TỘI ÁC VÀ CÔNG LÝ THÔNG QUA VỤ ÁN TS. MILADA HORÁKOVÁ
- Thứ ba - 02/08/2011 18:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Tại các quốc gia XHCN (cũ) trước kia, những vụ án chính trị ngụy tạo trước tiên xuất hiện hàng loạt tại Liên Xô trong hai thập niên 20-30, rồi “nở rộ” ở các xứ Ðông Âu đầu thập niên 50 thế kỷ trước.
Luật gia, TS. Milada Horáková, người phụ nữ can trường, người con lớn của đất nước Tiệp Khắc trong phiên tòa dàn dựng bởi chính thể cộng sản Tiệp Khắc
Trên cái nền ấy, Tiệp Khắc đương nhiên không phải là ngoại lệ: đã có chừng 250 người trở thành nạn nhân trong các phiên tòa tạo dựng, trong số đó, được biết đến nhiều nhất là TS. Milada Horáková, nữ bị cáo duy nhất bị án tử hình.
Vụ án xét xử TS. Milada Horáková từng được coi là một tội ác giết người của cơ quan tư pháp trong lịch sử tòa án và tư pháp Tiệp Khắc, điển hình cho những vụ án tạo dựng, những cuộc đấu tố chính trị những năm 50 thế kỷ trước.
Người con ưu tú của Tiệp Khắc
Chào đời trong một gia đình trí thức tại Prague, mang trong lòng những hoài bão và ý tưởng của vị Tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc Tomas Garich Masaryk, sau khi tốt nghiệp khoa Luật Ðại học Tổng hợp Charles năm 1926, Milada Horáková, nhanh chóng nhiệt tình tham gia vào những tổ chức xã hội và chính trị.
Bà gia nhập Hiệp đoàn Phụ nữ Dân tộc rồi sau đó ít lâu trở thành thành viên Đảng Xã hội Dân tộc Czech. Công việc chính của Milada Horáková lúc đó là tranh đấu cho quyền lợi và vai trò phụ nữ trong các cơ quan công quyền theo đúng tinh thần Hiến pháp.
Khi phát-xít Đức chiếm đóng Tiệp Khắc, Milada Horáková tiếp tục công việc của mình với hy vọng góp phần tham gia vào công cuộc chống phát-xít. Năm 1940, bà bị bắt cùng với chồng. Tòa án phát-xít ban đầu tuyên án tử hình nhưng sau đó giảm xuống 8 năm tù giam - bà Horáková ngồi tù cho tới năm 1945.
Sau khi Thế chiến chấm dứt, Milada Horáková trở lại Prague cùng chồng và bắt đầu gây dựng lại những hoạt động của mình. Tái tham gia Đảng Xã hội Dân tộc Czech, bà còn giữ cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn tù nhân chính trị tự do. Cũng trong năm 1945, Milada Horáková trúng cử dân biểu Tiệp Khắc, tham gia Ủy ban Ðối ngoại và Tư pháp Quốc hội.
Tuy nhiên, những chính kiến phản đối việc Liên Xô tham gia quá nhiều vào công việc nội bộ của các quốc gia Đông Âu đã khiến bà trở thành đối tượng của mật vụ chính trị cộng sản. Sau cuộc “đảo chính” tháng 3-1948 của Ðảng Cộng sản trên chính trường Tiệp Khắc, những cuộc thanh trừng, đàn áp trở nên thẳng tay hơn.
TS. Milada Horáková bị khai trừ khỏi những chức vụ bà đã từng nắm giữ trong các ủy ban thuộc Quốc hội. Bà quyết định rút lui khỏi ghế dân biểu, nơi quyền lực thực sự chỉ còn nằm trong tay các đảng viên cộng sản. TS. Horáková lúc này thành lập một tổ chức không chính thức, ủng hộ những người có tư tưởng vượt biên và chống lại sự độc đoán của Ðảng Cộng sản.
Vụ án dàn dựng lớn nhất của Tiệp Khắc
Năm 1949, Milada Horáková bị mật vụ Tiệp Khắc bắt giam. Vụ việc điều tra và tố tụng TS. Milada Horáková được coi là một trong những vụ án tạo dựng tiêu biểu ở xứ sở này. Mật vụ tra tấn và gán ghép cho Milada Horaakova nhiều tội chống phá nhà nước, thậm chí tạo dựng những tổ chức chính trị không có thật để gán ghép chức vụ. Tháng 11-1949, 380 thành viên Đảng Xã hội Dân tộc Czech đã bị bắt giam.
Quá trình tố tụng Milada Horáková và 12 đồng sự, diễn ra từ ngày 31-5 đến mùng 8-6-1950 và được tạo dựng như một vụ án chính trị theo kiểu thanh trừng thời Xô-viết những năm 30, trực tiếp bởi tay thủ lĩnh Ðảng Cộng sản Tiệp Khắc Klement Gotwald, người được coi là vị chủ tịch đầu tiên xuất thân từ công nhân của nước Tiệp Khắc.
Phiên tòa kéo dài 8 ngày, với những màn kịch đã được bố trí sẵn hòng khiến các bị cáo phải khuất phục, nhưng không phải lúc nào chính quyền cũng đạt được mục đích của mình. Trong phiên tòa, TS. Milada Horáková đã lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình, bảo vệ tư tưởng mà bà theo đuổi, tuy biết rằng thái độ đó làm giảm đi cơ hội giảm án.
TS. Milada Horáková kiêu hãng ngẩng cao đầu trong phiên xử năm 1950
Sau 8 ngày xét xử, 13 bị cáo đã lãnh 4 án tử hình, trong đó có Milada Horáková, 4 án chung thân và 5 án tù giam từ 20 đến 28 năm. TS. Milada Horáková từ chối xin ân xá, mặc dù nhiều nhân vật lừng danh như Albert Einstein, Winston Churchill hay Eleanor Roosevelt đã viết đơn xin ân xá cho bà cùng các bị cáo khác. Cũng chính tay Klement Gotwald đã ký bản án tử hình.
Trước khi thi hành bản án, TS. Milada Horáková đã viết thư về cho gia đình, thư có đoạn: “Em đi nhưng ngẩng cao đầu - con người thua cũng phải biết cách thua. Ngay cả kẻ thù cũng đáng được tôn trọng, nếu đúng sự thực và trung thực. Trong chiến đấu phải có người ngã xuống, mà cuộc sống là gì nếu không phải là một cuộc chiến đấu”.
Milada Horáková bị án treo cổ tại nhà giam Pankrác (trung tâm Prague) ngày 27-6-1950.
Tội ác phải bị trừng phạt
Trong nhiều năm dưới chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc, những tưởng tội ác của cơ quan tư pháp xứ này sẽ bị trôi vào quên lãng. Tuy nhiên, khi thể chế cộng sản tại các quốc gia Ðông Âu sụp đổ, diễn biến vụ án ngụy tạo kể trên lại được công bố với nhiều chi tiết rõ ràng hơn, khi các hồ sơ “mật“ được bạch hóa.
Và có lẽ không ai ngờ được rằng, gần 60 năm trôi qua, vụ việc vẫn được tiếp diễn với một nhân vật đã từng có mặt trong những phiên xét xử năm 1950 đó. Đó là LS. Ludmila Brožová – Polednová, một trong 4 công tố viên nhà nước - được coi là một trụ cột của vụ án, kẻ đã lên tiếng tố cáo và buộc tội TS. Milada Horáková theo đúng kịch bản đã được dàn dựng.
Năm 2006, Ludmila Brožová – Polednová bị khởi tố vì đã tham gia vào vụ việc dàn dựng dẫn đến bản án tử hình đối với TS. MIlada Horáková năm 1950, mặc dù lúc đó Ludmila Brožová – Polednová chỉ là một công tố viên phụ và mới vào nghề. Năm 2008, Ludmila Brožová – Polednová chính thức bị kết án 6 năm tù giam và sau nhiều lần kháng án cũng như khiếu nại, Tòa án Tối cao Cộng hòa Czech chính thức khẳng định bản án 6 năm tù giam với bà ta.
Bà Ludmila Brožová – Polednová thi hành án tù này cho tới tháng 12-2010, khi được Tổng thống Cộng hòa Czech ân xá vì tuổi cao sức yếu. Ludmila Brožová – Polednová (89 tuổi) là người cuối cùng còn sống trong số những kẻ đã tham gia vào vụ việc tố tụng và kết án tử hình TS. Milada Horáková năm 1950. Bản án dành cho bà cũng cho thấy, quá khứ cần được sòng phẳng và những tội ác chính trị không bao giờ hết thời hiệu!
Mộ phần của TS. Milada Horáková luôn có những bó hoa tươi và ngày bà bị hành quyết (27-6) nay là Ngày tưởng niệm những nạn nhân của CNCS tại Cộng hòa Czech