Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Về Nền Quân chủ Áo - Hung: VANG BÓNG MỘT THỜI

(NCTG) Trước nay, sách báo Việt Nam hay nhắc đến hình thức nhà nước đặc biệt này dưới tên gọi Đế quốc Áo - Hung, theo thiển ý của chúng tôi đó là một cách gọi không hoàn toàn chính xác, không thể hiện được thực chất cách tổ chức và hoạt động của nhà nước này.

Trong tiếng Hungary thường dùng cụm từ „Osztrák - Magyar Monarchia”, chúng tôi xin tạm dịch là Nền Quân chủ Áo - Hung, và vì còn có tên gọi chính thức là „Hội đồng Đế chế của các vương quốc và các nước” nên nhiều khi người ta còn dùng cụm từ Đế chế Áo - Hung.

Nền Quân chủ Áo – Hung tồn tại ở Trung Âu, trong vòng 50 năm, từ năm 1867 đến 1918 dưới hình thức đặc biệt: song quốc gia (dualista): Vương quốc Hungary và Áo. Ngoài hai quốc gia trụ cột, nó bao gồm Tiệp và xứ Morva, Galicia, Bukovina, Slovenia ngày nay, một phần đất Ý và nhiều vùng lãnh thổ lân cận, có Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nền tài chính chung. Diện tích là 680.887 km2, dân số là 48.592.000 người. Hai thủ đô là Vienna (1.675.000 người) và Budapest (880.371 người, số liệu năm 1910). Mỗi nước vẫn giữ nguyên Quốc kỳ, Quốc hiệu, Quốc ca riêng của mình.

Vị trí địa lý của Nền Quân chủ Áo - Hung

Nền Quân chủ Áo – Hung ra đời như một kết quả thỏa thuận giữa hai bên. Sau thất bại trong hai cuộc chiến tranh năm 1859 và 1866 với nước Phổ, Đế chế Áo mất vai trò thống trị các quốc gia nói tiếng Đức và một số tỉnh thuộc Ý, các thế lực trong triều đình Áo nhận thấy phải từ bỏ ý đồ hình thành Đế chế Áo đơn độc. Còn Quốc vương Hungary cũng muốn trở lại những phần đất đã giành được trong cuộc Cách mạng Tự do 1848, nhưng không đủ sức mạnh để đạt được mục đích của mình. Vì vậy hai bên đi đến thỏa thuận về một nhà nước kết hợp những kỳ vọng cường quốc của triều đình Áo và Vương quốc Lập hiến Hungary. Trong cả hai quốc gia của Nền Quân chủ (Đế chế) đều có Quốc hội (ở Hungary là Quốc hội và ở Áo là Hội đồng Đế chế) và Chính phủ riêng. Không có cơ quan lập pháp riêng, những việc cần giải quyết chung thuộc quyền hạn của các Đoàn đại biểu, các đoàn của hai bên do Quốc hội và Hội đồng Đế chế cử, có số thành viên bằng nhau, đứng đầu các đoàn này là các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính chung cho cả hai bên. Hoàng đế (Áo) và Quốc vương (Hung) được dành những quyền hạn đặc biệt để chỉ đạo các Đoàn đại biểu. Bên cạnh thỏa thuận chính trị là các thỏa thuận kinh tế, được xem xét lại sau mỗi thập kỷ. Hai bên duy trì Hệ thống Ngân hàng và Ngoại tệ chung, hệ thống Hải quan chung.

Tuy chỉ tồn tại 50 năm, nhưng Nền Quân chủ Áo-Hung đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của vùng Trung Âu nói riêng và cả Châu Âu nói chung. Trong vòng nửa thế kỷ, kinh tế của Nền Quân chủ được hiện đại hóa và mở rộng tự do, có những bước phát triển vượt bậc. Thế chiến thứ Nhất đã đánh dấu chấm hết cho Nền Quân chủ vang bóng một thời này.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung