Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ THẬT LỊCH SỬ VỀ NGÀY 8-3

(NCTG) Trong một số sách vở, Quốc tế Phụ nữ 8-3 được coi là ngày kỷ niệm sự kiện diễn ra hôm 8-3-1857, khi các nữ công nhân ngành dệt New York đã biểu tình để phản đối những điều kiện làm việc cực nhọc 12 tiếng mỗi ngày của họ. Tuy nhiên, đây chỉ là một huyền thoại.
Ngày Quốc tế Phụ nữ, tuy gắn liền với phong trào nữ quyền thế giới, nhưng là một ngày kỷ niệm có nguồn gốc mù mờ - Ảnh tư liệu
Bài viết của nhà báo Hélène Ferrarini kể về chuyện cuộc đình công đã được thêu dệt trên trang báo Pháp “L'Humanité” (Nhân đạo) như thế nào. Bản tiếng Việt do TrueHunter chuyển ngữ. Trân trọng giới thiệu (NCTG).
 
*

Ngày 8-3 đang được hiểu là Ngày Phụ nữ. Hoặc Ngày Quốc tế Phụ nữ. Hoặc Ngày Quốc tế về các quyền của phụ nữ. Vào cái ngày này, luôn luôn phải chuẩn bị một cách sẵn sàng cho một điều gì đó, thậm chí còn hơn cả lưu ý phân biệt giới tính thông thường: 

- Đợi chút, tôi sẽ giữ cửa cho. Chẳng phải hôm nay là Ngày Phụ nữ sao!

- ... ???!!! 

Đó là còn chưa nói tới những lời hứa cấp chính quyền và cả đống những yêu cầu muôn vẻ khác nhau, xen với hàng loạt vấn đề kiểu “thế khi nào là ngày của đàn ông?” và “thế thì 364 ngày còn lại là của ai?”.

Nhưng tại sao tất cả mọi thứ lại xảy ra vào ngày 8-3? Mà không phải vào ngày 22-7 chẳng hạn? Tháng 12 thì có lẽ tốt hơn vì nó không động đến sự thống trị của một loạt các ấn định trong thời gian những ngày lễ đã ngập kín đầu rồi. Françoise Picq - một nhà xã hội học và chuyên gia về các phong trào nữ quyền, kể cho chúng ta về một nguồn gốc khá tối nghĩa của cái ngày lễ này.

Khởi đầu từ “một cuộc họp phản nữ quyền rõ rệt”
 
Đó là khẳng định của bà Françoise Picq về nguồn gốc Ngày Phụ nữ. Thực tế là vào năm 1910, nữ quyền, theo ý kiến nhiều học giả đã gắn bó chặt chẽ với giai cấp tư sản.

Trong Hội nghị Phụ nữ của Đệ nhị Quốc tế (Quốc tế Xã hội) họp tại Copenhagen (hôm 8-3-1910), khi (Chủ tịch người Đức) Clara Zetkin đề nghị lập ra một Ngày Quốc tế Phụ nữ, lập tức trước mắt bà ta đã xuất hiện hai vấn đề cùng lúc.

Clara Zetkin muốn chắc chắn rằng đội ngũ lãnh đạo của những người Xã hội phải nắm bắt được các đòi hỏi của phụ nữ (quyền bầu cử, mức lương ngang bằng...), và đồng thời bà muốn làm suy yếu ảnh hưởng của các nhà hoạt động nữ quyền thuộc giai cấp tư sản tới phụ nữ trong môi trường làm việc.

Những phụ nữ Xã hội đã bị cấm tiến hành một cuộc đấu tranh chung cùng các nhà nữ quyền tư sản” - Françoise Picq giải thích. “Truyền thống một ngày Quốc tế Phụ nữ ngay từ bước đầu đã được lựa chọn chỉ bởi một nhóm, mà trong khuôn khổ của nó chủ nghĩa nữ quyền và chủ nghĩa xã hội loại trừ lẫn nhau”. Mọi việc đã bắt đầu như vậy đó... 

Cách mạng tháng Hai năm 1917

Sau quyết định nói trên, các tổ chức theo xu hướng Xã hội đã kỷ niệm ngày lễ này vào những ngày khác nhau trong năm tùy thuộc vào từng quốc gia. Tại Đức, Áo và Đan Mạch, các cuộc diễu hành diễn ra vào ngày 19-3-1911. Ở nước Nga, lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày Phụ nữ là vào 3-3-1913 và sau đó là vào ngày 8-3-1914. Sự lựa chọn ngày này đã hoàn toàn ngẫu nhiên, không có bất kỳ quyết định chính thức nào được đề cập tới.

