Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIẾT TRƯỚC NGÀY XUỐNG ĐƯỜNG

(NCTG) “Mỗi lần Tổ Quốc lâm nguy, dân tộc ta lại kết thành một khối: đoàn kết, quả cảm, ngoan cường. Chúng ta còn gọi Tổ Quốc là Đất Nước, đất và nước, đất liền và biển cả. Biển của ta không thể là ao nhà của chúng nó”.

“Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” - Ảnh tư liệu

Chúng nó lại ngựa quen đường cũ.

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì từ xưa Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sớm nhận ra mặt thật của chúng nó và di huấn lại cho chúng ta: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.”

Cha ông ta cũng đã dạy: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”.

Nhưng chúng nó, lũ bành trướng tham lam và ngang ngược, chuyên thói lấy thịt đè người, dẫu bị đòn đau cả chục lần vẫn chưa chừa.

Những ngày gần đây, trong không khí sôi sục của người Việt ở cả trong và ngoài nước, trước hành động càn quấy của chúng nó: ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981, hàng chục tàu quân sự và máy bay xâm phạm lãnh hải Việt Nam, thiết nghĩ nên nhắc lại một vài bài học lịch sử, những “đòn đau nhớ đời” mà cha ông chúng ta đã dạy cho lũ ngông cuồng ấy. Để chúng nó nhớ mà kiềng mặt chúng ta. Để chúng ta nhớ mà không ngán gì chúng nó.

Ngay từ khi ta mới giành được độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc, năm 938, đạo quân xâm lược Nam Hán do Vạn vương Hoằng Tháo cầm đầu, đã bị đại quân ta do Ngô Quyền chỉ huy, đánh tan tác trên những bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của giặc tan vỡ, hàng ngàn quân sĩ xâm lược bị nhấn chìm hay bị nước cuốn trôi. Vạn vương Hoằng Tháo chết mất xác trong đám loạn quân. Chiến thắng oanh liệt này được sử gia Ngô Thì Sĩ coi là “một võ công hiển hách, vang dội đến nghìn thu”. Sau này, đến đầu thế kỷ 17, vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua) Giang Văn Minh đã khẳng khái nhắc cho vua tôi nhà Minh biết: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang).

Chưa đầy nửa thế kỷ sau, năm 981, quân Tống lại ồ ạt kéo quân vào nước ta theo hai đường thủy bộ, nhưng chúng đã bị quân dân nhà Tiền Lê dưới sự chỉ huy tài trí của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đánh cho đại bại trên sông Chi Lăng (sông Thương). Hầu Nhân Bảo, chỉ huy cánh quân bộ bị giết chết, tướng Trần Khâm Lộ tử trận, các tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt sống, đám tàn quân còn lại ôm đầu máu chạy về nước.
 
Năm 1077, quân dân ta dưới sự chỉ đạo đầy mưu lược của Thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy trong trận quyết chiến lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu). Quách Quỳ phải cho quân sĩ lén lút rút lui không kèn không trống vào ban đêm, đến nỗi chính “Tống sử” phải ghi nhận: “Quỳ muốn rút quân về, sợ giặc tập kích, bèn bắt quân lính khởi hành vào ban đêm, hàng ngũ không được chỉnh tề, tình hình hỗn loạn giẫm xéo lên nhau.” Bài thơ thần mà tướng quân họ Lý khích lệ tinh thần quân dân ta, được coi là bản tuyên ngôn đọc lập đầu tiên của quốc gia Đại Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


(Sông núi nước Nam Vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.)

Thế kỷ 13, ba lần liên tiếp trong những năm 1248, 1285 và 1288, quân dân nhà Trần với khí phách Diên Hồng và hào khí Đông A, đã ba lần đánh bại quân Nguyên. Nhiều danh tướng và hàng chục vạn quân của đế quốc Nguyên Mông, đạo quân được coi là bách chiến bách thắng, từng chinh phục những vùng đất rộng lớn từ Á sang Âu, đã bỏ xác trên đất Đại Việt hay thân bại danh liệt tháo thân về nước. Tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy về bên kia biên ải. Còn vang mãi những vần thơ ung dung tự tại của vua Trần Nhân Tông từ mùa xuân chiến thắng 1288:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng.

Năm 1407, nhà Minh lại đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Với ý chí quật khởi, nhất định không chịu làm nô lệ, nhân dân ta đã liên tục khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ hà khắc của phương Bắc. Cuộc dấy binh của nghĩa quân Lam Sơn, sau mười năm “nếm mật nằm gai” đã lớn mạnh không ngừng, với khí thế “đánh một trận sạch sanh kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông” (“Đại cáo bình Ngô”), đã giành lại độc lập cho đất nước sau hai mươi năm. Liễu Thăng bị chém đầu ở ải Chi Lăng, Vương Thông bị vây hãm phải cầu hàng xin rút quân về nước. Những địa danh Tốt Động, Ninh Kiều, Chi Lăng, Xương Giang, Đông Quan khiến quân tướng nhà Minh khi thoát thân về đến nước vẫn còn “tim đập, chân run.

Đầu xuân Kỷ Dậu 1789, quân dân ta dưới sự chỉ huy táo bạo của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ chỉ trong một đêm đã đại phá hai mươi vạn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị “ngựa không kịp đóng yên cương, người không kịp mặc áo giáp” (“Hoàng Lê Nhất Thống Chí”) hốt hoảng tháo chạy. Đống Đa, Ngọc Hồi là một trong những trang sử oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đúng như lời hịch đầy hào sảng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất toàn
Đánh cho sử chi Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

Và gần đây nhất, ngày 17-2-1979, bè lũ bành trướng phương Bắc đã sử dụng hơn ba chục vạn quân tấn công trên toàn tuyến biên giới biên giới nước ta, hòng “dạy cho Việt Nam một bài học”. Nhưng chính bọn ngông cuồng, ngạo mạn và lật lọng ấy đã được quân dân ta dạy cho một bài học đích đáng. Bị đánh tơi tả, chịu thiệt hại nặng nề, ngày 16-3-1979, chúng đã phải cuốn xéo khỏi nhà ta.

Lần này biển Đông lại dậy sóng.

Mỗi lần Tổ Quốc lâm nguy, dân tộc ta lại kết thành một khối: đoàn kết, quả cảm, ngoan cường.

Chúng ta còn gọi Tổ Quốc là Đất Nước, đất và nước, đất liền và biển cả. Biển của ta không thể là ao nhà của chúng nó.

Mỗi con dân đất Việt hãy khắc ghi lời di huấn của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.”

Và lời hịch của người anh hùng Tây Sơn: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!” (Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ.)

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung, từ Budapest - Ngày 14-5-2014