Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TƯỞNG NHỚ NẠN NHÂN BẠO LỰC TÌNH DỤC TRONG CHIẾN TRANH

(NCTG) Bức tượng “Người mẹ và đứa con” (Mother and Child) tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục, bao gồm cả những người con lai Đại Hàn, được ra mắt hôm 11-6-2019 tại một nhà thờ gần Điện Westminster, trụ sở Quốc hội Vương quốc Anh.
Nỗi buồn và ký ức chiến tranh
Được bảo trợ bởi chính phủ Anh và nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu, sự kiện đã diễn ra một cách trọng thể, thu hút sự tham dự của rất nhiều khách mời, trong đó phải kể tới bà Nadia Murad, Giải Nobel Hòa bình 2018, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng của Nghị viện và chính trường Vương quốc Anh.

Nằm trong chuỗi sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về bản chất của bạo lực tình dục trong xung đột toàn cầu, việc cho ra mắt bức tượng “Người mẹ và đứa con” diễn ra chỉ vài tháng sau khi chiến dịch “Công lý cho Lai Đại Hàn” (Justice for Lai Dai Han - JLDH) ra mắt Quốc hội Anh ngày 16-1-2019.

Lai Đại Hàn” là tên gọi của hàng chục ngàn trẻ em gốc Việt được sinh ra do mẹ các em bị các quân nhân Hàn Quốc hãm hiếp thời chiến tranh hoặc bị lạm dụng tình dục trong Chiến tranh Việt Nam. Một số phụ nữ thậm chí còn cho biết họ bị hãm hiếp khi còn rất trẻ, mới chỉ 12 hoặc 13 tuổi.

Được biết, trong thời gian từ năm 1964 đến năm 1973, đã có khoảng 320.000 binh sĩ Hàn Quốc đã được triển khai đến Việt Nam để chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ. Để Hàn Quốc công nhận và điều tra các cáo buộccưỡng hiếp và bạo lực tình dục trên diện rộng là một trong những mục tiêu của JLDH.

Bức tượng của Rebecca Hawkins được coi như ngọn hải đăng hy vọng cho tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục trên toàn thế giới. Tượng được lấy ý tưởng từ cây Strangler Fig phổ biến ở Việt Nam - một loại cây ký sinh chiếm lấy cây chủ bằng cách quấn quanh rễ, thân và cành của nó.

Trong tác phẩm mang tính ẩn dụ sâu xa và do đó có sức mạnh biểu cảm lớn này, hình ảnh người mẹ đại diện cho một nạn nhân bị tấn công tình dục dưới bàn tay của lính Hàn Quốc. Đứa trẻ đại diện cho một trong những người con Lai Đại Hàn, chào đời bởi hành vi bạo lực trong thời chiến.

Sau lễ ra mắt, tác phẩm điêu khắc sẽ được trưng bày tại Phòng triển lãm ở số 10 đường Hanover gần Oxford Circus, trước khi được lắp đặt làm triển lãm ngoài trời ở quảng trường St James, trung tâm London.

Trước đó, một số thành viên cộng đồng Lai Đại Hàn đã kêu gọi Chính phủ Anh chính thức hỗ trợ vận động một cuộc điều tra độc lập bởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) về những gì đã xảy ra cho hàng ngàn phụ nữ bị binh lính Hàn Quốc hãm hiếp trong cuộc hiến Việt Nam.

Đồng thời, 50 thành viên của cộng đồng Lai Đại Hàn đã đề nghị cung cấp các mẫu DNA để so sánh với cơ sở dữ liệu của binh sĩ Hàn Quốc.

Bà Nadia Murad, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018, phát biểu: “Sự kiện hôm nay đã giúp nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của các nạn nhân bạo lực tình dục Việt Nam khi họ tìm kiếm sự công nhận và công lý. Tôi tự hào đứng lên vì tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục trên toàn thế giới”.
 
MC Ngọc Thúy, thành viên cấp cao của tổ chức “Công lý cho Lai Đại Hàn” trong buổi lễ
MC Ngọc Thúy, thành viên cấp cao của tổ chức “Công lý cho Lai Đại Hàn” trong buổi lễ

Có mặt trong buổi lễ, cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw, hiện là Đại sứ quốc tế của chiến dịch “Công lý cho Lai Đại Hàn”, chia sẻ: “Bức tượng được công bố hôm nay đã vẽ lên một khuôn mặt và đặt tên cho những người phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực tình dục thời chiến của Hàn Quốc.

Ông cũng nhắc lại một yêu cầu từ đầu năm nay tại Quốc hội Anh: “Chúng tôi cần một cuộc điều tra độc lập của UNHCR về vụ cưỡng hiếp phụ nữ Việt Nam của binh lính Hàn Quốc. Chúng tôi cầnphải chứng minh rằng chúng tôi vẫn còn cam kết và ủng hộ tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục”.

Tác giả pho tượng, nữ nghệ sĩ điêu khắc Rebecca Hawkins chia sẻ trong buổi lễ ra mắt: “Tôi hy vọng rằng bức tượng sẽ giúp nâng cao nhận thức cho chiến dịch quan trọng này và mang lại cho phụ nữ và trẻ em sự công bằng mà họ xứng đáng được nhận.

Trở thành một phần của chiến dịch này và được gặp gỡ những người phụ nữ dũng cảm, can đảm này chính là vinh dự của cả cuộc đời tôi, và tôi kêu gọi mọi người hãy đến để nghe câu chuyện của họ
”.

Nhằm lên tiếng cho các nạn nhân bị bạo lực tình dục và con cái của họ, chiến dịch “Công lý cho Lai Đại Hàn” làm việc với các nhà hoạch định chính sách, các văn nghệ sĩ để đảm bảo sự bất công này cuối cùng được công nhận, bên cạnh những nỗ lực gây quỹ thay cho Lai Đại Hàn và gia đình họ.

Chiến dịch cũng tìm cách nâng cao nhận thức của cộng đồng, khiến các chính khách và cộng đồng kết nối với nạn nhân của bạo lực tình dục để hiểu được sự đau khổ của họ và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật công cộng như một lời nhắc nhở thường trực về hoàn cảnh của Lai Đại Hàn.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Ngọc Thúy, từ London (Vương quốc Anh)