Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIỆT NAM TRONG CON MẮT NHỮNG NGƯỜI NGA 100 NĂM TRƯỚC

(NCTG) Lịch sử quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam – Liên Xô (cũ) có nhiều mốc đặc biệt. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có thể coi là nền móng về tinh thần đầu tiên để người Việt biết đến nước Nga.

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán. Ông Trần Văn Giàu (1911-2010) là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô du học: giữa năm 1931, ông qua học tại Trường Đại học Đông Phương (Moscow). Năm 1933, ông bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”


Sau đó là những sự kiện “đầu tiên” khác như: lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam lần đầu tiên sang Nga học tập về lý luận cách mạng (Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Văn Giàu, v.v...) vào những năm 30 của thế kỷ trước; cuốn từ điển Nga - Việt đầu tiên do viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chỉ đạo biên soạn cũng vào thời kỳ ấy.

Ngày 15-11-1945, đã khai giảng Ban Đại học Nga ngữ đầu tiên ở hai lớp chính trị - xã hội ngắn hạn và năm thứ II Luật Khoa, trong đó có một người Bạch Nga (Belorus) tham gia giảng dạy: có thể coi thày O. V. Pletner là người thày đầu tiên dạy tiếng Nga cho người Việt trên đất Việt.

Ngày 30-1-1950, mốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đầu tiên giữa hai quốc gia…

Đặt câu hỏi ngược lại, vậy, nước Nga biết đến Việt Nam từ bao giờ?

Việt Nam trong con mắt vị hoàng thân nước Nga

Theo ý kiến của nhà giáo ưu tú, nhà Nga ngữ học Vũ Thế Khôi, từ nửa đầu thế kỷ XIX, lác đác đã có một số người Nga là thương nhân hoặc thủy thủ đã đặt chân đến Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga là Sa hoàng Nikolai Đệ nhị - khi còn là Thái tử - đã viếng thăm Sài Gòn trên chiến hạm Azov năm 1891 trong chuyến du khảo Viễn Đông 1890 – 1891.

Một nhân vật quan trọng nữa của Nga mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là Hoàng thân Cyril Vladimirovich Romanov (1876-1938), cháu nội của Sa hoàng Aleksandr Đệ nhị, đã đặt chân đến Hà Nội và Sài Gòn, vào tháng 11-1902 bằng đường thủy trên con tàu “Thủy sư đô đốc Nakhimov”, trong chuyến thăm viếng ngoại giao chính thức Trung Hoa.

Trong hồi ký “Cuộc đời tôi - những năm tháng phục vụ nước Nga” (NXB Nilki Rossii, 1996), ông ghi lại những hồi tưởng về lần đầu gặp gỡ Hà Nội như sau:

Theo cửa sông, chúng tôi đi về hướng Hà Nội. Ở xứ thuộc địa Pháp này hiện đang có cuộc đấu xảo các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Tương truyền, sông biển nơi đây là chỗ ẩn trú yêu thích của một số loài hải xà ghê sợ. Tôi cũng chẳng tưởng tượng nổi đó là những con thủy quái gì, nhưng, là một thủy thủ, tôi hoàn toàn tin vào sự tồn tại của chúng trên đời này.

Lần này đến đây, tôi cũng chẳng thấy gì khác lạ, nhưng một số người trong đoàn khẳng định đã nhìn thấy chúng xuất hiện. Mà quả thực, đại dương bao la, ai mà biết được dưới đáy sâu thăm thẳm kia có những con vật đáng sợ gì!

Chúng tôi đi theo dòng nước trên một con tàu nhỏ, cập bến tại Hà Nội và tham quan khu đấu xảo. Tôi hơi thất vọng. Trong những gian hàng nằm dưới những rặng cọ xanh, tôi chẳng tìm thấy cái gì đặc biệt lôi cuốn cả. Tôi chưa tìm hiểu cuộc sống của đất nước này đủ để có thể đánh giá hàng hóa của họ một cách công tâm.

Thêm nữa, người ta tổ chức cuộc đấu xảo cùng với những nghi thức hào nhoáng câu nệ, ầm ĩ đến độ gây cho tôi một cảm tưởng nặng nề, và tôi vui sướng được rời khu đấu xảo mà quay về tàu…”.

Ông lại viết tiếp về những ngày nặng nề của mình ở Sài Gòn:

Khi chúng tôi bắt đầu bơi vào vùng biển Sài Gòn, thuyền trưởng Shteman gọi tôi vào phòng. Ông nằm trên giường nhỏ, nói với tôi với giọng tỏ ra bông đùa: “Xin lỗi ngài là phải tiếp ngài trong tình trạng như thế này. Tôi gặp một chuyện không vui: Hình như tôi bị choáng,, bị một bệnh gì đó không rõ nữa. Xin trao lại quyền chỉ huy cho ngài…”.

Ba tuần lễ liền chúng tôi neo tàu ở cửa một con sông của đất nước nhiệt đới, nơi bốc lên mùi nước tanh tưởi và mùi bùn hôi thối. Nắng nóng ngột ngạt và sự lo lắng về tai họa đang giáng xuống chúng tôi là sức khỏe ngày một xấu đi của thuyền trưởng đã khiến những ngày ở lại đây trở thành chuỗi ngày địa ngục.  Thuyền trưởng qua đời vào cuối tuần thứ ba.

Thuyền trưởng Shteman theo Tin Lành, chúng tôi theo Chính thống giáo Nga, mà ở Sài Gòn chỉ có duy nhất một nhà thờ Công giáo… Và cuối cùng, chúng tôi đã gửi lại Shteman vào lòng mảnh đất nhiệt đới xa xôi này. Một lễ mai táng theo kiểu đạo Chính thống Nga, tiễn biệt một người đạo Tin Lành trong nhà thờ Công giáo!

Chính quyền địa phương cảnh báo chúng tôi về bệnh dịch cúm – tả rất nặng đang hoành hành vùng này. Cái nóng ngột ngạt không thể chịu nổi, những cảnh quan rất đẹp của vùng đất xa lạ được khoác một chiếc mặt nạ của những nguy hiểm về tính mạng đang rình rập đã khiến thần kinh các thủy thủ của tôi hết sức căng thẳng.

Cuối cùng, chúng tôi cũng rời khỏi Sài Gòn, một nơi nguy hiểm, nơi mà hầu hết những người da trắng đều không tránh khỏi cái chết do bệnh viêm gan, là hậu quả của việc uống rượu quá độ. Cũng khó mà trách họ khi ở một nơi nắng và bệnh tật tàn khốc thế này.


Hoàng thân Cyril Vladimirovich Romanov đã từng đặt chân tới Việt Nam năm 1902. Sau khi Sa hoàng cuối cùng Nicholas Đệ nhị bị giết hại, ông sống lưu vong và trong thời gian 1924-1938, ông tự coi mình là “Sa hoàng chính danh” của nước Nga

Dầu vậy, đối với Hoàng thân Nga Kirill Vladimirovich thì ba tuần chỉ huy con tàu chống chọi với nắng nóng và bệnh tật ở Sài Gòn lại là ba tuần ông nhớ mãi, thậm chí về sau còn cảm thấy gần như hạnh phúc khi nhớ đến khoảng thời gian kỳ lạ này. Vì những khám phá đầu tiên về một miền đất. Và vì đã trụ vững và trở về.

Nói thêm một chút về cuộc đời Cyril Vladimirovich. Khi cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905) xảy ra, ông đã trực tiếp tham chiến, sát cánh cùng phó thủy quân đô đốc Makarov trên cương vị chỉ huy hải đoàn Thái Bình Dương. Ông bị thương nặng trong trận đánh ngày 31-3-1904, khi chiến hạm “Petropavlovsk” bị nổ.

Sau này, ông được tặng tưởng “Vũ khí vàng vì lòng dũng cảm” – một phần thưởng cao quý trong hoàng gia Nga. Nhưng trong khoảng thời gian từ 1905 đến 1909, ông lại bị tước danh hiệu Hoàng thân vì dám trái lệnh Sa hoàng Nicholas Đệ nhị trong việc… chọn ý trung nhân.

Sau chuyến đi năm 1902 của Cyril Vladimirovich, một nhà văn Nga là Vladimir Ivanovich Semenov (1867-1910) cũng đã có mặt tại Sài Gòn vào những ngày đầu của cuộc chiến Nga – Nhật trên con tàu “Diana” – và sang đến tháng 4-1905, ông đã gia nhập hải đoàn của Thủy sư đô đốc Z. P. Rozdestvenski (1848-1909) khi đoàn này dừng lại ở vịnh Cam Ranh.

Thời gian này, cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt, nhưng những người Nga vẫn có điều kiện tìm hiểu đất nước bản xứ còn rất xa lạ đối với hiểu biết của họ - những kiến thức phần nào đã giúp V. I.  Semenov trong việc chấp bút hai tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn về vùng Viễn Đông và những đất nước bé nhỏ ở miền nhiệt đới mà họ đã đặt chân qua.

Nhà thơ Nga và chuyến kỳ du đến Việt Nam

Mới đây, tôi được đọc một tài liệu, trong đó có nói, những năm đầu thế kỷ XX, một nhân vật trí thức nổi tiếng của Nga, nhà thơ Nikolay Gumilev (1886-1921) - chồng cũ của nữ sĩ Anna Akhmatova (1889-1966) - đã đến Việt Nam và ghi lại ấn tượng đẹp đẽ của mình về miền đất hiền hòa, hạnh phúc trong một bài thơ mà nhà Việt Nam học, GS. N. I. Nikulin sưu tầm được.

Bài thơ được tác giả Lê Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:

Vầng trăng soi giữa trời cao
Gió lùa khóm trúc, ngạt ngào mùi hương
Gia đình đoàn tụ yêu thương
Lão ông nhấp chén trà thơm ven rừng
Câu thơ khẽ cất tiếng ngâm
Trong nhà con trẻ lâm râm học bài
Hài nhi bập bẹ gọi hoài
Phải chăng hạnh phúc trên đời là đây?
Vinh hoa phú quí chẳng say
Chỉ mong để đức sau này cho con.

Tác giả Lê Sơn nhấn mạnh: “Nhà thơ Nga trong một chuyến du hành qua nhiều nước đã dừng chân ghé thăm Việt Nam… Bài thơ giống như một bức tranh thủy mạc, thể hiện cảm giác hài hòa giữa thiên nhiên và con người mang đậm cốt cách Phương Đông…”.

Thế nhưng, có sự nhầm lẫn của các nhà sưu tầm ở đây!

Nikolay Gumilev là một người theo “chủ nghĩa xê dịch”, người luôn bị các miền đất xa xôi ám ảnh, đến nỗi “trái tim đập như thú hoang cùng đường/ bởi khao khát những miền xa bí ẩn”. Ông đi nhiều, không mệt mỏi, cho đến ngày tận cùng của cuộc đời (năm 1921).

Tuy vậy, ông chưa từng đặt chân đến vùng đất Viễn Đông, chưa bao giờ đến Trung Quốc và các nước Đông Dương, tuy chủ đề về Phương Đông, về Phật pháp… lại có chỗ đứng lớn trong di cảo thơ của ông.

Sự thật là, tập thơ “Gian nhà bằng sứ” với đề từ “Những vần thơ Trung Hoa” được xuất bản năm 1918 (NXB “Hyperborei”) được chia làm hai phần “Trung Hoa’ và “Đông Dương”. Hẳn bài thơ nói trên TS. Niculin đã tìm thấy trong tập thơ ấy.

Cuối cuốn sách, tác giả có ghi chú: “Cơ sở để tôi viết những vần thơ này là những tác phẩm của Judith Gottie, hầu tước Saint-Denis, Iuar, Wili…”. Ông được dịp tiếp xúc với nguồn tư liệu này trong thời gian ở Pháp.

Ngoài ra, trong danh sách những tên tuổi được liệt kê, còn có hai họa sĩ Nga nổi tiếng về các họa phẩm với đề tài Phương Đông là M.Ph.Larionov (1881-1964) và N.S.Goncharova (1881-1962), nhà phương Đông học V.K. Shileiko (1891-1930), một số họa sĩ Trung Hoa mà những ký họa của họ được lưu giữ ở Thư viện trường Đại học Peterburg.

Trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ, dựa trên những tài liệu quý giá kia, đã đem đến cho người đọc những hình dung bất ngờ và vô cùng sinh động về miền đất Phương Đông bí ẩn cùng những triết lý khó hiểu mà Gumilev đã “trình bày” một cách giản dị, bằng thơ. Bài thơ của Gumilev mà dịch giả Lê Sơn đã chuyển ngữ có nhan đề: “An Nam”.

 
Nhà thơ Nikolay Gumilev là người có sự quan tâm sâu sắc đến Phương Đông, song sự thực ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam!

Câu chuyện về “chuyến kỳ du” của Nikolay Gumilev cho thấy, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở nước Nga đã xuất hiện những tư liệu phong phú về Trung Hoa và đất nước nằm ở vùng biển Nam Trung Hoa là Việt Nam. Những người Nga đã chú ý và mong muốn được khám phá đất nước này.

Và trên thực tế, họ đã đến, đã khám phá, đã gắn bó, và thậm chí, đã nằm lại nơi đây: những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng về Việt Nam của học giả người Nga Viktor Golubev (1878-1945) đã được công bố. Ông sang Việt Nam năm 1920, làm việc trong Trường Viễn Đông của Pháp. Đây là trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc vùng này.

Tại đây, ông Viktor được các đồng sự người Pháp nhắc tới với cái tên ngộ nghĩnh: “Ngài Galu”. Ông mất tại Hà Nội vào năm 1945, để lại rất nhiều ghi chép và tài liệu về văn hóa Đông Sơn, về Việt Nam. Thi hài của ông được chôn cất tại nghĩa trang dành cho người ngoại quốc ở Hà Nội.

Thì ra, lịch sử của sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, lại đã bắt đầu từ cách đây hơn một thế kỷ!  

Tài liệu tham khảo:

1. Bài viết của Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi. “Thử định hướng việc giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn hiện nay”. Tạp chí “Vietnaskaia Rusistika”, tập VII, Phân viện tiếng Nga A. S. Pushkin, 1997.

2. Hoàng thân Cyril Vladimirovich Romanov. “Cuộc đời tôi - những năm tháng phục vụ nước Nga”, NXB Nilki Rossii, 1996

3. Báo “Nhân dân”, số ngày mùng 1-4-2007, bài viết của tác giả Thúy Toàn về người thày dạy tiếng Nga đầu tiên ở Việt Nam

4. “Quan hệ Việt Nam - Liên Xô, thông qua một bài báo và vài nhân vật lịch sử”. Trần Lê, báo “Nhịp cầu Thế giới Online”, Hungary, 17-10-2009 – trích đăng bài viết của tác giả Lê Sơn “Việt Nam trong con mắt nhà thơ Nga đầu thế kỷ”, 1994, tạp chí “Người bạn đường”, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.

5. Nikolay Gumilev, “Gian nhà bằng sứ” tập II, NXB Mysl, 1922.

6. Tạp chí “Vòng quanh Thế giới”, Liên bang Nga, số 5-1993.

Tác giả bài viết: Thụy Anh