Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sổ tay: CÔNG TÁC BẢO TỒN

(NCTG) Tác giả Phạm Khải, trên tờ “Văn nghệ Công an”, có bài “Cẩn thận” không đúng chỗ!” nói về những “bất cập” trong công tác bảo tồn, bảo tàng ở ta.

Công nhân Nhà máy Sắt và Kim loại Csepel rước ảnh nhà độc tài Rákósi Mátyás diễu hành tại lễ kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5. Ảnh chụp đầu thập niên 50, khi tệ sùng bái cá nhân lên tới đỉnh điểm tại Hungary - Ảnh tư liệu


Bài viết có đoạn dính đến Hungary:

Lại nhớ tới một bài bút ký của nhà thơ Xuân Diệu kể lại chuyến thăm Hunggari năm 1955 của ông. Xuân Diệu cho biết, tại Viện Bảo tàng Cách mạng ở thủ đô Puđapét (*), người ta cho phục dựng lại cả cái xà lim đã giam cầm Tổng Bí thư Đảng Lao động Hunggari Matiát Rakôsi. Chỉ một chi tiết ấy đủ cho ta thấy phía bạn trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử đến nhường nào.”

Để hiểu rõ chi tiết này, cần biết Rákosi Mátyás là lãnh tụ cộng sản của Hungary, được coi là đệ tử trung thành nhất và xuất sắc nhất của Stalin ở vùng Đông Trung Âu - có điểm khác Stalin là ông này ngoài sự độc tài ra, thì kiến thức quảng bác, nói được nhiều thứ tiếng, hiểu rộng…

Đồng thời, những thủ đoạn tàn nhẫn, trâng tráo với các đồng chí của Rákosi, trong những cuộc thanh trừng và những phiên tòa ngụy tạo – vu cáo cho các địch thủ chính trị là “kẻ thù của nhân dân”, “tay sai của đế quốc, tư bản”, “xét lại” để hạ thủ họ, v.v… - cũng “nhuyễn” không kém gì "cụ Xít-ta-lin".

Nửa đầu thập niên 50 thế kỷ trước, trong khối XHCN, ngoài Liên Xô ra, thì có lẽ Hungary là nơi có tệ sùng bái cá nhân (lãnh tụ) trầm trọng nhất. Đấy cũng là một trong những lý do chính của cuộc cách mạng dân chủ 1956.

Trên cái nền ấy, thì việc “người ta cho phục dựng lại cả cái xà lim đã giam cầm Tổng Bí thư Đảng Lao động Hunggari Matiát Rakôsi” – bên cạnh nền thơ ca, nhạc nhẽo tụng ca lãnh tụ - có thể coi là một động thái nhằm nâng cao tệ sùng bái cá nhân rất dễ hiểu. Không cần và không nên ca ngợi cái đó.

Tuy nhiên, chuyện “phía bạn trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử đến nhường nào”, là đúng.

Hiện tại, tất cả những tượng đài mang tính tuyên truyền cổ động thời cộng sản, họ không đập phá, quẳng đi, mà thu thập đầy đủ trong khuôn khổ một đề án lưu giữ những hình ảnh, bầu không khí của quá khứ, tại Bảo tàng Công viên tượng (Szoborpark Múzeum).

Trụ sở cơ quan mật vụ chính trị cộng sản Hungary AVH một thời (kèm những phòng tra tấn, biệt giam dưới tầng ngầm), nằm ngay tại đại lộ chính Andrássy của Budapest, thì được cải biến thành Nhà Khủng bố (Terror Háza), một bảo tàng trưng bày những di chứng của hai thể chế độc tài toàn trị của thế kỷ XX.

v.v… và v.v…

Như thế, ý thức gìn giữ những di tích, hiện vật của quá khứ, của “bạn”, nói chung là cao và phát triển.

Không phải vì họ coi đấy là “nhiệm vụ cách mạng”) (“Nay về công tác Bảo tàng - Cũng là nhiệm vụ Cách màng giao cho!”, thơ Bút Tre giả (?)), mà vì điều hiển nhiên là hiện tại và tương lai sẽ tù mù, nếu quá khứ bị bao bọc trong vòng ám muội và nhá nhem…

Như thế mới thực sự là tinh thần tôn trọng lịch sử, “ôn cố tri tân”!

(*) Hy vọng vụ phiên âm “Puđapét” này là tác giả nhớ nhầm, chứ không phải do Xuân Diệu.

Tác giả bài viết: Trần Lê