Ngày 8-3-1917 (23-2 theo lịch Nga đương thời), Ngày Phụ nữ được kỷ niệm trở lại ở Nga. Công nhân đình công và những phụ nữ bình thường đã đổ xuống đường ở Petrograd. Đám đông lớn dần, đàn ông kéo đến tham gia cùng... Đó chính là khởi đầu của cuộc Cách mạng tháng Hai, đã diễn ra đúng vào hôm 8-3 do sự khác biệt giữa các lịch Gregorian và Julian.

Vào năm 1921, Liên Xô chính thức phê duyệt ngày 8-3 là Ngày Phụ nữ để tưởng nhớ về cuộc biểu tình ấy của phụ nữ năm 1917 - không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn, nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng ở Nga. Dần dần, môn này đã được nối đuôi bởi các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam và Cuba. Mồng 8-3 đã trở thành một ngày lễ cộng sản.

Huyền thoại về cuộc đình công New York

Nhưng sau đó, vào năm 1955, trên báo chí đã xuất hiện một lời giải thích gốc gác của ngày 8-3 này. Đó là, 8-3-1857 đã diễn ra một cuộc đình công của phụ nữ làm việc trong một nhà máy dệt ở thành phố New York.

Tất cả các cuộc biểu tình của phụ nữ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 luôn kéo theo sự đàn áp khắc nghiệt. Nhưng không hề có bất cứ một dấu vết nào của sự kiện tương tự như ngày 8-3-1857 còn sót lại. Ngoài ra, ngày này năm đó lại rơi vào Chủ nhật, rõ ràng là hoàn toàn không thích hợp cho một cuộc đình công.

Hóa ra, người Mỹ lại đã từng cố gắng để giành lại cho họ cái Ngày Phụ nữ, mà cho đến thời điểm đã là một ngày lễ cộng sản trăm phần trăm (100%) ư? Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh, thì điều giải thích này có vẻ khá là hấp dẫn. Nhưng huyền thoại về những nữ công nhân New York lại xuất hiện trên trang báo “L'Humanité”: như chúng ta đã rõ, tờ này không hề được bán như một tờ báo tại nước Mỹ...

Ngoài ra, toàn bộ tư liệu chui ra từ ngòi bút của những người cộng sản trung thành như Yvonne Dumont, Claudine Chomat, Madeleine Colin.

Truyền thuyết về nguồn gốc Mỹ của ngày lễ này đã tồn tại hơn 20 năm, và thậm chí không có một ai thử cố gắng để xác minh tính xác thực lịch sử của nó. Khung cảnh thực sự là rất tuyệt vời và anh hùng: những thợ may Mỹ đổ ra đường tuần hành theo khắp thành phố New York. Họ hô vang các khẩu hiệu về sự bình đẳng tiền lương và giảm giờ làm việc. Những nắm đấm của họ giương lên, và những mái tóc bay bay trong gió. Tất cả đã kết thúc với sự xuất hiện của cảnh sát và cuộc biểu tình của phụ nữ đã bị đàn áp một cách khốc liệt.

Đã từng có vài phương án trang trí được lựa chọn (mặt trời mùa xuân hoặc gió mùa đông lạnh) và các diễn viên thực thụ (các nữ công nhân của một nhà máy dệt hoặc một xưởng may), trong khi đó điểm nhấn được xây dựng trên cuộc đấu tranh chống đàn áp, lời thề tích tụ hàng năm hoặc một tai nạn khủng khiếp tại nơi làm việc” - Françoise Picq kể lại. “Tuy nhiên, tất cả hội tụ về cùng một địa điểm và thời gian (ngày 8-3-1857) và cả ý nghĩa chính trị của sự kiện này”.

Trong mọi trường hợp, câu chuyện này kích thích trí tưởng tượng mạnh hơn nhiều so với một hội nghị xa lạ của những người phụ nữ Xã hội trên nền tổ chức Đệ nhị Quốc tế.

Hơn nữa, vào năm 1977, Françoise Picq cùng bốn đồng nghiệp đã quyết định làm sáng tỏ về nguồn gốc của ngày 8-3 cho tạp chí nữ quyền “Histoires d'Elles”. Vào thời điểm đó, huyền thoại về cuộc đình công New York vẫn ngự trị vững chắc trong nhận thức: “Tất cả các tờ báo nói cùng một câu chuyện, sao chép lẫn nhau”.

