Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỤ THẢM SÁT KATYN DƯỚI ÁNH SÁNG NHỮNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ (4)

Kiểu trói đặc thù: các nạn nhân ở Katyn bị trói quặt tay sau lưng

5. Giai đoạn đầu của sự giấu giếm vụ thảm sát
 
Sau khi vụ thảm sát (được liệt vào hàng những bí mật quốc gia) được thực hiện, thân nhân những người bị sát hại đột ngột không nhận được bất cứ tin tức gì về họ - thư từ và quà gửi cho các tù binh không đến tay người nhận, bị gửi trả lại vì “không rõ người nhận ở đâu”. Mọi thử nghiệm để tìm hiểu về số phận các tù binh, để thu thập thông tin về nơi họ bị giam giữ, đều thất bại.

Do không có những nguồn tin chính xác, một số tin được lan truyền, theo đó các tù binh đã bị chở đi các trại giam ở phía Bắc nước Nga (như ở Cực Bắc hoặc vùng Novaya Zemlya - Đất Mới). Về sau, lại có tin cho rằng các tù binh bị dìm chết ở biển Kara, ở Bắc Băng Dương hoặc biển Barents.

Độc lập với những tin đồn này, một vài quan chức cao cấp Xô-viết cũng đưa ra những phát biểu này nọ, nhưng trong thời gian đó, họ chưa hề nói đến chuyện các tù binh bị “mất tích”, hoặc về “tội ác” giả định của phía Đức (mà sau này Liên Xô đã khẳng định). Cuộc chiến nổ ra năm 1941 giữa Đức và Nga, cũng như sự thay đổi “ngoạn mục” trong mối quan hệ Ba Lan - Nga sau sự kiện đó, rồi sự tìm kiếm của chính quyền Ba Lan - tất cả đều không khiến phía Liên Xô đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

Tướng Władysław Sikorski, tổng tư lệnh Quân đội Ba Lan, trong cuộc hội kiến với Stalin ngày 3-12-1941 tại Điển Kremlin, đã trực tiếp hỏi về số phận các tù binh bị mất tích. Stalin đáp: “Họ trốn sạch rồi”. Trả lời câu hỏi của vị tướng Ba Lan “15 ngàn người làm sao mà trốn đi đâu được”, Stalin đưa ra câu trả lời rất phi lý: “Sang… Mãn Châu!

Một thông tin nữa cũng được đăng tải: đầu tháng 6-1040, Winston Churchill nhận được một báo cáo, trong đó có lời thuật lại của Koźliński (một chỉ huy kỵ binh, cựu chủ nhân vùng Katyn). Ông này, vào ngày 18-5-1940, đã thấy lính Nga ném nhiều tử thi xuống hố thứ 8.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp - Còn tiếp