"Tôi sẽ sống lại sau khi chết" - TỪ GIÃ JIMMY CARTER, NGƯỜI TRẢ LẠI "VƯƠNG MIỆN THÁNH" CHO HUNGARY
- Thứ tư - 01/01/2025 05:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Jimmy Carter qua đời ở tuổi 100 và trở thành vị tổng thống Mỹ thọ nhất của mọi thời đại. Theo sự thừa nhận của chính ông, ở cương vị cựu tổng thống, ông thành công hơn so với khi là nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Dù chỉ lãnh đạo nước Mỹ trong một nhiệm kỳ 4 năm, nhưng những hoạt động nhân đạo mà ông theo đuổi cho đến cuối đời đã khiến Jimmy Carter trở thành một trong những người vĩ đại nhất.
Ở đây, chỉ nhắc tới một quyết định của vị tổng thống thứ 39 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ có liên quan tới Hungary, mà báo chí Hung nhân dịp này đã nhắc lại. Nếu một du khách Hung vô tình lạc vào Bảo tàng Thư viện Tổng thống Jimmy Carter ở Atlanta, có thể phát hiện ra điều gì đó đáng ngạc nhiên ngay từ cái nhìn đầu tiên trong số các hiện vật được trưng bày: một bản sao của "Vương miện Thánh" (Szent Korona), được tổng thống Hungary lúc bấy giờ - nhà văn, nhà soạn kịch, nhân sĩ nổi tiếng Göncz Árpád tặng cho Jimmy Carter.
Món quà được trao vào mùa xuân năm 1998 khiến cựu tổng thống Mỹ rất vui mừng. Bối cảnh của động thái đặc biệt này là vào năm 1977, Jimmy Carter, với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, đã quyết định trao lại cho nước Hung vật "quốc bảo" quý báu nhất của quốc gia này: chiếc vương miện đăng quang thiêng liêng của hơn 50 đời vua Hungary, mà nhóm canh giữ đã mang qua Áo để "lánh nạn" đầu năm 1945, sau đó được quân đội Mỹ đưa về Hoa Kỳ và lưu giữ tại Fort Knox, căn cứ quân sự bí mật và được bảo vệ cẩn mật nhất của nước Mỹ.
Món quà được trao vào mùa xuân năm 1998 khiến cựu tổng thống Mỹ rất vui mừng. Bối cảnh của động thái đặc biệt này là vào năm 1977, Jimmy Carter, với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, đã quyết định trao lại cho nước Hung vật "quốc bảo" quý báu nhất của quốc gia này: chiếc vương miện đăng quang thiêng liêng của hơn 50 đời vua Hungary, mà nhóm canh giữ đã mang qua Áo để "lánh nạn" đầu năm 1945, sau đó được quân đội Mỹ đưa về Hoa Kỳ và lưu giữ tại Fort Knox, căn cứ quân sự bí mật và được bảo vệ cẩn mật nhất của nước Mỹ.
"Vương miện Thánh" được chính phủ Mỹ tuyên bố là "đối tượng có địa vị pháp lý đặc biệt" (năm 1951). Theo tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 1965, Vương miện "được coi là tài sản có địa vị đặc biệt của dân tộc Hungary, được giao cho chính quyền Hoa Kỳ tạm giữ", do chưa thích hợp để trao trả lại cho nước Hung cộng sản. Đây cũng là quan điểm của cộng đồng Hung kiều tỵ nạn tại Hoa Kỳ, không muốn bảo vật tượng trưng cho nhà nước Hung và lịch sử quốc gia này rơi vào tay chế độ độc tài của TBT Kádár János.
Vấn đề trao trả lại "Vương miện Thánh" cho Hungary đã nhiều lần được nhắc tới, thậm chí được đặt lên bàn nghị sự từ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nhưng luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người gốc Hung ở Mỹ, khi đó là một lực lượng đông đảo và có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể. Sự hòa dịu giữa hai nước - cũng như việc Hoa Kỳ coi nước Hung là thể chế tự do nhất của vùng Đông Âu cộng sản - không khiến giới lãnh đạo thượng đỉnh Mỹ dám bỏ qua lá phiếu của đại đa số Hung kiều vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, rốt cục vào năm 1977, có một nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết tâm cho "Vương miện Thánh" được hồi hương: theo hồi ký công bố năm 2010, Jimmy Carter cho hay từ đầu năm 1977, khi vừa nhậm chức sau chiến thắng trước Gerald Ford, ông đã quyết định khép lại vụ việc đã kéo dài quá lâu này và trả lại Vương miện cho Hungary. Thời điểm dự định đầu tiên là 20/8/1977, dịp lễ thiêng liêng của nước Hung, tuy nhiên ý định của ông đã gặp phải sự phản đối của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski (gốc Ba Lan).
Lý do được đưa ra, là vì vị cố vấn đối ngoại này cho rằng Jimmy Carter chắc chắn đã thất bại trong cuộc tranh cử vào mùa thu năm 1976, nếu các cử tri gốc Đông Âu - đa phần có tư tưởng chống Cộng - không bỏ phiếu cho ông và do đó, họ không đáng phải chứng kiến cảnh "Vương miện Thánh" rơi vào tay cộng sản. Tuy nhiên, Zbigniew Brzezinski chỉ trì hoãn được quyết định bị coi là mâu thuẫn này vài tháng, vì mối quan hệ song phương Hungary - Hoa Kỳ có những diễn biến khiến tổng thống Mỹ đã có bước tiến can đảm về chính trị.
Bình luận về quyết định này, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary cho rằng Jimmy Carter tin rằng vì Hungary xứng đáng được nhận lại "Vương miện Thánh", vì nước này khoan dung hơn với các tôn giáo so với các quốc gia khác trong khối Xô-viết, và quyền lực nhà nước tương đối "dễ thở" hơn trong vấn đề liên lạc và đi lại bên ngoài Bức màn sắt. Tổng thống Mỹ tin tưởng sâu sắc rằng Vương miện Thiêng liêng cần phải được hồi hương trước khi một thế hệ thanh niên Hung trưởng thành mà không hiểu được ý nghĩa biểu tượng của bảo vật này.
Cuối cùng thì vào đầu tháng 10/1977, phía Mỹ thông báo cho Hungary về ý định trao trả Vương miện. Động thái này diễn ra sau khi Joe Biden - khi đó là một thượng nghị sĩ trẻ mới "vào nghề", làm việc tại văn phòng của hạ nghị sĩ gốc Hung Tom Lantos ở Washington - đã cùng vợ đến thăm Hungary để tìm hiểu vùng Đông - Trung Âu (công luận thường biết đến chuyến đi này như là "tuần trăng mật" của Joe Biden), và khi trở về Mỹ, đã ủng hộ trước Thượng viện việc trao trả "Vương miện Thánh" và các báu vật đăng quang cho Hungary.
Trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Hungary (tức Chủ tịch nước) Losonczi Pál, Jimmy Carter viết rằng ông tự hào quyết định trao trả lại "báu vật vô giá này của dân tộc Hungary mà Hoa Kỳ đã vinh dự bảo vệ kể từ sau sự tàn phá khủng khiếp của Thế chiến thứ Hai". Phía Mỹ cũng thông báo với đối tác Hungary rằng nhân danh dân Mỹ, Vương miện sẽ được trao lại cho người dân Hungary và sau khi bàn giao, những báu vật này phải được trưng bày ở một nơi mà công chúng có thể tiếp cận được (Hungary đã đáp ứng yêu cầu này).
Cần nói rằng theo quan điểm của Hoa Kỳ, sự hồi hương của "Vương miện Thánh" không phải là một sự kiện nổi bật đến mức nó phải được nhắc đi nhắc lại nhiều thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, xét về tổng thể, đặc biệt là từ góc độ của Hungary, đây được coi là một sự kiện có tầm quan trọng lịch sử, kể cả khi đa số dân Hung thậm chí không còn nhớ đến mốc thời gian 6/1/1978 nữa. Và điều này nhìn chung cũng đúng với toàn bộ cuộc đời của Jimmy Carter: ông đã làm được những điều to lớn mà chúng ta không mấy biết ở ông...