Tuy nhiên, kết quả công việc của họ đã khiến bất kỳ một sử gia nào còn có tự trọng phải xanh mặt vì ghen tỵ: “Tiếp cận nguồn gốc, chúng tôi khám phá ra rằng, không có bất kỳ chuyện gì tương tự đã xảy ra! Không có bất kỳ một chuyện gì ở đó cả”. Không có bất cứ một dấu hiệu của bất kỳ một sự kiện nào trên đường phố New York vào ngày 8-3-1857. 

Tại sao “L'Humanité” tạo ra huyền thoại này?

Sau đó, khi các nhà khoa học đã tìm thấy đề cập đầu tiên về huyền thoại này trong bài báo của tờ “L'Humanité” năm 1955, người ta đã tự hỏi: “Tại sao vào giữa lúc căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh lại cần thiết phải tìm ra cho Ngày Phụ nữ một cái nguồn gốc xa xưa và tùy tiện hơn là một quyết định của giới phụ nữ trong đảng? Điều gì làm cho người ta phải cố gắng tách Ngày Phụ nữ khỏi lịch sử Xô-viết?”. Thực sự là, tại sao?
 
Cuối cùng Françoise Picq đã đi đến kết luận rằng những căng thẳng nội bộ trong phong trào cộng sản, sự khác biệt giữa Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) và Liên hiệp Phụ nữ Pháp (UFF): “Madeleine Coghlan muốn một lần nữa lấy ngày 8-3 làm một phần của cuộc đấu tranh công nhân. Còn UFF đã biến nó thành một cái gì đó đại khái giống như ngày lễ của các bà mẹ, như ở Liên Xô”. Ở phương Đông, ngày 8-3 hầu như không thể mô tả như một ngày đấu tranh được.
 
Phụ nữ được phép kết thúc giờ làm việc sớm hai giờ đồng hồ, và họ có thể rẽ vào các tiệm uốn tóc” - Françoise Picq cho biết. Ý tưởng là để “đặt ra một đối trọng cho cuộc đấu tranh của người lao động đối với ngày lễ cộng sản của phụ nữ”. Thậm chí nếu nó là cần thiết thì cần phải gắn cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đối với nước Mỹ?

Những sự kiện mà đã có thể sử dụng làm cơ sở cho huyền thoại này và sự xuất hiện những tranh cãi xung quanh nó cho đến bây giờ vẫn còn ẩn trong một bức màn bí mật” - Françoise Picq thừa nhận. “Tuy nhiên, không thể không nhận thấy tốc độ lan tỏa của nó. Mọi thứ dường như, nôm na là nó trở thành câu trả lời cho một kỳ vọng không có khuôn mẫu nào đó”.

Với sự phổ biến của huyền thoại ngày, Ngày Phụ nữ đã trở thành một ngày lễ mang tính quốc tế. Phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền ở Mỹ đánh giá cao gốc rễ New York mà người ta đặt ra cho nó và gắn cái ngày lễ này vào nước Mỹ. Trong những năm của thập kỷ 70, nó đã được lấy làm vũ khí của tất cả các phong trào nữ quyền.

Năm 1977, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra sáng kiến dành một ngày kỷ niệm cho các quyền của phụ nữ và hòa bình trên toàn thế giới. Năm 1982, Bộ trưởng về các quyền của phụ nữ Yvette Roudy chính thức cho du nhập Ngày Phụ nữ vào nước Pháp.

Chúng tôi đã muốn giải thích cho Yvette Rudy, rằng tất cả điều này là một huyền thoại không được khẳng định”, Françoise Picq nhớ lại. “Tuy nhiên, huyền thoại này lại phù hợp một cách tuyệt vời với bộ trưởng: nó tôn vinh cuộc đấu tranh của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giai cấp”.

Huyền thoại về ngày 8-3-1857 đang dần bị lãng quên, mặc dù nó vẫn còn một vài nguồn cơn chống đối, chẳng hạn, ở ngay chính tòa báo “L'Humanité”.

Ngày này đã từ lâu đi vào giới báo chí, nhưng dù sao chăng nữa nó cũng cho phép người ta theo dõi sự tiến triển các vấn đề then chốt trong bất kỳ thời điểm nào” - Françoise Picq đưa ra kết luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày lễ này đối với cuộc đấu tranh vì các quyền của phụ nữ.

Tác giả bài viết: TrueHunter chuyển ngữ, từ Kiev