Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHÁT HIỆN MỘT TỘI PHẠM CHIẾN TRANH 97 TUỔI TẠI BUDAPEST

Ngày Chủ nhật 15-7, tờ nhật báo lá cải “The Sun” của Anh đã dành cả hai trang để đăng bài và ảnh về việc tờ báo đã tìm ra tại Budapest Csatáry László, năm nay 97 tuổi, kẻ bị coi là đã đưa 15.700 người Do Thái đến “trại tử thần” Auschwitz trong thời gian diễn ra Đệ nhị Thế chiến.

Csatáry László - Ảnh: Andrew Styczynski (“The Sun”)


Trong danh sách những tội phạm chiến tranh Quốc xã bị tìm kiếm gắt gao nhất trên thế giới do Trung tâm Simon Wiesenthal có trụ sở ở Israel đưa ra, Csatáry László hiện đang đứng đầu. Đáng chú ý là trong Top 10 đó, còn có ba người gốc Hung hiện vẫn chưa bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Cuộc truy tìm gây cấn của “The Sun”

Vào tháng 4 năm nay, Trung tâm Simon Wiesenthal - chuyên săn bắt những tội phạm chiến tranh thời Thế chiến Thứ hai - công bố tờ trình thường niên, trong đó có danh sách 10 cái tên bị tìm kiếm gắt gao nhất trên thế giới. Đứng đầu bảng là một người đàn ông gố Hungary mang tên Ladislaus Csizsik-Csatary.

Theo TS. Efraim Zuroff, người đứng đầu Trung tâm, 10 tháng trước, Trung tâm đã trả 25 ngàn USD cho một nguồn tin đã cung cấp những dữ liệu để có thể tìm ra Csatáry László tại Budapest. Tháng 11 năm ngoái, những dữ liệu này cũng đã được trao cho Viện Công tố Thủ đô Budapest.

Nhật báo “The Sun” cũng nhận được các thông tin trên từ Trung tâm Simon Wiesenthal và họ đã cử các phóng viên sang Budapest để kiếm tìm Csatáry. Trong bài phóng sự, tờ báo cho biết sau khi tìm ra người đàn ông 97 tuổi này, các ký giả đã đi theo khi ông ta ăn vận bảnh bao ra khỏi nhà, lên tàu điện và mua bán tại một TTTM ở gần đó.

Tại đây, Csátáry mua một tờ báo cánh hữu rồi trò chuyện hai tiếng liền với một phụ nữ tóc hung. Rồi ông mua bán rồi xách hai túi ni-lông đầy đồ về nhà. Sau đó, khi các ký giả gõ cửa nhà ông ta để tìm cách trò chuyện, Csatáry đã ra mở cửa, ông mặc áo sơ-mi, quần lót và hoảng hốt khi người phóng viên hỏi về quá khứ của ông.

Không, không, anh đi đi!”, ông ta nói bằng tiếng Anh theo phương ngữ Canada và không cho nhà báo vào nhà. Khi vị ký giả hỏi ông có phủ nhận những cáo buộc hay không, Csatáry đáp, “tôi không làm chuyện đó, anh biến khỏi đây đi!”, rồi sập cửa lại.


Những hình ảnh của Csatáry László do nhóm ký giả “The Sun” ghi nhận tại Budapest

Nhật báo Anh tìm được nhiều bằng cứ để chứng tỏ người đàn ông nọ chính là Csatáry. Chẳng hạn, vài ba tuần nay ông ta mới chuyển đến căn hộ mới, nhưng ở nơi ở cũ - nơi con gái ông đứng tên - hàng xóm gọi ông ta là “ông Csatáry”, còn tại chỗ ở mới thì hòm thư có đề tên “Smith L. Csatary”.

Thủ lĩnh hiến binh tàn bạo tại Kassa

Theo những thông tin hiện có, mùa xuân năm 1944, Csatáry László là Tư lệnh Lực lượng Hiến binh Hoàng gia Hungary tại Kassa, một thành phố thời đó thuộc lãnh thổ Hungary, sau Thế chiến thứ Hai bị sát nhập Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Slovakia) với cái tên Kosice.

Ông ta được coi là đã tổ chức khu ghetttó và chỉ đạo để đưa 15.700 người gốc Do Thái từ Kassa đến trại tập trung vày hủy diệt Auschwitz, khi đó đã được phát-xít Đức cho vận hành được 4 năm với mục đích diệt chủng Do Thái và một số sắc dân bị coi là “hạ đẳng” khác.

Chỉ có vài trăm nhân chứng sống sót sau khi Auschwitz được giải phóng vào mùa xuân 1945 và theo lời họ, Csatáry là một kẻ tàn ác, thường dùng roi huấn luyện chó để quật những phụ nữ Do Thái khi họ đang bị giam tại ghetto ở Kassa để chờ bị đưa đi “trại tử thần”.

Csatáry còn hay bắt họ dùng tay đào hố trên nền đất đóng băng trong tiết trời giá rét, và ra lệnh cho cảnh binh bắn bỏ tất cả những ai muốn trốn chạy.  Về sau, các luật sư Canada của ông ta thì biện bạch rằng, Csatáry chỉ có vai trò hạn chế trong việc đày ải sắc dân Do Thái đến Auschwitz.


Giới hiến binh Hungary nắm quyền sinh quyền sát tại Kassa thời kỳ Thế chiến thứ Hai

Sau năm 1945, Csatáry trốn chạy khỏi Kassa - năm 1948, ông ta bị tòa án Tiệp Khắc tuyên án tử hình vắng mặt. Lẩn náu tại Canada với tên khác, Csatáry làm nghề buôn cổ vật trong vài chục năm tại Montreal và Toronto. Năm 1997, khi bị phát giác, ông ta bị Canada tước quốc tịch và chuẩn bị cho dẫn độ trên cương vị một tên tội phạm chiến tranh.

Tuy nhiên, một lần nữa Csatáry lại thoát hiểm bằng cách trốn thoát khỏi Canada và trong vòng 15 năm, không ai biết ông ta ở đâu. Cho đến cuối năm ngoái, khi Trung tâm Simon Wiesenthal tìm ra manh mối của ông già 97 tuổi này.

Một phần công luận Hung muốn “cho công lý một cơ hội cuối cùng”

Ngay sau khi thông tin trên tờ nhật báo Anh được loan đi, Đảng Xã hội Hungary (MSZP) - hiện là đảng đối lập lớn nhất tại Hung - đã ra thông cáo bày tỏ niềm vui mừng, cho dù, theo lời họ, điều này chứng tỏ rằng những phóng viên điều tra một tờ báo lá cải của Anh còn có hoạt động hiệu quả hơn Viện Công tố Hungary.

Ban lãnh đạo Đảng Xã hội Hungary cũng chờ đợi rằng cảnh sát Hungary sẽ bắt giữ Csatáry trong thời gian ngắn nhất và cơ quan công tố sẽ thực hiện thủ tục buộc tội tên tội phạm chiến tranh này một cách càng nhanh càng tốt.

Ngày hôm qua, Thứ Hai 16-7, nhiều thành viên các tổ chức chống phát-xít đã tập trung trước hai căn hộ được cho là chỗ ở trước đây và hiện tại của Csatári với những biểu ngữ bằng hai thứ tiếng Hung - Anh như “Chúng tôi không bao giờ quên!”, “Hãy cho công lý một cơ hội cuối cùng!”, v.v...


Không bao giờ quên! - Ảnh: Pályi Zsófia (origo.hu)

Tuy nhiên, đã không ai mở cửa tại ngôi nhà mà những người biểu tình cho rằng Csatáry đang sống và ẩn náu - cuối cùng, cánh cửa căn hộ đã bị các biểu tình viên dán đầy những hình ảnh mang tính biểu tượng để thể hiện quan điểm chống phát-xít của họ.

Chính quyền Hung bị nghi ngờ “án binh bất động”

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Đức dpa, Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal, ông Efraim Zuroff tỏ ra ngờ vực trước quyết tâm chính trị của chính quyền Hungary trong việc truy trách nhiệm hình sự Csatáry László và đưa tên tội phạm chiến tranh này ra tòa.

Ông Zuroff lý giải nghi vấn này bằng những thực tế: năm 2006, ông đã cung cấp một số bằng cứ cho Viện Công tố Hungary và đến tháng 9-2011, ông đã đưa hẳn địa chỉ của Csatáry cùng một số thông tin khác cho phía Hung, nhưng dường như phía Hungary không vội vã và tích cực trong chuyện này.

Tuần qua, ông Zuroff đã đích thân có mặt tại Budapest trong khuôn khổ buổi ra mắt cuốn sách nhan đề “Chiến dịch Cơ hội Cuối cùng - cuộc chiến quy trách nhiệm những tên tội phạm chiến tranh Quốc xã”. Ông Zuroff cho hay ông đã tới Viện Công tố TP Budapest để đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn, không cho Csatáry lẩn trốn khỏi Hungary.

Trong thông cáo ra ngày Chủ nhật, ông Zuroff cũng nhấn mạnh: tội trạng của Csatáry không thể bị thời gian làm mờ nhạt và “tuổi cao không thể là sự biện hộ cho những kẻ đã tham gia quá trình diệt chủng holocaust”. Ông cũng cho biết thêm, đã tìm được một người Do Thái ở Kassa thời 1944, sống sót qua địa ngục holocaust và khẳng định rằng 9 thân nhân của mình đã bị Csatáry đưa vào cõi chết.

Trên cơ sở đơn tố cáo của Trung tâm Simon Wiesenthal, một cuộc điều tra đã được mở từ tháng 9-2011. Tuy nhiên, tháng 4 năm nay, khi cái tên Csatáry László được công bố đứng đầu danh sách 10 tên tội phạm chiến tranh bị lùng kiếm gắt gao nhất thế giới, thì cơ quan chức năng Hungary vẫn chỉ thu thập dữ liệu chứ chưa hề tuyên bố tên nghi phạm trong vụ án.



Ngoài ra, các phóng viên tờ báo Anh sau khi tác nghiệp tại Budapest cũng đã trao cho Viện Công tố Budapest một số thông tin về Csatáry, nhưng phía Hung cho biết, những dữ liệu này không có gì mới so với những gì họ đã nhận được từ Trung tâm Simon Wiesenthal và vẫn tỏ ra lừng chừng trong vụ án này.

Bằng cứ là trên hết

Dường như để lý giải những cáo buộc về việc không tích cực điều tra trong vụ Csatáry, Viện Công tố Budapest đã ra một thông cáo để lưu ý rằng điều điều tra những hành vi đã xảy ra gần 70 năm trước tại lãnh thổ của một nước khác (hiện là Cộng hòa Slovakia) là rất khó khăn.

Các thẩm phán điều tra Hungary phải tìm kiếm và xem xét những bằng cứ văn bản đương thời trong các kho lưu trữ của Hungary và nước ngoài, chẳng hạn, những hồ sơ hình sự và tư pháp của Hungary và Tiệp Khắc thời kỳ 1945-46 và 1947-48.

Rất quan trọng trong cuộc điều tra là phải tìm được các nạn nhân, các bị hại hiện vẫn còn sống, để có thể trực tiếp tường thuật về những sự kiện thời đó. Do các nạn nhân đều sinh sống rải rác ở nhiều quốc gia, cần thực hiện điều đó thông qua các hiệp định hỗ trợ tư pháp quốc tế.

Viện Công tố Budapest cho biết, hiện tại Viện chưa thể coi Csatáry là nghi can vì trước hết cần giải đáp những vấn đề được đặt ra trong cuộc điều tra, thì mới có thể làm sáng tỏ một cách chính xác những tình tiết vụ án và ấn định những biện pháp điều tra tiếp tục trong tương lai.

Như thế, rất có thể vụ án Csatáry cũng sẽ đi theo chiều hướng như trường hợp của Képíró, một đại úy hiến binh thời Thế chiến thứ Hai, đã áp tải nhiều nạn nhân có tên trong “danh sách đen” trên cơ sở sắc tộc đến cho các lực lượng quân đội hành quyết. Cách đây 1 năm, ở tuổi 97, Képíró đã bị ra tòa, nhưng Tòa sơ thẩm đã tuyên bố tha bổng ông ta.


Dù có thể không bị tòa kết án, Csatáry László đã phải chịu sự lên án của các đồng hương - Ảnh: Pályi Zsófia (origo.hu)

Lý do được đưa ra là không đủ những bằng cứ mang tính xác quyết chứng tỏ bị cáo ý thức được hậu quả hành vi của mình, xét trên góc độ luật pháp. Trong trường hợp Csatáry cũng rất có thể như vậy: thời gian trôi qua đã quá lâu, những nhân chứng trực tiếp không chắc đã đưa ra được bằng cứ thuyết phục.

Như quan điểm của GS Sử học Karsai László, quả thực những hành vi bạo hành của Csatáry với người Do Thái ở ghetto TP Kassa là “vô nhân đạo, dã man”. Ngoài ra, Csatáry rất có thể “đã biết hoặc đã đoán được” rằng những nạn nhân do ông ta chuyển đi Auschwitz là sẽ vào chỗ chết, nhưng không thể chứng tỏ được điều này trước tòa.

Điều đó cho thấy, không dừng lại ở mức cảm tính, giới sử học và tư pháp thời nay đã rất quan tâm tới những bằng cứ mang tính xác quyết xét trên góc độ pháp luật, để các phiên xử tránh khỏi những yếu tố chính trị, dàn dựng, ngụy tạo như đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mặc dù bị phán xét và lên án về mặt đạo đức, nhiều tên tội phạm - trong số đó rất có thể có cả Csatáry László - sẽ không bao giờ bị nhận hình phạt thích đáng với những tội ác do họ gây ra...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest