Vụ thảm sát gia đình Nga hoàng cuối cùng: “CẦU MONG HỌ YÊN GIẤC NGÀN THU!”
- Thứ hai - 07/11/2022 05:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bằng việc an táng những nạn nhân vô tội, chúng ta muốn sám hối vì những tội lỗi của cha ông. Tội lỗi thuộc về những kẻ đã thực hiện hành vi tội lỗi đáng kinh tởm này, và thuộc về cả những kẻ trong nhiều thập niên đã tìm cách biện bạch cho hành vi ấy - tức là tất cả chúng ta” (Boris Yeltsin).
Lời giới thiệu: Ngày 17/7/1998, tròn 80 năm sau khi vị Nga hoàng cuối cùng và gia đình ông bị những người Bolshevik thảm sát tại ở Yekaterinburg, một thành phố lớn ở vùng núi Ural nước Nga, hài cốt của các nạn nhân sau khi được xác nhận thông qua các xét nghiệm ADN đã được an táng tại Nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô nằm trong khuôn viên pháo đài cùng tên ở cố đô Saint Petersburg.
Nơi yên nghỉ truyền thống của các Sa hoàng thuộc dòng họ Romanov, kể từ Pyotr Đại đế (1682-1725) tới Aleksandr Đệ tam (1881-1894), khi ấy được bổ sung thêm một cái tên: Nikolai Đệ nhị (1894-1918), vị vua về sau được Giáo hội Chính Thống giáo phong thánh vào năm 2000 cùng toàn thể gia đình từng bị chính quyền Bolshevik sát hại, với tên “Thánh Nikolai Người chịu nỗi thống khổ”.
Buổi lễ trọng thể nói trên, ngoài sự hiện diện của Hoàng gia Nga, hơn 20 đại sứ ngoại quốc và vài chục người khác, còn có sự tham dự của vợ chồng Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, ông Boris Yeltsin. Hàng trăm triệu người đã lắng nghe qua TV bài phát biểu ngắn của vị chính khách trong trạng thái sức khỏe tồi tệ, khi ông đứng trước hầm mộ các tử đạo trong bầu không khí im lặng như tờ.
Vợ ông, bà Naina Yeltsina, đã làm giấu thánh khi chồng bà, tổng thống Nga, nói rằng ông không có chọn lựa nào khác, ông phải đến đây để nói lên sự thật. Không phải ai khác, chính Boris Yeltsin đã ra lệnh san bằng Nhà Ipatiev (1), nơi vụ thảm sát đẫm máu diễn ra, vào rạng sáng 18/9/1977, để xóa mọi dấu tích về tội ác mà sau này, trong hồi ký năm 2000, chính ông cũng thổ lộ rằng, thật đáng kinh tởm.
Nhắc lại, tổng cộng 11 người, trong đó toàn thể gia đình hoàng gia gồm Sa hoàng, Sa hậu, con trai của họ là Thái tử Aleksei (13 tuổi) và bốn con gái là các Nữ Đại vương công Olga, Tatiana, Maria và Anastasia (ở độ tuổi 17-22) cùng vài người hầu cận đã chết thảm dưới mũi súng và lưỡi lê của đội hành quyết, sau đó thi thể của họ đã bị lôi ra rừng, lột đồ, thiêu đốt, nhúng axit clohidric và bị ném xuống hố.
Trong nhiều năm, chính quyền Xô-viết đã phủ nhận tội ác này và như thông lệ trong nhiều vụ thảm sát chính trị khác tại các quốc gia cộng sản, câu hỏi được đặt ra, vụ hành quyết là quyết định của địa phương, hay trung ương. Theo Leon Trotsky, lãnh tụ Bolshevik tối cao bên cạnh Lenin, người tổ chức trong thực tế các cuộc chính biến 1905 và 1917, trách nhiệm chính thuộc về Lenin và Yakov Sverdlov (2).
Bất luận sự thật lịch sử có ra sao đi nữa, tội ác này của chính quyền Xô-viết cùng những gì diễn ra sau đó, phản ánh di sản tồi tệ của thể chế Bolshevik mà nước Nga hiện tại có lẽ phải còn lâu mới gột rửa được, trên vai trò quốc gia thừa kế. Những hy vọng của Boris Yelsin trong bài phát biểu trong lễ an táng gia đình Nga hoàng, dưới ánh sáng những sự kiện hiện tại, đáng buồn là quá lạc quan (3).
Xin giới thiệu phát biểu đáng nhớ này, được xem là một diễn ngôn lớn của thế kỷ 20, với phần chuyển ngữ từ bản tiếng Hungary, như một tư liệu để hiểu thêm về chính biến tháng 10/1917, cuộc đảo chính đã tạo dựng nên một nhà nước đặt cơ sở trên bạo lực, đàn áp, khủng bố để chống lại nhân dân của chính mình, theo sử gia Pháp Nicolas Werth (“Sách đen của chủ nghĩa cộng sản”, Paris 1997). (ND).
Nơi yên nghỉ truyền thống của các Sa hoàng thuộc dòng họ Romanov, kể từ Pyotr Đại đế (1682-1725) tới Aleksandr Đệ tam (1881-1894), khi ấy được bổ sung thêm một cái tên: Nikolai Đệ nhị (1894-1918), vị vua về sau được Giáo hội Chính Thống giáo phong thánh vào năm 2000 cùng toàn thể gia đình từng bị chính quyền Bolshevik sát hại, với tên “Thánh Nikolai Người chịu nỗi thống khổ”.
Buổi lễ trọng thể nói trên, ngoài sự hiện diện của Hoàng gia Nga, hơn 20 đại sứ ngoại quốc và vài chục người khác, còn có sự tham dự của vợ chồng Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, ông Boris Yeltsin. Hàng trăm triệu người đã lắng nghe qua TV bài phát biểu ngắn của vị chính khách trong trạng thái sức khỏe tồi tệ, khi ông đứng trước hầm mộ các tử đạo trong bầu không khí im lặng như tờ.
Vợ ông, bà Naina Yeltsina, đã làm giấu thánh khi chồng bà, tổng thống Nga, nói rằng ông không có chọn lựa nào khác, ông phải đến đây để nói lên sự thật. Không phải ai khác, chính Boris Yeltsin đã ra lệnh san bằng Nhà Ipatiev (1), nơi vụ thảm sát đẫm máu diễn ra, vào rạng sáng 18/9/1977, để xóa mọi dấu tích về tội ác mà sau này, trong hồi ký năm 2000, chính ông cũng thổ lộ rằng, thật đáng kinh tởm.
Nhắc lại, tổng cộng 11 người, trong đó toàn thể gia đình hoàng gia gồm Sa hoàng, Sa hậu, con trai của họ là Thái tử Aleksei (13 tuổi) và bốn con gái là các Nữ Đại vương công Olga, Tatiana, Maria và Anastasia (ở độ tuổi 17-22) cùng vài người hầu cận đã chết thảm dưới mũi súng và lưỡi lê của đội hành quyết, sau đó thi thể của họ đã bị lôi ra rừng, lột đồ, thiêu đốt, nhúng axit clohidric và bị ném xuống hố.
Trong nhiều năm, chính quyền Xô-viết đã phủ nhận tội ác này và như thông lệ trong nhiều vụ thảm sát chính trị khác tại các quốc gia cộng sản, câu hỏi được đặt ra, vụ hành quyết là quyết định của địa phương, hay trung ương. Theo Leon Trotsky, lãnh tụ Bolshevik tối cao bên cạnh Lenin, người tổ chức trong thực tế các cuộc chính biến 1905 và 1917, trách nhiệm chính thuộc về Lenin và Yakov Sverdlov (2).
Bất luận sự thật lịch sử có ra sao đi nữa, tội ác này của chính quyền Xô-viết cùng những gì diễn ra sau đó, phản ánh di sản tồi tệ của thể chế Bolshevik mà nước Nga hiện tại có lẽ phải còn lâu mới gột rửa được, trên vai trò quốc gia thừa kế. Những hy vọng của Boris Yelsin trong bài phát biểu trong lễ an táng gia đình Nga hoàng, dưới ánh sáng những sự kiện hiện tại, đáng buồn là quá lạc quan (3).
Xin giới thiệu phát biểu đáng nhớ này, được xem là một diễn ngôn lớn của thế kỷ 20, với phần chuyển ngữ từ bản tiếng Hungary, như một tư liệu để hiểu thêm về chính biến tháng 10/1917, cuộc đảo chính đã tạo dựng nên một nhà nước đặt cơ sở trên bạo lực, đàn áp, khủng bố để chống lại nhân dân của chính mình, theo sử gia Pháp Nicolas Werth (“Sách đen của chủ nghĩa cộng sản”, Paris 1997). (ND).
Đây là một ngày lịch sử của nước Nga. Tám mươi năm đã trôi qua kể từ khi Nga hoàng cuối cùng và gia đình bị tàn sát. Trong một thời gian dài, chúng ta đã không nhắc tới tội ác khủng khiếp này. Chúng ta cần khẳng định một sự thật: vụ thảm sát ở Yekaterinburg là một trong những trang sử nhục nhã nhất của chúng ta.
