Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TIÊN TRÁCH KỶ HẬU TRÁCH NHÂN (1)

(NCTG) “Giặc đến khi nào? Xin trả lời ngay: Giặc chỉ đến khi đất nước rối ren, suy yếu. Vậy nếu giặc đến thì hãy trách ta trước rồi trách giặc sau. Mà trách giặc làm gì, vô ích” – bài viết của nhà giáo Vũ Quốc Lương từ Hà Nội.

Trong vòng 950 năm kể từ giữa thế kỷ thứ 10 tới năm cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc, nước này nằm dưới ách thống trị của ngoại bang tới 600 năm - Ảnh: Chiến tranh Nha phiến (Anh - Trung) với kết cục thảm bại và nhục nhã đối với Trung Quốc


Xem lại lịch sử Trung Quốc thì hóa ra Trung Quốc bị “ngoại bang” xâm lược quá nhiều lần. Tính từ năm 960 với sự lên ngôi của Triệu Khuông Dẫn mở ra triều đại nhà Tống cho đến năm 1911, năm cuối cùng của triều đại nhà Thanh là 950 năm thì Trung Quốc nằm dưới ách thống trị của ngoại bang tới 600 năm!

PHẦN I: NHÌN LẠI LỊCH SỬ TRUNG ĐẠI TRUNG QUỐC

Gần hai phần ba thời gian của lịch sử trung đại Trung Quốc là thân phận nô lệ.

Nhục nhã thay! Thương người dân Trung Quốc chân chính, nghèo khổ thay!

Các tộc “man di” (theo cách gọi của các triều đại Trung Quốc thối nát) như: rợ Khiết Đan – Nữ Chân – Thát Đát – Hung Nô – Mãn Châu … với những tên nước lạ hoắc: nước Kim – Liêu – Tây Hạ - Nguyên Mông đã lần lượt xâm lược và thống trị thành công Trung Quốc.

Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành dài hơn 5.000 km để ngăn rợ phương Bắc (lại rợ rồi – sao mà tự mãn và ngu lâu thế hở vua quan Trung Quốc?!) mà có ngăn được giặc đâu – vẫn mất nước.

Vạn Lý Trường Thành là kỳ tích của nhân dân lao động Trung Quốc, núi xương sông máu của nhân dân đổ ra để cho bọn vua quan hèn nhát tránh giặc và hưởng lạc. Từ mặt trăng cũng nhìn thấy kì quan này. Nhưng tôi thì coi đó là “kỳ tích” của sự hèn hạ sợ giặc. Có duy nhất một Trung Quốc cổ đại có sự hèn hạ lớn như vậy. Không có nước nào hèn hạ đến thế.


Một đoạn của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)


Giữ nước đâu phải ỷ vào thành cao hào sâu. Tự hào thay Việt Nam nhỏ bé của chúng ta đã nhiều lần đánh tan các đội quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh mà chẳng có một chiến tuyến nào, một sự trợ giúp của ngoại bang nào.

Vậy giặc đến xâm lược Trung Quốc những khi nào?

Khi các triều đại Trung Quốc đã cùng cực thối nát, hủ bại rồi.

Biểu hiện của sự cùng cực thối nát, hủ bại này là gì? Rất nhiều, nhưng theo tôi nên quy lại hai điều chính mà thôi.

1. VỀ ĐỐI NGOẠI: ƯƠN HÈN VÀ TI TIỆN

Xin phép được dẫn chứng một chút để chứng minh nhận định này.

Khi nước Kim (rợ Nữ Chân) đã xâm chiếm tới hai phần ba đất đai Trung Nguyên của nhà Tống thì vua Tống vô cùng hoảng sợ, liên tục cắt đất để cầu hòa, xin được thần phục nước Kim, hàng năm cống tiến một lượng vàng, bạc, gấm vóc cực lớn, xin được gọi vua Kim là Ông, còn Thiên Tử Tống xưng là Cháu. Ông ngoại hay Ông nội đây?

Ươn hèn và ti tiện đến cùng cực chưa?

