Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ THĂM AUSCHWITZ (Phần 2)

(NCTG) “Những đề tài của họ không phải lúc nào cũng xoay quanh sự chết chóc, số phận khắc nghiệt, ngang trái, không phải lúc nào cũng là những lời than thân, trách phận, những niềm nhung nhớ gia đình, bằng hữu, láng giềng, mà còn là những hy vọng, niềm vui nho nhỏ khi nhìn thấy một bầu trời xanh vào một buổi sáng ngày hè qua cửa sổ bé cỏn con của nhà giam hay của khu ghetto”.
Biệt khu Do Thái (1947) - Họa phẩm của Gershon Iskowitz (1921-1988)
Xem Phần 1 của bài viết tại đây.

Thật là một sự ngạc nhiên lớn khi tôi được biết rằng ở ngay trong khu tưởng niệm Auschwitz, có một phòng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật mà các nạn nhân Holocaust đã sáng tác trong khoảng thời gian trước khi trại được Hồng quân Liên Xô giải phóng vào ngày 27-1-1945 cũng như sau đấy.

Ký ức của mầm sống trong địa ngục

Cách đây gần đúng một năm, một ngày trước kỷ niệm lần thứ 71 ngày giải phóng Auschwitz, Viện Bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin đã khai mạc triển lãm 100 tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ Do Thái có tên tuổi - cũng như của những người Do Thái không phải nghệ sĩ, trong đó có trẻ em - đã lén lút sáng tác trong thời gian 1939-1945 trong các nhà giam, các trại tập trung, các khu ghetto trước khi bị đưa đến Auschwitz hay các trại tập trung hủy diệt khác.

Hai mươi sáu trong số 50 tác giả có tác phẩm trong cuộc triển lãm đã sống sót, còn 24 người bị giết trực tiếp hay thiệt mạng vì kiệt sức. Đây là một phần bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Holocaust thuộc quần thể tưởng niệm những nạn nhân của sự diệt chủng sắc dân Do Thái mang tên Yad Vashem ở Jerusalem và là triển lãm lần đầu tiên ngoài Israel trong khuôn khổ một chương trình hợp tác của Yad Vashem với Viện Bảo tàng Lịch sử Đức và Tổ chức “Tài trợ Nghệ thuật và Văn hóa thành phố Bonn”.

Trong những điều kiện sống vô cùng khốn khó, thiếu thốn cùng cực, với những ngày lao động khổ sai, chờ đợi cái chết có thể đến vào giây phút tới, các tác giả đã lén lút sáng tác trong trại tập trung, trong khu ghetto và ngay trong Auswchitz. Họ đã vẽ bằng một cây bút chì trên những mẩu giấy nhỏ bằng bàn tay mà họ tình cờ có được. Họ đã dùng những bao bố đựng khoai tây mà họ đã lén lút lấy trong bếp trại tập trung để làm khung vải cho họa phẩm của họ với nhựa đường thay bút vẽ. Thay vì dùng đất sét để nặn tượng, họ đã dùng một lốp xe để khắc lên niềm hy vọng hay diễn đạt nỗi tuyệt vọng trước cái chết sắp đến, nỗi nhớ nhung gia đình nay đã bị chia lìa chỉ vì một lý do đơn giản: họ là người Do Thái.

Sáng tạo nghệ thuật giúp các nạn nhân có thể chịu đựng phần nào những nỗi đọa đầy. Sống với trí tưởng tượng vô biên, họ đã tìm cách trốn tránh thực tại khủng khiếp, trốn nỗi tuyệt vọng bằng sự sáng tạo. Đồng thời, nhu cầu sáng tác, diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ thôi thúc họ phải viết ra những bài thơ, vẽ ra những bức tranh, soạn ra những bản nhạc về nhiều đề tài khác nhau: cuộc sống thường ngày trong trại, không gian tù hãm của họ, giấc mơ một cuộc sống an bình, nỗi sợ hãi cái chết , sự tàn ác vô nhân của tổ chức SS…

Thôi thúc sáng tạo nghệ thuật đã khiến cho họ bất chấp mọi nguy hiểm có thể xẩy ra từng phút giây một khi bị bắt gặp.
 
Những nạn nhân của Lò thiêu dưới sự khắc họa của Jacob Barosin (1906-2001)
Những nạn nhân của Lò thiêu dưới sự khắc họa của Jacob Barosin (1906-2001)

Phần lớn những nạn nhân này đã từng chờ đợi cái ngày họ bị chở đến Auschwitz để chết. Như Jakob Barosin trong tác phẩm “Sinh hoạt thường nhật tại trại tập trung Gurs, Pháp” đã khắc họa hình ảnh những người Do Thái ngày ngày chỉ biết ngồi chờ đợi bị kêu tên để đến Auschwitz trong những toa tàu chở súc vật, suốt ngày ngồi chờ đợi và không có việc gì làm. Jakob Barosin vẽ họa phẩm này bằng bút chì trên một mảnh giấy nhỏ 17,8 cm x 25 cm (Trung tâm Tưởng niệm Yaseh, Viện Bảo tàng tại Yaseh, Israel) khi đang ở trong trại Gurs.

Trong những tháng ngày hay có khi chỉ là một giờ phút ngắn ngủi còn lại của họ, trong sự chờ đợi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, các tác giả đã vẽ, làm thơ, viết truyện, điêu khắc. Những đề tài của họ không phải lúc nào cũng xoay quanh sự chết chóc, số phận khắc nghiệt, ngang trái, không phải lúc nào cũng là những lời than thân, trách phận, những niềm nhung nhớ gia đình, bằng hữu, láng giềng, mà còn là những hy vọng, niềm vui nho nhỏ khi nhìn thấy một bầu trời xanh vào một buổi sáng ngày hè qua cửa sổ bé cỏn con của nhà giam hay của khu ghetto. Đấy cũng là những tác phẩm nói lên niềm tin vô biên của họ vào sự đoàn kết, vào tôn giáo, vào tình yêu thương, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng…

Bên cạnh những bức tranh về cuộc sống thường ngày vô cùng khổ cực trong trại, cảnh một cuộc hành hình, những chiếc xe cút kít chở người chết trong một ngày đông giá tuyết, họ còn vẽ chân dung những người bạn cùng cảnh ngộ, cảnh mùa xuân thanh bình bên ngoài trại mà họ không còn bao giờ được trải nghiệm nữa, hay một cành hoa mà một người bạn khi đi lao động đã hái dọc đường mang về được cho họ.

Họ đã sáng tác như một hình thức biểu hiện sự đối kháng của họ trước sự vô nhân của Đức Quốc xã.

Nhà văn, người tranh đấu cho nữ quyền ở Áo Quốc, nữ BTV Margarethe Schmahl-Wolf đã viết vào năm 1942 bài thơ “ Nhưng linh hồn tôi thì tự do” (nhan đề tiếng Đức “Doch meine Seele ist frei”) hai ngày trước khi bà qua đời (31-8-1942) trong khu ghetto Theresienstadt, nơi bà đã bị đưa từ Vienna đến vào cuối tháng 7-1942. Trong bài thơ, bà tả lại việc bị ốm nằm trong trạm xá trên một tấm ván và người chỉ còn xương bọc da, nhưng linh hồn bà tự do và sẽ bay lên thiên đường.

Họ sử dụng tự do tinh thần của mình để sáng tạo. Có lẽ đấy là thứ tự do duy nhất họ còn giữ được.

Một tác phẩm trong cuộc triển lãm gây ấn tượng rất sâu đậm cho tôi là bức họa nhỏ trên giấy khổ 14,4 cm x 10,3 cm nhan đề “Một mùa xuân”, được hai tác giả Karl Robert Bodek và Kurt Conrad Löw sáng tác bằng bút chì, màu nước, mực Tàu trong nhà giam của Đức Quốc Xã ở Gurs, Pháp. Đập mạnh vào mắt người xem là một con bướm vàng với những chấm đen đậu trên một hàng giây kẽm gai chắn ngang ở giữa bức tranh. Phía sau hàng rào kẽm gai là hai giẫy lán trại và bối cảnh là ngọn núi Pyrenée tuyết phủ ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha.
 
Bướm vàng và khát vọng tự do của Karl Robert Bodek (1905-1942) và Kurt Conrad Löw (1914-1980)
Bướm vàng và khát vọng tự do của Karl Robert Bodek (1905-1942) và Kurt Conrad Löw (1914-1980)

Con bướm vàng có thể tự do bay đến đâu cũng được và báo hiệu mùa xuân trong khi những người bị giam giữ trong trại chỉ thấy hàng rào kẽm gai trước mắt. Nhưng khát vọng tự do vẫn còn mãi trong họ. Làm sao họ có thể còn tỉnh táo tinh thần nghĩ đến mùa xuân đang trỗi dậy và vẽ nó ra trong khi họ đang chờ đợi từng phút giây cái chết, hay sự trục xuất đến Auschwitz hoặc một trại khác? Ta tưởng tượng họ lượm được ở đâu đó một mẩu giấy nhỏ, lén lút dấu rồi cùng vẽ chung một cảnh mùa xuân tự do, thanh bình?

Gây ấn tượng nhiều nhất cho tôi là những bài thơ, những bức tranh của các em bé, của các người tuổi đôi mươi. Có những em được sinh và rồi chết ở Auschwitz và chưa bao giờ nhìn thấy cỏ hoa, cây lá, chưa biết đến cuộc sống muôn màu bên ngoài trại. Nhưng các em đã sống với trí tưởng tượng là cái giúp cho các em vẫn còn có được một chút hồn nhiên của tuổi thơ.

Trong thời gian ở khu ghettto Lodz, Ba Lan, cậu bé Abraham Koplowicz đã sáng tác bài thơ “Giấc mơ” bằng tiếng Ba Lan trong đó cậu mơ năm hai mươi tuổi sẽ bay bằng một xe máy trên thế giới đẹp đẽ, đến tận cùng vũ trụ, ngắm sông Nile và kim tự tháp còn mây là chị của cậu. Khi ghetto này bị giải thể, những người Do Thái bị cưỡng bách sống trong đấy bị chuyển đến Auschwitz. Bố cậu đã giấu được cậu trong phòng giam của ông trong trại Auchwitz.

Một buổi chiều tối ông về phòng sau một ngày lao động cực khổ thì em không còn đó nữa: cậu bé đã bị phát hiện và bị đưa đến trong lò hơi ngạt. Sau đấy ông tìm được một bức vẽ và một tập thơ mà em đã sáng tác và giấu trên gầm thượng gian phòng của họ trong khu ghetto. Abraham Koplowicz chỉ sống được 14 năm. Và giấc mơ những điều em sẽ làm khi hai mươi tuổi đã chỉ là một giấc mơ không trở thành hiện thực.

Một số tác giả đã giấu các tác phẩm của mình ở trong một xó xỉnh nào đó của căn phòng giam hay khu ghetto ngột ngạt, hoặc đã tìm được cách chuyển ra ngoài cho gia đình, bằng hữu. Sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai, người thân, bạn bè còn sống sót đã tìm ra được những sáng tác đấy.
 
Holocaust dưới góc nhìn của hội họa
Holocaust dưới góc nhìn của hội họa

Đáng lẽ tôi phải đem theo một bó hoa để đặt xuống đường ray của những chuyến tàu tử thần với bến chết Auschwitz. Như một lời chào muộn màng với hàng triệu người vô tội đã bị giết. Họ đã bị đọa đầy, làm nhục, cướp đi cuộc sống nhưng nhân phẩm của họ còn mãi mãi.

Niềm hy vọng vô biên của họ đối với cuộc đời ngay cả trước cái chết cận kề là bài học lớn đối với tôi. Con bướm vàng tự do bay trong tranh của họ là lời nhắc nhở sâu sắc của họ cho tôi về giá trị của sự tự do. Và chừng nào còn được tự do tưởng tượng, mơ ước, suy nghĩ thì chừng đó tôi vẫn cứ tin rằng con người sẽ vận dụng nó để đạt đến những thứ tự do khác nhằm làm cho thế giới không bao giờ còn có thể sản sinh ra một Auschwitz mới.

Tác giả bài viết: Nguyên Hà, từ Berlin