Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ CÁI GỌI LÀ “THIÊN TÀI QUÂN SỰ” STALIN (Phần 3)

(NCTG) “Liên Xô đã không ngăn nổi quân thù tiến sâu vào nội địa đất nước, chứ không hề có chuyện là Stalin “sáng suốt” theo chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” mà Kutuzov đã dùng để đánh bại quân Napoleon ngày xưa, để nhử Đức vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô rồi mới tiêu diệt”.

Nguyên soái vĩ đại Mikhail Tukhachevsky (1893-1937), một trong 5 nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô (được tấn phong năm 1935), bị kết án tử hình với tội danh ngụy tạo
“làm gián điệp cho Đức” - Ảnh tư liệu

Trong hai phần trước của loạt bài này, chúng ta đã được xem những ý kiến của nguyên soái Zhukov bác bỏ cái gọi là “thiên tài quân sự” Stalin. Tuy nhiên, người phê phán Stalin mạnh mẽ nhất về mặt quân sự - và cũng là người có thẩm quyền để nói về Stalin - là Khrushchev, hậu duệ Stalin trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô.

“Thiên tài quân sự” Stalin đã được Khrushchev đề cập khá toàn diện trong bản báo cáo “mật” đọc tại phiên họp kín của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng vì nó được viết ra từ một người “trong chăn” thứ thiệt (1).

Trong văn kiện trên, Khrushchev đã để một chương lớn mang tựa đề “Stalin và cuộc chiến tranh” để nói về những sai lầm quân sự tệ hại của Stalin trước và trong chiến tranh.

 
*

Stalin đã có vai trò như thế nào trong cuộc chiến Vệ quốc, dưới cái nhìn của Khrushchev, trước hết là thời kỳ khi Đức chưa và mới tấn công Liên Xô?

Khrushchev bác bỏ huyền thoại mà giới tuyên truyền Liên Xô thời chiến tranh - chiều theo tệ “sùng bái cá nhân” - cho rằng Stalin có vai trò quyết định trong chiến thắng của Hồng quân Liên Xô: Stalin đã tiên đoán trước tất cả, đã vạch ra chiến lược chống Đức theo kiểu “phòng ngự tác chiến” (cho phép lính Đức tràn vào tận Moscow và Stalingrad rồi chuyển thế thủ thành thế công và đánh bại quân thù).

Sự thực, sau khi ký Hiệp ước bất tương xâm với Đức (năm 1939) để chia vùng ảnh hưởng, mặc dù phát-xít Đức đã không giấu giếm ý đồ bá quyền và thôn tính Châu Âu, nhưng Stalin vẫn tỏ ra rất chủ quan, “mũ ni che tai” và sau này, ông ta lại làm như thể Liên Xô đã bị tấn công bất ngờ một cách bội tín.

Stalin đã không hề cảnh giác khi:

- Hitler thiết lập đủ các loại hiệp ước và khối trục, chuẩn bị ráo riết cuộc tấn công chống Liên Xô và tập trung những lực lượng quân sự lớn (trong đó có các quân đoàn thiết giáp) ở dọc biên giới Liên bang Xô-viết.

- Từ đầu tháng 4-1941, thủ tướng Anh Churchill đã cảnh báo Stalin về việc nước Đức Quốc xã chuẩn bị tấn công Liên Xô. sau đó, Churchill còn gửi nhiều điện tín cho Stalin để nhấn mạnh hiểm họa này, nhưng Stalin không hề để ý, thậm chí còn hạ lệnh cho mọi người đừng tin vào những thông tin kiểu ấy để tránh “gây ra những cuộc hành quân”.

- Ngay trước khi quân Đức xâm chiếm lãnh thổ Liên Xô, một công dân Đức đã vượt biên giới và báo tin Đức được lệnh tấn công Liên Xô vào lúc 3 giờ sáng ngày 22-6. Tin này được thông báo ngay cho Stalin nhưng Stalin vẫn hoàn toàn bỏ qua!

- Nhiều nguồn tin quân sự và ngoại giao của Liên Xô (chẳng hạn, từ Berlin, London) cũng đã đưa ra những thông tin tương tự, nhưng ban lãnh đạo đã nhận được lệnh... không được tin vào những nguồn tin đó.

Khrushchev thừa nhận rằng trong những ngày đầu chiến tranh, quân lực Liên Xô được vũ trang tồi tệ, không đủ đại bác, chiến xa và phi cơ để đẩy lùi quân Đức, cho dù trước Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô đã có các loại chiến xa và đại bác tuyệt diệu. Có điều, trong thời gian ngắn ngủi, kỹ thuật quân sự Đức đã tiến bộ vượt bậc và Liên Xô thì ở vào trạng thái “ù lỳ” do Stalin chủ trương án binh bất động: vũ khí cũ đã bị loại bỏ, nhưng vũ khí loại mới lại chưa được sản xuất.

Đến nỗi, thời kỳ đầu Thế chiến, chẳng những Liên Xô thiếu chiến xa, pháo binh và phi cơ, mà còn không đủ cả súng trường để cung cấp cho số binh lính mới được điều động.

