Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÁU NGƯỜI HUNG KHÁM PHÁ NƯỚC MỸ

(NCTG) “Dân tộc nào cũng có những người tử tế nhưng tôi nghĩ khi quan sát sự tiếp đón xuất phát từ tình cảm bên trong mà những vị khách Hung này nhận được, nước Mỹ quả là có một sự cởi mở chân tình đặc biệt, không khoa trương đối với những người lạ”.

Người tị nạn Hungary sau cách mạng 1956 - Ảnh tư liệu

LTS:Kể từ cuộc cách mạng 1956 và làn sóng di tản của rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Hung, thế giới luôn có sự chú ý đặc biệt tới Hungary, nhất là trong những năm dài thời Chiến tranh lạnh.

Bài dịch sau đây của Mai Việt từ nguyên bản tiếng Anh “Six Hungarians Discover America” (The Donella Meadows Archive, Sustainability Institute) cho thấy một cái nhìn ngồ ngộ, nhưng rất đáng để tâm, về đất nước và con người Hungary, trong mắt Phương Tây thời ấy. (BBT)

*

Tôi vừa may mắn được tháp tùng sáu vị khách người Hung trong một chuyến du lịch xuyên Mỹ. Cả sáu người đều là các chuyên gia về nông nghiệp. Họ đến thăm quan các trang trại của chúng tôi.

Từ họ, tôi cũng đã học được nhiều điều về nước Mỹ, theo cách đặc biệt mà tôi luôn học được từ những người nhìn cái thế giới quen thuộc của tôi với con mắt và cách suy nghĩ đã quen với một thực tế rất khác.

Những người Hung này là những người mà chúng ta gọi là cộng sản. Đất nước nhỏ bé của họ đang bị Liên Xô kiểm soát. Năm 1956, họ tìm cách phá vỡ sự kiểm sát của Liên Xô và đã thành công một phần. Họ đã nhận được sự tự do và thịnh vượng nhiều hơn so với các nước Đông Âu khác, nhưng vẫn bị quân đội Xô-viết chiếm đóng, vẫn bị ràng buộc bởi các hiệp định thương mại do Liên Xô áp đặt, và vẫn ý thức về một Sự Hiện Diện đầy quyền lực ở biên giới phía Đông Bắc. Thông tin của họ về nước Mỹ bị chính phủ kiểm soát và rất hạn chế. Phần lớn những điều mà họ thấy là mới đối với họ và nhiều trong số đó là tuyệt vời.

Chủ nghĩa tiêu dùng của chúng ta đã làm cho họ bị choáng ngợp, giống như đối với hầu hết các vị khách từ Phương Đông. Họ đứng lặng đi trong các siêu thị với niềm thán phục. Họ thích các cửa hàng bách hoá. Họ nghĩ rằng Burger Kings thật lớn. Họ nói: Thật là sạch”. Họ thích xem mọi người tự mang thức ăn của mình đến bàn ăn và sau khi ăn chuyển các khay ăn đến chỗ để khay. Họ nghĩ điều đó thật sự là xã hội chủ nghĩa.

Tôi đã chỉ ra rằng chúng ta đã tạo ra biết bao rác rưởi trong bữa ăn nhanh, hy vọng rằng họ, giống như tôi, sẽ nhận thấy trong đó một sự lãng phí quá lố các tài nguyên. Nhưng họ đã bị ấn tượng bởi sự giàu có đến mức có thể lãng phí các tài nguyên. Họ hỏi rằng những đồ rác này sẽ được đưa đi đâu, câu hỏi đã dẫn đến cuộc trò chuyện của chúng tôi về cách nước Mỹ xử lý chất thải rắn. Họ rất ngạc nhiên về ý tưởng các cuộc điều trần công khai và bỏ phiếu về việc sẽ đặt các bãi đổ rác ở đâu. ở đất nước của họ thì những điều này do nhà nước quyết định.

Một buổi tối, chúng tôi đến sân bay muộn và được đón bằng chiếc xe tải của một viện nghiên cứu nông nghiệp. Như chúng tôi đã sắp xếp, người lái xe đưa cho tôi chùm chìa khoá và tôi chở mọi người đến một khách sạn nhỏ, nơi chúng tôi sẽ ở đó. Mấy vị khách người Hung vô cùng ngạc nhiên hỏi: “Không cần giấy tờ gì và cũng không phải ký gì hết sao? Họ đưa cho anh chìa khoá xe ô tô của cơ quan một cách dễ dàng thế ư?” Kể từ đó, họ cũng nhận thấy được sự dễ dàng tiện lợi trong mọi giao dịch như thuê ô tô, làm thủ tục vào khách sạn, sao chép tài liệu, dịch vụ sửa chữa -, những thứ mà ở nước họ sao mà đầy rẫy các thủ tục quan liêu cửa quyền, chẳng bù cho ở đây, vừa đơn giản vừa tiện lợi.

Họ cảm thấy rất ấn tượng bởi các ngôi nhà chọc trời ở New York và các chiếc cầu ở San Francisco, nhưng đối với họ điều kỳ diệu nhất của nước Mỹ là đất cày ở Iowa. Họ nói: “Các anh chỉ cần gieo hạt giống xuống đây và trồng gì cũng được”. Và vì những người nông dân Hung giầu có hơn những người ở thành thị và có công việc đảm bảo cả đời nên họ không thể hiểu tại sao lại có người làm việc trên những mảnh đất màu mỡ ở Iowa lại có thể bị lâm vào cảnh bần cùng.

Họ yêu cầu tôi giải thích. Tôi còn đang nghĩ xem nên giải thích thế nào. Có rất nhiều thứ tôi không thể giải thích. Tại sao chỉ một gia đình lại có thể sở hữu cả Trung tâm Rockefeller? Tại sao lại có những người vô gia cư trên các đường phố ở New York?

Một buổi sáng, chúng tôi được mời đến Câu lạc bộ Elks để ăn sáng. Lối vào được trang hoàng đầy những bức ảnh của những người nổi tiếng cùng những bộ trang phục. Họ hỏi: “Đây thuộc bên quân sự hay hoàng gia?” Không phải, đây chỉ là một câu lạc bộ phục vụ cho việc giao tiếp xã hội và các dịch vụ cộng đồng. Họ nhận thấy trên tường treo đầy những bản sao của các hiệp định hoà bình lịch sử. “Nhưng đây là những tài liệu làm bẽ mặt những dân tộc khác”, những người khách Hung nói. “Tại sao lại treo chúng lên tường?”. Tôi không biết trả lời như thế nào.

Họ không thích truyền hình của chúng ta. “Chỉ toàn là tuyên truyền”, họ nói. Tôi nói với họ rằng họ dùng sai từ rồi, không phải là tuyên truyền mà là quảng cáo. Họ hỏi tôi sự khác nhau là gì. Liệu bạn có trả lời được điều đó không? Tuy nhiên, họ rất ấn tượng bởi sự đối đầu giữa báo chí và các quan chức nhà nước. “Chúng tôi không bao giờ dám hỏi các lãnh đạo của mình như vậy”.

Cuối chuyến đi, tôi hỏi các vị khách Hung rằng họ sẽ nói gì với người thân quen ở nhà về nước Mỹ. “Chúng tôi sẽ nói rằng tất cả mọi người đều không giống Ronald Reagan và Caspar Weinberger”. Đó là những người Mỹ mà họ hay gặp nhất trên truyền hình, luôn luôn với bộ mặt lạnh lùng và hiếu chiến.

Những người Hung đã gặp ở khắp nước Mỹ những người mà họ đã gọi là những người Mỹ thực sự - đó là những người nông dân trong bộ quần áo Jeans bàn luận những điều thú vị nhất về cách nuôi lợn, những nhà nghiên cứu đã mời họ đến nhà chơi và ăn cơm, những người thanh niên đã trao đổi với họ các bài hát dân ca, những người ở khắp mọi nơi đã quan tâm đến họ không phải với tư cách là những kẻ thù về tư tưởng mà với tư cách là những con người.

Dân tộc nào cũng có những người tử tế nhưng tôi nghĩ khi quan sát sự tiếp đón xuất phát từ tình cảm bên trong mà những vị khách Hung này nhận được, nước Mỹ quả là có một sự cởi mở chân tình đặc biệt, không khoa trương đối với những người lạ.

Tại sao người dân Mỹ lại thân thiện hơn nhiều so với chính phủ của các anh?”, một trong những vị khách Hung hỏi tôi.

Tôi cũng không biết trả lời câu hỏi này như thế nào.

Tác giả bài viết: Mai Việt chuyển ngữ, từ Hà Nội