Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ NƯỚC ĐỨC VINH DANH KHỞI NGHĨA WARSZAWA

“Chúng tôi không làm được gì cho nước Đức, mà chỉ chiến đấu để bảo vệ Ba Lan. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi rút ra rằng, đây là một hình thức để xích lại gần nhau. Nhận phần thưởng này là vì tương lai, vì sự hòa giải, vì quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Kháng chiến quân Ba Lan với những vũ khí thô sơ - Ảnh tư liệu
Trung tuần tháng 4 vừa qua, CHLB Đức đã trao tặng một trong những phần thưởng cao quý nhất của quốc gia này - Huân chương Liên bang - cho một số du kích quân Ba Lan đã tham gia cuộc khởi nghĩa Warszawa năm 1944.

Đây là điều khá hy hữu, khi một quốc gia không chỉ thừa nhận những sai lầm của mình trong quá khứ, mà còn tôn vinh những người con ưu tú của một đất nước khác từng là kẻ thù sinh tử với mình. Động thái này của Berlin cho thấy CHLB Đức đánh giá cao khởi nghĩa Warszawa, từng bị quân đội chính nước này dìm trong biển máu cách đây bảy thập niên.

Sự tưởng thưởng xứng đáng

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Châu Âu - và đặc biệt là nước Nga - đang hướng về dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến vào thượng tuần tháng 5 tới, với phần chiến thắng trước các nước phát-xít - đứng đầu là Đức quốc xã - thuộc về phe Đồng minh.

Nhìn lại lịch sử, Đệ nhị Thế chiến khởi đầu vào đầu tháng 9/1939 với việc phát-xít Đức tấn công Ba Lan, sau khi đã đạt được thỏa thuận đồng minh với Liên bang Xô-viết của Stalin, bởi Hiệp ước bất tương xâm ký trước đó ít ngày với điều khoản bổ sung chia cắt Đông Âu thành khu vực ảnh hưởng của hai nước.

Trong buổi lễ trọng thể tổ chức tại Đại sứ quán CHLB Đức ở Warszawa để trao tặng huân chương cho hai mươi cựu chiến binh Ba Lan, đại sứ Đức Rolf Nikel đã phát biểu: “Quý vị đã trải qua những khổ đau cùng cực và những dày vò sâu thẳm”.

Và ông nói thêm: “Quý vị đã cảm nhận được sức mạnh của một thể chế phi nhân, đối xử tàn bạo với những kẻ thù của mình. Chính quý vị đã chứng tỏ được rằng có thể hòa hợp hòa giải, những nạn nhân có thể siết chặt tay các hậu duệ của những kẻ tội phạm trong quá khứ”.

Khoảng năm mươi ngàn người, đa phần là những hướng đạo sinh trẻ tuổi và các quân nhân Quân đội Quốc gia (AK) đã cầm vũ khí theo lệnh của chính phủ Ba Lan lưu vong ở London, đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Warszawa, khởi đầu vào ngày 1/8/1944.

Một trong số họ, ông Leszek Zukowski (86 tuổi), hiện giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các cựu chiến binh quốc gia thời xưa, cho hay khi nhận phần thưởng cao quý của nhà nước Đức: “Những cảm xúc của chúng tôi rất lẫn lộn. Chúng tôi đã do dự, không biết có nên nhận huân chương này hay không?

Chúng tôi không làm được gì cho nước Đức, mà chỉ chiến đấu để bảo vệ Ba Lan. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi rút ra rằng, đây là một hình thức để xích lại gần nhau. Nhận phần thưởng này là vì tương lai, vì sự hòa giải, vì quan hệ hợp tác giữa hai nước
”.

Được biết, ý tưởng trao huân chương cho các cựu chiến binh Ba Lan được đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, trong dịp Tổng thống Bronislaw Komorowski sang thăm Berlin để khai mạc triển lãm kỷ niệm 70 năm cuộc khởi nghĩa Warszawa. Tháp tùng ông qua thủ đô CHLB Đức là những kháng chiến quân một thuở.

Biến cố anh hùng và bi thương của dân tộc Ba Lan

Có thể đặt ra một câu hỏi: khởi nghĩa Warszawa là gì, có ý nghĩa gì trong lịch sử hiện đại Ba Lan, mà khiến nước Đức sau bấy nhiêu năm vẫn day dứt, để rồi đưa ra một quyết định đặc biệt như thế đối với những chiến sĩ anh hùng của một đạo quân thù địch?

Trở về lịch sử, khởi nghĩa Warszawa kéo dài 63 ngày, từ 1-8 đến 3-10-1944, là cuộc nổi dậy lớn do lực lượng kháng chiến quốc gia Ba Lan tiến hành với mục tiêu giành lại thủ đô Warszawa từ tay phát-xít Đức và lập nên chính quyền, khi chính phủ lưu vong của nước này cho rằng thời cơ đã chín muồi.

Cuộc khởi nghĩa cũng còn một động cơ thứ yếu, là vào thời điểm Hồng quân đã tiếp cận phòng tuyến sông Wisla và phát-xít Đức đã tỏ ra suy yếu, chiến thắng của quân đội quốc gia sẽ gia tăng vị thế của chính phủ lưu vong trước lực lượng cộng sản do Liên Xô hỗ trợ để hướng tới giành chính quyền tại Ba Lan.

Quân đội Đức, cho dù đã chuẩn bị trước để đối phó với một cuộc khởi nghĩa, nhưng bất ngờ trước sự quyết tâm và sức mạnh của các lực lượng kháng chiến quân. Chỉ trong thời gian ngắn, quân khởi nghĩa giành được quyền kiểm soát khu vực Thành Cổ, sân bay và nhiều điểm quan trọng trên toàn thành phố.

