Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (3)

(NCTG) "Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng" - nhận định của một ký giả Hungary trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 30 năm, đến nay vẫn chưa hết thời sự tính?

Nông dân Trung Quốc tại công xã nhân dân Nhị Kiều

Lời Tòa soạn: Tiếp theo hai kỳ trước, NCTG xin giới thiệu một số nhận định của nhà báo Hungary Bokor Pál về Trung Quốc trong phần Vĩ thanh của cuốn sách "Một mùa hạ ở Trung Quốc", viết về những gì tác giả "tai nghe mắt thấy" cách đây 3 thập niên tại Đại lục. (Các minh họa trong ba kỳ báo trích từ cuốn sách của ông Bokor Pál).

Bích chương cổ vũ chính sách Bốn hiện đại hóa tại Thượng Hải

Kỳ 1 và Kỳ 2

Vĩ thanh: Hơn ba phần tư bản thảo cuốn sách này đã nằm trong ngăn kéo của tôi khi tôi được tin Trung Quốc đã mở cuộc tấn công hung hãn đối với Việt Nam.

Như thế, tôi phải cố gắng – không nhỏ - để giữ được văn phong khách quan cho những ký sự đi đường của mình, nhưng tôi nghĩ rằng rốt cục, tôi cũng đã kiên trì để trình bày những gì mình được thấy một cách bình tâm. Một tờ báo dân sự Pháp đã tổng kết những sự kiện xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, rằng „Trung Quốc đã đánh mất sự trong trắng của mình”. Một cách diễn đạt ý nhị, nhưng không đúng. Nếu nhìn trên phương diện vai trò toàn cầu của đất nước này trong thế giới mà chúng ta đang sống, phải nói rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ trong trắng và bất cứ lúc nào, nước này cũng hàm chứa trong mình khả năng gây tội ác. Do đó, nếu trong tôi có chút ác cảm với thể chế chính trị hiện tại của quốc gia này, thì ác cảm ấy đã tồn tại ngay từ đầu, và một bước đi không thể tha thứ - hơn tất cả những gì họ đã làm cho đến nay -, cuộc chiến xâm lược một đất nước XHCN láng giềng, chỉ làm gia tăng thêm sự ác cảm ấy.

(...) Tôi không hề có khái niệm rằng, chẳng hạn, từ khoản chi cho 10 ngàn chiến xa, 3 ngàn máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, có đủ để cung cấp các thiết bị Röntgen cho 70 ngàn công xã nhân dân hay không? Tôi cũng không thể hình dung ra, có thể xây dựng bao nhiêu trường đại học và cảo đẳng, cũng như vận hành chúng trong một thời gian dài, với chi phí của 300 quả bom nguyên tử Trung Quốc. Về đại cục, chúng ta không thể can thiệp vào việc Trung Quốc đảm bảo sự phòng vệ cho mình bằng những công cụ gì. Cùng lắm, chúng ta chỉ có thể đưa ra nhận xét rằng, nước Trung Hoa mới chưa bao giờ cần sử dụng những thứ vũ khí này - hiện tại mới là xe tăng và đại bác – cho mục đích do tự vệ, vì không ai tấn công nước này cả. Nhưng với mục đích tấn công, họ đã dùng hai lần: năm 1962, với Ấn Độ, và năm 1979, với Việt Nam.

Tiếp đó, tôi cũng không biết làm sao để giảm cái nóng oi bức khủng khiếp của mùa hạ Trung Quốc bằng thiết bị thông gió và tủ lạnh, làm sao có thêm nhiều đồ chơi cho các nhà trẻ, nhiều thịt cho dân cày, và làm sao để những công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp có số ngày nghỉ phép năm ít nhất cũng phải như vô sản tại các nước tư bản lạc hậu nhất, xét về mặt xã hội.

Những thiết sót ấy được giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc nhận biết và để tâm. Viện dẫn chương trình Bốn hiện đại hóa, họ còn cho rằng họ đã biết đất nước họ sẽ được chèo lái như thế nào để trở thành một quốc gia phú cường hơn vào năm 2000.

Tôi chỉ được thấy mùa hạ đầu tiên của chương trình Bốn hiện đại hóa. Tôi đã tìm cách nhận ra những gì đã chuyển biến, và cả những gì còn dậm chân tại chỗ.

Cái xã hội mà tôi cảm nhận được - ít ra là những nét chính của nó, thông qua sự giúp đỡ sẵn lòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, của hãng Chinese Travel, cũng như của các vị chủ nhà của tôi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Nam Kinh – có vẻ năng động trên một số lĩnh vực. Ở những phương diện khác, chẳng hạn về sự phát triển của những định chế chính trị, tôi cảm thấy sự thay đổi quá chậm chạp. Mặt khác, ngay trong đời sống kinh tế, tôi cũng không thấy được dấu ấn của sự năng động cách mạng có thể khiến Trung Quốc trở thành một nước hiện đại hai thập niên sau.

Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng. Trên mảnh đất của nền văn hóa cổ sơ, của đạo đức quý tộc truyền thống và của tinh thần cách mạng của nhân dân Trung Hoa, một nước Trung Quốc kiểu khác có thể đang được thai nghén.

Bạn đọc hẳn đã nhận thấy, có một cụm từ gần như đang bị „tuyệt chủng”, cho dù vài năm trước nó còn được sử dụng đến mức nhàm chán: Trung Quốc Đỏ. Người ta đã dùng nó đến cũ mèm, nhưng đó vẫn là một cụm từ có ý nghĩa và đẹp đẽ. Trong phong trào công nhân quốc tế, màu đỏ là biểu tượng của giai cấp vô sản, còn ở Trung Quốc nó còn một nghĩa khác: niềm vui và hạnh phúc. Làm sao tôi không thể cầu mong Trung Quốc sẽ lại đỏ, và dân tộc Trung Quốc được vạn phúc!

Budapest, ngày 31-3-1979

Bokor Pál

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu