VỤ THẢM SÁT KATYN DƯỚI ÁNH SÁNG NHỮNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ (7)
- Thứ năm - 18/10/2007 22:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đài tưởng niệm các sĩ quan Ba Lan bị sát hại tại Katyn (Baltimore, Hoa Kỳ)
* Phiên tòa Nürnberg
Vì lý do dễ hiểu, vụ thảm sát Katyn cũng được đưa vào chương trình nghị sự của phiên tòa Nürnberg [do phe Đồng minh tổ chức để buộc tội và xét xử những tội phạm chiến tranh trong Đệ nhị Thế chiến]: công tố viên trưởng của Liên Xô, ông Rudenko, đã đưa ra bản cáo trạng vì tội ác giết hại 11 ngàn sĩ quan Ba Lan tại Katyn (được coi là tội ác diệt chủng), nhưng rốt cục những lời buộc tội này (đối với quân đội Đức) đã không được chứng tỏ.
Tại phiên tòa, hàng loạt những chi tiết thiếu chính xác và những sai lầm căn bản đã được chỉ ra trong cáo trạng của Rudenko. Chẳng hạn, Tòa án Quốc tế xác nhận rằng tại Katyn, quả thực đã có một đơn vị quân đội Đức đồn trú với mục đích… thông tin, và đứng đầu đơn vị 537 này không phải là “Arnes“, mà là đại tá Arens; ngoài ra, đơn vị này chỉ xuất hiện vào… tháng 11-1941 [phía Liên Xô cho rằng Đức đã thảm sát các sĩ quan Ba Lan vào hè 1941]. Vì vậy, đại tá Arens chỉ bị Tòa án Quốc tế hỏi cung trên cương vị nhân chứng, mặc dù phía Liên Xô đòi xét xử ông ta.
Trong bản cáo trạng của Liên Xô, vụ thảm sát Katyn vẫn được coi là “tội ác diệt chủng do phát-xít Đức gây ra”, nhưng điều này đã bị xóa trong những đề xuất kết án cuối cùng. Đối với một số nhà nghiên cứu và chuyên gia hình sự quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc Liên bang Xô-viết phải nhận phần trách nhiệm về mình và vì thế, cho đến nay, họ vẫn đề xuất việc tổ chức một phiên tòa quốc tế xét xử vụ Katyn, trên phương diện một tội ác chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu. Nhưng, như chúng ta đã biết, Liên bang Nga có quan điểm khác về việc này.
* Anh Quốc và Hoa Kỳ
Các Đồng minh phương Tây luôn có thái độ “cầm chừng”, hoặc quan niệm “vì lợi ích tối thượng” [trong vấn đề Katyn]. Chẳng hạn, thủ tướng Anh W. Churchill khuyên chính phủ và người Ba Lan hãy “vừa vừa phai phải thôi”. Các chủ báo và các quan chức Anh cũng tìm cách ỉm đi vụ thảm sát Katyn.
Chỉ một số ít, như Geoffrey Potocki de Montalk (tác giả “Katyn Manifesto” [Tuyên ngôn Katyn], ấn phẩm thành thực đầu tiên trong số các bài viết của phương Tây về Katyn), hoặc Sir Owen O'Malley (đại sứ Anh được giao trách nhiệm đại diện cho chính phủ lưu vong Ba Lan), là tìm cách đưa công lý ra ánh sáng. Tờ trình của Sir Owen O'Malley - được kèm theo nhuững tư liệu và bằng cứ cẩn trọng – đã khẳng định tội lỗi của phía Liên Xô và tháng 6-1943, báo cáo này đã được trao cho nhà vua Anh, thủ tướng Churchill và nội các đang tham chiến của ông ta.
Trong một thời gian dài, nhà chức trách Hoa Kỳ cũng chấp nhận “thuyết” của Liên Xô về Katyn và không ủng hộ việc tìm tòi để khám phá sự thật trong vụ thảm sát. Nhiều người biết đến trường hợp của đại tá van Vliet, bị quân Đức bắt làm tù binh và năm 1943, cùng các tù binh của bảy quốc gia khác, ông bị [phía Đức] chở đến Katyn.
Sau khi được trả tự do, đại tá van Vliet báo cáo sự việc cho tướng Bissell và ông này lập tức ra lệnh “mật hóa” tờ trình với dấu “TUYỆT MẬT” (nhưng khả năng là nó bị hủy). Về sau, năm 1952, chính đại tá Vliet đã phải đích thân phục hồi nó cho một ủy ban của Hạ viện Mỹ [được lập ra để điều tra vụ Katyn].
* Ba Lan
Đài tưởng niệm Katyn tại Katowice
Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, do phụ thuộc vào Liên Xô, đã tham gia gìn giữ những hình ảnh sai lạc về Katyn. Điều này đặc biệt ứng với nhà văn nữ Wanda Wasilewska và tướng Zygmunt Berling.
Từ mùa xuân 1945, bộ trưởng Tư pháp Henryk Świątkowski đã ra chỉ thị điều tra trong vụ thảm sát các sĩ quan Ba Lan tại Katyn, nhiệm vụ giám sát được công tố viên trưởng Jerzy Sawicki (sau này trở thành một luật gia nổi tiếng) trao cho Roman Martini (trước Đệ nhị Thế chiến từng là công tố viên phó của Tòa án khu vực Kielce).
Công tố viên Martini đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc của Ba Lan năm 1939; lòng quả cảm trong những trận chiến ở Warszawa đã khiến ông được tặng nhiều huân chương, huy chương. Ông bị quân Đức bắt làm tù binh và bị tù đày đến cuối cuộc chiến. Roman Martini tiến hành điều tra trong gần 1 năm, cho đến khi bị ám sát ngày 30-3-1946.
Dường như thủ phạm là vị hôn phu của một cô gái trẻ mà trước kia ông có quan hệ. Nhưng theo các nguồn khác, cho dù vụ điều tra đã được “định hướng” từ trước (là nhằm chứng tỏ “tội trạng” của phía Đức), nhưng nhờ Martini, cuộc điều tra đã đi theo hướng ngược lại và rất nhiều bằng cứ được phát hiện cho thấy thủ phạm là Liên Xô; vì thế, vị công tố viên đã phải chết trong một vụ ám sát đưọc dàn dựng kỹ lưỡng.