Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ CỦA HITLER TỪNG BIẾT VỀ HOLOCAUST

(NCTG) Trong vụ án lịch sử ở Nürnberg, các công tố viên đã không chứng tỏ được rằng Albert Speer, tổng công trình sư của Hitler, từng biết rõ về holocaust (diệt chủng Do Thái của phát-xít Đức). Vì vậy, Speer đã thoát bản án tử hình.

Tuy nhiên, qua những thư từ trao đổi được công bố mới đây của Albert Speer, có thể khẳng định rằng y đã nói dối cho đến khi chết vào năm 1981.

Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình đại quý tộc, có truyền thống về kiến trúc, Speer muốn coi mình là “hạng” trí thức bị thời cuộc xô đẩy vào guồng máy phát-xít. Tuy nhiên, từ dạo trước, các nhà nghiên cứu đã cho rằng hẳn Albert Speer phải biết rõ về các trại tập trung hủy diệt, về những người tù khổ sai bị cưỡng bức lao động đến chết và về sự đày ải sắc dân Do Thái ở Berlin, đặc biệt là trên cương vị bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng (từ năm 1942 trở đi). Có điều, giới nghiên cứu chưa chứng tỏ được điều này qua các văn bản, nên đến nay nó mới chỉ là giả thiết.

Trong vụ án Nürnberg, Albert Speer bị án tù giam 20 năm tại nhà tù Spandau. Mặc dù trong phiên xử, đã đặt ra vấn đề Speer nhất thiết phải nghe bài phát biểu tại Posen năm 1943 của Huimmler (với nội dung hủy diệt sắc dân Do Thái), nhưng Speer phủ nhận điều này với lời biện bạch y đã đi khỏi hiện trường trước khi bài phát biểu vang lên.

Những năm tháng ngồi tù, Speer chỉ tập trung làm vườn, đi dạo, viết sách và giải quyết chuyện gia đình. Năm 1966, y được ra tù; nhật ký trong tù và tự truyện của y về sau được xuất bản và đạt thành công lớn. Năm 1981, Albert Speer chết trong một chuyến đi giới thiệu sách ở Anh.

Trong thời gian 1971-1981, Speer viết gần 100 lá thư cho bà Hélène Jeanty, vợ góa một du kích quân người Bỉ. Lá thư viết ngày 23-12-1973 có đoạn: “Không thể phủ nhận: tôi đã có mặt trong ngày 6-10-1943, khi Himmler tuyên bố sẽ giết hết lũ Do Thái”. Theo các chuyên gia, tại phiên tòa ở Nürnberg, chỉ một câu nói như vậy đủ để Speer bị án tử hình.

Ngày 27-3 tới, những lá thư này sẽ được đem đấu giá tại Nhà Bonhams.

Tác giả bài viết: H.Linh, theo [origo]