Chẳng những thế, trước nguy cơ rõ ràng từ phía phát-xít Đức, Stalin còn bỏ qua đề nghị của các tướng lĩnh quân sự Liên Xô - như thiết lập hệ thống đại phòng thủ, di tản cư dân sự khỏi các vùng giáp biên giới, xây dựng những đầu mối phòng ngự... - vì cho rằng những biện pháp như thế chẳng khác gì khiêu khích Đức, khiến quân Đức có cớ tấn công Liên bang Xô-viết.

Ngay cả khi phát-xít Đức thực sự xâm lấn lãnh thổ Xô-viết (qua những tuyến biên giới hầu như bỏ ngỏ), Stalin vẫn ra lệnh không được bắn trả vì tưởng chiến tranh chưa xảy ra, và đây chỉ là hành động khiêu khích của vài đơn vị vô kỷ luật của quân đội Đức, nhằm kiếm cớ tấn công Liên Xô nếu Liên Xô chống trả!
 

Nguyên soái Konstantin Rokossovsky (1896-1968) bị bắt năm 1937, bị tra tấn và cầm tù tới năm 1941 mới được thả. Năm 1956 được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan - Ảnh tư liệu

Thái độ thản nhiên, coi thường những sự kiện rành rành ấy” của Stalin, theo Khrushchev, đã đem lại hậu quả thảm khốc: ngay trong những ngày giờ đầu cuộc chiến, ở các vùng biên giới, quân Đức đã phá hủy phần lớn không quân, pháo binh và các trang bị quân sự khác của Liên Xô, đã sát hại một phần đáng kể các cán bộ quân sự và phá hoại Bộ Tham mưu Quân sự của ta.

Liên Xô đã không ngăn nổi quân thù tiến sâu vào nội địa đất nước, chứ không hề có chuyện là Stalin “sáng suốt” theo chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” mà Kutuzov đã dùng để đánh bại quân Napoleon ngày xưa, để nhử Đức vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô rồi mới tiêu diệt.

Đặc biệt, trong văn kiện này, Đảng Cộng sản Liên Xô - thông qua Khrushchev - đã chính thức thú nhận về những vụ thanh trừng đẫm máu trong quân đội vào cuối thập niên 30, khiến Hồng quân suy yếu tột độ và không còn sức chiến đấu khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô. Khrushchev cho rằng thời kỳ 1937-1941, do bản tính đa nghi và dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, Stalin đã thủ tiêu nhiều cán bộ lãnh đạo quân sự và chính trị: các cuộc đàn áp đã triệt hạ nhiều tầng lớp cán bộ quân sự từ cấp đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng đến những lãnh đạo quân sự cấp cao nhất.

Các nhà lãnh đạo quân sự từng kinh qua chiến trận ở Tây Ban Nha và Viễn Đông đã bị thủ tiêu gần hết; người ta đã gợi ý sĩ quan các cấp, thậm chí cả binh lính trong đảng và trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol phải “vạch mặt’’ chỉ huy của họ như kẻ thù giấu mặt, khiến kỷ luật quân đội hoàn toàn tan vỡ. Nhiều tướng lĩnh lỗi lạc đã bị giết hại hoặc thiệt mạng trong nhà tù hoặc các trại lao động khổ sai; nhiều người khác, sau này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, như các nguyên soái Rokossovky, Maretskov, đại tướng Gorbatov... thì bị tù tội và tra tấn dã man.

Khrushchev kết luận: “Tình trạng ấy đã diễn ra vào đầu cuộc chiến và tạo nên mối hiểm họa lớn cho tổ quốc chúng ta!”.

Ghi chú:

(1) “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” (bản tiếng Hung được NXB Kossuth ấn hành năm 1988).

(2) Hiệp ước này, trong thực tế, chia đôi Ba Lan với Đức và nghiễm nhiên cho phép Liên Xô thôn tính Phần Lan, ba nước vùng vịnh Baltic và vùng Bessarabia của Romania; ngược lại, phát-xít Đức được rảnh tay ở phía Tây. Dạo đó, Dân ủy Ngoại giao Liên Xô Molotov từng công khai chào mừng những chiến thắng của Hitler ở Pháp.

(2) Trong hai năm 1937-1038, ba nguyên soái Tukhachevsky, Blucher, Egorov (trên tổng số 5 nguyên soái của Liên Xô); các đại tướng Yakir, Alksnis, Belov, Kachirine, Kork, Uborevich, Eideman, Feldman, Primakov, Putna; các thủy sư đô đốc Orlov, Victorov, Sivkov... đã bị thanh trừng.

Trong năm 1938, tới 98 (trên tổng số 108) thành viên Hội đồng Quân sự (thành lập năm 1934) và nhiều tướng tá khác bị giết hại. Ước tính, có tới 30.000 thượng và hạ sĩ quan bị xử bắn, khoảng 70.000 tư lệnh quân đội bị sa thải và tù đày.

Tác giả bài viết: Trần Lê - Kỳ sau đăng tiếp