Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thủ tướng cuối cùng của Đông Đức cộng sản: “SAI LẦM LỚN NHẤT CỦA ĐÔNG ĐỨC LÀ SỰ THIẾU VẮNG CẢM QUAN CHÍNH TRỊ”

Ngày 13-11-1989. Bức tường Berlin đã sụp đổ được 4 ngày. Bị chấn động bởi biến cố bất ngờ này, Ban lãnh đạo CHDC Đức trở nên hoàn toàn vô cảm. Hans Modrow - một cái tên xa lạ với thế giới – được chọn làm thủ tướng Đông Đức.

Hans Modrow phát biểu tại Dresden (ngày 12-11-1989)

Sinh năm 1928 tại Jasenitz (hiện thuộc lãnh thổ Ba Lan), Hans Modrow từng gia nhập quân đội của Hitler năm 17 tuổi, và trở thành tù binh tại Liên Xô sau năm 1945. Về sau, ông được theo học Đại học Komsomol (Moscow) và trở thành một cán bộ đảng mẫn cán của Đông Đức, cho đến khi được bầu làm bí thư thành ủy Dresden.

Người cựu công nhân luyện kim này, khi lên đỉnh cao của quyền lực, đã phải tiếp quản một quốc gia hoàn toàn tan rã: không ngày nào mà không có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn công dân di cư sang Phương Tây. Và, trong vòng nửa năm, Hans Modrow đã được thế giới biết đến như vị thủ tướng cuối cùng của nước Đông Đức cộng sản, trước khi nước này có cuộc bầu cử tự do đầu tiên - đồng thời cũng là cuối cùng – trong lịch sử 41 năm tồn tại.

Sau khi nước Đức thống nhất, Hans Modrow bị xử vì đã tham gia giả mạo kết quả bầu cử tại CHDC Đức năm 1989. Cho đến giờ, ông vẫn giữ một số quan điểm cũ và cho biết rằng, ông vẫn yêu thích những chính khách “xã hội” như Raúl Castro (Kuba), Hugo Chavez (Venezuela) hay Evo Morales (Bolivia).

Nhân dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ, vị thủ tướng cuối cùng của nước Đông Đức cộng sản đã trả lời phỏng vấn ký giả Elisabeth Braw (báo “Metropol”).

- Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự tan rã của đất nước. Có thể cứu vãn được CHDC Đức hay không?

– Không. Những sự kiện diễn ra thời kỳ 1989-1990 không phải chỉ liên quan đến Đông Đức, mà chúng còn liên quan đến cả phe XHCN. Liên Xô và các nước anh em đều có những vấn đề như CHDC Đức.

- Nhiều công dân Đông Đức đã bị bắn chết trên đưòng chạy trốn. Nhất thiết phải làm như vậy?

– Các nước thành viên Khối Hiệp ước Warsaw đều bảo vệ biên giới quốc gia theo chỉ thị của Liên Xô. Tất cả mọi nạn nhân của đường biên giới giữa hai nước Đức, cả người trốn chạy lẫn lính biên phòng đều là nạn nhân của Chiến tranh lạnh và tôi đồng cảm với họ.

Hiệp ước Helsinki năm 1975 - nhằm cải thiện các mối quan hệ giữa Đông và Tây – đã tạo điều kiện để có thể cải thiện tình thế bên bức tường Berlin, và để đừng có thêm những nạn nhân mới, nhưng rồi rốt cục cả hai phía đều không thực hiện những kết quả của hiệp ước.

- Thành quả lớn nhất trong những năm tồn tại của CHDC Đức là gì?

– Là sự hình thành của một nhà nước chống phát-xít trong vùng chiếm đóng của Liên Xô. CHDC Đức là yếu tố quan trọng của nền hòa bình, ổn định.

- Thế rốt cục, cả thể chế này tồi tệ đi là vì đâu?

– Sai lầm lớn nhất của chúng tôi là sự thiếu vắng của cảm quan chính trị. Chúng tôi chỉ có chút cơ hội để cải tổ chính trị, vì luôn bị Liên Xô ngăn cản. Sự sụp đổ của CHDC Đức không chỉ là hậu quả của những vấn đề nội bộ trong nước.

- Dựng lên bức tường có phải là một quyết định sáng suốt?

– Năm 1961, đây là khả năng duy nhất. Nhưng người ta chỉ tập trung vào bức tường mà quên đi rằng, mọi biên giới đều bị đóng kín hoàn toàn, từ Biển Bắc đến Hắc Hải. Vì thế, việc Horn Gyula và người Hung mở biên giới, dỡ bỏ Bức màn sắt, mới trỏ thành một sự kiện đáng kể đến như thế…

- Theo ông, cải tổ (perestroika) có ích không?

– Cái tổ đã khiến mọi người phải thay đổi cánh nhìn và thoạt tiên, nó rất hữu ích. Nhưng cuối cùng, tất cả quá trình cải tổ chỉ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế. Cũng như hiện nay, trong thời buổi khủng hoảng, chúng ta thấy rằng chính trị không có khả năng giải quyết khủng hoảng kinh tế.

- Khi ông giữ cương vị bí thư thành ủy Dresden, cựu tổng thống, thủ tướng đương nhiệm Liên bang Nga Vladimir Putin đã làm việc tại đó trên cương vị một sĩ quan KGB. Các sĩ quan KGB nắm bắt đưọc tình hình đến mức nào?

Tất cả các quốc gia đều có các nhân viên tình báo tại hai nước Đức. Putin nói tiếng Đức rất tuyệt, vì vậy ông ta dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ tại Đông cũng như Tây Đức. Nhưng các nhân viên KGB tại CHDC Đức không có vai trò đáng kể trong sự hình thành của các sự kiện.

Trong cuộc hội đàm ở Malta năm 1989 giữa Gorbachev và Bush (cha), cố vấn của tổng thống Mỹ - bà Condoleezza Rice – đã chuẩn bị rất tốt cho ông, giới tình báo Mỹ đã làm việc rất tốt. Ngược lại, những thông tin mà Putin và các đồng sự đã không được chuyển đến Gorbachev, mà chúng đã bị “dìm” đi.

- Năm ngoái ông có đi Cuba, mục đích là để làm gì?

- Chúng tôi trò chuyện về sự sụp đổ của CHDC Đức. Tôi có gặp gỡ chủ tịch Quốc hội Cuba. Họ có để tâm đến chuyện có thể rút ra được bài học gì cho Cuba từ sự biến đổi của phe XHCN.

- Theo một điều tra mới đây, đa số các công dân ở miền Đông khẳng định rằng ở Đông Đức xưa, đời sống tốt hơn tại nước Đức bây giờ. Có đúng không?

– Sau khi thống nhất, hệ thống y tế Đông Đức không còn nữa, mặc dù có thể quản lý nó dễ dàng hơn nhiều so với hệ hiện tại. Theo góc độ nhất định, hệ thống giáo dục tiểu học cũng tốt hơn bây giờ. Ngày nay, người ở phía Đông bị coi là những công dân hạng hai, cho dù không thể phân con người thành hai loại: người Tây Đức tốt và người Đông Đức xấu. Trong gia đình, tôi là người Đông Đức duy nhất và trải nghiệm sống của tôi cũng giá trị như của những người khác.

- Ông có tin rằng hệ thống XHCN sẽ còn có thể tái hồi vào một thời điểm nào đó?

– Ngày nay đã là như thế, không chỉ ở Châu Âu, mà tại Mỹ - Latin cũng vậy.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, theo “Metro World News”