Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: KHỞI NGHĨA WARSZAWA, 1944

(NCTG) “Tại sao những chàng trai, cô gái trẻ tuổi lại có thể dũng cảm đi vào cái chết như thế? Mình nghĩ rằng, vì họ đã tin tưởng và lựa chọn tự do...”.
Những anh hùng trẻ tuổi của Khởi nghĩa Warszawa
Cứ tưởng sau khi đi Bảo tàng Katyń ở Warszawa, sẽ khó có bảo tàng nào về đề tài chiến tranh có thể khiến mình có được nhiều cảm xúc hơn, nhưng Bảo tàng Khởi nghĩa 1944 đã làm được điều này (hay chỉ vì mình hay có những xúc cảm với nhiều thứ mà với đa số có thể là xa lạ, thì không biết nữa...).

Nhắc lại, vào đúng ngày này cách đây 72 năm, khoảng năm mươi ngàn người, đa phần là những hướng đạo sinh trẻ tuổi và các quân nhân Quân đội Quốc gia (AK) đã cầm vũ khí theo lệnh của chính phủ Ba Lan lưu vong ở London, đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Warszawa kéo dài hơn 2 tháng (chính xác là 63 ngày).

Quân đội Đức, cho dù đã chuẩn bị trước để đối phó với một cuộc khởi nghĩa, nhưng bất ngờ trước sự quyết tâm và sức mạnh của các lực lượng kháng chiến quân. Chỉ trong thời gian ngắn, quân khởi nghĩa giành được quyền kiểm soát khu vực Thành Cổ, sân bay và nhiều điểm quan trọng trên toàn thành phố.
 
Những “Sắc màu tự do” trong Bảo tàng Khởi nghĩa Warszawa
Những “Sắc màu tự do” trong Bảo tàng Khởi nghĩa Warszawa

Tuy nhiên, quân Đức đã không rút lui như dự kiến của kháng chiến quân, mà còn huy động và tập trung một lực lượng lớn để đánh trả. Không quân Đức oanh tạc dữ dội những khu vực lọt vào tay quân khởi nghĩa, và bộ binh Đức thẳng tay giết hại cư dân Warszawa vì họ cho rằng chỉ có thể giành thắng lợi nếu tàn phá hoàn toàn thành phố này một cách có hệ thống.

Ngay càng lâm vào thế bất lợi trong cuộc chiến không cân sức, nhưng lực lượng kháng chiến Ba Lan đã kháng cự kiên cường với tinh thần yêu nước vô song. Sau hơn hai tháng giao tranh, khởi nghĩa thất bại, khoảng hai chục ngàn du kích quân thiệt mạng hay mất tích, 25 ngàn bị thương, trong đó sáu ngàn bị thương nặng.

Bên cạnh đó, con số nạn nhân là thường dân lên tới gần 200 ngàn! Chừng 25% các tòa nhà ở Warszawa bị phá hủy và khi đô thị này thất thủ, với mục đích dằn mặt dân Ba Lan, hơn nửa triệu cư dân bị đưa vào những trại giam tạm thời, 150 ngàn người bị giam trong các trại tập trung, hoặc đưa về Đức lao động cưỡng bức.
 
Những chàng trai, cô gái yêu tự do
Những chàng trai, cô gái yêu tự do

Cũng theo chỉ thị của Hitler, các đơn vị công binh Đức đã cho nổ tất cả những tòa nhà còn chưa bị hủy hoại trong cuộc chiến kéo dài 5 năm từ 1939 tới khi đó. Trong thực tế, Warszawa đã bị phá hủy hoàn toàn: khi Hồng quân tiến vào chiếm thủ đô của Ba Lan ngày 17-1-1945, 87% thành phố bị san bằng!

Thất bại của khởi nghĩa Warszawa có phần tội lỗi không nhỏ của Liên Xô: mặc dù đã tiến sát cửa ngõ thủ đô, và không quân Xô-viết cũng chỉ cách thành phố 5 phút bay, nhưng Hồng quân đã án binh bất động một cách bội phản nhìn kháng chiến quân Ba Lan - thành viên phe Đồng minh - bị Đức tàn sát.

Thậm chí, Hồng quân còn giải giáp các đơn vị Quân đội Quốc gia được cử đến để tiếp viện cho quân khởi nghĩa. Đó là chưa nói đến việc khi đưa quân vào thủ đô Warszawa hoang tàn, mật vụ Xô-viết NKVD đã lùng bắt những chiến sĩ quốc gia Ba Lan còn sống sót, để rồi hoặc giết hại, hoặc đày ải họ tại vùng Siberia.
 
Ánh mắt trẻ thơ trong những thời khắc cam go của cuộc khởi nghĩa
Ánh mắt trẻ thơ trong những thời khắc cam go của cuộc khởi nghĩa

Để hình dung và cảm nhận hình ảnh bi tráng của Khởi nghĩa 1944, có thể tới thăm Tượng đài Khởi nghĩa Warszawa nằm ngay gần khu Thành Cổ (và cũng không xa ĐSQ Tầu Cộng). Với hai phần chính là Người khởi nghĩa và Exodus, đây là quần thể tượng đài chiến tranh bi tráng và động lòng nhất mà mình được thấy...

Và mình tin rằng, với những ai quan tâm tới lịch sử thế kỷ 20, cảm giác ấy sẽ còn được nhân lên rất nhiều nếu bạn có dịp tới Bảo tàng Khởi nghĩa 1944. Nằm gần khu ghetto Do Thái, hôm mình có dịp tạt qua, vội vàng như thường lệ, nơi đây đã là chốn hành hương của rất nhiều học sinh, và thanh niên Ba Lan.

Tất nhiên, những hiện vật trong tòa nhà gạch đỏ đầy ấn tượng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu tìm hiểu lịch sử của bạn. Nhưng với mình, những hình ảnh “Sắc màu tự do” trong khu vườn sau bảo tàng để lại nhiều suy nghĩ hơn cả: tại sao những chàng trai, cô gái trẻ tuổi lại có thể dũng cảm đi vào cái chết như thế?

Mình nghĩ rằng, vì họ đã tin tưởng và lựa chọn tự do...

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh