Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sách tiểu sử Gandhi: BỊ CẤM TRƯỚC KHI ẤN HÀNH TẠI ẤN ĐỘ

(NCTG) Cuốn tiểu sử mang tựa đề “Tâm hồn lớn: Mahatma Gandhi và cuộc đấu tranh cùng Ấn Độ” (Great Soul: Mahatma Gandhi and His Struggle) của tác giả Joseph Leyveld vừa ra mắt thứ Ba tuần trước tại Mỹ đã gây nên một làn sóng phẫn nộ lớn tại Ấn Độ.

Gandhi và Kallenbach tại Transvaal (năm 1913). Người đứng giữa là nữ thư ký của Gandhi, bà Sonia Schlesin


Sách khai thác khá sâu về đời tư của Mahatma Gandhi (1869-1948), đặc biệt về mối quan hệ không rõ ràng của ông với kiến trúc sư người Đức - Do Thái Hermann Kallenbach dựa trên một số trích đoạn thư từ trao đổi giữa hai người. Đặc biệt, có một câu khá nhạy cảm mà Gandhi viết trong thư gửi người bạn: “Anh đã hoàn toàn chiếm quyền tự chủ trên cơ thể tôi, biến tôi thành nô lệ…”.

Kallenbach chào đời ở Đức, di cư sang Nam Phi và trở nên giàu có ở đó nhờ nghề kiến trúc. Tại đây, ông gặp gỡ Gandhi, người trở thành một trong những môn đệ gần gũi của ông. Hai người sống với nhau vài năm tại một ngôi nhà do Kallenbach xây, và thề nguyền rằng “sẽ trao nhau nhiều và nhiều tình yêu hơn nữa, thứ tình yêu mà thế giới chưa hề được thấy”. Năm 1910, Kallenbach còn tặng Gandhi một điền trang lớn ở gần TP Johannesburg.

Sách cũng cho biết thêm rằng Gandhi kết hôn từ năm 13 tuổi với Kasturbai Makhanji, một thiếu nữ hơn ông 1 tuổi, và họ chia tay nhau năm 1908 sau khi đã có 4 đứa con. Theo cuốn tiểu sử, một bận, vị thủ lĩnh tôn giáo và tinh thần của dân tộc Ấn Độ, nhà chính khách chọn đường lối phản kháng bất bạo động Gandhi đã thổ lộ với Kallenbach rằng, ông “không thể hình dung ra cái gì xấu xa hơn mối quan hệ giữa một nam và một nữ”.

Một dịp khác, trong thư gửi người bạn, Gandhi cũng cho biết, ở thành lò sưởi đối diện với giường ông, chỉ có một bức ảnh duy nhất, đó là ảnh Kallenbach. Rồi, ông còn hứa “sẽ không bao giờ nhìn bất cứ người phụ nữ nào với cảm giác thèm muốn”. Năm 1914, khi Đệ nhất Thế chiến bùng nổ, hai người chia tay nhau: Gandhi trở về Ấn Độ, còn trên đường tới Ấn Độ, Kallenbach đã bị bắt tại Anh vì ông mang quốc tịch Đức. Năm 1933, từ quê hương, Gandhi vẫn viết cho Kallenbach rằng “sẽ mãi mãi nghĩ đến anh”.

Bão tố nổi lên khi vài tờ báo lá cải Anh và Mỹ - trong các bài điểm sách ngay trước khi sách ra mắt tại Mỹ – đã tập trung nhấn mạnh vài yếu tố nhạy cảm trong cuốn tiểu sử. Tờ “Daily Mail” giật tít trên trang nhất “Một cuốn sách mới cho rằng Gandhi đã bỏ vợ để sống với chàng người yêu” và mở đầu bài viết về sách bằng một câu gây sốc: “Mahatma Gandhi là kẻ song tính luyến ái”.

“The Daily Telegraph” còn đi xa hơn bằng việc khẳng định: ngoài việc có người tình trai, trong hai thập niên sống ở Nam Phi, thủ lĩnh phong trào độc lập Ấn Độ còn “có những ý kiến phân biệt chủng tộc đối với người da đen”. Tờ báo còn nói thêm rằng, theo cuốn tiểu sử, Gandhi khi đã quá ngưỡng thất thập vẫn còn có những cuộc thác loạn trên giường với các thiếu nữ trẻ, trong đó có cả cháu ông, Manu, mới 17 tuổi, tuy rằng không bao giờ ông có cảm hứng tình dục với họ.

“Wall Street Journal” thì có ý kiến sâu hơn khi cho rằng, nhìn chung, tác giả Joseph Lelyved viết về Gandhi với văn phong kính trọng, nhưng trong sách, ông “để lại quá đủ thông tin để độc giả nhìn thấy sự lạ đời trong tính dục, sự bất tài trong chính trị và sự đỏng đảnh, nhố nhăng cuồng tín trong con người Gandhi”. Đó là một người, theo tờ báo, “hay đối xử tàn bạo vô chừng với những người quanh ông”.

Liên quan đến chi tiết “tình trai”, cho tới năm 2009, người đồng tính Ấn Độ còn có thể bị ngồi tù tới 10 năm. Hiện nay, đây vẫn là chủ đề hết sức nhạy cảm tại đất nước này. Một nhà tâm lý học Ấn Độ trước đây từng viết về đời sống tình dục của Gandhi, nhận xét rằng không thể có chuyện Gandhi có quan hệ yêu đương với người bạn trai nọ. Theo ông, Gandhi luôn có cách thể hiện đầy cảm xúc trong trao đổi thư từ, nhưng điều này không nhất thiết chứng tỏ họ có mối quan hệ thể xác, mà chỉ là tình cảm thuần túy mà thôi.

Những nhận xét trên báo chí Phương Tây tập trung vào đời tư của Mahatma Gandhi là một đòn giáng nặng xuống Ấn Độ, nơi ông được tôn sùng, thậm chí được coi như vị Thánh sống. Ai chống lại Gandhi, kẻ đó chống đối lại dân tộc mình. Điều này hiển nhiên còn được thể hiện rõ ràng hơn tại quê hương ông. Các nhà chức trách địa phương đã quyết định cấm cuốn sách, cho dù nó chưa hề được xuất bản tại Ấn Độ. Lệnh cấm này rất có thể sẽ được mở rộng ra toàn quốc.

Theo tờ “Indian Express”, chính phủ bang Gujarat, nơi Gandhi chào đời, đang muốn ban hành một đạo luật phạt tất cả những ai có quan điểm chống đối Mahatma Gandhi. Trên blog cá nhân của mình, ông Narendra Modi - bộ trưởng bang Gujarat - đã hết sức lên án cuốn sách là “kỳ cục và tai tiếng” vì “cách diễn tả Gandhi của tác giả là hết sức tai tiếng, không thể chấp nhận được dưới bất cứ hình thức nào”. Vị bộ trưởng còn viết rằng sách đã “làm tổn thương đến tình cảm không chỉ của những người dân Gujarat, mà của cả nhân dân Ấn Độ có đức tính khiêm nhường và ngoan đạo
 
Trong khi đó, tác giả cuốn sách - ký giả Joseph Leyveld của tờ “The New York Times”, từng giữ cương vị TBT tờ báo này và được giải Pulitzer năm 1986 - đã chính thức lên tiếng phủ nhận những lời phê phán nói trên. Trong một tuyên bố riêng, Leyveld cho rằng những điều ông viết đã bị tách khỏi ngữ cảnh, bị hiểu một cách méo mó và xuyên tạc, chứ trong sách ông không hề viết một câu nào, rằng “Gandhi là người song tính luyến ái”.

Tuy nhiên, lời giải thích đó bị coi là đổ thêm dầu vào lửa, và nhiều người cho rằng dụng ý của tác giả là làm sao để bán được cuốn tiểu sử thứ một ngàn lẻ một về Gandhi. Cùng lúc đó, nhiều nhà văn Ấn Độ lại phản đối lệnh cấm này vì theo họ, không thể cấm một cuốn sách khi chưa đọc, mà chỉ căn cứ vào những lời phê phán...

Tác giả bài viết: Xuân Nhi tổng hợp