Tuy nhiên, quân Đức đã không rút lui như dự kiến của kháng chiến quân, mà còn huy động và tập trung một lực lượng lớn để đánh trả. Không quân Đức oanh tạc dữ dội những khu vực lọt vào tay quân khởi nghĩa, và bộ binh Đức thẳng tay giết hại cư dân Warszawa vì họ cho rằng chỉ có thể giành thắng lợi nếu tàn phá hoàn toàn thành phố này một cách có hệ thống.

Ngay càng lâm vào thế bất lợi trong cuộc chiến không cân sức, nhưng lực lượng kháng chiến Ba Lan đã kháng cự kiên cường với tinh thần yêu nước vô song. Sau hơn hai tháng giao tranh, khởi nghĩa thất bại, khoảng hai chục ngàn du kích quân thiệt mạng hay mất tích, 25 ngàn bị thương, trong đó sáu ngàn bị thương nặng.

Bên cạnh đó, con số nạn nhân là thường dân lên tới gần 200 ngàn! Chừng 25% các tòa nhà ở Warszawa bị phá hủy và khi đô thị này thất thủ, với mục đích dằn mặt dân Ba Lan, hơn nửa triệu cư dân bị đưa vào những trại giam tạm thời, 150 ngàn người bị giam trong các trại tập trung, hoặc đưa về Đức lao động cưỡng bức.

Cũng theo chỉ thị của Hitler, các đơn vị công binh Đức đã cho nổ tất cả những tòa nhà còn chưa bị hủy hoại trong cuộc chiến kéo dài 5 năm từ 1939 tới khi đó. Trong thực tế, Warszawa đã bị phá hủy hoàn toàn: khi Hồng quân tiến vào chiếm thủ đô của Ba Lan ngày 17-1-1945, 87% thành phố bị san bằng!

Vai trò bội phản của Liên Xô và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa

Thất bại của khởi nghĩa Warszawa có phần tội lỗi không nhỏ của Liên Xô, theo quan điểm của giới sử gia Phương Tây, cũng như của lực lượng quốc gia Ba Lan đương thời. Mặc dù đã tiến sát cửa ngõ thủ đô, và không quân Xô-viết cũng chỉ cách thành phố 5 phút bay, nhưng Hồng quân đã án binh bất động nhìn kháng chiến quân Ba Lan bị Đức tàn sát.

Hoạt động tiếp tế và yểm trợ không quân mà Anh Quốc hứa hẹn và muốn thực hiện với lực lượng đồng minh Ba Lan cũng không thể diễn ra một cách kịp thời, vì phía Liên Xô không cho phép sử dụng các sân bay mà họ đang nắm quyền kiểm soát. Thậm chí, Hồng quân còn giải giáp các đơn vị Quân đội Quốc gia được cử đến để tiếp viện cho quân khởi nghĩa.
 
Tượng đài Khởi nghĩa Warszawa tại thủ đô của Ba Lan
Tượng đài Khởi nghĩa Warszawa tại thủ đô của Ba Lan

Sở dĩ điều đó xảy ra là vì Stalin ý thức được rằng nếu kháng chiến quân giành được thắng lợi, thì Liên Xô sẽ không thể tạo dựng và áp đặt một thể chế Bolshevik độc đoán theo mô hình Xô-viết trên đất Ba Lan độc lập. Do đó, trong thực tế, ông ta tránh làm bất cứ điều gì có thể có lợi cho phía Ba Lan khi cuộc khởi nghĩa Warszawa diễn ra.

Trên cương vị một thành viên của phe Đồng minh, hành động thúc thủ của Stalin bị phía Ba Lan coi là bội phản. Đó là chưa nói đến việc khi đưa quân vào thủ đô Warszawa hoang tàn, mật vụ Xô-viết NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ) đã lùng bắt những chiến sĩ quốc gia Ba Lan còn sống sót, để rồi hoặc là giết hại họ, hoặc đày ải họ tại vùng Siberia.

Trong hơn bốn thập niên kể từ năm 1945, chính quyền cộng sản do Moscow tạo dựng ở Ba Lan đã tìm mọi cách để đưa ra những tuyên truyền dối trá và giả mạo về cuộc khởi nghĩa, và không ai được phép nhắc tới vai trò tệ hại và nhục nhã của Liên Xô trong biến cố này.

Chỉ từ năm 1989 trở đi, khi tượng đài khởi nghĩa Warszawa được dựng lên ở thủ đô Ba Lan, cuộc nổi dậy năm 1944 - một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử nước này nói chung, và của lịch sử Ba Lan thế kỷ 20 nói riêng, theo những đánh giá chính thức - mới được vinh danh xứng đáng.

Giới sử gia cho rằng trong 63 ngày của cuộc khởi nghĩa, quân đội Anh, Mỹ và Ba Lan đã giải phóng được những diện tích rộng lớn ở Tây Âu do Hồng quân tạm án binh bất động. Nếu không có khởi nghĩa Warszawa, chắc chắn Hồng quân có thể tiến tới Berlin từ tháng 8-1944, và bản đồ Châu Âu sau chiến tranh sẽ được vẽ một cách hoàn toàn khác.

Cho dù phải trả giá rất đắt, nhưng khởi nghĩa Warszawa góp phần để Ba Lan không trở thành một nước cộng hòa thứ 17 của Liên Xô thời hậu chiến. Các kháng chiến quân, như nhận định chính thức sau này, đã châm ngọn đuốc của tinh thần tự do, của tình cảm ái quốc, và rọi sáng soi đường cho biến chuyển dân chủ ở Ba Lan năm 1989, tròn 45 năm sau.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest