TRIỂN LÃM VỀ RECSK, “GULAG CỦA HUNGARY”
- Thứ ba - 15/02/2011 02:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Một cuộc triển lãm mang tên “Recsk - các trại lao động cưỡng bức 1950-1953” mới được mở tại Bảo tàng Ký ức, trung tâm triển lãm đầu tiên ở Hungary được khai trương năm 2006 tại TP Hódmezővásárhely nhằm giới thiệu lịch sử những năm tháng dưới chế độ độc tài cộng sản tại nước này.
Đài tưởng niệm: Recs, trại lao động cưỡng bức, “Gulag của Hungary” - Ảnh: GyurIca
Trong số những hiện vật gây bàng hoàng nhất của triển lãm, phải kể đến những gót dày bị nát mủn mới tìm thấy gần đây, biểu tượng của những kinh hoàng xảy ra tại nơi từng được coi là “địa ngục trần gian”: Recsk.
“Gulag của Hungary”
Tại vùng Recsk, tỉnh Heves (Hungary), gần một mỏ đá trên một trái núi, trong thời gian từ tháng 10-1950 và mùa thu năm 1953, đã tồn tại một trại lao động cưỡng bức, được vận hành bởi cơ quan mật vụ chính trị Hungary đương thời (ÁVH - Cục An ninh Quốc gia).
Trong tổng số chừng 100 trại tập trung và lao động cưỡng bức trên toàn nước Hung, được tổ chức theo mô hình Quần đảo ngục tù Gulag (Liên Xô), trại Recsk được coi là khét tiếng nhất, đồng nghĩa với “Gulag của Hungary” và với sự chịu đựng của con người.
Ngay từ khi mới đặt chân đến trại, các tù nhân đã phải nghe khẳng định của những nhân viên mật vụ tàn ác: tại đây, chết mất xác cũng không ai hay. Chừng 1.500 người tù không án bị giam giữ tại đây, trong những điều kiện sống tối thiểu và bị buộc phải làm việc liên tục tại mỏ đá, thường xuyên bị bỏ đói, bị hành hạ và đánh đập.
Recsk hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài và sự tồn tại của trại hoàn toàn bị giữ kín vì hầu như không một ai trốn được khỏi nơi đây. Trong vòng 3 năm, chỉ có hai thử nghiệm trốn trại. Lần đầu, một người tù chạy được sang Tiệp Khắc, nhưng sau khi nghe tin nhiều thành viên gia đình bị bắt giữ, ông đã ra đầu thú.
Lần thứ hai, vào ngày 20-5-1951, một tù nhân ăn vận quần áo lính canh và cùng 7 người khác ra khỏi trại, như thể họ ra ngoài làm việc. Đa số các thành viên của nhóm này đều bị bắt lại, nhưng có một người là ông Michnay Gyula trốn được sang Vienna và qua làn sóng điện của Đài Châu Âu Tự do, ông đã đọc được tên 600 bạn tù.
Chỉ khi ấy, Phương Tây mới được biết đến sự tồn tại của trại Recsk và các gia đình thì vui mừng vì lần đầu có được tín hiệu từ những người thương của họ, và rằng họ còn sống, cho dù trong cảnh tù ngục đen tối.
Recsk dưới thể chế cộng sản sau 1953
Là một trong những trang sử đen tối nhất của lịch sử Hungary thế kỷ XX, Recsk và các trại tập trung khác tại Hungary bị giải thể vào mùa thu năm 1953 bởi quyết định của vị chính khách có tư tưởng cởi mở Nagy Imre, sau khi ông được lên chức thủ tướng sau cái chết của nhà độc tài Stalin vào ngày 5-3-1953.
Tuy nhiên, tiếp tục những dối trá trong thời gian trước, chính quyền Hungary vẫn phủ nhận sự tồn tại của trại và chỉ trong vài năm, hệ thống nhà cửa, tháp canh và hàng rào được dỡ bỏ, cây cối được trồng thành rừng trên khuôn viên trại để phi tang mọi dấu vết. Cho đến nay, vẫn không biết có bao nhiêu người tù đã bỏ mình ở nơi đây và ngôi mộ tập thể chôn họ ở đâu.
Những ngươi tù được thả bị buộc phải im lặng suốt đời, như lời thuật lại trong cuốn tiểu thuyết tự truyện của Faludy György (1910-2006), một trong những nhà thơ, dịch giả lớn nhất của Hungary thế kỷ trước. Năm 1949, trên cơ sở những lời buộc tội ngụy tạo, ông bị đưa đến trại Recsk - các thi phẩm ông sáng tác trong 3 năm tại đây, về sau, năm 1983, được ấn hành tại München dưới tiêu đề “Thơ trong tù 1949-1953”.
Trong cuốn hồi ký ra mắt năm 1989, Faludy György hồi tưởng phát biểu của một trung tá mật vụ khi những người tù như ông được trả tự do vào tháng 9-1953: “Nhân danh CHND Hungary, tôi xin lỗi anh vì những bất công, phi luật pháp và khổ ải mà anh đã phải chịu đựng... Tôi cảnh cáo rằng pháp luật quy định bản án 6 năm tù giam nếu các anh tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến hoàn cảnh, địa điểm và nguyên nhân tù tội của các anh...
Tôi có thể đưa ra một lời khuyên tốt là hãy báo cáo những ai muốn dò hỏi các anh, còn với những thân nhân gần gũi thì hãy cho họ hay rằng, các anh vừa qua một chuyến học tập, nghiên cứu tại Liên Xô”. Và nhà thơ nhắc lại một phương châm ai cũng biết đến thời đó: “Hoặc câm như hến, hoặc xuống mồ!”.
Bảo lưu ký ức
Chỉ sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị (1989), địa điểm nơi trại Recsk tại vị mới được xác nhận và căn cứ một số ảnh tư liệu và hồi tưởng của những người tù còn sống sót, 1-2 ngôi nhà đã được dựng lại như ở trạng thái ban đầu. Năm 1996, Công viên Ký ức Quốc gia Recsk đã được khai trương tại nơi từng là khu trại lao động cưỡng bức khét tiếng và có thể thấy tại đây tháp canh cùng một phần của hàng rào dây thép gai bao quanh trại.
Cũng nhằm bảo lưu ký ức cho thế hệ trẻ và để các thế hệ trung niên đừng quên quá khứ, cuộc triển lãm “Recsk - các trại lao động cưỡng bức 1950-1953” được mở ngày 4-2 và sẽ kéo dài tới ngày 10-4-2011. Ban tổ chức triển lãm gồm sử gia Bank Barbara, nhà nghiên cứu thuộc Kho Thư khố Lịch sử trực thuộc các Cơ quan An ninh Quốc gia, và ông Blazovich Péter, giám đốc Bảo tàng Ký ức TP Hódmezővásárhely.
Triển lãm quy tụ hơn 30 bảng ảnh lớn, phơi bày thế giới tàn ác của trại Recsk với những tấm ảnh và tư liệu đương thời. Ngoài ra, khách tới xem đặc biệt động lòng trước những đế giày đã mủn của các cựu tù nhân, mới tìm được cách đây không lâu, và chiếc xe cút-kít chất đầy đá, biểu tượng cho sự chịu đựng vượt quá sức người của những tù nhân không án tại Recsk.
Chùm ảnh của Szekér Gyula về trại Recsk:
Giày của tù nhân ở trại Recsk
Nơi ở của các tù nhân
Dạng nhà gỗ điển hình cho các trại tập trung và lao động cưỡng bức
Các nạn nhân được biết đến...
... và những liệt sĩ