Bằng việc an táng những nạn nhân vô tội, chúng ta muốn sám hối vì những tội lỗi của cha ông. Tội lỗi thuộc về những kẻ đã thực hiện hành vi tội lỗi đáng kinh tởm này, và thuộc về cả những kẻ trong nhiều thập niên đã tìm cách biện bạch cho hành vi ấy - tức là tất cả chúng ta. Chúng ta không thể dối trá chính mình, và không thể lý giải sự tàn ác vô nghĩa này bằng những lý do chính trị.
Cuộc hành quyết gia đình Romanov là hậu quả của sự tan rã không thể đảo ngược trong xã hội Nga. Và điều này, tới giờ, chúng ta vẫn còn cảm nhận được. Việc an táng di cốt các nạn nhân là hình mẫu của sư thực thi công lý, là sự ám hối vì ý thức hối lỗi tập thể.
Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm trước ký ức lịch sử của dân tộc. Vì vậy, tôi cũng không thể đứng ngoài. Trong quá trình xây dựng nước Nga mới, chúng ta cần nương tựa vào những trải nghiệm lịch sử. Rất nhiều trang sử vẻ vang của chúng ta có được là nhờ Gia tộc Romanov. Nhưng một trong những bài học cay đắng nhất cũng gắn liền với gia tộc ấy: những thử nghiệm nhằm thay đổi cuộc sống bằng bạo lực đều có có kết cục thảm bại.
Không phụ thuộc vào niềm tin tôn giáo và nguồn gốc sắc tộc, chúng ta cần khép lại thế kỷ này - tại nước Nga, đó là thời đại của máu và sự vô luật pháp - với sự ăn năn hối lỗi và hòa hợp hòa giải. Đây là cơ hội lịch sử cho chúng ta. Trước khi bước vào thiên kỷ thứ ba, chúng ta cần làm điều này, vì thế hệ chúng ta, và cho các thế hệ tương lai.
Hãy tưởng nhớ những con người vô tội đã trở thành nạn nhân của sự thù hận và bạo lực.
Cầu mong họ yên giấc ngàn thu!
Ghi chú:
(1) Boris Yeltsin chào đời ở tỉnh Yekaterinburg, vào năm 1977, ông là Bí thư Thành ủy TP. Sverdlovsk, tên mới của Yekaterinburg thời Liên Xô từ năm 1924 (năm 1991, cũng chính Yeltsin đã ra quyết định trả lại tên cũ cho thành phố). Ông được coi là đã phải thực hiện một chỉ thị mật đến từ điện Kremlin khi đích thân cho phép và giám sát thực hiện việc san bằng Nhà Ipatiev theo quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 1990, trong hồi ký “Ngược dòng”, Boris Yeltsin thừa nhận rằng lịch sử Nga đã bị bóp méo ghê gớm - nhất là trong cuốn “Lịch sử giản yếu của Đảng Cộng sản Bolshevik” (thời Stalin) - khi nhắc đến tội ác này, và tính đến thời điểm ấy, ông là một trong số vài người ít ỏi được đọc các hồ sơ mật của vụ hành quyết hoàng gia Nga hoàng.
(2) Yakov Sverdlov (1885-1919) là một lãnh tụ Bolshevik cựu trào, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga (tương đương Chủ tịch nước) thời Lenin. Theo các nghiên cứu công bố năm 1990, sử gia, nhà soạn kịch Edvard Radzinsky cho rằng trên cương vị một đồng chí thân cận của Lenin, Sverdlov là tác giả chính của các vụ giải tán Quốc hội Lập hiến (1917), ký Hòa ước Brest- Litovsk (1918) và thảm sát gia đình Nga hoàng.
Các nguồn khác thì cho rằng lãnh tụ thượng đỉnh Lenin không hề hay biết gì về vụ thảm sát và khi được Sverdlov thông báo, ông tỏ ra buồn rầu và “lấy làm tiếc” về chuyện đó. Đoàn Chủ tịch Tòa án Tối cao Liên bang Nga năm 2008 đã ra kết luận: quyết định xử bắn gia đình Sa hoàng là do Xô-viết (Hội đồng) tỉnh Ural đưa ra dưới áp lực của phe vô chính phủ và cánh hữu, chứ không có bằng chứng để quy trách nhiệm cho “trung ương”.
(3) Dầu vậy, vào năm 2008, tức 90 năm sau vụ thảm sát, Tòa án Tối cao Nga cũng đã ra phán quyết chính thức phục hồi danh dự cho Sa hoàng Nicholai Đệ nhị và gia đình ông, khi tuyên bố họ là nạn nhân của các cuộc đàn áp chính trị và đã bị sát hại bất hợp pháp. Trước đó, năm 2003, trên đống tro tàn của Nhà Ipatiev, đã mọc lên ngôi nhà thờ Chính thống giáo mang tên “Nhà thờ trên Máu đổ Tôn kính Chư Thánh Vinh hiển tại Đất Nga”.