Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TƯỞNG NHỚ NGUYỄN HỮU ĐANG, KẺ SĨ BẮC HÀ

(NCTG) “Thê tử không màng, dựng một Kỳ đài cho thế kỷ! - Nhân văn là thế, khơi ngàn Ước vọng để mai sau!”.
Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Hữu Đang là người ngồi thứ ba từ trái sang. Ảnh chụp trong cuộc họp mặt những người tham gia tổ chức Lễ Độc lập (năm 2005)
Trong những ngày giáp Tết Đinh Hợi năm nay, chúng ta lại đau buồn chia tay một nhà hoạt động văn hóa và cách mạng lớn của Việt Nam thế kỷ 20, thuộc hàng những kẻ sĩ Bắc Hà kiên cường và có khí phách nhất.

Đó là Nguyễn Hữu Đang, thủ lĩnh tinh thần và trong thực tế của phong trào Nhân văn Giai phẩm, một con người mà theo nhận định của giới trí thức cấp tiến Hà Thành khi ông qua đời, nền dân chủ - tự do của nước Việt sau này sẽ phải ghi danh ông.

Nguyễn Hữu Đang sinh ngày 15-8-1913 trong một gia đình trí thức ở tỉnh Thái Bình. Từ thuở ấu thời, ông đã nổi tiếng là ham hiểu biết và học giỏi, yêu tự do và công bằng xã hội. Lòng mong mỏi cho quê hương được độc lập khiến ông, từ khi là học sinh, đã tham gia những hoạt động yêu nước. Cuối năm 1930, ông bị Pháp bắt giam, nhưng chỉ bị quản chế vì chưa đến tuổi thành niên nên không thể ghép án tù.

Lên Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Hữu Đang được nâng cao tầm học vấn, trở thành một nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc thời Mặt trận Bình dân: cùng một lúc, ông viết và biên tập cho nhiều báo, là một yếu nhân trong phong trào chống nạn thất học rồi tham gia sáng lập và chỉ đạo Hội Văn hóa Cứu quốc.

Ý thức được rằng một dân tộc chỉ có thể phú cường khi người dân có học thức, có hiểu biết, trong nhiều năm ròng, Nguyễn Hữu Đang bôn ba khắp Việt Nam trên cương vị lãnh đạo Hội Truyền bá Quốc ngữ và trở thành một diễn giả, một nhà hùng biện chuyên nghiệp và uyên thâm.

Nhớ về những ngày tháng hào hùng này của ông, nhà văn Phùng Quán trong một thiên ký sự động lòng về Nguyễn Hữu Đang, đã viết: “[Ông] hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như một công tử loại một của Hà Nội, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện…”.

Sau mốc 19-8-1945, với uy tín và tài năng đang lên cao, đồng thời, có ảnh hưởng sâu sắc trong giới trí thức và các tầng lớp trên ở thành thị, Nguyễn Hữu Đang được cử làm trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập mùng 2-9, rồi tiếp tục giữ những trọng trách trong Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Trên cương vị Trưởng ban Thanh tra Bình dân Học vụ, Nguyễn Hữu Đang đã có vai trò lớn trong việc phổ cập tri thức, học vấn cho người dân thất học ở những vùng xa xôi.

*

Tuy nhiên, chắc hẳn bản thân Nguyễn Hữu Đang cũng không thể ngờ rằng, vai trò lịch sử của ông lại diễn ra vỏn vẹn trong vòng 2 năm, từ năm 1956 đến 1958, trên tư cách người thủ lĩnh nhóm Nhân văn Giai phẩm đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và nhân phẩm trong sáng tạo, phản kháng sự đè nén, áp đặt của chính trị trong tư tưởng.

Có lẽ trong các yếu nhân của Nhân văn Giai phẩm, không ai ý thức được trọng lượng những gì mình làm, mình tranh đấu một cách sâu sắc và uyên bác như Nguyễn Hữu Đang; điều này được phản ánh trong một bản viết cho một nhà nghiên cứu ngoại quốc về phong trào Nhân văn Giai phẩm cuối năm 1998 tại Hà Nội, khi tác giả đã 86 tuổi:

Ý thức, tư tưởng chủ đạo của phong trào là chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyên chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng hướng cực quyền (còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarianism) trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa.”

Với Nhân văn Giai phẩm, Nguyễn Hữu Đang thực sự là linh hồn. Chẳng những là một nhà tổ chức tài ba trong những công việc thu thập bài vở, ấn hành báo, chiêu tụ những người cùng một ý tưởng trong sáng là đòi hỏi những quyền tự do căn bản cho người sáng tác, Nguyễn Hữu Đang còn là tác giả của nhiều bài viết rất “nặng ký”, mang ý nghĩa sâu xa mà đến nay, khi đọc lại, chúng vẫn còn nguyên thời sự tính.

Chẳng hạn, bài phân tích về Hiến pháp Việt Nam đăng trên tờ “Nhân văn”, số 5, tháng 11-1956, Nguyễn Hữu Đang đòi hỏi nhà nước phải ban bố một Hiến pháp dân chủ, đảm bảo các quyền tự do cho người dân, và phải coi đó là “một nền tảng cho cái lâu đài pháp trị”.

Ông quả quyết: dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội dung thế nào đi nữa, thì phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn phải có những quyền như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước, và một khi tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam, nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.

Ông khẳng định: một khi cách mạng càng đi lên thì càng phải tăng cường, mở rộng các quyền tự do dân chủ cho đông đảo các giai tầng nhân dân, chứ không phải ngày một bó hẹp, hạn chế nó, mang danh “chuyên chính vô sản”, như giữa thập niên 50 thế kỷ trước ở miền Bắc.

Liên hệ đến những cuộc nổi dậy của nhân dân Ba Lan và Hungary năm 1956, Nguyễn Hữu Đang đã chỉ ngay ra mấu chốt của vấn đề, là vì thiếu dân chủ, và lại quá chuyên chế đối với nhân dân.

Trong một bài báo khác đăng trên báo “Nhân văn” số 4, năm 1956, nhắc đến việc Liên Xô sau hơn 30 năm xây dựng cái gọi là CNXH và tuyên bố chuẩn bị bước vào kiến thiết CNCS, vẫn phải đặt vấn đề tôn trọng pháp luật, Nguyễn Hữu Đang liên hệ đến tình trạng vô pháp luật lan tràn.

Ông chỉ ra nguồn gốc của nó, là sự tùy tiện, là nếp cũ, là sự lạm quyền, độc đoán, là thứ “lập trường cách mạng” méo mó: “Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hoi.”

Rồi ông căm phẫn: “Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở.

Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo “Nhân văn”, hành hung báo “Trăm hoa” v.v…
”.

Dễ hiểu là những bài viết đầy tâm huyết, nhưng mang tính học thuật và cấp tiến như vậy của Nguyễn Hữu Đang đã như những trái bom bên cạnh các sáng tác văn nghệ của phong trào Nhân văn Giai phẩm. Xét về mặt này, có lẽ chỉ có bài viết đòi dân chủ và pháp quyền của cụ Nguyễn Mạnh Tường, nổi danh với hai bằng TS Luật khoa và Văn chương tại Pháp, là có tầm ảnh hưởng tương tự.

Không phải ngẫu nhiên mà trong chiến dịch “đánh” Nhân văn Giai phẩm sau này, đại đa số những kẻ “bẻ cong ngòi bút” - trong đó có nhiều tên tuổi như Hoàng Trung Thông, Mạnh Phú Tư, Như Phong… -, mặc dù đã dùng những từ ngữ hết sức tồi tệ đối với Nguyễn Hữu Đang, nhưng vẫn phải thừa nhận ông là linh hồn, là ngọn cờ đầu của phong trào.

Ấy là chưa nói đến chuyện, trong hành động thực tiễn, Nguyễn Hữu Đang cũng đi rất xa: ngay trước khi bị bắt, ông đã đề nghị Quốc hội miền Bắc cho phép biểu tình theo đúng Hiến pháp, để bảo vệ những quyền tự do và dân chủ.

Sau khi Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp, Nguyễn Hữu Đang bị bắt giam tháng 4-1958 và đến năm 1960, ông bị bản án tù giam 15 năm, nặng nhất trong số các thành viên của phong trào. Sau Hiệp định Paris, tháng 2-1973, ông được trả tự do, nhưng bị quản chế ở quê nhà Thái Bình.

Thời gian từ 1960 đến 1973, Nguyễn Hữu Đang bị giam ở Hà Giang, gần sát biên giới Trung Quốc, và ông là một trong vài người tù của miền Bắc không hề được biết đến cuộc chiến Việt Nam trong những năm đó!

*

Vụ án “Nhân văn”, kéo dài trong hơn 30 năm, là một trong những trang sử bi thảm của giới trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Khởi đầu năm 1956 với những nỗ lực dân chủ hóa đời sống tinh thần, văn nghệ và xã hội của một nhóm văn nghệ sĩ nổi tiếng, vụ án Nhân văn đạt tới đỉnh điểm khi nhiều thành viên của phong trào bị khai trừ, cảnh cáo, bị bôi nhọ, lăng nhục bởi chính những bạn hữu, đồng nghiệp của họ, vào mùa hạ năm 1958.

Một năm sau, sinh mạng chính trị của những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Nhân văn và của nền văn nghệ Việt Nam - trong đó, có Nguyễn Hữu Đang - coi như bị khai tử với những lời chỉ trích và nhục mạ tệ hại trong 370 trang sách “Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận”. Trong hơn ba thập niên tiếp tới, về căn bản, những “bị cáo không án” của vụ “Nhân văn Giai phẩm” đã bị cấm sáng tác, cấm xuất hiện và đăng tải dưới tên thật, đa phần sống cơ cực, nhọc nhằn bên lề xã hội và bên lề những sinh hoạt văn nghệ “chính mạch”.

Trên cương vị nhà tổ chức, linh hồn và thủ lĩnh chính trị của Nhân văn Giai phẩm, Nguyễn Hữu Đang chịu bản án tù nặng nhất - 15 năm vì tội danh “phá hoại chính trị” và bị đưa lên giam ở Hà Giang. Đánh giá vai trò của ông trong phong trào, Trần Dần khẳng định: “Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo... mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn”. Hoàng Cầm, một yếu nhân khác của phong trào, cũng cho hay, Nguyễn Hữu Đang là “người sinh ra báo “Nhân văn”.

Trong vòng gần 20 năm kể từ khi được trả tự do năm 1973, Nguyễn Hữu Đang bị an trí ở Thái Bình và có lẽ chúng ta sẽ không thể biết về quãng đời gian nan cùng cực ấy của ông, nếu không có một thiên ký động lòng của Phùng Quán, người em kết nghĩa, thành viên trẻ nhất, thường được coi là “Triệu Tử Long của Nhân văn Giai phẩm”.

Bài ký kể về những kỷ niệm của hai người bạn vong niên, đặc biệt là về chuyến thăm Nguyễn Hữu Đang của Phùng Quán đầu thập niên 90, vào những ngày giáp Tết. Tại một vùng quê nghèo xác xơ ở miền Bắc, Phùng Quán đã gặp Nguyễn Hữu Đang, ông cụ ở độ tuổi gần 80, không vợ không con, sống độc thân trong một cái chái bếp rộng chỉ khoảng 5 mét vuông mà theo lời tả của Phùng Quán là:

“… chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao Vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai.

[…] Chính giữa gian chái kê cái tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khóa một chiếc khóa lớn như khóa nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp quần áo cũ làm gối….

Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường […] Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ… Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lớp bụi tro
…”

Nguyễn Hữu Đang đã sống âm thầm và đói khát như thế bao nhiêu năm, mỗi lần lặng lẽ đạp chiếc xe cà khổ trên đường vào buổi đêm, chùm lục lạc đeo vào cạp quần, vừa báo hiệu có người để thanh niên họ tránh xe, vừa để “nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ cô độc”. Không có gì ăn, ông lượm lặt vỏ bao thuốc lá để đổi lấy cóc, nhái, rắn nước của lũ trẻ trong làng, và tự an ủi đó là thứ thịt “thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp”, “ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét”.

Trong hoàn cảnh cực khổ đến tận cùng như vậy, Nguyễn Hữu Đang vẫn an nhiên tự tại, viết hồi ký và nghiên cứu, dịch sách lịch sử, vì ông nghĩ đó là những điều có ích cho đời sau. Mối lo duy nhất của ông chỉ là không biết chết ở đâu, như lời ông tâm sự: “Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình?

Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... (...) Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay
...”.

Là người phải tiết kiệm đến từng xu để lo chuyện hậu sự, ấy vậy mà khi biết một người bạn, người em tâm giao thời Nhân văn Giai phẩm là Phùng Cung cần tiền để in “Xem đêm”, tập thơ của cả đời người, Nguyễn Hữu Đang đã không ngần ngại trao tất cả số tiền mà ông đã dè sẻn dành dụm trong 20 năm, chỉ với một yêu cầu duy nhất là “tập thơ phải in thật đẹp, mà đẹp giản dị, thanh nhã, chứ không rườm rà, lòe loẹt như nhiều tập thơ đang bày bán”.

Cái nghẹn ngào của Phùng Quán khi viết những dòng sau đây, có lẽ cũng là niềm thương cảm đến thắt lòng của mọi người dân Việt ngày hôm nay, khi nghĩ đến hình bóng một trí thức dấn thân cho dân chủ hết sức can trường, một hào kiệt bậc nhất của một thời: “Không hiểu sao nghe anh nói tim tôi hồi hộp và cổ tôi như nghẹn ngào. Tôi được quen biết anh đã gần bốn mươi năm nhưng cho mãi tới hôm ấy tôi mới thật hiểu anh là người như thế nào.

Nguyễn Hữu Đang là người nếu chỉ dùng cho bản thân thì một trăm đồng ba quả khế chua để gội đầu (thay chanh mà anh sợ đắt) cũng tiếc tiền, bất đắc dĩ mới phải mua, nhưng đã là việc nghĩa hiệp thì sẵn sàng san sẻ đến đồng tiền cuối cùng
”.
 
*

Năm 1989, Nguyễn Hữu Đang bắt đầu được “phục hồi” và từ năm 1990, ông được lương hưu trí, nhưng không theo mức mà lẽ ra một trí thức như ông phải được hưởng. Cho dù được về sống ở Hà Nội từ năm 1993 và vào thời gian cuối, đôi lúc, một vài tờ báo ở Việt Nam có nhắc đến cái tên Nguyễn Hữu Đang trên cương vị người tổ chức Lễ Độc lập năm 1945, nhưng sự tham gia của ông trong phong trào Nhân văn Giai phẩm vẫn nằm trong “vùng cấm”.

Khác với trường hợp một số cộng sự trong Nhân văn Giai phẩm như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán…, trong những năm cuối đời, Nguyễn Hữu Đang vẫn tiếp tục bị tước quyền phát biểu, quyền công khai lên tiếng với báo chí, công luận. Nhà phê bình văn học Thụy Khuê kể lại, lần cuối cùng bà về Hà Nội vào mùa thu năm 1997, Nguyễn Hữu Đang đến thăm hai lần, nhưng lần nào cũng do một nhân viên của Bộ Nội vụ đi kèm nên ông đã không nói được gì.

Là người nghiên cứu lâu năm về phong trào Nhân văn Giai phẩm và từng có những dịp tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp Nguyễn Hữu Đang, Thụy Khuê phải thốt lên căm phẫn khi thuật lại câu chuyện: “Những điều không thể hỏi ông qua điện thoại, đến khi gặp mặt cũng không hỏi được. Bao nhiêu chi tiết muốn ông soi tỏ về những hoạt động, những khúc mắc ngày xưa, về quãng đời tranh đấu truân chuyên, vẫn còn nguyên trong bóng tối. (...)

Khi trở về Paris, tôi đã cố gắng điện thoại cho ông nhiều lần để “thực hiện chương trình”, nhưng chỉ sau vài câu thăm hỏi là điện thoại lại bị cắt, mặc dù đề tài nói chuyện, như đã dự định, chỉ chuyên về văn hóa. Có lần phẫn uất quá, ông đã quát lên trong điện thoại: “Chúng ta chỉ nói với nhau những chuyện văn hóa văn nghệ, chứ có làm gì phản dân, hại nước đâu mà chúng nó cũng...”. Lời ông chưa dứt, tiếng điện thoại đã lại u u... Câu nói dở dang ấy đã gây chấn động trong tôi trong nhiều năm tháng
”.

Nguyễn Hữu Đang ra đi ngày 8-2-2007, tính theo lịch Âm là trước Phùng Quán, người em kết nghĩa và thân yêu của ông, một ngày. Tang lễ được cử đúng vào ngày ông Công ông Táo lên trời, rất cảm động với sự hiện diện của bà Ngô Thị Kim Thoa (vợ Phùng Cung) và bà Vũ Bội Trâm (vợ Phùng Quán) chít khăn tang đứng cùng thân quyến bên linh cữu chịu tang.

Từ Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã nhờ bà Vũ Bội Trâm đặt viết trên lụa đôi câu đối viếng Nguyễn Hữu Đang: “Dâng Tổ Quốc kỳ đài Độc Lập, vun gốc Nhân Văn một đời trong trắng - Hiến Nhân Dân diệu lý Tự Do, đắp nền Pháp Trị muôn thuở sáng ngời”. TS Hà Sỹ Phu cũng có những lời vĩnh biệt ông hết sức cảm động: “Thê tử không màng, dựng một Kỳ đài cho thế kỷ! - Nhân văn là thế, khơi ngàn Ước vọng để mai sau!”.

Được biết, đã có rất nhiều vòng hoa trắng được mang đến viếng ông trong ngày đưa tang. Bởi lẽ, như lời cám ơn của gia đình: “Cụ Nguyễn Hữu Đang, thân nhân ruột thịt của chúng tôi có một cuộc sống không được bình thường như mọi người: Không vợ con. Không gia đình. Mọi hoạt động, mọi tâm nguyện đều hướng về phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội cho đến cuối đời. Không một đòi hỏi cá nhân ích kỷ.”

Một Hiệp sĩ hào hiệp, một nhà Văn hóa uyên thâm và trung thực, một Con người trong sáng và quả cảm đã ra đi như thế, để lại một di sản dân chủ mà chúng ta còn phải mất nhiều năm để thấu hiểu và đánh giá một cách đầy đủ…

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh