Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRANH LUẬN VỀ VIỆC MAI TÁNG THI HÀI LENIN

(NCTG) Nhân 85 năm ngày mất của Vladimir Lenin (21-1), lãnh tụ Đảng Cộng sản Nga đặt vòng hoa trọng thể trước lăng của vị thủ lĩnh Bolshevik trên Hồng trường, nhưng các lực lượng "bảo hoàng Chính thống" thì lại tổ chức biểu tình đòi mai táng ông. Cuộc tranh luận đã kéo dài dai dẳng lâu nay về việc có nên an táng Lenin hay không, lại bùng nổ.

Cuộc biểu tình kể trên của nhóm "bảo hoàng Chính thống" diễn ra ngay khi các lãnh tụ cộng sản đặt vòng hoa trước lăng Lenin. Do không được cho phép từ trước, cảnh sát đã giải tán biểu tình và bắt giữ 25 người. Tuy nhiên, nhóm biểu tình đã tạo nên một hình ảnh "ấn tượng" khi họ xuất hiện trên Hồng trường như những tử thi, ngưòi quấn đầy băng và còn mang theo một quan tài bằng bìa cứng đề dòng chữ "Ulyanov-Lenin".

Theo con số mới đây nhất của Viện Nghiên cứu Công luận Quốc gia VCIOM, cư dân Nga ngày càng ít phản đối việc an táng vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười Nga 1917: nếu như năm 2005, còn 30% số người được hỏi cho rằng nhất thiết phải để Lenin trong lăng thì đến cuối năm 2008, tỉ lệ này giảm xuống còn 25%. Ngược lại, 38% cho hay họ quan niệm cần chôn cất Lenin càng sớm càng tốt, còn 28% thì đồng tình chôn cất, nhưng cho rằng cần chờ đến khi nào thế hệ ngưỡng mộ Lenin qua đời, "hẵng hay"!

Trong số những cư dân cho rằng cần để Lenin lại trong lăng, giới nông dân, người có trình độ kém và các tín đồ của Đảng Cộng sản chiếm đa số. Còn trong số những người muốn chôn cất Lenin càng sớm càng tốt, cư dân thủ đô Moscow và cố đô Saint Petersburg, người có trình độ đại học và cao đẳng, cũng như các tín đồ của Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Nước Nga Thống nhất (còn được gọi bằng cái tên "đảng của quyền lực") chiếm tỉ lệ cao.

Theo các nhà tranh đấu cho nhân quyền, xã hội Nga đã đủ chín muồi để an táng Lenin - đó là ý kiến của ông Arseny Rodinsky, người đứng đầu Memorial, một tổ chức bảo vệ nhân quyền và thường xuyên có những nghiên cứu, hoạt động rọi sáng những "vệt trắng" của lịch sử Nga. Ông Rodinsky cho rằng, việc chôn cất Lenin sẽ là một hành động mang tính biểu tượng, cho thấy xã hội Nga đang chuyển mình theo hướng tự do và dân chủ - tuy nhiên, điều quan trọng là mọi sự phải được thực hiện một cách ôn hòa, chừng mực và tế nhị.

*

Lần giở sử sách, sau khi Lenin qua đời ngày 21-1-1924, thoạt tiên, người ta chỉ định ướp thi thể ông để cư dân và các đảng viên cộng sản có thể từ giã ông trong vài ngày.

Tuy nhiên, sự sùng bái mê muội người cha của cách mạng Nga đã được Stalin và bè đảng tạo dựng ngay từ khi ấy. Các số liệu chính thức cho biết trong vòng bốn ngày (từ 22-1 đến 26-1-1924), đã có hơn 900.000 người đến thăm viếng Lenin. Trong phiên họp ngày 26-1-1924 của Đại hội Xô-viết lần thứ XI, những nghị quyết về việc lưu danh thiên cổ Lenin được thông qua, nhằm dựng hàng loạt các đài kỷ niệm Lenin, đặt tên Lenin cho ''thủ đô đỏ'' Petrograd (*), v.v... Vin vào ''ý nguyện của nhiều công nhân'', Đại hội chuẩn y quyết định gìn giữ vĩnh viễn thi hài Lenin trong một lăng tẩm trên Hồng trường.

Thực ra đây là ý muốn của Stalin: theo nhiều nguồn tin, ngay sau khi Lenin mất, chính Stalin đã tổ chức cho các công nhân gửi điện xin hoãn việc chôn cất Lenin để chờ quyết định trên, cũng do ông ta bố trí. Quyết định đó cũng đi ngược lại ý nguyện của người đã khuất: Lenin muốn được mai táng cùng người mẹ thân yêu của ông. Trong những ngày sau đó, Stalin tiếp tục khởi thảo những chi tiết cho một sự sùng bái mới. Ngày 27-1, một lăng tẩm tạm thời bằng gỗ được xây dựng theo đề án của Shchsev. Hai nhà khoa học Vladimir Vorobyov và Boris Zbarsky được chỉ thị bắt tay vào việc ướp giữ thi thể Lenin.

Trong số các lãnh tụ Bolshevik đương thời, chỉ có vợ Lenin, bà Krupskaya, dám công khai lên tiếng phản đối ý đồ muốn biến Lenin thành một ông thánh. Trên tờ "Sự thật" (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, để cám ơn những lời chia buồn, bà kêu gọi: "Tôi có một đề nghị lớn đến các đồng chí... đừng xây dựng những đài tưởng niệm cho ông [Lenin], đừng lấy tên ông đặt cho những cung điện, đừng tổ chức những lẽ hội tưởng nhớ ông... Các đồng chí đừng quên chúng ta còn thiếu thốn đến mức nào, còn phải chấn chỉnh biết bao nhiêu điều... Nếu muốn kính trọng tên tuổi Vladimir Ilyich, các đồng chí hãy xây nhà cửa, bệnh viện, nhà dưỡng lão cho những người tàn tật... và điều quan trọng nhất: hãy thực hiện di chúc của ông trong mọi việc".

Một thời, Stalin cũng được đặt trong lăng Lenin

Tuy nhiên, yêu cầu của Krupskaya đã không được để ý đến. Năm năm sau, lăng Lenin (tồn tại đến bây giờ) được xây cất và khi đó, các nhà khoa học mới chỉ ra rằng với kỹ thuật tẩm hương và ướp, thi thể Lenin sẽ còn được giữ gìn trong thời gian dài. Theo một số dữ liệu tổng hợp, chỉ trong thời gian 1924-1972, đã có tới 72 triệu người tới viếng thăm Lenin, nhưng ngay hiện tại, người ta vẫn xếp hàng khá dài trước lăng mỗi khi lăng mở cửa.

Ý tưởng cần an táng Lenin được Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga, đưa ra, nhưng rồi ông gặp phải sự kháng cự đáng kể. Hậu duệ của ông, Vladimir Putin, vào năm 2001 đã đứng ra bảo vệ quan điểm phải duy trì lăng Lenin và thi thể vị lãnh tụ, sau khi một cộng sự của ông nêu lại khả năng cần chôn cất Lenin...

(*) Tức Leningrad, nay là Saint Petersburg.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo báo chí Hungary