Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỤ KUNDERA TRỞ NÊN PHỨC TẠP

(NCTG) Hai ngày sau khi tờ tuần báo hàng đầu của Czech - "Respekt" - đăng tải khẳng định của một sử gia, cho rằng nhà văn nổi tiếng gốc Tiệp Milan Kundera từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị Tiệp Khắc vào thập niên 50, ông Zdenek Pesat, một nhà nghiên cứu văn học sử Czech đã có ý kiến bác bỏ điều này.

Mỉoslav Dvorácek, người bị coi là đã bị Milan Kundera "chỉ điểm" - Nguồn: Ludvík Hradilek (aktualne.centrum.cz)

Như NCTG đã đưa tin, căn cứ các tư liệu mật thuộc kho thư khố Cục An ninh Quốc gia Tiệp Khắc (cũ), sử gia Vojtech Ripka của Học viện Ký ức Quốc gia Czech (một học viện nghiên cứu về các thể chế toàn trị) cho rằng vào năm 1950, khi còn là sinh viên Học viện Điện ảnh và Nghệ thuật trình diễn Prague, Kundera đã "chỉ điểm" cho cảnh sát Tiệp bắt Dvorácek.

Miroslav Dvorácek từng là một phi công trẻ, đã tời Tiệp Khắc năm 1948 sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở đây. Được các cơ quan tình báo Phương Tây tuyển mộ, đầu năm 1950, ông nhận nhiệm vụ trở về Prague để thực thị một "sứ mệnh bí mật", nhưng rồi ngay lập tức, ông đã bị phát hiện và bắt giam khi đến ký túc xá thăm cô bạn gái từ thời niên thiếu là Iva Militká (Iva Militká cũng là bạn ở chung ký túc xá với Milan Kundera). Trong một thời gian, Dvorácek đã phải trực diện với nguy cơ bị án tử hình, nhưng rồi ông được giảm án còn 22 năm tù giam vì tội danh "phản bội tổ quốc", và đã phải ngồi tù 14 năm cho đến khi được phóng thích và di cư sang Thụy Điển, nơi ông vẫn sống cho đến ngày nay.

Sau khi bài báo trên được đăng tải, thoạt đầu Kundera từ chối trả lời phỏng vấn báo giới, nhưng sau đó nhà văn cương quyết phủ nhận và tuyên bố rằng ông không liên quan gì đến câu chuyện kể trên. "Dối trá! Tôi hoàn toàn không quen biết con người ấy!" - Kundera khẳng định với Hãng Thông tấn Czech CTK và cho rằng, một nhóm sử gia Czech và tờ tuần báo "Respekt" muốn làm ông mất uy tín khi tung ra tin trên.

Iva Militká-Dlasková, một nhân vật trung tâm của câu chuyện - Nguồn: Ludvík Hradilek (aktualne.centrum.cz)

Theo nhà nghiên cứu văn học sử Zdenek Pasat, không phải Milan Kundera mà một người khác là là Miroslav Dlask - người yêu khi đó của Iva Militká - đã đưa Dvorácek vào tay cảnh sát Tiệp Khắc. Năm 1950, Pasat là sinh viên năm thứ ba Đại học Karlova (Prague) và là thành viên của Đảng ủy trường đại học. Theo lời ông, khi câu chuyện xảy ra, chính Dlask đã thông báo cho ông về hành động "chỉ điểm" của anh ta.

Dường như một câu chuyện ghen tuông đã diễn ra ở đây. Theo Zdenek Pesat, sau khi Dvorácek bị bắt giữ, Miroslav Dlask - người về sau trở thành chồng của Iva Miliká - đã cho ông biết rằng chính anh ta đã báo cáo về sự hiện diện của Dvorácek với cảnh sát, và anh ta nghĩ rằng cần thông báo điều này với Ban lãnh đạo trường. "Miroslav Dlask báo cáo rằng người yêu (về sau là vợ) của anh ta, Iva Militká, đã gặp gỡ một người bạn trai từ thời niên thiếu, Dlask biết người này từng lẩn trốn sang Phương Tây và khả năng là đã trở về Tiệp Khắc theo đường bất hợp pháp. Dlask nói rằng, anh ta đã báo cáo cho cơ quan an ninh quốc gia về điều này" - Pesat cho báo chí hay. Nhà nghiên cứu văn học sử này nhớ rằng, trong cuộc nói chuyện của họ, cái tên Milan Kundera không hề được nêu ra!

Pesat lý giải hành động của Dlask bằng cách đặt nó trong hoàn cảnh và bầu không khí xã hội nặng nề của thập niên 50 thế kỷ trước, theo ông, với việc "chỉ điểm", Dlask tìm cách bảo vệ người xêu của mình trước những hậu quả có thể xảy ra. Nhà nghiên cứu văn học sử khẳng định: ông không quan tâm lắm đến câu chuyện này và chỉ đến khi nó được dưa lên trang nhất các tờ báo ở Czech, ông mới nhớ lại nó.

Nhiều nhà văn cũng như các nhân vật ly khai nổi tiếng của Czech - như các nhà văn Josef Skvorecky, Milan Uhde (nguyên chủ tịch Quốc hội Czech), Ivan Klíma... - cho rằng khó có thể tin rằng Kundera đã làm công việc "chỉ điểm", vì nó "phi logic". Một phần đáng kể của giới truyền thông Czech cũng đưa ra rất nhiều nghi vấn xung quanh "phát hiện" mới này.

Trước mắt, Học viện Ký ức Quốc gia Czech không muốn bình luận về nguồn tin của mình...

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo [origo]