Mỉm cười nhớ đến Tôn Ngộ Không, mỗi lần giao chiến với giặc (yêu quái) lại sảng khoái phán: “Ông ngoại nhà mi đến đây, cháu ơi sao đánh ông mạnh thế. Ông mà rút gậy sắt ra thì rờ hồn cháu đấy”. Thiên Tử Tống không bằng một con khỉ ngu dốt nói gì đến so sánh với Tề Thiên Đại Thánh hào hùng – không bao giờ sợ yêu quái nào cả.

Chuyện các Thiên Tử Tàu phải mang các mỹ nhân xinh đẹp nhất đất nước đi cống rợ Hồ để cầu hòa là chuyện cơm bữa.

Đớn hèn hết mức chưa?

Vậy giặc đến thì đừng trách giặc. Hãy xem lại mình đi!


Vương Chiêu Quân, một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng với sắc đẹp được ví là “lạc nhạn” (làm cho chim sa), bị nhà Hán “cống Hồ” (gả cho vị Thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà)


2. VỀ ĐỐI NỘI: TÀN NHẪN – ĐỘC ÁC – BẤT CÔNG

Cũng xin dẫn chứng một chút.

Người dân nghèo Trung Quốc bị bóc lột đến tận xương tủy để cho vua quan hưởng lạc và có đồ mà đi cống giặc. Người chết đói chết rét thường xuyên, la liệt, đầy đường. Giặc đến thì Triều đình tháo chạy, bỏ mặc dân đen. Dân đen chết và chết tiếp. Triều đình làm ngơ đổ hết tội lên đầu dân thôi.

Tàn nhẫn và độc ác đến cùng cực chưa?

Khi nhà Tống đã mất đến hai phần ba đất đai rồi thì xuất hiện người anh hùng Nhạc Phi (1103-1142) tận trung báo quốc. Ông tập trung người nhà cùng thôn trang mình ở thành một đội quân nhỏ gọi là “Nhạc Gia Quân” chiến đấu chống lại quân Kim. Dần dà những người dân nghèo Trung Quốc cùng những người lính vỡ trận tập trung xung quanh ngọn cờ của ông (thật là những con người đáng kính) thành một đội quân hùng mạnh, liên tiếp chiến thắng quân Kim (quân Nhạc Phi bao giờ cũng ít hơn quân Kim rất nhiều) thu hồi lại gần hết các phần đất bị mất và bị dâng hiến cho nhà Kim để cầu hòa.

Danh tướng Nhạc Phi văn võ song toàn, tinh thông võ nghệ. Khi ra trận Ông bao giờ cũng cùng con trai là Nhạc Vân xông pha mở đường trước trận, không bao giờ lùi lại phía sau. Đội quân của Nhạc Phi được gọi là “Phụ Tử Chi Binh”. Ông ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với các binh sĩ như cha con, có bổng lộc nào đều chia đều cho các tướng sĩ. Tướng sĩ hi sinh, Ông đến thăm hỏi, úy lạo, an ủi vợ con cẩn thận. Một bộ tướng của Nhạc Phi tử trận, Ông đến thăm hỏi thấy gia đình neo đơn, toàn con gái cả, Ông cảm thương quá quay lại bảo con trai: “Con hãy lấy con gái nhà này, thay cha chăm sóc cho gia đình họ”. Ôi cảm động làm sao!


Nhạc Phi, một trong những nhà quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc - Ảnh: mẹ Nhạc Phi xăm lên người ông bốn chữ lớn “tận trung báo quốc” trước ngày ông lên đường


Dưới ngọn cờ của Nguyên soái Nhạc Phi (danh hiệu này do quân sĩ phong cho Ông không phải của Triều đình phong) quân Tống liên tiếp thắng trận. Một số danh tướng khác của nhà Tống vô cùng phấn khởi và cũng liên tục chiến thắng. Quân Kim tan vỡ, Nhạc Phi đã trỏ thương sang nước Kim bảo với binh sĩ: “Ta cùng các ngươi tận trung báo quốc, phải bình định giặc Kim, bắt vua Kim về hầu hạ vua ta, trừ mối hiểm họa cho nhân dân ta”.

Ước mơ của Ông không thành. Ông và con trai tử nạn trong tay nhà Tống.

