Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHONG THÁNH CHO CỐ ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ ĐỆ NHỊ

(NCTG) “Trong thực tế, cùng Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev, trong những năm tháng của thập niên 80 thế kỷ trước, Gioan Phaolô Đệ nhị đã góp phần lớn lao làm tan rã thể chế cộng sản phi nhân ở Ba Lan và Đông Âu với thông điệp chính mà Ngài mang đến cho giáo dân: “Chớ sợ hãi!”.
Hình ảnh và thủ bút của cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị
Ngày Chủ nhật 27-4-2014 vừa qua, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, Tòa Thánh đã tổ chức một đại lễ phong thánh cho hai cố Đức Giáo hoàng - Gioan thứ 23 và Gioan Phaolô Đệ nhị, trước sự chứng kiến của hàng triệu giáo dân, tín đồ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã, có hai cựu giáo hoàng được phong thánh cùng một lúc. Cũng lần đầu tiên, trong lễ phong thánh, không chỉ có sự hiện diện của đương kim Đức Giáo hoàng Phanxicô, mà người tiền nhiệm của ông, cựu Đức Giáo hoàng Biển Đức thứ 16 cũng đã có mặt.

Trong hai vị giáo hoàng được phong thánh lần này, Gioan Phaolô Đệ nhị (Ioannes Paulus II) là một gương mặt hết sức nổi tiếng và đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Hoàn vũ: đến từ vùng Đông Âu khi đó còn trong vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa cộng sản, ông có thời gian tại vị dài thứ hai trong lịch sử hiện đại của Tòa Thánh, và chắc chắn là vị Giáo hoàng được biết đến nhiều nhất, được ưa chuộng nhất của thời cận hiện đại!
*

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị sinh năm 1920 tại Wadowice, một thành phố nhỏ ở miền Nam Ba Lan, cách cố đô Kraków chừng 50 cây số. Tên khai sinh của ông là Karol Józef Wojtyła, cha là một cựu sĩ quan trong quân đội của Vương triều Áo - Hung Habsburg, còn mẹ là ái nữ một viên chức chính phủ.

Thuở nhỏ, chàng trai Wojtyła chịu ảnh hưởng nhiều từ bà mẹ vốn là người rất sùng đạo, giáo dục con trong tinh thần đạo đức sâu sắc và muốn con mình trở thành tu sĩ. Tuy nhiên, Wojtyła đã mất mẹ khi mới lên chín, khi mới bước vào những năm tháng đầu tiên của trường tiểu học trên tư cách một học sinh xuất sắc.

Những năm tháng sau đó, ở cấp phổ thông và đại học, Karol Wojtyła tiếp tục chứng tỏ mình là một học sinh giỏi và xuất sắc trong tất cả các môn học. Anh ham mê thể thao, là thủ môn trong đội bóng trường tiểu học, thích khiêu vũ và thạo nhiều điệu nhảy của Ba Lan và thế giới, cũng như, thông thạo văn chương và triết học.

Đặc biệt, Wojtyła còn say mê kịch nghệ và là một đạo diễn kiêm diễn viên cừ khôi của đoàn kịch của trường trung học. Có lẽ vì vậy mà sau này, theo con đường của một tu sĩ và kể cả khi đã được tấn phong Giáo hoàng, Gioan Phaolô Đệ nhị vẫn giữ phong cách tự nhiên và dung dị, rất gần gũi giáo dân và người hâm mộ

Đệ nhị Thế chiến nổ ra khi Wojtyła mới 19 tuổi. Một năm sau, cha anh qua đời và như tâm sự sau này, vị Giáo hoàng cho hay: “Ở tuổi 20, tôi đã mất tất cả những người mà tôi yêu quý, và thậm chí cả những người mà có thể tôi đã yêu quý”. Wojtyła thực sự vào đời sau biến cố lớn và đau buồn ấy, và anh đã lựa chọn con đường của một nhà tu hành.

Ngay trong thời chiến, Wojtyła đã theo học các môn của Chủng viện Kraków, do Tổng Giám mục Kraków đích thân hướng dẫn. Thế chiến kết thúc, anh tiếp tục học khoa Thần học của Ðại học Jagiellonia, một trong những đại học có truyền thống lâu đời bậc nhất trên thế giới. Wojtyła được thụ phong linh mục vào dịp Lễ Các Thánh năm 1946.

Ít lâu sau, anh được cử đi Rome du học và trong thời gian ngắn, anh hoàn tất luận án tiến sĩ thần học vào năm 1948. Mười năm sau, Wojtyła được Giáo hoàng Piô thứ 12 bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá giáo phận Kraków. Năm 1963, ông được đề bạt giữ làm Tổng Giám mục Kraków, một cương vị rất quan trọng của Giáo hội tại Ba Lan.

Kể từ đó, sự nghiệp phụng sự Đức Chúa trời và Giáo hội của Wojtyła diễn ra rất hanh thông, mà một trong những lý do quan trọng là chính quyền Ba Lan cho rằng ông là người mềm dẻo, trí thức, ít quan tâm đến chính trị và do đó, dễ có những thỏa hiệp với nhà nước hơn là vị Tổng Giám mục Kraków khá cứng rắn thời đó.

Năm 1967, Wojtyła được tấn phong làm Hồng y, đồng thời được bổ nhiệm vào bốn Thánh Bộ của Vatican. Những năm sau đó, uy tín của ông lên cao, ông có nhiều lần yết kiến và trò chuyện với vị Giáo hoàng đương nhiệm Phaolô thứ 6, và được coi là một trong số mười Đức Hồng y có thể trở thành người kế tục vị Giáo hoàng hồi ấy.

Và điều nhiều người chờ đợi đã đến vào năm 1979, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhất qua đời sau vỏn vẹn 33 ngày tại vị, thay thế Đức Giáo hoàng Phaolô thứ 6. Lúc đó, Hồng y đoàn đã lựa chọn một ứng viên gốc Slavic đầu tiên trong lịch sử Công giáo, chấm dứt gần năm thế kỷ, khi người đứng đầu Giáo hội Hoàn vũ đều là công dân Ý.
 
*

Cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị là con người của những kỷ lục và những đỉnh cao trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã. Thống kê cho thấy, ông đã thực hiện những chuyến thăm mục vụ tới hơn một trăm quốc gia, hơn hẳn tất cả các vị giáo hoàng khác. Ngoài tiếng mẹ đẻ Ba Lan, ông có thể nói được hàng chục ngôn ngữ khác, kể cả một chút tiếng Việt.

Sinh thời, ông đã chủ sự nghi lễ phong thánh cho gần 500 người, nhiều hơn tất cả các giáo hoàng tiền nhiệm - đặc biệt trong số những người được ông tuyên thánh, có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Ảnh hưởng và vai trò của Giáo hội Công giáo trong Thế giới thứ ba đã được Gioan Phaolô Đệ nhị không ngừng mở rộng, dưới thời ông tại vị.

Tuy nhiên, cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị không chỉ là nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt trong thế giới của giáo hội. Không phải ngẫu nhiên mà ông còn được coi một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử thế giới cuối thế kỷ 20, đồng thời, là nguồn cảm hứng lớn cho khát vọng tự do và công lý của người dân các xứ Đông Âu.

Trong thực tế, cùng Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev, trong những năm tháng của thập niên 80 thế kỷ trước, Gioan Phaolô Đệ nhị đã góp phần lớn lao làm tan rã thể chế cộng sản phi nhân ở Ba Lan và Đông Âu với thông điệp chính mà Ngài mang đến cho giáo dân: “Chớ sợ hãi!”.

Trả lời câu hỏi sẽ chọn thế nào nếu phải để lại cho hậu thế một câu duy nhất trong Sách Phúc Âm, ông đã không chần chừ mà đáp: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (trích sách “Phúc âm Giăng”). Có thể hiểu rộng ra: lẽ thật và công lý - trong “Kinh Thánh” và trong cả đời sống - sẽ giải phóng con người!

Và không chỉ diễn ngôn, Gioan Phaolô Đệ nhị còn là con người của hành động. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi của ông với lãnh tụ các siêu cường trên thế giới, cũng như những chuyến hồi hương Ba Lan của ông, đã thực sự là những trái bom tấn nhằm vào thể chế cộng sản hiện thực ở Ba Lan và cả Đông Âu thời ấy...
 
*

Ngày nay, trong những hành trình được tổ chức tới Ba Lan, chúng ta có thể dõi theo những bước chân lịch sử của cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị trên mọi nẻo đường của xứ sở Đông Âu quật cường và bi hùng này.

Du khách đặt chân tới quảng trường lớn nhất của thủ đô Warszawa mang tên Piłsudski, nơi có ngọn lửa vĩnh cửu không bao giờ tắt bên nấm mồ Chiến sĩ Vô danh, có thể hình dung được đây là nơi mà trong chuyến hành hương đầu tiên về thăm quê hương trên cương vị Giáo hoàng vào năm 1979, Gioan Phaolô Đệ nhị đã có một bài phát biểu được đánh giá là “làm thay đổi lịch sử Ba Lan về cơ bản”.

Cũng như thế, tại ngôi giáo đường ở kế bên quảng trường chính trên Thành Cổ, nơi tại vị Cung điện Hoàng gia và cây cột cao 22m với tượng đài vị vua sáng lập thành phố Warszawa, bao giờ cũng có hình ảnh rất lớn của cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị kỷ niệm chuyến hồi hương đầu tiên của ông, mà theo lời giới lãnh đạo cộng sản Ba Lan, “đã khiến nhiều đảng viên thực sự bị chấn động”.

Rời Warszawa trên đường đi cố đô Kraków, dừng chân tại thủ đô tâm linh Częstochowa, có lẽ những tu sĩ đứng tuổi còn nhớ, cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị từng đi trực thăng tới đây để cúi đầu trước bức tượng “Đức Mẹ Madonna đen” (Black Madonna) đặt trong tu viện Jasna Góra, biểu tượng quật cường của nền độc lập và ý chí tự cường, không chịu khuất phục của dân tộc Ba Lan.

Cố đô Kraków, thủ đô lịch sử của Ba Lan, đã trở nên “thành phố của Đức Giáo hoàng” vì mỗi ngôi nhà, mỗi con đường đều vang bóng bước chân ông trong suốt thời gian ông giữ cương vị giám mục, rồi tổng giám mục ở đây. Tượng của ông được đặt ở nhiều nơi, đặc biệt, ở vị trí rất trang trọng trên Cổ thành Wawel, đối diện cửa ra vào khu thánh đường lịch sử, nơi yên nghỉ của các vị vua nước này.

Và cuối cùng, một địa danh hết sức quan trọng, luôn là nơi hành hương của giáo dân Ba Lan và thế giới: thành phố quê hương Wadowice nơi cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị chào đời và trưởng thành trong những năm tháng thời thanh thiếu niên. Rất nhiều kỷ vật của ông và gia đình còn được gìn giữ tại bảo tàng viện, xưa là ngôi nhà gia đình ông, và những nơi khác...

Bàng bạc trong tâm trí người dân Ba Lan và giáo dân thế giới, với cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của mình, cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị đã trở thành một vị thánh của Giáo hội La Mã. Nhưng đó là một vị thánh từng rất gần gũi với con người, và cùng Marie Curie, Chopin hay Adam Mickiewicz, ông mãi mãi là một trong những tên tuổi chói lọi nhất của dân tộc Ba Lan...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh