Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỪ NGƯỜI CHA CỦA BOM KHINH KHÍ XÔ-VIẾT, ĐẾN CHIẾN SĨ NHÂN QUYỀN

(NCTG) Hạ tuần tháng 5-2021, Liên Âu trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Andrei Sakharov (1921-1989), nhà vật lý và nhà hoạt động đối lập lừng danh thời Liên Xô (cũ). Là chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 1975, sinh thời, “người cha của bom khinh khí Xô-viết” đã chiến đấu không khoan nhượng để chống lại những bất bình đẳng xã hội, và kêu gọi, ủng hộ việc trả tự do cho những người bất đồng chính kiến tại Liên Xô.
Giáo sư, viện sĩ Andrei Sakharov - Ảnh: Vladimir Fedorenko (RIA Novosti archive)
Ngày nay, trong một thế giới mà các chế độ độc tài và các lực lượng dân túy phá hoại những quyền tự do cơ bản và đặt câu hỏi về nhân quyền, các chuẩn mực do Andrei Sakharov đại diện có thể là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ”, theo nhận định của David Sassoli (*) trong “Lời nói đầu” cuốn sách được viết cho triển lãm “Andrei Dmitrievich Sakharov - Con người của một thời đại”.

Trên cương vị một chiến sĩ nhân quyền xuất chúng, người phê bình gay gắt thể chế độc tài Xô-viết, Andrei Sakharov được Nghị viện Châu Âu đặt tên cho giải thưởng cao quý nhất của Liên Âu dành cho những nỗ lực bảo vệ quyền con người. Được trao lần đầu tiên vào năm 1988 cho Nelson Mandela và Anatoly Marchenko, giải thừa nhận sự đóng góp và nhiệt tâm của các cá nhân và tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ quyền tự do tư tưởng.
 
“Vũ khí mạnh nhất không phải là đạn bom, mà là sự thật” - nhà hoạt động vì quyền tự do tư tưởng Andrei Sakharov - Ảnh tư liệu
“Vũ khí mạnh nhất không phải là đạn bom, mà là sự thật” - nhà hoạt động vì quyền tự do tư tưởng Andrei Sakharov - Ảnh tư liệu

Giải thưởng Nhân quyền Sakharov đã được trao cho hơn 40 cá nhân và tổ chức đến từ hơn 30 nước trên thế giới, và chứng tỏ rằng Nghị viện Châu Âu trước sau như một theo đuổi việc bảo vệ quyền con người trên thế giới, và Châu Âu tin tưởng vào sự phổ quát của những quyền này. Đáng buồn là một số người nhận giải đã phải rời bỏ quê hương, thậm chí công luận còn không biết nơi cư ngụ của họ vì họ bị lùng bắt và có nguy cơ bách hại.

(*) Chủ tịch Nghị viện Châu Âu.

Tác giả bài viết: NCTG