TỆ HOÀI NIỆM STALIN TẠI NƯỚC NGA
- Chủ nhật - 03/06/2012 18:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Cảm xúc nhung nhớ thời kỳ Stalin vẫn còn rất thịnh hành tại nước Nga hiện tại, nơi mà mặt tích cực của thế chế cộng sản trước đây luôn được nhấn mạnh, thay vì phê phán những tội ác của nó. Thế hệ ngày nay hầu như không hay biết gì về quá khứ của chủ nghĩa cộng sản: muốn biết điều đó, cần sang các quốc gia lân cận và điều này cũng khiến Nga thường xuyên có mâu thuẫn, đụng độ ngoại giao với các nước đó.
“Áo Ông trắng giữa mây hồng - Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười” (thơ Tố Hữu ca tụng Stalin thời “sùng bái cá nhân”) - Ảnh tư liệu
Các phóng sự phát đi từ Moscow cho thấy giới phụ huynh Nga gần như đón mua tức thì những cuốn sách viết cho trẻ em về Stalin. Có thể khó tin, nhưng tại Nga điều đó có vẻ như rất tự nhiên: sách vở ca ngợi “Ông chủ đỏ” Stalin với hình ảnh bìa mô tả vị độc tài trong tư thế anh dũng rất được ưa chuộng ở đất nước này.
Một nhà nghiên cứu người Mỹ nhận định: thật buồn khi ngay Giám đốc Nghệ thuật của NXB Alt (nơi ấn hành cuốn sách mang tựa đề “Stalin”) cũng không biết rằng nhân vật chính của cuốn sách do ông phát hành là người gốc Georgia và có tên khai sinh là Iosif Vissarionovich Dzhugashvili. Nhưng tai họa hơn nữa là tệ sùng bái quá khứ ở Nga, vốn đã có truyền thống lâu nay, ngày càng trở nên mạnh mẽ và vì thế, càng nguy hiểm.
Một bận, Thủ tướng Anh Winston Churchill - người không thể bị coi là bạn hữu của Stalin trên cương vị đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến - có nhận xét rằng nhà độc tài Liên Xô đã trao vào tay dân Nga bom khinh khí, chứ không phải lưỡi cày. Có lẽ điều này cũng khiến nhiều người chỉ cố gắng nhấn mạnh những mặt tích cực trong ba thập niên “trị vì” của Stalin.
Phe Đồng minh thường nhắc đến Staklin bằng biệt hiệu “Thành Cát Tư Hãn với chiếc điện thoại trong tay”, ám chỉ tầm quan trọng của những chỉ thị và quyết định do ông ta đưa ra trong thời chiến. Tuy nhiên, thời nay, nhiều người không còn nhớ, những cú điện thoại của Stalin có thể kết liễu sinh mệnh hàng triệu con người: những lệnh tử hình, thủ tiêu, triệt hạ, bỏ đói và tù đày đã được thực thi hàng loạt như thế.
Đấy là chưa nói đến chuyện, sự thiếu chuẩn bị, bất cẩn cùng nhiều sai lầm quân sự ngớ ngẩn đến mức khó hiểu trong quá trình đối phó với chiến dịch Barbarossa (chiến dịch tấn công Liên bang Xô-viết của phát-xít Đức trong tháng 6-1941) đã khiến 15% dân số Liên Xô thiệt mạng trong cuộc Thế chiến.
“Khi trẻ em ngắm nhìn cái bìa sách được thiết kế rất đẹp này, với hình ảnh Stalin điển trai với chòm ria, các em cảm thấy đó là một người hùng” - sử gia Nikolai Svanidze đưa ra một lời giải thích khả dĩ. Một nhà nghiên cứu khác, tác giả người Mỹ David Satter thì cho rằng dân Nga hiện nay vẫn hoài niệm mô hình phúc lợi xã hội thời thập niên 70-80. Mặc dù, việc không thông hiểu và lên án các tội ác trong quá khứ sẽ dẫn đến một hệ quả là người dân ngày càng khó khăn nếu cần phản đối, chống lại những tội ác trong hiện tại và tương lai.
Là tác giả cuốn sách có tựa đề dài “It Was a Long Time Ago, and It Never Happened Anyway: Russia and the Communist Past”, ông Satter nhận xét: tại Moscow không hề có một bảo tàng quốc gia nào để các thế hệ sau được biết về những tội ác của CNCS, có thể đo được bằng sinh mạng của vài chục triệu con người. Duy nhất một bảo tàng liên quan đến vấn đề này thì chỉ có khách ngoại quốc lai vãng, chứ cư dân Moscow gần như không hề biết đến sự hiện diện của nó.
Tuy nhiên, lịch sử Liên Xô lại được xử lý và tiếp cận tốt nhất tại những quốc gia là chính cuộc chiến đấu với Liên Xô đã góp phần cho sự dựng xây dân tộc của họ: các nước vùng vịnh Baltic, Ba Lan, Georgia, Mông Cổ, phần Tây Ukraine hoặc các nước thuộc khu vực Trung Á. Có điều, việc nhìn nhận và diễn giải lịch sử Liên Xô khác với cái nhìn chính thống của nước Nga hiện tại luôn tiềm ẩn khả năng đụng độ với Liên bang Nga.
Chẳng hạn, gần đây nhất, Bộ trưởng Văn hóa Georgia Nikoloz Rurua đã tuyên bố ngôi nhà nơi Stalin chào đời ở Gori, hiện là bảo tàng Stalin, sẽ được sửa thành bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân của độc tài cộng sản Stalinist.