TƯ LIỆU VỀ VỤ THẢM SÁT KATYN (1940)
- Thứ sáu - 01/09/2006 20:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mộ tập thể của các nạn nhân ở Katyn - Ảnh: Pantazopoulos Alexandros
Tuy nhiên, để lịch sử được công bằng, chúng ta cần nhấn mạnh: trong hành động xâm lăng đó, nước Liên Xô của Stalin đã là đồng lõa và trợ thủ đắc lực của Hitler. Cuối tháng 8-1939, Liên Xô đã hoan hỉ ký với Đức một hiệp ước chia đôi Ba Lan và sau đó, đã cùng quân đội phát-xít đưa quân chiếm nước này.
Quân đội Ba Lan, bất ngờ và thụ động trước hành động vô liêm sỉ của hai siêu cường, đã phải rút lui và đầu hàng sau vài tuần kháng cự không hiệu quả. Sau khi cùng quân Đức chia cắt đất nước Ba Lan, Hồng quân bắt rất nhiều tù binh Ba Lan về Liên Xô và giam họ trong nhiều trại tù, đa phần nằm ở vùng biên giới Nga - Bạch Nga - Ba Lan. Trong số đó, các trại tù ở vùng Katyn là mối quan tâm chủ yếu của Stalin: gần 15.000 sĩ quan và trí thức Ba Lan bị giam giữ tại đó, khoảng hai phần ba là các sĩ quan, số còn lại là những nhân vật ưu tú nhất của giới trí thức Ba Lan (các nhà bác học, nhà văn, nhà báo, kĩ sư, giáo viên, các nhân sĩ nổi tiếng...)
Stalin vốn có mối thâm thù sân sắc với dân Ba Lan. Mười tám năm trước đó, khi Hồng quân Liên Xô, dưới sự chỉ huy của Tukhachevsky, một trong năm vị nguyên soái đầu tiên, nhằm thực hiện chủ trương "xuất khẩu cách mạng" của Lenin, đã tràn sang Ba Lan và sắp chiếm được thủ đô Warszawa, thì Stalin lại tự tiện đưa quân định chiếm Lvov để "lập công" và hành động "vô kỷ luật" đó đã khiến Hồng quân bị thảm bại. Ôm mối nhục và bị sự trách cứ nặng nề của nguyên soái Tukhachevsky, trong thời kỳ đại khủng bố 1936-1939, Stalin đã vu cáo Tukhachevsky là "gián điệp Đức" để xử tử ông. Mùa xuân 1940, thời cơ trả thù Ba Lan đã đến: theo chỉ thị của Stalin, cơ quan an ninh Liên Xô NKVD đã thảm sát toàn bộ các tù binh Ba Lan ở vùng Katyn!
Trong vòng nửa thế kỷ, điện Kremlin tìm mọi cách để chối bay tội ác diệt chủng đó và đổ vấy trách nhiệm cho quân đội Đức (chiếm đóng vùng Katyn từ đầu năm 1943). Mãi đến năm 1990, khi tổng bí thư Gorbachev chủ trương dùng chính sách "cải tổ" và "công khai" để cứu vãn thể chế Liên Xô, Đảng Cộng sản nước này mới chịu công khai thừa nhận tội ác kinh khủng đó, mặc dù họ đã cố giấu giếm đến giây phút cuối cùng: hè năm 1989, trong một cuộc hội thảo về những "vùng trắng" trong lịch sử đương đại Ba Lan, các nhà nghiên cứu Xô-viết nổi tiếng nhất còn tuyên bố trên vô tuyến rằng "vụ thảm sát Katyn là sản phẩm của cơ quan tuyên truyền phát-xít Đức". Một điều đáng nói thêm: các sử gia nói điều này chẳng những biết rõ sự thật mà trong giờ giải lao, họ còn thú nhận điều đó với các đồng nghiệp Ba Lan!
Cố tổng thống Nga Boris Yeltsin nghiêng mình tưởng niệm các nạn nhân tại Katyn (năm 1993)
Từ đầu thập niên 90 trở đi, đã có rất nhiều sách vở, tư liệu về vụ thảm sát Katyn. Độc giả Việt Nam cũng đã từng có dịp được biết đến tội ác này, trong một số bài viết đăng tải trên báo chí Việt ngữ. Như vậy, vụ thảm sát Katyn, dưới ánh sáng của những tài liệu mới được "bạch hóa", không còn là một "bí ẩn của lịch sử".
*
Tuy nhiên, bản báo cáo "tuyệt mật" của Beria về vụ Katyn mà độc giả được chứng kiến sau đây là một sự "độc nhất vô nhị". Vốn là một "báu vật" của một vài sử gia may mắn, tư liệu đó mới được công bố rộng rãi cách đây dăm năm và là một bằng chứng sống, hùng hồn về tội ác của chế độ Stalin.
Một tư liệu quan trọng và "nguy hiểm" tầy trời đến mức này, không hiểu tại sao lại không bị các cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô thiêu hủy? Tự thuở xưa, khi Lenin còn sống, đã có nhiều nghị quyết nhằm "mật hóa" và phi tang những tài liệu, những bằng cớ quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến "uy tín" của Đảng Cộng sản bôn-sê-vích và chính quyền Xô-viết. Nhiều người cho rằng chính vì vậy mà cho đến nay, các sử gia vẫn chưa tìm thấy bản quyết định chính thức của Moscow gửi cơ sở đảng vùng Ural, ra lệnh tàn sát toàn thể gia đình Nga hoàng Nicholai Đệ nhị...
Tự văn kiện sau đây sẽ nói lên tất cả. Người dịch chỉ xin lưu ý độc giả về lối hành văn kỳ quái trong đó: Liên Xô đã xâm chiếm Ba Lan, bắt những công dân ưu tú nhất của nước này, chở về "mẫu quốc" rồi hạ sát họ một cách hèn hạ, chui lủi, không thông qua bất cứ một phiên tòa xét xử nào, lại còn vu cho họ là "phản động", "phản cách mạng", "bạo loạn", "phản bội"... (?) Trong thời đại dân chủ hiện nay, chắc chúng ta sẽ không tài nào hiểu nổi cái lô-gích nực cười trên! Thêm nữa: Beria, đồ tể khét tiếng của Stalin, vốn là công an, ở đây lại kiêm luôn vai trò của ngành tư pháp. Các luật gia có thể bình luận dài dài về chuyện này... Ngoài ra, những ai có tính "hoài nghi tất cả" theo lời nhà tư tưởng Karl Marx, có thể nghĩ rằng vụ Katyn là do các thuộc hạ cấp dưới "làm bậy", chứ Trung ương Đảng và Stalin không hề biết, vì "nếu biết, đồng chí đã chẳng để cho vụ ấy xảy ra!" Thì đây là câu trả lời đích đáng: Stalin biết rõ vụ Katyn và ông không mảy may có ý phản đối...
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhìn lại và suy ngẫm quá khứ, cũng là một cách để những vụ thảm sát tương tự đừng bao giờ lặp lại trong tương lai!
Cổng vào nghĩa trang Katyn
BÁO CÁO MẬT CỦA BERIA VỀ VỤ KATYN
Tuyệt mật
Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô
Tháng Ba 1940 (5.III. 40)
Số 794/B
Moscow
Ủy ban Trung ương ĐCS (bôn-sê-vích) Liên Xô
Kính gửi đồng chí Stalin
Hiện nay, trong các trại tù binh của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (*) và trong các nhà tù ở vùng phía Tây Ukraine và Belorussia, có nhiều cựu sĩ quan quân đội Ba Lan cùng những kẻ đã phục vụ cho cơ quan cảnh sát và cục tình báo Ba Lan, những thành viên các đảng phái quốc gia phản cách mạng Ba Lan, những tên chủ mưu bạo loạn phản cách mạng đã bị lộ mặt, những thành viên của các tổ chức bán nước. Tất cả bọn chúng đều là kẻ thù truyền kiếp của chính quyền Xô-viết, mang trong mình nỗi căm thù dồn nén đối với chính thể Xô-viết.
Ngay cả khi đã bị giam trong các trại, bọn sĩ quan và hiến binh bị bắt làm tù binh vẫn còn tìm cách hoạt động phản cách mạng và tuyên truyền chống chế độ Xô-viết. Chúng chỉ chờ được phóng thích để tham gia cuộc chiến đấu chống chính quyền Xô-viết.
Ở vùng phía Tây Ukraina và Belorussia, các cơ quan An ninh Quốc gia đã phát hiện ra rất nhiều nhóm bạo loạn phản cách mạng. Trong từng tổ chức phản cách mạng ấy, các cựu sĩ quan quân đội Ba Lan, các cựu cảnh sát và hiến binh Ba Lan đóng vai trò tích cực.
Trong số những kẻ phản bội bị bắt giữ và những kẻ đã đột nhập trái phép vào lãnh thổ Liên Xô, chúng tôi đã lột mặt nạ rất nhiều thành viên các nhóm bạo loạn và gián điệp phản cách mạng. Trong các trại tù binh, ngoại trừ các lính thường và hạ sĩ quan, cố tổng cộng 14.736 cựu sĩ quan, nhân viên, địa chủ, cảnh sát, hiến binh, lính gác tù, dân di cư và những kẻ đã từng làm việc cho cơ quan phản gián quân đội. (97% là người Ba Lan)
Trong số đó, có
- 295 tướng, đại tá và trung tá,
- 2080 thiếu tá và đại úy,
- 6049 thượng úy, trung úy và thiếu úy,
- 1030 cảnh sát, lính biên phòng, sĩ quan hiến binh và hạ sĩ quan cấp hai,
- 5138 hiến binh, cảnh sát thường, lính canh tù và nhân viên cơ quan phản gián,
- 1444 nhân viên hành chính, địa chủ, linh mục, bộ đội di cư.
Trong các nhà tù ở những vùng miền Tây Ukraina và Belorussia, có tổng cộng 18.632 tù nhân (10.685 là người Ba Lan).
Trong số đó, có
- 1207 cựu sĩ quan,
- 5141 cựu cảnh sát, nhân viên tình báo, hiến binh,
- 465 cựu điền chủ, chủ nhà máy, viên chức,
- 6127 thành viên các tổ chức bí mật và những kẻ trốn chạy.
Xét rằng những kẻ được nhắc đến ở trên đều là kẻ thù bất cộng đái thiên và truyền kiếp của chính quyền Xô-viết, Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô cho rằng nhất thiết phải:
I. Chỉ thị cho Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô xét xử bằng phương pháp đặc biệt và ra bản án tối đa - án tử hình - đối với:
1.14.700 cựu sĩ quan, viên chức, địa chủ, cảnh sát, nhân viên gián điệp quân sự, hiến binh, dân di cư và lính gác tù người Ba Lan;
2. 11.000 tù nhân bị bắt và giam giữ trong các nhà tù miền Tây Ukraina và Belorussia, thành viên các tổ chức gián điệp và bạo loạn phản cách mạng, cựu điền chủ, chủ nhà máy, cựu sĩ quan, viên chức và những kẻ phá hoại người Ba Lan.
II. Trong quá trình xét xử, không cần sự hiện diện của những kẻ bị bắt giữ, không cần cáo trạng, không cần điều tra và không cần đưa ra phán quyết buộc tội. Phải làm theo cách sau đây:
1. Đối với những tù binh trong các trại tù: căn cứ vào tài liệu thu thập của Ban quản lý trại tù binh trực thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô.
2. Đối với những kẻ bị bắt giam: căn cứ vào tài liệu thu thập của Bộ Dân ủy Nội vụ Ukraina và Belorussia.
III. Ủy nhiệm các đồng chí Kabulov (1), Merkulov, Kubulov (2) và Bashtakov (trưởng phòng đặc biệt thứ nhất trực thuộc Cơ quan Anh ninh Quốc gia Liên Xô) xét xử và đưa ra quyết định trong vụ này.
Dân ủy Nội vụ Liên Xô
L. Beria
(1) Gạch bằng tay.
(2) Viết thêm bằng tay.
Có chữ ký của Stalin, Voroshilov, Molotov và Mikoyan chéo trên trang giấy. Bên lề là ghi chú của thư ký: Kalinin và Kaganovich cũng đồng ý với quyết định trên.
(*) NKVD: Bộ Dân ủy Nội vụ, cơ quan trung ương phụ trách nội vụ và an ninh quốc gia ở Liên Xô (hậu duệ của GPU) thành lập năm 1934, hoạt động như Bộ Nội vụ trong thời gian 1946-1953. Là tiền thân của Cơ quan Anh ninh Quốc gia (KGB).