Trước tình thế nước Kim mất đến nơi, vua Kim hoảng sợ sai người sang đút lót vàng bạc cho tên đại gian thần Tần Cối và hứa hẹn những chức tước cao nhất cho Tần Cối nếu Kim bình định được Tống. Nghe lời xúc xiểm của Tần Cối, vua Tống trong một ngày phát tới chin lệnh bài gọi Nhạc Phi về nhận khẩu dụ. Quân sĩ nắm cương ngựa Nhạc Phi khóc mà nói những lời thật tội nghiệp: “Nguyên soái đi, chúng tôi chiến đấu với ai?”. Nhạc Phi buồn rầu trả lời: “Không thể trái mệnh vua được, nhưng tại sao lại đến chin lệnh trong một ngày??? Ta phải về thôi, xong việc ta quay lại ngay, cùng các ngươi chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”.

Hai cha con phóng ngựa mấy nghìn dặm tới nơi chui lủi của vua Tống (để tránh giặc Kim vua Tống đã phải bỏ Kinh Đô rồi). Vua Tống phủ dụ qua loa, ban cho Nhạc Phi một chức quan nhỏ, bắt đi nhận chức ngay và tước quyền chỉ huy cánh quân của Nhạc Phi (Thôi! Thế là gian kế của Tần Cối đã hoàn thành). Người anh hùng Nhạc Phi chỉ còn biết thẫn thờ.

Một thời gian ngắn sau, Tần Cối ra lệnh tống giam hai cha con Nhạc Phi, tra tấn cực kì dã man, ép cung hai cha con phải nhận tội mà hắn vu cho Ông. Đời nào Ông nhận.

Tử hình cả hai cha con.

Tàn nhẫn và độc ác đến cùng cực chưa?


Tượng Nhạc Phi, trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Bốn chữ trên bảng là “Hoàn ngã hà sơn” (Hoàn lại núi sông của ta)


Tiếc thay, Nhạc Phi – Nhạc Vân chết oan khuất quá. Còn Ông, làm sao nước Tống mất được. Ông mất đi còn để lại mười bài phú. Bài nào cũng hào hùng, nổi tiếng nhất là bài “Mãn Giang hồng” (*).

Đừng trách giặc mạnh, giặc Kim đâu có mạnh trước Nguyên soái Nhạc Phi. Hãy trách mình trước đã, hôn quân ạ.

Sau này các sử gia hay gọi ông là Tống Nhạc Phi. Xin được bỏ chữ Tống đi. Ông là người anh hùng mãi mãi của người dân Trung Quốc, cần gì phải gắn cái triều đại thối nát ấy vào tên Ông.

Các vua Tống sau rồi cũng thấy được nỗi oan khuất của cha con Ông, xuống chiếu rửa oan, lại phong tước hiệu cho Ông là Nhạc Vũ Mục. Xin lại bỏ tước hiệu ấy đi vì các vua Tống tiếp tục ươn hèn để tiếp tục mất đất vào tay nhà Kim rồi hoàn toàn mất hẳn nước vào tay nhà Nguyên Mông. Các vua Tống thật sự không đủ tư cách để ban khen cho danh tướng Nhạc Phi.

Ghi chú:

(*) Bản dịch của Nam Trân:

 MÃN GIANG HỒNG

Tóc dựng mái đầu,
Lan can đứng tựa,
Trận mưa vừa dứt.
Ngóng trời xa,
Uất hận kêu dài.
Hùng tâm khích liệt,
Ba mươi tuổi cát bụi công danh,
Tám ngàn dặm dầm sương dãi nguyệt.
Chớ lỏng lơi nữa kẻo bạc đầu,
Ích gì rên xiết.

Mối nhục Tĩnh Khang,
Chưa gội hết.
Hận thù này,
Bao giờ mới diệt.
Cưỡi cỗ binh xa,
Dẫm Hạ Lan nát bét.
Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ,
Khát, cười chém Hung Nô uống huyết.
Rồi đây dành lại cả giang san,
Về chầu cửa khuyết.

Tác giả bài viết: Vũ Quốc Lương, từ Hà Nội – Còn tiếp