Tôi rất yêu đồng hương của tôi dẫu đôi khi họ làm tôi phát khùng”. Đáp lại tình yêu của ông với Ba Lan, từ dân thường tới các chính trị gia đều coi quan điểm của ông là gần gũi và chuẩn mực.

Tang lễ Giáo sư Władysław Bartoszewski được cử hành theo nghi thức quốc gia vào ngày hôm nay, mùng 4-5, với sự có mặt của đông đảo dân chúng và quan khách quốc tế. Ông an nghỉ tại nghĩa trang Powązki (Warszawa) tại trục đường chính, nơi tọa lạc mộ phần của những nhân vật có cống hiến phi thường cho Tổ quốc.

Đối với những ai còn băn khoăn về các giá trị như Tự do, Yêu nước, Trách nhiệm thì kho tàng sáng tác, xã luận, thuyết giảng của Władysław Bartoszewski, cũng như kinh nghiệm tranh đấu của ông là địa chỉ cần tìm tới.

(*) Bài viết đã đăng trên BBC. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả, NCTG biên tập và chỉnh sửa.

Tác giả bài viết: Tôn Vân Anh từ Warszawa, Ba Lan