Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN XÔ THÔNG QUA MỘT BÀI BÁO VÀ VÀI NHÂN VẬT LỊCH SỬ

(NCTG) Cho đến khi tôi viết những dòng này thì Liên Xô đã không còn từ 7-8 năm trước, chỉ còn một nước Nga mà báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam thường nhắc đến một cách rất “tiêu cực”: nghèo khổ, tệ nạn xã hội đầy rẫy, giới lãnh đạo thối nát, nhân dân mất hết niềm tin, v.v... và v.v...

Một thời “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ...” - Minh họa: đồng hồ Liên Xô hiệu Poljot mạ vàng AU20, lên dây cót, có chuông/rung sản xuất tại Liên Xô vào thập niên 60-70 thế kỷ trước - Ảnh: muabanraovat.com

Chẳng nề hà gì, người ta tha hồ bêu xấu cả ông Trốp (Gorbachev) lẫn ông En (Eltsin) (chỉ có ông Stalin là nhiều khi vẫn được “khen”!) và còn đâu cái tình hữu nghị “môi hở răng lạnh” vô cùng thắm thiết giữa người em út (Việt Nam) và ông anh cả (Liên Xô) trong phe XHCN?

Tuy nhiên, dường như hình ảnh Liên Xô (và hậu duệ của nó, nước Nga) vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Tôi vẫn thường nghe những danh từ “Mát” (Moscow), “Len” (Leningrad, bây giờ là St. Peterburg), “cụ Đốt” (Dostoyevsky)... từ cửa miệng rất nhiều người.

Rõ ràng là dân Việt ta, dù ở vào thời tranh tối tranh sáng của “kinh tế thị trường định hướng XHCN” với ảnh hưởng nặng nề của lối sống được du nhập từ phương Tây (hay Hàn Quốc, Hồng Kông…), nhưng đa số có lẽ vẫn còn giữ một hoài niệm rất mạnh mẽ về Liên bang Xô-viết.

Bản thân tôi vẫn chưa quên cái thời dân Hà Nội, hễ cứ thấy người ngoại quốc là “vu” ngay thành “ông chuyên gia Liên Xô” và trẻ con thì chạy hàng đoàn để ngắm các ông bà Liên Xô to béo, mũi lõ, hay xuất hiện ở khu tập thể Kim Liên: bọn tôi vừa lẵng nhẵng theo sau vừa hò hét một bài đồng dao hiện đại, nội dung rất nhảm nhí, mà tôi không rõ xuất xứ ở đâu: “Ông Liên Xô, bà Trung Quốc, ông đi guốc, bà đi giày, ông nhảy dây...” (đoạn cuối quên mất rồi!)

Cái hoài niệm này còn kéo dài mãi cho đến những năm tôi đã xa quê hương. Cứ Mundial hay Thế vận hội gì đó là đố ai cấm được bọn tôi cổ vũ cho đội Liên Xô, ngay cả khi Liên Xô chơi dở hết chỗ nói. Phải một thời gian dài, cái quán tính ấy mới dần dần hết đi, nhưng cảm tình với nước Nga, với nền văn hóa truyền thống Nga thì có lẽ vẫn còn mãi mãi.

Trong những ngày gần đây, khi dư luận thế giới lại để ý đến nước Nga - rất tiếc là do những sự kiện tồi tệ: chính phủ thay đổi xoành xoạch, chiến tranh ở Daghestan, khủng bố của quân Chechnya... -, tự nhiên tôi lại nảy ra một ý nghĩ vớ vẩn:

- Đành rằng Việt Nam mình với ông Liên Xô có quan hệ hữu hảo chính thức (“vừa là đồng chí vừa là anh em”) từ sau 1945 (1) rồi. Nhưng không biết, vào cái thuở “hồng hoang” cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã có những mối quan hệ tương giao giữa hai nước hay chưa?

Mối giao lưu này, nếu có, chắc chỉ trên phương diện cá nhân. Tôi đồ là triều đình nhà Nguyễn chắc chưa có ý bang giao gì với nước Nga La Tư xa xôi. Ngược lại, có lẽ Xa hoàng cũng chẳng biết xứ An Nam bé xíu ở đâu nữa. Tựu trung, có thể có một vài khả năng như sau về quan hệ giữa hai nước:

- Quan hệ thương mại: thương gia ta qua Nga buôn bán và ngược lại. (Tôi thấy khả năng này ít vì đường xá qua Nga hồi đó khá trắc trở).

- Quan hệ yêu đương: ví dụ phụ nữ ta lấy đàn ông Nga hoặc ngược lại. (Cái này tôi hoàn toàn chưa có tư liệu).

- Quan hệ “cách mạng”: ví dụ cụ Tôn (Đức Thắng) không chịu theo đế quốc, can thiệp vào Liên Xô (thời nội chiến ở biển Hắc Hải), cụ Hồ sang Nga định gặp Lenin nhưng không thành (năm 1924)...

- Quan hệ chơi bời: ví dụ người nước nọ đi du lịch - thăm thú – thư giãn - giải trí… ở nước kia...

Tôi đang tìm tòi xem mối quan hệ Việt - Nga (Xô) ở buổi khởi đầu ấy có được ghi lại trong sử sách không, thì vớ được một bài báo ra đời cách đây hơn dăm năm. Xin ghi lại như một tư liệu tham khảo.

***

Việt Nam trong con mắt của một nhà thơ Nga đầu thế kỷ

Vào những thập niên đầu của thế kỷ này, một nhà thơ Nga trong một chuyến du hành qua nhiều nước đã dừng chân ghé thăm Việt Nam. Đó là Gumilyov (1886-1921), chồng của cố nữ thi sĩ Anna Akhmatova. Những ấn tượng về cảnh sắc và con người của xứ sở nhiệt đới này đã được ông ghi lại trong một bài thơ in trong thi phẩm “Tòa nhà bằng sứ” (1918). Bài thơ giống như một bức tranh thủy mạc, thể hiện cảm giác hài hòa giữa thiên nhiên và con người mang đâm cốt cách phương Đông. Tiến sĩ văn học N.I.Niculin, một nhà Việt Nam học quen biết, đã phát hiện được bài thơ đáng quí đó. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm này:

Vầng trăng soi giữa trời cao
Gió lùa khóm trúc, ngạt ngào mùi hương
Gia đình đoàn tụ yêu thương
Lão ông nhấp chén trà thơm ven rừng
Câu thơ khẽ cất tiếng ngâm
Trong nhà con trẻ lâm râm học bài
Hài nhi bập bẹ gọi hoài
Phải chăng hạnh phúc trên đời là đây?
Vinh hoa phú quí chẳng say
Chỉ mong để đức sau này cho con.
(Lê Sơn sưu tầm và dịch thơ)

*

Theo như bài báo viết thì rất có thể Gumilev là người Nga nổi tiếng đầu tiên đã quá bộ đến Việt Nam? Tôi còn đi tìm những tư liệu khác, nếu bạn nào có, xin cho hay.

Nhưng Gumilyov là ai? Người Việt chắc ít (hoặc có thể chả bao giờ) nghe đến tên tuổi ông. Tác giả Lê Sơn không nhắc tỉ mỉ hơn về ông, cũng vì một lý do dễ hiểu: Gumilyov đã bị thiệt mạng sau Cách mạng tháng Mười, bởi chính quyền mới.

Nikolay Gumilev, Anna Akhmatova và con trai của họ, Lev Gumilev (ảnh chụp năm 1913)

Nicolay Gumilev là một tên tuổi lớn trong nhóm các nhà thơ Petrograd đầu thế kỷ XX. Năm 1911, ông thành lập “Phường thơ” (Xekh Poetov) thứ nhất, một nhóm văn học chủ trương khởi thảo một cương lĩnh thi ca chống lại những biểu hiện cực đoan của hai trường phái Tượng trưng và Vị lai ở Nga (Akhmatova cũng là thành viên của nhóm này).

Ông cũng là sáng lập viên của “Phường thơ” thứ hai, ra đời năm 1920. Ngoài ra, Gumilev và vợ ông (Akhmatova) còn là hai thành viên chủ lực của nhóm “Đỉnh cao” (Akhmeixti), thành lập năm 1912 ở Petrograd.

Như không ít văn nghệ sĩ, trí thức đương thời, vợ chồng Gumilev không chấp nhận Cách mạng tháng Mười, nhưng họ vẫn ở lại nước Nga. Hai người sống ẩn dật, không tham gia mọi hoạt động “xã hội” đương thời và chỉ chú trọng đến văn học.

Tuy nhiên, thái độ “tiêu cực” đó của Gumilev đã không được chính quyền mới chấp nhận: năm 1921, Gumilev bị vu cáo là “phản cách mạng” và bị cơ quan mật vụ Cheka xử tử. Thi thể của ông bị chôn cất một cách bí mật: người ta thường nói rằng Gumilev là thi sĩ lớn đầu tiên của nước Nga mà dân Nga không được biết nơi yên nghỉ trần thế của ông.

Sau khi Gumilev bị giết, Akhmatova bị liệt vào thành phần “di tản trong nội địa” (2), bà bị cấm viết, bị đối xử tàn tệ và bị đe nẹt rất thô bạo (chẳng hạn, bởi ông “quan văn nghệ” khét tiếng Zdanov, năm 1946), các tác phẩm của bà hầu như không được đăng tải trong hơn ba thập kỷ (thời kỳ 1922-1958).

Gia đình bà cũng bị tan nát: năm 1935, người chồng thứ hai của bà cũng bị cầm tù và sau đó ít lâu, đến lượt con trai duy nhất của bà, giáo sư sử học Lev Gumilev bị bắt giam. Trong cơn tuyệt vọng, Akhmatova đã thiêu hủy nhiều tác phẩm quan trọng khiến các nhà nghiên cứu văn học ngày nay phải ngậm ngùi tiếc rẻ.

Mãi tận tới những năm “cải tổ” ở Liên Xô, dân Nga mới được biết đến những tác phẩm trứ danh của bà, trong đó có “Kinh cầu hồn” (Rekviem), một bản án nhằm vào thể chế độc tài toàn trị Stalinist.

Osip Mandelstam được “phục hồi” trên tem thư Liên Xô vào những ngày tàn của đế chế này (năm 1991)

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị: cộng sự của cặp vợ chồng Gumilev & Akhmatova trong nhóm “Đỉnh cao”, thi sĩ nổi tiếng Osip Mandelstam (1891-1938), là người viết bài phóng sự đầu tiên ở Liên Xô về chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Ogonyok) năm 1923.

Mandelstam cũng bị Stalin vu oan giá họa và bị xử tử trong nhà tù khổ sai năm 1938, thời kỳ được sử sách gọi bằng cái tên “Đại khủng bố”, khi những vụ án ngụy tạo được mở ra như nấm ở Moscow.

Quả điều đáng chú ý, khi hai văn nghệ sĩ Nga lừng danh có dính líu đến Việt Nam ở thời kỳ “tiền khởi” đều phải chịu phận xấu số, hẩm hiu…

Ghi chú:

 (1) Có lẽ, chính xác hơn là từ đầu thập niên 50, khi chủ tịch Hồ Chí Minh có dịp hội kiến nhà độc tài Stalin và những đoàn “du học sinh” đầu tiên của Việt Nam được cử sang xứ sở của Lenin.

 (2) Một cách gọi phổ biến được sử dụng rất rộng rãi đối với toàn thể những người trong giới trí thức Nga, có thái độ phản đối các phương pháp lãnh đạo độc đoán, vô dân chủ và vô nhân đạo dưới triều đại Stalin; về sau, thường thường họ bị cấm sáng tác, bị lưu đày hoặc bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Tác giả bài viết: Trần Lê, 1999