Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THỦ TƯỚNG CUỐI CÙNG CỦA NƯỚC ĐỨC CỘNG SẢN QUA ĐỜI

(NCTG) Hans Modrow, thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cuối cùng của nước Đông Đức cộng sản, đã qua đời ở tuổi 95, theo tin của các hãng thông tấn. Ông trở thành người đứng đầu chính phủ CHDC Đức vào tháng 11/1989 và giữ chức vụ cho đến tháng 4/1990, sau đó là dân biểu Quốc hội nước Đức thống nhất (Bundestag) giai đoạn 1990-1994 và Nghị viện Châu Âu giai đoạn 1999-2004.
Với Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Moscow, tháng 1/1990 - Ảnh tư liệu
Sinh năm 1928 tại Jasenitz, thuộc hàng cán bộ được đào tạo ở Liên Xô, Hans Modrow bắt đầu sự nghiệp trong “sắc áo” Đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED) - tức chính đảng cầm quyền của nước Đông Đức cộng sản - từ năm 1949 và là thành viên của đảng này trong vòng 40 năm. Năm 1954, ông lọt vào Ban lãnh đạo Đảng bộ cấp Quận ở Berlin, và tháng 9/1961, sau khi bức tường Berlin vừa được dựng lên, ông trở thành Bí thư thứ Nhất Đảng bộ Quận Köpenick.

Thời kỳ 1967-1989, Hans Modrow là Trung ương Ủy viên SED, và thời kỳ 1967-1973 là Trưởng phòng Tuyên truyền của Trung ương đảng. Năm 1973, do giữ một khoảng cách nhất định với Ban lãnh đạo Đảng, nên ông bị thuyên chuyển về Dresden và công tác ở đó cho đến năm 1989 trên cương vị Bí thư Thành ủy, khi vào ngày 3/10, ông đã cho bắt giữa 1.320 cư dân thành phố tham gia các cuộc biểu tình trong phong trào dân sự đang lớn mạnh trên toàn quốc.

Đuợc cho là đã phát triển các kế hoạch bí mật cho lãnh đạo cảnh sát Dresden để đối phó với làn sóng đòi dân chủ, ngày 8/11/1989, Hans Modrow được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan đầu não thượng đỉnh của SED. Gần 1 tuần sau, với chỉ 1 phiếu chống, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay người tiền nhiệm Willi Stoph và giữ cương vị này tới ngày 12/4/1990. Trong thời gian đó, các lực lượng đối lập cũng dần được ông mời tham gia nội các Đông Đức.
 
ukr2

Trước ngưỡng cửa của sự đổi thay, vào năm 1990, chính phủ của Hans Modrow đã thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về quá trình chuyển đổi nước Đông Đức sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vị thủ tướng cuối cùng của CHDC Đức đã chỉ trích quá trình tái thống nhất, cho rằng nó được tiến hành quá vội vàng và phía Đông Đức lẽ ra phải thương lượng thêm để đạt thêm được những nhượng bộ. Rốt cục, ông đã không làm chậm được quá trình này.

Lothar de Maizière - “hậu duệ” của ông - cuối cùng là lãnh đạo Đông Đức đã tiến hành chuỗi đàm phán thống nhất nước Đức. Dầu vậy, nhìn lại 5 tháng ngắn ngủi với vai trò thủ tướng, Hans Modrow được xem là đã đề ra nhiều biện pháp tích cực. Nhiều người còn nhớ, trước đó, trong 16 năm đứng đầu cơ quan đảng ở thành phố quan trọng Dresden, ông cũng là “người cộng sản tốt”, từ chối những đặc quyền đặc lợi của giới lãnh đạo và ở tại một căn hộ bình thường.

Hans Modrow là một trong số không nhiều lãnh đạo cộng sản Đức mà sau quá trình tái thống nhất đất nước, vẫn có vai trò tại nước Đức mới và trên chính trường Châu Âu, với cương vị dân biểu Quốc hội Đức và Nghị viện Châu Âu cho đến khi tuổi đã cao. Đáng chú ý là trong một số phát biểu, ông vẫn giữ thiện cảm nhất định với Đông Đức, quốc gia cộng sản mà người cựu công nhân luyện kim này đã phải “tiếp quản” trong trạng thái hoàn toàn tan rã.
 
ukr3

Vào thời điểm ấy, không ngày nào mà không có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn công dân Đông Đức di cư sang Phương Tây. Trả lời báo giới nhân dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ, Hans Modrow cho rằng đây là “tình hình chung” của phe cộng sản bị Liên Xô ngăn cản trong cải tổ chính trị, và thành quả lớn nhất của CHDC Đức là “hình thành một nhà nước chống phát-xít trong vùng chiếm đóng của Liên Xô”, “yếu tố quan trọng của nền hòa bình, ổn định”.

Dường như tới cuối đời, vị thủ tướng cuối cùng của Đông Đức cộng sản vẫn giữ một số quan điểm cũ, vẫn yêu thích những chính khách “xã hội” như Raúl Castro (Kuba), Hugo Chavez (Venezuela) hay Evo Morales (Bolivia). Với ông, việc “bức tường ô nhục” Berlin được dựng lên là “khả năng duy nhất” vào thời điểm 1961, và quá trình cải tổ (perestroika) “thoạt tiên rất hữu ích” nhưng “chỉ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.

Hans Modrow qua đời trong bối cảnh thế giới lâm vào nguy cơ một cuộc Thế chiến mới kể từ khi “Chiến tranh lạnh” khởi đầu, mà kẻ gây hấn chính là cựu sĩ quan KGB Vladimir Putin, người mà ông có lẽ không xa lạ trong thời kỳ cùng làm việc tại Dresden. Putin được cựu thủ tướng nhận xét là “nói tiếng Đức rất tuyệt”, vì vậy “dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ tại Đông cũng như Tây Đức” nhưng “không có vai trò đáng kể trong sự hình thành của các sự kiện”.
 
ukr4

Trả lời báo chí, Hans Modrow cho hay những thông tin của Putin và các đồng sự đã bị “dìm” đi, không được chuyển đến Gorbachev, trái với sự hoạt động rất tốt của tình báo Mỹ, chuẩn bị cho cuộc hội đàm ở Malta năm 1989 giữa Gorbachev và Bush (cha). Trở lại lý do sụp đổ của CHDC Đức, ông cho rằng sai lầm lớn nhất của giới lãnh đạo cộng sản Đức là “thiếu vắng cảm quan chính trị”. Có thể hỏi, phải chăng, đây chính là “tử huyệt” hiện tại của Putin?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh